Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Chủ Nhật, 05/01/2020, 17:04 (GMT+7)
Chiến thắng Tua Hai – sự vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng

Được đế quốc Mỹ bảo trợ, chính quyền Ngô Đình Diệm đẩy mạnh chính sách “tố cộng, diệt cộng”, thực hiện Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam bắt, giết những người cộng sản, hòng nhấn chìm cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam vào bể máu, v.v. Hành động dã man đó, không những không đạt được mục đích, mà còn đẩy lòng căm phẫn của nhân dân miền Nam lên đỉnh cao, hun đúc trong họ tinh thần chiến đấu quả cảm, gan dạ trước lưỡi lê, họng súng của quân xâm lược và bè lũ tay sai. Ở miền Bắc, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, thực sự trở thành hậu phương vững chắc, cơ sở, động lực quan trọng, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân ở miền Nam nhanh chóng đi đến thắng lợi.

Nhận thức rõ xu hướng phát triển cách mạng xã hội chủ nghĩa của thế giới, bối cảnh trong nước, nhất là đánh giá đúng tình hình phong trào cách mạng miền Nam và đòi hỏi bức xúc của quần chúng nhân dân đối với chính quyền Ngô Đình Diệm, Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng), ngày 13-01-1959 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã chỉ rõ con đường cách mạng ở miền Nam là “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”1; với phương châm “Kết hợp hình thức đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp, kết hợp chặt chẽ phong trào ở đô thị với phong trào ở nông thôn và vùng căn cứ,… khéo kết hợp hình thức đấu tranh chính trị với vũ trang tuyên truyền, vũ trang tự vệ”2.

Quán triệt, triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương, bám sát thực tiễn cách mạng miền Nam, Xứ ủy Nam Bộ đề ra nhiệm vụ trước mắt “Giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng, lấy đấu tranh chính trị rộng rãi và mạnh mẽ của quần chúng làm chính, đồng thời kết hợp với hoạt động vũ trang tuyên truyền để chống chính sách khủng bố tàn bạo, chính sách bóc lột, vơ vét của Mỹ - Diệm, ngăn chặn, đẩy lùi từng bước mọi chính sách của địch, đẩy địch vào thế bị động, cô lập hơn nữa về chính trị, tạo điều kiện thuận lợi tiến tới đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm,…”3. Sau khi đánh giá kỹ tình hình, Xứ ủy Nam Bộ quyết định tập trung huy động lực lượng thực hiện trận then chốt mở đầu, tiến công quân sự vào Tua Hai4, gây tiếng vang, tạo phản ứng dây chuyền, kích thích phong trào khởi nghĩa vũ trang ở Tây Ninh, Đông Nam Bộ và toàn miền Nam; đồng thời, chỉ đạo Ban Quân sự liên tỉnh miền Đông Nam Bộ bàn phương án, tổ chức chuẩn bị mọi mặt, thực hành tiến công địch. Quá trình chiến đấu, do công tác hiệp đồng chưa thật chặt chẽ, nên có bộ phận cơ động vào chưa đúng theo kế hoạch, nhưng quân, dân Tây Ninh vẫn chủ động phát triển tiến công, vừa chiến đấu, vừa thu vũ khí của địch để đánh địch. Vì vậy, chỉ sau 03 giờ, ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ, tiêu diệt Sở Chỉ huy Trung đoàn 32 thuộc sư đoàn 21 Ngụy, diệt gần 500 tên, làm tan rã 02 tiểu đoàn, thu gần 500 khẩu súng và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu của địch.

Trận đánh Tua Hai đã đi vào lịch sử 60 năm qua (26-01-1960 – 26-01-2020), nhưng ý nghĩa của nó vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo thực tiễn, nhất là sự vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng; đồng thời, là niềm tự hào của quân, dân Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ và cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tuy trận đánh diễn ra và giành thắng lợi ở cấp chiến thuật, nhưng đạt được mục đích, ý nghĩa về mặt chiến lược và để lại nhiều bài học quý báu về nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

