Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Tư, 17/12/2014, 16:20 (GMT+7)
Báo chí Quân đội tuyên truyền đúng hướng, hiệu quả cao

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng,  trực tiếp là Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, báo chí Quân đội không ngừng phát triển, trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng trong Quân đội, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

 

Trong toàn bộ trước tác của mình, C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin - những người thầy của Cách mạng vô sản - đặc biệt quan tâm đến vai trò nhân tố chính trị, tinh thần, coi đây là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Để xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho quần chúng và biến nhân tố chính trị, tinh thần trở thành sức mạnh vật chất trong thực tiễn cách mạng, những người cộng sản phải làm tốt công tác tư tưởng, mà trước tiên là chiến thắng trên mặt trận tuyên truyền, cổ động. Qua đó, khích lệ tinh thần đoàn kết, tập hợp sức mạnh to lớn của quần chúng hướng vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chung. Khi nói về vai trò, chức năng của báo chí cách mạng, V.I. Lê-nin đã chỉ rõ: “Tờ báo không chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể mà còn là người tổ chức tập thể”[1] và thực tiễn đã chứng minh, báo chí luôn là “người lính” xung kích, có vai trò quan trọng trên mặt trận tuyên truyền, cổ động, định hướng tư tưởng.

Ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người cho rằng “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là những vũ khí sắc bén của họ”[2]. Chính nhờ những vũ khí sắc bén ấy, Bác đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin và dẫn dắt con đường cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Để báo chí phát huy tốt vai trò, chức năng của mình, Người căn dặn những người làm báo “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: viết cho ai xem? viết để làm gì? viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”[3]. Khi Báo Quân đội nhân dân ra số báo đầu tiên (ngày 20-10-1950), Bác đã căn dặn: “Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”[4]. Lời dạy đó không chỉ cần thiết cho riêng Báo Quân đội nhân dân, báo chí Quân đội mà cho cả nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Tổng cục Chính trị (TCCT), báo chí Quân đội đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ vẻ vang của mình. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc, báo chí Quân đội đã tích cực tuyên truyền, cổ động góp phần khơi dậy lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xây đắp niềm tin và ý chí dám đánh, biết đánh, quyết đánh và quyết thắng cho quân và dân ta. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với sự lớn mạnh của Quân đội, báo chí Quân đội có bước phát triển toàn diện cả về quy mô, tổ chức, số lượng và chất lượng các sản phẩm báo chí, trở thành những đơn vị truyền thông lớn trong hệ thống báo chí quốc gia. Mọi hoạt động báo chí trong Quân đội đều tuân thủ nghiêm các quy định của Luật báo chí và sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP), Thủ trưởng TCCT; tuyên truyền kịp thời, hiệu quả về hai nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được báo chí Quân đội tuyên truyền sâu rộng, đậm nét, đa dạng, phong phú, có sức thuyết phục, đạt hiệu quả cao. Xây dựng được nhận thức khoa học, tình cảm đúng đắn của toàn quân, toàn dân với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Trước các vấn đề mới, báo chí quân đội đã kịp thời thông tin, phản ánh đúng bản chất sự kiện, định hướng nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Trước sự bùng nổ của các phương tiện thông tin và truyền thông, các sản phẩm của báo chí Quân đội luôn đảm bảo độ tin cậy, đúng định hướng chính trị, có sự đổi mới về nội dung, hình thức chuyển tải đa dạng, phong phú. Vì thế, dù tuyên truyền những vấn đề về định hướng, chỉ đạo nhưng không khô khan, máy móc mà uyển chuyển, đậm tính nghệ thuật, có sức thuyết phục bạn đọc, khích lệ tinh thần hăng hái huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, học tập, công tác và lao động sản xuất của toàn quân. Những năm qua, nhiều sản phẩm báo chí Quân đội có chất lượng cao, được Hội đồng Giải thưởng báo chí Quốc gia và giải báo chí ở các lĩnh vực, các bộ, ngành Trung ương tôn vinh ở thứ hạng cao; nhiều nhà báo Quân đội có uy tín, vị thế trong nền báo chí nước nhà.

Tuy nhiên, trước xu thế toàn cầu hóa đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội; trong đó, báo chí là lĩnh vực tiên phong, khơi nguồn mọi thông tin nên chịu sự tác động mạnh mẽ. Với báo chí Quân đội, do tính đặc thù, chuyên ngành, chuyên biệt nên có trách nhiệm, nghĩa vụ phải đứng vững trên nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, giữ vững nguyên tắc, tôn chỉ mục đích hoạt động. Đồng thời, phải vượt lên chính mình để chiếm lĩnh trận địa thông tin, khẳng định vị trí, góp phần cùng báo chí cả nước làm chủ thông tin, không để thông tin sai lệch dẫn dắt dư luận xã hội. Muốn vậy, báo chí Quân đội cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, bảo đảm thông tin chính xác, chuẩn mực và nhanh nhạy. Chính xác, chuẩn mực là một thuộc tính, yêu cầu cao của báo chí nói chung, là yêu cầu mang tính nguyên tắc của báo chí Quân đội. Ngày nay, nhiều tờ báo chạy theo xu hướng thị trường đã bỏ qua yêu cầu chính xác, chuẩn mực nên đã để lại hậu quả, ảnh hưởng không nhỏ đối với nền báo chí nước ta, làm “tổn thương” bạn đọc. Nhanh nhạy là yêu cầu ngày càng cao của báo chí, nếu không nhanh, không mới thì không phải là báo chí theo đúng nghĩa Newspaper (báo hằng ngày), mà trở thành “món lương khô”. Các cơ quan báo chí Quân đội phần lớn là những cơ quan báo chí lớn, uy tín nên thông tin không thể quá cũ, quá chậm mà phải hòa vào dòng chảy thông tin chủ lưu của đất nước và thế giới. Vì vậy, báo chí Quân đội phải quán triệt, thực hiện triệt để những yêu cầu trên, vừa phải nhanh nhạy, nhưng phải rất chính xác, chuẩn mực.

