Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 04/09/2020, 15:16 (GMT+7)
Bộ Tổng Tham mưu với quá trình xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 02/9/1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy Nhà nước non trẻ, việc tổ chức xây dựng Quân đội, các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các lực lượng vũ trang được khẩn trương tiến hành, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền non trẻ. Trong đó, Trung ương Đảng đã chủ trương tổ chức cơ quan tham mưu chiến lược của Quân đội. Ngày 07/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng Tham mưu: “Ta vừa giành được độc lập, tự do, cả nước đang tích cực xây dựng quân giải phóng và tự vệ để cùng toàn dân giữ gìn độc lập, tự do. Chính phủ lâm thời đã quyết định tổ chức Bộ Quốc phòng, nay Đoàn thể (Đảng) lập Bộ Tổng Tham mưu để chỉ huy, điều hành lực lượng vũ trang trong cả nước. Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan quân sự cơ mật của Đoàn thể, là cơ quan quan trọng của Quân đội, có nhiệm vụ: tổ chức, huấn luyện Quân đội cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bày mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ cách mạng. Bây giờ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu, có khó khăn đấy nhưng phải cố gắng vừa làm, vừa học, có quyết tâm thì khó mấy cũng làm được… Thế nào ta cũng xây dựng được một ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng bất khuất để bảo vệ độc lập của Tổ quốc tự do của dân tộc…”1.

Sau khi thành lập, dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các cơ quan của Bộ Tổng Tham mưu: Tác chiến - Đồ bản, Tình báo, Thông tin liên lạc, Văn phòng, Mật mã, Hậu cần, Vệ binh,… lần lượt ra đời và đi vào hoạt động. Buổi đầu thành lập, mặc dù điều kiện mọi mặt còn hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhưng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu đã đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục khó khăn, vừa kiện toàn tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, mở rộng các đầu mối, bổ sung quân số, phát triển nhiệm vụ, nghiên cứu phương pháp hoạt động,… vừa kết hợp làm việc với học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ tham mưu chiến lược cho Bộ Quốc phòng và Trung ương Đảng theo chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, tập trung tham mưu, chỉ đạo xây dựng Quân đội, phát triển chiến tranh du kích; đổi tên, hợp nhất các tổ chức vũ trang, thống nhất tổ chức biên chế đơn vị bộ đội chủ lực, xác định nguyên tắc tổ chức lực lượng, cách đánh, hình thành các đoàn quân Nam tiến, chi viện cho chiến trường miền Nam; chỉ đạo phân chia lại chiến trường2, huấn luyện quân sự, bảo đảm hậu cần, bổ sung vũ khí, đạn dược, v.v. Trong bối cảnh đất nước có nhiều lực lượng đối địch (quân Anh, Pháp ở phía Nam, quân Tưởng ở phía Bắc, lực lượng phản động Việt Quốc, Việt Cách,...), Bộ Tổng Tham mưu đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Trung ương Đảng phân tích, nhận định, đánh giá, phân hóa chính xác từng kẻ thù; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, lúc thì hòa hoãn với Tưởng tập trung sức chống Pháp ở phía Nam, khi thì hòa với Pháp để đuổi Tưởng về nước, góp phần đưa cách mạng qua khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đồng thời, tranh thủ thời gian, gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố cơ quan chỉ huy các cấp, đào tạo cán bộ, sản xuất vũ khí, sẵn sàng đối phó với các tình huống.