1. Để lại bài học về phát huy sức mạnh của toàn dân tiến công tiêu diệt địch. Tua Hai là trận tiến công quân sự mở đầu cho phong trào nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân tỉnh Tây Ninh và toàn miền Đông Nam Bộ. Ngay trong đêm ta đánh Tua Hai, địch ở đồn Vịnh thuộc xã Hảo Đước rút chạy, chỉ 05 ngày sau, nhân dân các huyện Châu Thành, Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu,… đều tiến hành đồng khởi. Đẩy mạnh đấu tranh bằng ba mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh vận); chú trọng xây dựng cơ sở mật, thành lập chi bộ Đảng hoạt động ngầm (nội tuyến) trong lòng địch tại căn cứ Tua Hai, cung cấp tình hình tư tưởng, biên chế quân số, vũ khí, trang bị, bố trí đội hình, tổ chức thông tin liên lạc,… của địch, làm cơ sở để ta xác định phương án tác chiến. Đồng thời, bí mật tuyên truyền, vận động binh lính địch đi phép và rời bỏ hàng ngũ về quê ăn Tết, làm suy yếu lực lượng, tạo thời cơ cho ta tổ chức tiến công tiêu diệt. Ngay sau chiến thắng Tua Hai, quân, dân Tây Ninh đã liên tục, đồng loạt nổi dậy bao vây, tiến công dồn dập, mạnh mẽ, phá, gỡ được 30 đồn, bốt (chiếm 50% lượng đồn, bốt trong Tỉnh), truy lùng ác ôn, triệt phá bộ máy kìm kẹp, các tổ chức chính quyền cơ sở, giải phóng 43 xã, làm tan rã 70% - 80% lực lượng bảo an, dân vệ. Chỉ trong thời gian ngắn, phong trào tiến công quân sự, khởi nghĩa từng phần ở Tây Ninh đã nhanh chóng phát triển thành cao trào đồng khởi, vừa tiến công diệt ác, phá kìm, gỡ đồn, vừa giải phóng xã, ấp, giành chính quyền về tay nhân dân ở cả miền Đông Nam Bộ và toàn miền Nam.

2. Đánh dấu một bước về trình độ tổ chức chỉ huy các lực lượng chiến đấu. Mặc dù là trận đánh quân sự đầu tiên, nhưng Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp là Bộ Tư lệnh miền Đông đã lãnh đạo, chỉ huy quân, dân Tây Ninh làm tốt công tác chuẩn bị, nghiên cứu đánh giá kỹ tình hình địch, ta, xác định phương án đánh địch phù hợp. Táo bạo tiến công trực tiếp vào Trung đoàn chủ lực của quân đội Sài Gòn - nơi mạnh nhất của địch; trong đó, nổi lên là nghệ thuật lựa chọn mục tiêu (Sở Chỉ huy Trung đoàn địch) và chọn thời cơ nổ súng vào dịp Tết âm lịch, tạo yếu tố bí mật, bất ngờ. Tổ chức đội hình chiến đấu hợp lý, có lực lượng tiến công, lực lượng kiềm chế, chặn viện, lực lượng bảo đảm, vận chuyển đạn dược, thu hồi chiến lợi phẩm và tổ chức chỉ huy chặt chẽ; hình thành thế bao vây, sử dụng toàn bộ lực lượng tiến công địch trên cả bốn hướng. Đồng thời, bí mật đưa lực lượng vào bên trong căn cứ trước khi nổ súng, kết hợp trong, ngoài cùng đánh, làm cho địch bất ngờ, không kịp trở tay, dẫn đến tan rã, thất bại. Đáng chú ý là, chúng ta đã huy động được lực lượng vũ trang đông nhất, mạnh nhất ở Nam Bộ lúc đó, với sự phối hợp, tham gia của cả lực lượng chủ lực Miền (gồm 03 đại đội bộ binh 50, 60, 70, đại đội đặc công 80), Trung đội Bình Xuyên, Trung đội Cao Đài Ly khai, một số tiểu đội, trung đội bộ đội địa phương và số lượng lớn dân quân, du kích, quần chúng trên địa bàn. Đặc biệt, nhiều tín đồ Cao Đài, do quá bức xúc chế độ Mỹ - Diệm đã đứng lên phối hợp cùng lực lượng vũ trang tham gia đấu tranh cách mạng. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức, sử dụng lực lượng tổng hợp tham gia chiến đấu của Trung ương Đảng nói chung, Xứ ủy Nam Bộ nói riêng. Nhờ đó, trận Tua Hai giành thắng lợi quyết định, tạo sức mạnh cùng phong trào Đồng khởi - Bến Tre thúc đẩy phong trào khởi nghĩa của quần chúng phát triển thành chiến tranh nhân dân rộng khắp trên toàn miền Nam.

3. Phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng. Sau trận Tua Hai, lực lượng vũ trang Tây Ninh có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng, biên chế vũ khí, trang bị, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân. Đầu tháng 02-1960, Tỉnh đã thành lập Tiểu đoàn 14, huyện Châu Thành thành lập Đại đội 40, Gò Dầu, Trảng Bàng có Đại đội 33A, Bến Cầu có Đại đội 61, huyện Dương Minh Châu có Đại đội 31A, Thị xã Tây Ninh thành lập Đại đội 2/45. Đặc biệt, Tòa Thánh (Hòa Thành) tổ chức Đội vũ trang tuyên truyền và hầu hết các xã đều tổ chức xây dựng Đội du kích (44/49 xã có Đội du kích); sử dụng vũ khí có trong biên chế và vũ khí thu hồi được của địch để tổ chức trang bị, huấn luyện, giáo dục, nâng cao khả năng huấn luyện, chiến đấu cho lực lượng vũ trang. Quá trình nổi dậy, tiến công, lực lượng vũ trang đã hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng phát triển mạnh mẽ; kết hợp chặt chẽ giữa diệt đồn bốt, truy lùng ác ôn, phá kìm kẹp, lật đổ bộ máy chính quyền tay sai với nhanh chóng đứng lên làm chủ các xã, ấp, giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng cơ sở, tiếp tục tham gia đấu tranh cách mạng. Chiến thắng Tua Hai và phong trào đấu tranh cách mạng của quân, dân Tây Ninh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của cao trào đồng khởi ở miền Đông Nam Bộ và toàn miền Nam trong năm 1960, buộc Mỹ và quân đội Sài Gòn phải hủy bỏ kế hoạch “vừa bình định miền Nam, vừa chuẩn bị tiến ra Bắc” để tập trung đối phó với phong trào cách mạng miền Nam.

Chiến thắng Tua Hai là kết quả của sự vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện cụ thể của cách mạng miền Nam - yếu tố quyết định thắng lợi của phong trào đấu tranh của đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Để phát huy thắng lợi đó vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp cơ bản sau.

Một là, quán triệt, vận dụng sáng tạo, hiệu quả quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, tập trung vào mục tiêu, phương châm, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đây là kim chỉ nam cho hoạt động thực tiễn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhằm ngăn ngừa và sẵn sàng tiến hành thắng lợi chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trước hết, cần nắm chắc tính chất, mục đích, mục tiêu của chiến tranh nhân dân Việt Nam, đó là vì dân, do dân và của dân, giành chiến thắng để bảo vệ sự thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc. Chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước; xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với lực lượng, thế trận an ninh nhân dân trong thời bình ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc; huy động sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân đánh bại mọi hình thái chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế đảng xã hội chủ nghĩa và lợi ích quốc gia, dân tộc.

Về phương châm chỉ đạo: cần tập trung dự báo tình hình, tham mưu kịp thời, chính xác cho Đảng đề ra đường lối chiến tranh nhân dân phù hợp; nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, dựa vào sức mình là chính; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quốc tế, tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, tạo sức mạnh tổng hợp đánh địch trên các môi trường, điều kiện địa hình. Tập trung đánh thắng địch trên bộ, trên hướng địa bàn trọng điểm; kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, tư tưởng, lấy đấu tranh quân sự là chính, buộc địch sa lầy, suy yếu. Mở rộng không gian chiến tranh, thu hẹp chiến trường tác chiến, tranh thủ cơ hội, điều kiện, rút ngắn thời gian chiến tranh, tạo thế, tạo lực, sẵn sàng đánh lâu dài. Trong chiến tranh, cần coi trọng đấu tranh chính trị, ngoại giao, tạo thế mạnh tổng hợp, hỗ trợ thắng lợi trên chiến trường; thực hiện sách lược vừa đánh, vừa đàm, kết thúc chiến tranh bằng ngoại giao trên thế thắng.

Về phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân: xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đập tan âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; dựa vào khu vực phòng thủ vững chắc, chủ động chống chia cắt chiến lược của địch; kết hợp tác chiến với các hoạt động đấu tranh, tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực. Thực hiện các hoạt động tác chiến quy mô nhỏ, phân tán, tiêu hao, làm suy yếu quân địch, tạo điều kiện, thời cơ để tổ chức các trận đánh lớn, nhằm tiêu hao lớn, tiêu diệt bộ phận lực lượng quan trọng, đánh bại các biện pháp chiến lược của địch, giành thế chủ động trên chiến trường.

