Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Ba, 14/04/2015, 09:02 (GMT+7)
Chiến thắng Phan Rang năm 1975 - nét đặc sắc của nghệ thuật tiến công trong hành tiến

Quán triệt và thực hiện phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, từ  ngày 14 đến ngày 16-4-1975, quân ta đã tiến công và đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang. Đây là trận tiến công trong hành tiến, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng và giành thắng lợi nhanh, gọn với nhiều nét nghệ thuật nổi bật.

Ảnh minh họa

Sau thất bại nặng nề ở chiến trường Tây Nguyên, Trị - Thiên, Đà Nẵng, thế chiến lược của địch bị phá vỡ. Để ngăn chặn đà tiến công và những thắng lợi liên tiếp của ta, dưới sự hỗ trợ đắc lực của Mỹ, quân ngụy vội vã dốc sức thực hiện kế hoạch “Nỗ lực tối đa”, xây dựng tuyến phòng thủ từ xa và hô hào “tử thủ” nhằm bảo vệ Sài Gòn. Theo đó, tại Phan Rang chúng tăng cường bố trí một lực lượng quân sự mạnh1, cùng sự “ưu tiên yểm trợ” hỏa lực của pháo hạm Hải quân ngụy,… với hy vọng biến Phan Rang trở thành “lá chắn thép”, có thể cản phá, chặn đứng tốc độ tiến công của cánh quân Duyên Hải đang thần tốc tiến thẳng về Sài Gòn. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, chỉ sau 03 ngày tiến công, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng và lối đánh sáng tạo tiến công địch trong hành tiến, ta đã đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, loại khỏi vòng chiến đấu 2.675 tên địch, bắt sống 1.675 tên (trong đó, có 02 tướng ngụy, 01 đại tá cố vấn Mỹ); thu 40 máy bay, 60 khẩu pháo cùng nhiều vũ khí trang bị, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch; giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận và một phần phía Bắc của tỉnh Bình Thuận. Đây là chiến thắng có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự xuống dốc không gì cứu vãn nổi của quân ngụy; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để ta tiến công Xuân Lộc, mở toang cánh cửa vào Sài Gòn từ hướng Đông, thực hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định, kết thúc chiến tranh. Từ thắng lợi của trận tiến công đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, rút ra một số nét đặc sắc về nghệ thuật tiến công địch trong hành tiến.

Một là, vận dụng mọi biện pháp, tiến hành công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu nhanh, đáp ứng yêu cầu tiến công hành tiến. Thông thường, để chuẩn bị cho trận đánh cấp trung đoàn hoặc sư đoàn tiến công địch phòng ngự trong công sự, nhất là khi chúng đã chú trọng phòng bị, công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu cần phải có thời gian đủ dài, với các bước tỷ mỷ, theo một quy trình nghiêm ngặt. Tuy nhiên, để tận dụng thời cơ chiến lược tạo ra, khoét sâu chỗ yếu về tinh thần, tổ chức của địch thì việc vận dụng mọi biện pháp, đẩy nhanh công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu là rất quan trọng. Trên cơ sở quán triệt tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” và với tinh thần “chạy đua với thời gian”, “thời gian là lực lượng”, cán bộ, chiến sĩ cánh quân Duyên Hải đã khắc phục mọi khó khăn, tiến hành đồng thời các nội dung tổ chức chuẩn bị chiến đấu, như: thực hành mọi biện pháp nắm địch, chuẩn bị lực lượng, xác định quyết tâm, sơ bộ giao nhiệm vụ, chỉ thị hiệp đồng. Quá trình cơ động tiếp tục bổ sung nhiệm vụ, hình thành và triển khai đội hình chiến đấu trong thời gian sớm nhất, không cho địch kịp củng cố lực lượng, v.v. Trên thực tế, sau khi nhận mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Tư lệnh cánh quân Duyên Hải đã chỉ thị cho Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 phải vừa cơ động, vừa nắm địch và làm công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu; thực hiện “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”; phải nắm địch từ nhiều nguồn, nhất là dựa vào nguồn của cấp trên, của lực lượng tại chỗ; thậm chí phải thông qua đánh địch để nắm chắc lực lượng và phương thức tác chiến của chúng. Đối với Sư đoàn 325, khi được lệnh bước vào chiến đấu đã kịp thời liên lạc với Sư đoàn 3 nắm tình hình địch phía trước; kết hợp với tình hình do cấp trên cung cấp và bạn có liên quan vừa cơ động chiếm lĩnh trận địa tiến công, vừa phối hợp để xác định quyết tâm chiến đấu; giao nhiệm vụ, chỉ thị hiệp đồng cho các đơn vị. Do vậy, chỉ trong thời gian 01 đêm, các đơn vị của Sư đoàn 325 không chỉ thực hành cơ động chiếm lĩnh tuyến xuất phát tiến công đúng thời gian nổ súng, mà còn nắm chắc được nhiệm vụ, xác định rõ cách đánh và hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng tiến công tiêu diệt địch. Nét nổi bật trong tổ chức chuẩn bị chiến đấu còn được thể hiện ta đã mạnh dạn, táo bạo sử dụng hàng nghìn ô tô để chuyên chở một lực lượng lớn, trên quãng đường dài 400 km vào triển khai đánh địch. Đây là bất ngờ lớn đối với địch, bởi chúng vẫn đinh ninh rằng, ta phải mất hàng tháng mới có thể cơ động được lực lượng lớn vào Phan Rang. Không những thế, trong tổ chức lực lượng, ta đã tập trung lực lượng, phương tiện chiến đấu cho đơn vị thọc sâu, tạo sức mạnh đột kích, bảo đảm cho tiến công hành tiến giành thắng lợi. Như vậy, với công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu nhanh, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm ta đã tận dụng được thời cơ, biến thời gian thành lực lượng, khiến địch không kịp trở tay và bị tiêu diệt.