Trước âm mưu và hành động phá vỡ Hiệp định Sơ bộ (năm 1946) của thực dân Pháp, Bộ Tổng Tham mưu đã chủ động tham mưu cho Bộ Tổng Chỉ huy, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo làm thất bại mọi ý đồ chống phá của kẻ địch, giữ vững chính quyền cách mạng; chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng vũ trang khẩn trương chuẩn bị mọi mặt và tiến hành kháng chiến. Điều đáng ghi nhận trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Bộ Tổng Tham mưu là, nắm chắc cục diện chiến trường Đông Dương, nhất là thế và lực của Pháp ở Bắc Bộ - Việt Nam, thực lực của lực lượng vũ trang ta, chỉ đạo quân, dân Thủ đô tập trung xây dựng, phát triển các chi đội Vệ quốc đoàn thành các trung đoàn bộ binh chủ lực, thành lập các trung đội pháo binh,… vừa cơ động bảo toàn lực lượng, vừa chiến đấu giam chân địch, bao vây không cho chúng phát triển ra ngoại vi thành phố, tạo điều kiện chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Đồng thời, tổ chức di chuyển các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Tổng Chỉ huy lên căn cứ địa Việt Bắc, đánh bại âm mưu dùng sức mạnh quân sự đánh úp cơ quan đầu não, tiêu diệt lực lượng vũ trang ta ngay từ đầu của quân Pháp.

Cùng với đó, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh tiêu hao, tiêu diệt, ngăn chặn địch phát triển ra miền Trung và miền Bắc. Nghiên cứu, mở rộng hệ thống cơ quan tham mưu tác chiến các đơn vị chủ lực, các tỉnh, phát triển nguyên tắc chỉ đạo tác chiến chiến lược, chiến dịch; mở các trường quân chính đào tạo cán bộ, tăng cường công tác huấn luyện; thành lập đại đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Bộ, các đơn vị chủ lực của Chiến khu và Trung đoàn của tỉnh, các “đơn vị đặc biệt”. Đồng thời, củng cố cơ quan chỉ huy và lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng Quân đội quốc gia; phát triển dân quân, tự vệ và du kích; đẩy mạnh các hoạt động tác chiến rộng khắp từ quy mô đại đội đến trung đoàn, đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947. Như vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tổng Chỉ huy, trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu, lực lượng vũ trang không ngừng được xây dựng, phát triển, trưởng thành, lớn mạnh trong những ngày đầu kháng chiến.

Giai đoạn sau đó, trên cơ sở nắm chắc hành động chuyển hướng chiến lược, phong tỏa biên giới Việt Nam - Trung Quốc, cô lập Việt Minh của Pháp, Bộ Tổng Tham mưu vừa tham mưu, vừa chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, đẩy mạnh chiến tranh du kích, chủ động mở một số chiến dịch quy mô nhỏ và vừa từ năm 1948 đến giữa năm 1950. Tiêu biểu là Chiến dịch Biên giới (1950) giải phóng tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, khai thông quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Trung Quốc,… nhờ đó đã huy động được các nguồn viện trợ từ nước ngoài phục vụ chiến tranh. Trước ý định phản công giành lại thế chủ động trên chiến trường Bắc Bộ của địch, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các chiến khu mở các chiến dịch: Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám…; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các đơn vị chủ lực, tổ chức một số chiến dịch lớn, phát triển thế tiến công chiến lược từ Thu Đông 1951 đến Xuân Hè 1953. Đặc biệt, trong Chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954), Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo lực lượng vũ trang chủ động phá vỡ Kế hoạch Na-va của thực dân Pháp, xây dựng và chỉ đạo tác chiến, chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và tổ chức chỉ đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954, Đảng ta chủ trương tiến hành đồng thời: “cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc”, tiến tới thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện mục tiêu đó, giai đoạn 1954 - 1960, Bộ Tổng Tham mưu đã quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng: “Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc”, “độc lập tự chủ” gắn với thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa); nắm vững đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, quan điểm bạo lực cách mạng và tư tưởng chiến lược tiến công,… tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, chuyển hướng chiến lược cách mạng, xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo vệ miền Bắc, chuẩn bị thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng hậu phương chiến lược, tổ chức hậu cần chiến tranh, thiết lập tuyến đường vận tải chiến lược, từng bước chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Giai đoạn 1961 - 1965, Bộ Tổng Tham mưu đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị xây dựng Quân đội tiến dần từng bước lên chính quy, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, chỉ đạo lực lượng vũ trang đánh bại mọi hoạt động phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam; giúp cách mạng Lào đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” lần thứ nhất ở Lào, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh khá toàn diện, vượt bậc của Bộ Tổng Tham mưu.