Hai là, chuẩn bị đất nước đầy đủ, chu đáo về mọi mặt, nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi chiến tranh, đồng thời sẵn sàng tiến hành chiến tranh nhân dân phát triển, đánh thắng mọi kẻ địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Song song với đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, cần chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đất nước vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… đủ sức đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tập trung xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào với truyền thống đánh giặc giữ nước của cha, ông ta trong lịch sử; chú trọng giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nắm chắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân độc đáo của Việt nam. Đồng thời, nhận thức rõ đối tượng, đối tác, mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, ngay trong thời bình và nhiệm vụ chiến đấu trong thời chiến, trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đẩy mạnh các biện pháp hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, chú trọng kết hợp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với quốc phòng, an ninh; coi trọng phát triển kinh tế lưỡng dụng, vừa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, vừa phục vụ mục đích kinh tế; gắn chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế của Trung ương, các địa phương với quy hoạch, kế hoạch các khu vực hậu phương chiến lược trên từng vùng, nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế, sẵn sàng động viên phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Cùng với đó, cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, kiên quyết không để hình thành các tổ chức, đảng phái đối lập; coi trọng các biện pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong thời bình và chuẩn bị các kế hoạch bảo đảm an ninh thời chiến. Thường xuyên củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, ngày càng hiện đại, “thế trận lòng dân” vững chắc. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ, tạo tiền đề, cơ sở để thúc đẩy, xây dựng các tiềm lực khác, nhất là tiềm lực quân sự - an ninh ngày càng vững mạnh.

Cùng với đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị và Nghị định 21/2019/NĐ-CP, ngày 22-02-2019 của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, chuẩn bị đầy đủ, có chất lượng thế trận và lực lượng. Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, nòng cốt là khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố liên kết với thế trận tác chiến phòng thủ Quân khu, hình thành thế trận phòng thủ chung trên các hướng chiến lược và cả nước. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên từng khu vực, địa bàn; chuẩn bị các phương án tác chiến của lực lượng cơ động từ thời bình và từng bước điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh. Cuộc chiến tranh nhân dân do toàn dân tiến hành, nên phải chuẩn bị mọi lực lượng, huy động mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục, tiến hành chặt chẽ, đầy đủ, chu đáo từ trong thời bình; chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, trình độ kỹ thuật, chiến thuật, sức chịu đựng trong điều kiện tác chiến hiện đại, lâu dài; có phương án, kế hoạch mở rộng, phát triển lực lượng vũ trang theo yêu cầu thời chiến, tổ chức động viện quân nhân dự bị bảo đảm bí mật, an toàn; chuẩn bị về vật chất kỹ thuật cho toàn quân, ưu tiên lực lượng Phòng không - Không quân, Hải quân, Tác chiến điện tử, Không gian mạng - những đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu ngay từ ngày đầu.

Ba là, chủ động chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến.

Nghệ thuật giữ nước và quan điểm của Đảng ta là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, nhưng khi địch thực hành tiến công xâm lược, chúng ta cần phải thực hiện nhiều giải pháp; trong đó, tiến hành chiến tranh nhân dân phát triển ở trình độ cao là phương thức quan trọng hàng đầu. Để tiến hành thắng lợi chiến tranh nhân dân, nhất thiết phải thực hiện các bước chuyển đất nước từ thời bình sang thời chiến. Đây là giai đoạn hết sức quan trọng đối với vận mệnh quốc gia. Theo đó, Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Quân đội cần nắm chắc âm mưu, thủ đoạn, diễn biến hành động của địch để quyết định và tham mưu chính xác thời cơ chuyển đất nước sang thời chiến. Chuyển quá sớm hoặc quá muộn đều bất lợi về nhiều mặt; thời cơ chuyển đất nước sang thời chiến phải chính xác, kịp thời, nhanh chóng tăng cường sức mạnh toàn diện đất nước để sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống chiến tranh. Quá trình chuyển đất nước sang thời chiến, phải bảo đảm bí mật, an toàn, vì đây là thời điểm triển khai toàn bộ thế trận của đất nước. Mọi công việc phải tiến hành hết sức khẩn trương, trên cơ sở đã chuẩn bị tốt từ thời bình; trong thời gian ngắn phải bổ sung, mở rộng, phát triển lực lượng, thế trận, phương tiện kỹ thuật,… đáp ứng nhu cầu chiến tranh. Cả nước, từng địa phương, các ban, ngành phải hoàn thành các chỉ tiêu động viên ngay sát trước khi chiến tranh xảy ra.