Thứ hai, chủ động tạo lập và chuyển hóa thế trận nhanh, vững chắc, linh hoạt, duy trì nhịp độ tiến công liên tục. Tuy bị tổn thất nặng nề, nhưng để ngăn chặn bước tiến công của ta, địch dồn sức tổ chức lực lượng mạnh bố phòng tại thị xã Phan Rang. Sức mạnh của địch ở phòng tuyến này dựa vào các cụm cứ điểm phòng ngự trong công sự vững chắc, kết hợp với chi viện của hỏa lực không quân, pháo binh, pháo hạm ven biển; đồng thời, phát huy khả năng cơ động nhanh của lực lượng không quân ở sân bay Thành Sơn, hải quân ở cảng Ninh Chữ và xe tăng, xe bọc thép trên các hướng. Trong khi đó, lực lượng ta phải cơ động từ xa tới, yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, thời gian chuẩn bị rất ngắn. Vì vậy, để tiến công giành thắng lợi, việc tận dụng thời cơ, chủ động tạo lập và chuyển hóa thế trận là vấn đề rất quan trọng. Trên cơ sở nắm chắc tình thế địch và điều kiện địa bàn, ta đã chủ động tạo lập thế trận vững chắc, linh hoạt trên các hướng, bao gồm: thế trận tiến công địch phòng ngự trong công sự ở Du Long, sân bay Thành Sơn; thế đánh địch phản kích trên Đường 11; thế trận vu hồi vào bên sườn, phía sau đội hình địch, v.v. Đặc biệt, để thực hiện cách đánh địch trong hành tiến, nhanh chóng tiêu diệt địch trong thời gian ngắn nhất, ta đã chủ động lập thế trận tiến công có chiều sâu, bảo đảm sức mạnh đột phá và đột phá liên tục vào tung thâm phòng ngự của địch. Với thế trận vững chắc, linh hoạt, sáng tạo này ta vừa tập trung lực lượng, phương tiện tiến công đột phá liên tục mãnh liệt, kiềm chế, khống chế hỏa lực của chúng và đánh bại các đợt phản kích, vừa có thể chi viện cho nhau và khóa chặt đường rút chạy ra biển của địch. Thực tiễn đã chứng minh, ngay từ đầu địch đã bị đánh trên toàn tuyến, nhưng vẫn ngoan cố chống cự. Khi ta phát huy thế trận ở các mũi vu hồi thì khả năng đối phó chính diện của địch bị suy yếu. Chớp thời cơ, ta chủ động chuyển hóa thế trận, sử dụng sức mạnh của lực lượng thọc sâu bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng, đột phá thẳng vào trung tâm Thị xã thì địch hoàn toàn bị bất ngờ, nhanh chóng sụp đổ. Điều đáng nói là, chỉ với 02 khẩu pháo 85mm và 01 đại đội pháo cao xạ, song do việc tạo lập thế trận ở nơi hiểm hóc nên đã phát huy sức mạnh khống chế toàn bộ sân bay Thành Sơn, góp phần tạo điều kiện để hướng tiến công chủ yếu hoàn thành nhiệm vụ.