Tiếp đó, trong giai đoạn 1965 - 1968, Bộ Tổng Tham mưu đã nhận định, đánh giá đúng tình hình địch, ta, dự kiến đúng xu hướng phát triển của chiến tranh; kiên định, quyết tâm giữ vững tư tưởng chiến lược tiến công; chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sáng tạo, táo bạo, bất ngờ về chiến lược, chiến dịch, nhằm đối phó với địch; tập hợp và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang ba thứ quân, đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, chiến tranh phá hoại lần thứ nhất ở miền Bắc; phối hợp với Bạn đánh bại một bước chiến lược “chiến tranh đặc biệt” lần thứ hai ở Lào, tạo bước ngoặt quyết định trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Giai đoạn 1969 - 1973, trên cơ sở nắm chắc diễn biến chiến trường, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các lực lượng vũ trang tổ chức nhiều chiến dịch quy mô lớn, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc; phối hợp với Bạn đánh bại “chiến tranh đặc biệt” lần thứ hai ở Lào, “Khơ-me hóa chiến tranh” ở Cam-pu-chia. Đặc biệt, Bộ Tổng Tham mưu đã vận dụng sáng tạo nghệ thuật “tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu”, nhận định, đánh giá đúng tình hình địch, ta, nắm chắc thời cơ, tham mưu cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và trực tiếp chỉ đạo động viên tổng lực sức mạnh của cả nước, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, rút ngắn thời gian tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Như vậy, Bộ Tổng Tham mưu ra đời luôn gắn với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với tài mưu lược, sáng tạo về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật nắm địch, chỉ đạo tác chiến chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu đã tạo ra bước ngoặt của chiến tranh để giành thắng lợi quyết định. Đây là “mặt trận” đấu mưu, đấu trí hết sức căng thẳng giữa cơ quan tham mưu chiến lược của Quân đội ta với Bộ Chỉ huy quân Pháp và quân Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu ngụy; trong đó, việc nắm, phán đoán chính xác tình hình địch, phân tích, đánh giá đúng, nhận định được chiều hướng phát triển của tình hình là cơ sở cơ bản, tiền đề quan trọng để tham mưu và xây dựng các chủ trương, kế hoạch của ta. Trong đó nổi lên là, Bộ Tổng Tham mưu đã tham mưu cho Bộ Tổng Chỉ huy, Trung ương Đảng và trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân; phát triển nghệ thuật điều hành chiến tranh, chỉ đạo tác chiến chiến lược, chiến dịch; phát triển nghệ thuật quân sự từ đánh du kích quy mô nhỏ (đại đội, tiểu đoàn) từng bước tiến lên du kích vận động chiến, rồi tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng quy mô vừa và lớn (trung đoàn, đại đoàn) ở giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, tiếp tục phát triển thành chiến tranh nhân dân ở trình độ cao, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng với những binh đoàn chủ lực cơ động mạnh, hiện đại trong kháng chiến chống Mỹ. Ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng thua. Đó là kết quả của tư duy và nghệ thuật quân sự Việt Nam có sự kế thừa giữa truyền thống và hiện đại, là bản lĩnh, trí tuệ, tính sáng tạo, táo bạo, chủ động, quyết đoán, tích cực, kiên quyết và linh hoạt trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành các hoạt động quân sự của Bộ Tổng Tham mưu, nhất là các đồng chí đứng đầu, góp phần giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục nắm chắc tình hình thế giới, khu vực, đất nước, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và trực tiếp chỉ đạo sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, chỉ huy, điều hành các lực lượng cơ động tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; dự kiến, tham mưu và chỉ huy, chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống chiến lược, nhất là trên biển, đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Hiện nay, tình hình thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Tuy nhiên tính chất bất ổn, khó lường là đặc điểm xuyên suốt, phản ánh quá trình hình thành trật tự thế giới mới. Chiến tranh lớn ít có khả năng xảy ra nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng, xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố và các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Chủ nghĩa dân tộc thực dụng và tư duy cường quyền, áp đặt, dựa trên sức mạnh tiếp tục lan rộng trong quan hệ quốc tế hiện nay. Các nước, nhất là các nước lớn điều chỉnh chiến lược đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, trực diện hơn. Kinh tế thế giới sẽ đứng trước những khó khăn, thách thức mới, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Cạnh tranh kinh tế, thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Cộng đồng quốc tế phải đối mặt ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là khủng bố quốc tế, an ninh mạng và các hình thái chiến tranh mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. Sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại đã làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, hình thái, phương thức tiến hành chiến tranh. Đặc biệt, với sự ra đời của chiến tranh mạng, tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh thế giới, khu vực và của mỗi quốc gia.

Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, dễ xảy ra va chạm, xung đột, đe dọa sự ổn định, hòa bình và phát triển của khu vực. Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội; đối tác, đối tượng chuyển hóa mau lẹ, khó đoán định.  

Để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần tập trung xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Trong đó, Bộ Tổng Tham mưu giữ vai trò hết sức quan trọng, vừa tham mưu chiến lược, vừa chỉ huy, chỉ đạo toàn quân thực hiện toàn diện các hoạt động quân sự, quốc phòng; do vậy, cần quán triệt, thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tập trung nâng cao khả năng nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình; điều chỉnh các phương án, quyết tâm tác chiến chiến lược, kịp thời đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước tiếp tục xây dựng các chiến lược chuyên ngành bảo vệ Tổ quốc; xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, an ninh cả trên không, trên đất liền, trên biển, đảo và trên không gian mạng, không để bị động, bất ngờ.

Hai là, chỉ đạo, điều hành các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế theo Nghị quyết số 606-NQ/QUTW, ngày 16/6/2018 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo triển khai Kết luận 16-KL/TW, ngày 07/7/2017 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và các kế hoạch, đề án, lộ trình đã xác định. Xây dựng lực lượng thường trực “tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt”; lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, đủ số lượng, chất lượng cao, phù hợp với nghệ thuật quân sự, đặc điểm địa bàn và vũ khí, trang bị, đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống.

Ba là, tiếp tục chỉ đạo toàn quân đổi mới công tác đào tạo, huấn luyện, diễn tập, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phòng, chống thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh.

Bốn là, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực, Bộ Tổng Tham mưu cần phối hợp với các lực lượng liên quan tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân làm tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc phòng, thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình.

Năm là, chỉ đạo cơ quan chiến lược và các cơ quan, đơn vị toàn quân nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự, bảo đảm phù hợp với phương thức tác chiến mới của đối phương; đặc điểm địa bàn, không gian, môi trường tác chiến; tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị; khả năng của ta và đường lối quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc của Đảng. Chú trọng làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Sáu là, cùng với các lực lượng khác, nhất là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng từng bước hòa nhập với công nghiệp quốc gia, thúc đẩy công nghiệp quốc gia phát triển; phát triển công nghiệp quốc phòng đạt trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia. Đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật quân sự theo hướng từng bước tiếp cận với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; kết hợp nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, cải tiến với mua sắm vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội.

Bảy là, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật bảo đảm tốt công tác hậu cần, kỹ thuật phục vụ các nhiệm vụ, ưu tiên nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập, tìm kiếm cứu nạn, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, v.v. Tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo ngành hậu cần, kỹ thuật tổ chức hình thành các cơ sở bảo đảm nòng cốt theo vùng, miền gắn với quyết tâm, phương án tác chiến chiến lược; tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển tiềm lực quốc phòng; tích cực tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tám là, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, các cơ quan, đơn vị của Bộ Tổng Tham mưu vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu; không ngừng nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực hoạt động của Quân đội; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong và ngoài Quân đội; xây dựng hệ thống cơ quan tham mưu toàn quân vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xứng đáng với truyền thống “Trung thành - mưu lược, Tận tụy - sáng tạo, Đoàn kết - hiệp đồng, Quyết chiến - quyết thắng”.

Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
________________

1 - Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb QĐND, H. 2015, tr. 10-11.

2 - Bắc Bộ có 03 chiến khu (1, 2, 3), Trung Bộ có 03 chiến khu (4, 5, 6), Nam Bộ có 03 chiến khu (7, 8, 9).

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.