Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 18/12/2014, 15:51 (GMT+7)
Bộ đội Phòng không - Không quân bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc

Ra đời vào giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân, Bộ đội Phòng không - Không quân đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ bầu trời Tổ quốc, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Máy bay của Không quân Việt Nam xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ.
(Ảnh tư liệu/ TTXVN)

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội ta chưa có lực lượng Phòng không - Không quân (PK-KQ) nên gặp rất nhiều khó khăn do địch hoàn toàn làm chủ trên không. Tuy nhiên, bằng vũ khí bộ binh, ngày 29-6-1946, lần đầu tiên một máy bay địch đã bị quân và dân huyện Đức Hòa (Long An) bắn rơi. Trong Chiến dịch Việt Bắc (năm 1947), quân ta bắn rơi 16 máy bay, đánh bại ý đồ đổ bộ đường không của địch. Từ đó, vai trò của tác chiến phòng không ngày càng được khẳng định trong các hoạt động tác chiến của Quân đội ta.

Tháng 3 năm 1949, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Bộ Quốc phòng thành lập Ban nghiên cứu Không quân, đặt nền móng cho sự ra đời của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam sau này. Trước yêu cầu tác chiến phòng không ngày càng cấp thiết, ngày 01-4-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367 (trung đoàn pháo phòng không đầu tiên của Quân đội ta). Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 22-10-1963, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định thành lập Quân chủng PK-KQ. Đây là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của Quân đội ta, là sự kiện đặc biệt quan trọng của Bộ đội PK-KQ. Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thế trận phòng không nhân dân bảo vệ miền Bắc được xây dựng rộng khắp; Bộ đội PK-KQ vừa chiến đấu, vừa xây dựng và trưởng thành về mọi mặt. Các đơn vị: pháo cao xạ, ra-đa, không quân, tên lửa,… lần lượt được thành lập và không ngừng được mở rộng về tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị (VKTB), trở thành lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không. Cùng với đó, nghệ thuật tác chiến phòng không từng bước phát triển, từ đánh độc lập, nhỏ lẻ lên đánh hiệp đồng quân binh chủng. Đặc biệt, trong Chiến dịch Phòng không 12 ngày đêm tháng 12-1972 bảo vệ Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận, Bộ đội PK-KQ đã cùng quân và dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ (bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 “siêu pháo đài bay B.52”). Riêng Quân chủng PK-KQ bắn rơi 53 máy bay (có 32 máy bay B.52, 16 chiếc rơi tại chỗ), góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội PK-KQ đã phối hợp cùng các lực lượng tổ chức nhiều trận đánh, bắn rơi nhiều máy bay địch, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân chủng PK-KQ đã bắn rơi 2.635 máy bay (trong đó có 64 máy bay B.52) trong tổng số 4.181 máy bay địch bị quân và dân ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Quân chủng tiếp tục triển khai lực lượng trên địa bàn cả nước, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Đồng thời, hoàn thành tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân đội xây dựng lực lượng phòng không lục quân, phòng không nhân dân và lực lượng không quân toàn quân; xây dựng và hoàn thiện thế trận phòng không ba thứ quân, thế trận chiến tranh nhân dân “đất đối không” trên địa bàn cả nước, chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Bộ đội PK-KQ không ngừng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Hiện nay, xu thế chiến tranh công nghệ cao trở nên phổ biến và diễn ra trên tất cả các môi trường (không, bộ, biển, không gian, trường điện từ), tiến công hỏa lực đường không có sự phát triển cả về quy mô, cường độ, VKTB và phương pháp tác chiến. Tác chiến đường không ngày càng khẳng định vai trò quan trọng. Điều đó, đặt ra những yêu cầu mới rất cao đối với Bộ đội PK-KQ trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Để xử lý thắng lợi các tình huống trên không, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, các đơn vị PK-KQ cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, của Quân chủng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng và cấp ủy các cấp tiếp tục tăng cường lãnh đạo xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; trọng tâm là xây dựng bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp, ý chí quyết tâm, quyết đánh và quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng vững mạnh về chính trị với khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một số ít cán bộ, đảng viên theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và phong trào Thi đua Quyết thắng. Trong đó, các cấp cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có “Tâm - Tầm - Trí”, có đủ phẩm chất, năng lực xử lý nhạy bén những vấn đề thực tiễn đặt ra, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trên cương vị công tác. Các đơn vị cần phải chú trọng giáo dục cho bộ đội nhận thức rõ: Quân chủng được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại là niềm vinh dự to lớn; đồng thời là trách nhiệm vô cùng nặng nề nhưng rất vẻ vang. Vì thế, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng phải xác định quyết tâm phấn đấu vươn lên về mọi mặt, nhất là làm chủ VKTB hiện đại.

2. Đẩy mạnh điều chỉnh lực lượng, kiện toàn tổ chức biên chế; tập trung phát triển lực lượng nòng cốt đi đôi với đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Mặc dù đã triển khai tích cực, quyết liệt, nhưng hiện nay tổ chức biên chế các đơn vị chiến đấu và thành phần lực lượng của Quân chủng vẫn còn một số bất cập. Vì vậy, trong thời gian tới, để đẩy mạnh xây dựng hiện đại, các đơn vị thuộc Quân chủng phải tiếp tục tập trung chấn chỉnh tổ chức biên chế và xây dựng lực lượng PK-KQ theo hướng: tinh, gọn, mạnh, cơ động cao. Theo đó, Quân chủng sẽ từng bước điều chỉnh quy hoạch, chấn chỉnh tổ chức biên chế các đơn vị chiến đấu theo các miền PK-KQ chiến lược; đồng thời, nghiên cứu tổ chức, phát triển lực lượng nòng cốt (không quân, tên lửa), đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại.

Trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”; tăng cường huấn luyện thực hành, luyện tập các phương án theo đúng chương trình, kế hoạch đã xác định. Cấp ủy, chỉ huy các cấp chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất; rà soát, bổ sung hệ thống văn kiện tác chiến sát với tình hình, nhiệm vụ; qua đó, nâng cao khả năng quản lý, bảo vệ vùng trời, quản lý điều hành bay, bảo đảm cho Quân chủng thường xuyên sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, không để Tổ quốc bị bất ngờ trước các tình huống trên không, trên biển. Đồng thời, khắc phục triệt để những hạn chế trong quá trình canh trực và tình trạng huấn luyện nặng về lý thuyết, không sát với thực tế chiến đấu, v.v. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, các đơn vị cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện; gắn huấn luyện với xử trí các tình huống chiến đấu; kết hợp huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy. Đối với lực lượng Không quân, cần tập trung huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy bay, xử trí các tình huống cho phi công trong những điều kiện thời tiết phức tạp, bay biển, bay đêm, bay đường dài. Đối với lực lượng Phòng không, nhất là lực lượng Tên lửa, Ra-đa, cần tập trung huấn luyện nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, thực hành chiến đấu cho các cấp. Nội dung huấn luyện phải toàn diện, trong đó chú trọng huấn luyện cho đội ngũ cán bộ các cấp về trình độ tổ chức chỉ huy, quản lý; huấn luyện cho đội ngũ nhân viên nâng cao khả năng khai thác, sử dụng, làm chủ VKTB thế hệ mới, hiện đại; tăng cường huấn luyện chiến thuật, diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp, huấn luyện đêm sát thực tế chiến đấu; đồng thời, coi trọng huấn luyện hiệp đồng quân binh chủng với các lực lượng của Bộ, Quân chủng Hải quân, các quân khu, binh chủng, nhất là hiệp đồng tác chiến bảo vệ biển, đảo.

3. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ, chuẩn bị các kế hoạch, phương án tác chiến PK-KQ. Trong chiến tranh giải phóng, công tác nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ đã giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề cấp bách về chiến thuật trong các hoạt động tác chiến PK-KQ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các đợt tác chiến tập trung và chiến dịch phòng không. Hiện nay, cùng với sự phát triển của VKTB, phương tiện đường không, nghệ thuật tác chiến đường không cũng có sự phát triển không ngừng. Vì vậy, cần tập trung nghiên cứu sâu về phương thức, thủ đoạn tác chiến của địch để có biện pháp phòng, chống đảm bảo hiệu quả cao. Nghệ thuật tác chiến PK-KQ phải được xây dựng và phát triển dựa trên nghệ thuật quân sự truyền thống, phát huy cao nhất sở trường của các lực lượng, chú trọng khả năng phòng tránh, cơ động bảo toàn lực lượng, phương tiện chiến đấu, đủ sức đánh địch rộng khắp, trên mọi hướng, mọi độ cao, đánh hiệp đồng tập trung cũng như đánh liên tục, lâu dài. Trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng các phương án, kế hoạch quản lý bầu trời, quản lý điều hành bay, kế hoạch tác chiến chống phong tỏa đường không, chống tiến công hỏa lực đường không, kể cả tác chiến đường không kết hợp tiến công đường biển, đường bộ của địch; trong đó, chú trọng củng cố, nâng cao năng lực hệ thống chỉ huy, thông tin, trinh sát, thông báo báo động sớm, không để bị động, bất ngờ.

4. Xây dựng thế trận PK-KQ “hiểm hóc, vững chắc, liên hoàn, có trọng điểm, có chiều sâu”. Cơ quan tham mưu các cấp trong Quân chủng phải tập trung nghiên cứu các phương án phòng thủ tích cực, xây dựng thế trận PK-KQ ngay từ thời bình và sẵn sàng chuyển hóa thế trận trong quá trình tác chiến, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân, không quân toàn quân đánh thắng địch trong các tình huống tác chiến. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bộ đội PK-KQ đã đánh thắng địch có ưu thế hơn về nhiều mặt, nhất là số lượng, kiểu loại và mức độ hiện đại của VKTB bằng nghệ thuật tác chiến đặc sắc của dân tộc. Nghệ thuật tác chiến đó phải tiếp tục được kế thừa, phát huy một cách sáng tạo bằng sức mạnh tổng hợp của “Lực - Thế - Thời - Mưu”, “lấy ít địch nhiều”,... đã được đúc kết từ thực tiễn đấu tranh giữ nước của dân tộc ta qua hàng nghìn năm lịch sử. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện chiến lược phát triển VKTB và đẩy mạnh nghiên cứu cải tiến các loại VKTB hiện có, nâng cao một bước khả năng tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng VKTB mới, hiện đại, đảm bảo đáp ứng cho cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Tự hào với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, quyết tâm xây dựng Quân chủng hiện đại, đủ khả năng đánh thắng các cuộc tiến công hỏa lực đường không của địch, bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.

Trung tướng, TS. PHƯƠNG MINH HÒA, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.