Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 25/07/2022, 07:37 (GMT+7)
Chính sách đối với người có công luôn được quan tâm nhất quán, thường xuyên

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta. Đó là chính sách đặc biệt, thực hiện cho những đối tượng đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.

Không ngừng hoàn thiện chính sách

Phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, 75 năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16/02/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, với ba đối tượng và hai chính sách đầu tiên, đến nay hệ thống chính sách ưu đãi người có công từng bước được hoàn thiện, đối tượng ưu đãi được mở rộng lên 12 đối tượng, cơ bản đã bao phủ được hết các đối tượng người có công với cách mạng.

Ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay gọi là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng). Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã trải qua 07 lần sửa đổi vào các năm: 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và 2020. Đây là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý để các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Gần đây nhất, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 được thông qua ngày 09/12/2020, gồm 07 chương và 58 điều; trong đó, bổ sung 02 chương mới: “Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ” và “Nguồn lực thực hiện”; bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều trên cơ sở kế thừa các quy định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn thời gian trước. Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và bổ sung đối tượng người có công và thân nhân, như: người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.

Pháp lệnh cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn. Chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng, cụ thể hơn. Quy định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; chế độ trợ cấp mai táng; bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hàng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá và quy định mức trợ cấp hàng tháng với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.

Năm 2021, để hướng dẫn triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công được nghiên cứu xây dựng chặt chẽ, khoa học, ban hành tương đối toàn diện và đầy đủ, kịp thời, đảm bảo chất lượng thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Cùng với bảo đảm chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được ban hành và thực hiện, như: chính sách ưu đãi về nhà ở; chính sách ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đối với con của người có công; chăm sóc sức khoẻ; ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công,... tạo điều kiện cho con em họ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hệ thống cơ sở sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công bao gồm: các cơ sở nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng, điều dưỡng luân phiên, các trung tâm chỉnh hình đã có nhiều hoạt động hiệu quả. Các cấp, ngành, địa phương tích cực giải quyết những phát sinh và tồn đọng, như: xác nhận, công nhận người hưởng chính sách ưu đãi, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định ADN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên thương binh, bệnh binh Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng. Ảnh: qdnd.vn

Với vai trò chủ đạo, Nhà nước đã bảo đảm ngân sách để chi trả trợ cấp ưu đãi đối với người có công. Nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện ưu đãi xã hội hằng năm được điều chỉnh căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng đáp ứng ngân sách. Đời sống người có công không ngừng được nâng lên, mức chuẩn trợ cấp tăng từ 1.318.000 đồng (năm 2015) lên 1.624.000 đồng (năm 2020). Đến nay, cả nước có 98,6% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; giải quyết dứt điểm, không còn hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, sự hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà tình nghĩa”, “Vườn cây tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng,... đã được lan tỏa sâu rộng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công1. Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó đã thực sự trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam.

Đột phá trong giải quyết hồ sơ tồn đọng

Trong thực tiễn triển khai chính sách cho thấy, qua các thời kỳ kháng chiến, do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều trường hợp mà cơ quan quản lý, người bị thương, bị chết không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến cũng không giữ được giấy tờ gốc. Thậm chí, không ít trường hợp không còn bất kì loại giấy tờ nào ghi nhận sự việc bị chết, bị thương trong kháng chiến, v.v. Đây là vấn đề rất khó khăn đối với cơ quan chức năng trong việc xác nhận người bị chết là liệt sĩ, người bị thương là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Trong 05 năm qua, việc tập trung giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng qua các thời kỳ được coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Trên cơ sở báo cáo Chính phủ và được Chính phủ đồng ý về chủ trương, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH, ngày 20/3/2017 về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng. Đây là bước đột phá mạnh mẽ trong công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công tại các tỉnh, thành phố. Kết quả đã rà soát, giải quyết 5.900 hồ sơ tồn đọng trên cả nước (trong đó trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.204 liệt sĩ; trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; còn lại là những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho đối tượng thấu tình, đạt lý). Hiện nay, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về cơ bản không còn hoặc còn rất ít hồ sơ tồn đọng, chủ yếu là các hồ sơ xem xét theo tiêu chí được mở rộng sau này.

Có thể khẳng định, việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong những năm qua đã được các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện kịp thời, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, đạt được nhiều kết quả, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng.

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và qua tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng cho thấy, vẫn còn một số người có công chưa được hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước hoặc chưa được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi. Tình trạng trục lợi chính sách người có công vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc trong nhân dân và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước; mức trợ cấp ưu đãi còn thấp hơn so với mức tiêu dùng bình quân toàn xã hội; một bộ phận người có công còn có mức sống thấp hơn mức sống bình quân của cộng đồng dân cư nơi cư trú (gần 01%); một số chính sách còn dàn trải, như: chính sách ưu đãi trong giáo dục và đào tạo và trách nhiệm thực hiện còn chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Những vấn đề tồn tại trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và địa phương; một số chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng còn hạn chế, chưa giải quyết được hết những vấn đề vướng mắc từ thực tiễn. Để chính sách ưu đãi người có công ngày một hoàn thiện, góp phần thực hiện tốt công tác tri ân, “Đền ơn đáp nghĩa”, thời gian tới cần tiếp tục tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu toàn diện các vấn đề tồn tại, vướng mắc, phát sinh liên quan đến chính sách ưu đãi đối với người có công; trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt chỉ tiêu 100% hộ người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; ưu tiên hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc phát hiện, lập hồ sơ, giải quyết hồ sơ người có công trong chiến tranh. Tập trung đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN. Thực hiện tốt việc chăm sóc, tu bổ và nâng cấp các nghĩa trang, công trình ghi công liệt sĩ.

Bốn là, tăng cường phối hợp với các ban, bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót, xử lý nghiêm những việc làm sai trái, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.

Năm là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc và những thành quả của công tác người có công trong 75 năm qua.

Năm nay, kỷ niệm trọng thể 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, cũng là thời điểm cả nước phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 14-CT/TW, của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, đồng thời là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam, để tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân đối với người có công với cách mạng.

NGUYỄN BÁ HOAN, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
_______________

1 - Chỉ tính trong 05 năm trở lại đây, Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận sự ủng hộ gần 5.600 tỉ đồng, xây mới gần 39.000 căn nhà, sửa chữa hơn 24.650 căn nhà với tổng số tiền hơn 2.265 tỉ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã hỗ trợ 393.707 hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí là 10.654 tỉ đồng, tặng 61.654 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 104 tỉ đồng. Đồng thời, đã xóa trên 16.000 hộ người có công thuộc diện nghèo.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Ngày vui thống nhất non sông
Thế giới ngày nay còn ai đó không thân thiện với Việt Nam thì thật khó hiểu?! Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, và đã là thành viên rất có trách nhiệm trong cộng đồng ấy. Việt Nam không muốn và dứt khoát không thể đứng cùng nước này để chống nước kia, không thể có bạn mới mà quên bạn cũ. Việt Nam chỉ muốn thế giới hòa bình, vì hơn ai hết Việt Nam thấu hiểu cái giá của hòa bình, cái giá của ngày vui thống nhất non sông.