Như vậy, với việc tạo lập và chuyển hóa thế trận nhanh, linh hoạt, sáng tạo đánh địch trên toàn tuyến, kết hợp với cơ động lực lượng vu hồi, đột phá, thọc sâu tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, tạo bất ngờ cho địch, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng, dẫn đến hoảng loạn và nhanh chóng tan rã.

Thứ ba, vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ các hình thức, thủ đoạn tác chiến và đấu tranh. Nhiệm vụ tiến công tiêu diệt địch ở tuyến phòng thủ Phan Rang diễn ra trên không gian rộng với nhiều đối tượng địch ở các trạng thái khác nhau, tính chất các loại mục tiêu cũng rất đa dạng: địch phòng ngự trong căn cứ ở sân bay Thành Sơn; địch phòng ngự có công sự kiên cố, tương đối kiên cố, có vật cản khá phức tạp ở chi khu quân sự Du Long, ấp Suối Đá…; địch mới chuyển vào phòng ngự công sự, vật cản còn sơ sài như cụm phòng ngự ở Bà Râu, Kền Kền, Ba Tháp; địch cơ động phản kích ngoài công sự trên hướng Đường 11, đổ bộ đường không ở khu vực Kền Kền, Ba Tháp, v.v. Do đó, về tâm lý và tinh thần chiến đấu của mỗi loại đối tượng địch cũng khác nhau. Để phá vỡ tuyến phòng thủ chiến lược của địch, ta đã chủ động vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, thủ đoạn tác chiến và đấu tranh, nhằm đem lại hiệu suất chiến đấu cao, thắng lợi quyết định. Theo đó, ta đã chủ động vận dụng linh hoạt các biện pháp đột phá, thọc sâu, vu hồi kết hợp với bao vây, chia cắt để tiến công trên toàn tuyến phòng thủ của địch. Tuy nhiên, nghệ thuật vận dụng ở đây không phải áp dụng đồng thời các biện pháp, càng không phải sử dụng tuần tự, mà chủ yếu phải căn cứ vào động thái của địch. Khi trên chính diện phòng ngự địch ngoan cố chống cự, ta liền mở các hướng, mũi vu hồi bên sườn, phía sau chúng. Khi địch bị thu hút vào các hướng vu hồi, ta tập trung lực lượng cùng với xe tăng, xe bọc thép thực hành đột phá chính diện và thọc sâu nhanh vào mục tiêu chủ yếu. Quá trình phát triển tiến công, ta đã kết hợp vận dụng các thủ đoạn bao vây, chia cắt để tiêu diệt địch. Đây là nghệ thuật vận dụng cách đánh hết sức linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả, vừa làm suy yếu địch phòng ngự, vừa tập trung lực lượng nhanh chóng giải quyết mục tiêu chủ yếu để tiếp tục tiến về Sài Gòn. Cũng với cách đánh này, ta đã tạo ra thế phát triển tiến công rất nhanh, làm địch không kịp trở tay. Điển hình khi bộ binh và xe tăng ta bất ngờ ập vào sân bay Thành Sơn, mặc dù đã chuẩn bị máy bay từ trước, nhưng Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3 ngụy vẫn không kịp lên máy bay để tẩu thoát và bị ta bắt sống toàn bộ. Cùng với các đòn tiến công của bộ đội chủ lực, Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu 6 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tăng cường đánh địch ở vùng ven, kìm chân, chia cắt không cho chúng hỗ trợ nhau; kết hợp sử dụng đòn đấu tranh binh vận cũng góp phần quan trọng làm tan rã nhanh quân địch trên toàn tuyến phòng thủ Phan Rang.

Trận tiến công phòng tuyến Phan Rang của địch là một trận đánh lớn của cánh quân Duyên Hải ở giai đoạn cuối chiến tranh giải phóng, thể hiện nét đặc sắc về nghệ thuật tiến công địch trong hành tiến. Đây là một trong những bài học quý cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng, TS. NGUYỄN ĐỨC HẢI, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng
__________________

1 - Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3, Sư đoàn 6 không quân (150 máy bay các loại), Sư đoàn 2 bộ binh (vừa tái thành lập), Lữ đoàn dù 2 (lực lượng dự bị chiến lược), Liên đoàn 31 biệt động quân, 02 trận địa pháo binh gồm 20 khẩu 105mm và 155mm, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ cả nước
Tôi nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi những thành tích và sự tiến bộ, trưởng thành của Dân quân tự vệ trong 90 năm qua. Mong rằng, trong giai đoạn cách mạng mới, các đồng chí tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao;...