Nội dung chuyển đất nước sang thời chiến phải toàn diện, trọng tâm là chuyển hoạt động của Đảng và Nhà nước sang lãnh đạo, điều hành chiến tranh và mọi hoạt động xã hội không bị gián đoạn; đồng thời, chuyển lực lượng vũ trang sang thời chiến, phát triển và nâng cao khả năng chiến đấu, hoàn thiện bố trí chiến lược, khu vực phòng thủ, bảo đảm giữ vững quyền chủ động, sẵn sàng phòng tránh, đánh trả địch tiến công hỏa lực. Chuyển nền kinh tế sang thời chiến bảo đảm cao nhất nhu cầu chiến đấu của nhân dân và lực lượng vũ trang; triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh thời chiến, dập tắt bạo loạn. Phương pháp chuyển đất nước sang thời chiến phải được xác định hết sức khoa học, trong đó, cần nắm chắc tình hình địch để chuyển dần từng ngành, từng bộ phận, từng khu vực đến chuyển toàn bộ đất nước. Trong quá trình chuyển các mặt, các lĩnh vực đất nước vào trạng thái thời chiến, cần thực hiện tốt các biện pháp ổn định tinh thần, tâm lý và đời sống nhân dân, tạo sự đồng thuận, quyết tâm chiến đấu cao trong cả nước.

Bốn là, nắm chắc, vận dụng sáng tạo nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Đây là nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định sự thành bại của cuộc chiến. Do vậy, cần phải nghiên cứu nắm chắc và vận dụng hiệu quả nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong thực tiễn. Trước hết, nghệ thuật mở đầu chiến tranh phải đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với tình hình trong nước, thế giới, bảo đảm giành thắng lợi ngay trong trận đánh, đợt hoạt động tác chiến đầu tiên, nhằm cổ vũ khí thế, tinh thần, niềm tin vào thắng lợi, mở đường, tạo đà phát triển cho các giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến; đồng thời, giữ được thế chủ động tiến công, càng đánh, càng mạnh, càng đánh, càng thắng, phá thế địch cô lập, bao vây, phong tỏa ngay từ đầu. Trong bất kỳ trường hợp nào, dù chủ động hay bị động, ta đều phải quyết tâm xử lý đúng các tình huống chiến lược, tạo bước ngoặt có lợi cho cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Nghiên cứu đánh giá đúng tình hình, dự kiến các giai đoạn, các bước phát triển của cuộc chiến tranh, làm cơ sở định ra các chủ trương, loại hình tác chiến và các mặt đấu tranh; huy động, tổ chức lực lượng, động viên và hướng dẫn toàn dân, toàn quân hành động theo phương hướng, mục tiêu đã xác định; sử dụng tập trung lực lượng cho những hoạt động tác chiến có ý nghĩa chiến lược (chiến dịch chiến lược, chiến dịch quyết chiến chiến lược), tạo sự chuyển biến lớn về thế và lực, giành thắng lợi quyết định. Trong quá trình chiến tranh, phải biết điều hành từng bước cuộc chiến tranh, ra sức mở rộng không gian chiến tranh, thu hẹp chiến trường tác chiến, tranh thủ cơ hội, điều kiện rút ngắn thời gian chiến tranh. Thực hiện toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, đấu tranh toàn diện trên các lĩnh vực (quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa,…); phối hợp giữa cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chính nghĩa của nhân dân ta với phong trào đấu tranh phản đối chiến tranh phi nghĩa của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để giành thắng lợi cuối cùng.

Cùng với đó, cần nắm vững và vận dụng tốt nghệ thuật chỉ đạo kết thúc chiến tranh bằng ngoại giao trên thế thắng, bảo đảm vừa đạt được mục tiêu cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc đề ra, vừa tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế, mở ra giai đoạn mới trong quá trình hội nhập, góp phần xây dựng đất nước hòa bình, phát triển toàn diện.

Đại tướng LƯƠNG CƯỜNG, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
____________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 82.

2 - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Tập 2,  Nxb CTQG, H. 2013, tr. 269 - 271.

3 - Nghị quyết Xứ ủy Nam Bộ (11-1959), tư liệu Viện Lịch sử Quân sự, số TWC 17.

4 - Tua Hai (thành Nguyễn Thái Học) là căn cứ quân sự của Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 ngụy, bảo vệ phía Tây Bắc Sài Gòn - Trung tâm đào tạo biệt kích, huấn luyện lính mới và là kho chứa vũ khí, trang bị chiến dịch của địch nằm trên quốc lộ 22 thuộc địa bàn xã Thái Bình, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.