Trong thời kỳ kháng chiến, nhân dân cả nước theo dõi từng trận đánh, chia sẻ khó khăn, gian khổ với bộ đội, thì hiện nay, bạn đọc vẫn đang theo dõi từng số báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình để nắm được các hoạt động của quân đội, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Khi xảy ra những sự kiện “nóng”, nếu chúng ta không kịp thời lên tiếng để thông tin, định hướng dư luận thì bạn đọc không chờ đợi chúng ta mà sẽ đi tìm nguồn thông tin khác. Vì vậy, trong những trường hợp phức tạp, “nhạy cảm”, báo chí Quân đội cần bám sát chỉ đạo, định hướng của Quân ủy Trung ương, BQP, TCCT về quan điểm, liều lượng, mức độ thông tin,… để kịp thời đến với bạn đọc.

Song song với đó, các cơ quan báo chí quân đội phải có sự chủ động báo cáo, đề xuất với TCCT, cơ quan chức năng xin ý kiến; đồng thời, có cơ chế phối hợp khai thác thông tin từ nhiều nguồn; lựa chọn thông tin chuẩn mực, chính xác để đăng tải, giúp bạn đọc tiếp nhận thông tin kịp thời, khách quan, do đó có nhận thức đúng bản chất của sự kiện. Đội ngũ những người làm báo trong Quân đội cần xác định rõ: nhanh nhạy là điều đáng quý, nhưng phải luôn đề cao tính chính xác và chuẩn mực. Có thể, trong một vài trường hợp thông tin không nhanh bằng các báo khác, nhưng bù lại đó là thông tin có độ tin cậy cao, có cái nhìn hệ thống về diễn biến, dự báo, phân tích chiều hướng tiếp theo của sự kiện, cùng bạn đọc tìm “lối thoát” cho sự kiện.

Hai là, chú trọng đầu tư hiện đại hóa trang bị, phương tiện các cơ quan báo chí quân đội theo kịp sự phát triển của xã hội. Báo chí là một binh chủng đặc biệt cần tiến thẳng lên hiện đại, bởi vì cuộc “chiến tranh” thông tin cũng diễn ra theo quy luật “mạnh được, yếu thua”. Báo chí Quân đội có thế mạnh là thông tin khách quan, chính xác về sự kiện, nhưng độ nhanh nhạy, kịp thời, phong phú và hiệu quả tác động vào tư duy, tình cảm của bạn đọc để bạn đọc tin theo báo, làm theo báo thì còn những hạn chế nhất định. Do vậy, trong thời gian tới các cơ quan báo chí Quân đội cần đẩy mạnh đầu tư về con người, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ những người làm báo trong Quân đội “vừa hồng, vừa chuyên”. Bên cạnh đó, BQP cần đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho báo chí Quân đội theo kịp sự phát triển của xã hội. Trong mấy năm gần đây, BQP, TCCT đã quan tâm đầu tư nhiều trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện tương đối hiện đại cho các cơ quan báo chí Quân đội, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp sự phát triển quá nhanh của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin. Các cơ quan báo chí Quân đội cần triển khai khảo sát thực lực trang thiết bị, phương tiện và khả năng hiện có, xây dựng kế hoạch mua sắm, hiện đại hóa theo Đề án hiện đại hóa các cơ quan báo chí Quân đội giai đoạn 2014 - 2018 đã được phê duyệt.

Ba là, đẩy mạnh sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan báo chí Quân đội. Đây là việc làm rất cần thiết để phát huy vai trò, hiệu quả của báo chí Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bạn đọc hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau từ các loại hình báo chí, như: báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử. Đối tượng bạn đọc chủ yếu của báo chí Quân đội là cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội và các đối tượng khác ở trong và ngoài nước. Thời gian đọc báo, nghe đài, xem truyền hình của cán bộ, chiến sĩ chủ yếu thực hiện theo quy định chế độ trong ngày, trong tuần; ngoài ra, thời gian ngày nghỉ, giờ nghỉ có thể tiếp cận thông tin từ mạng internet tại đơn vị hoặc bên ngoài. Vì vậy, để có lượng thông tin đa dạng, phong phú, cách thể hiện sinh động, hấp dẫn, các cơ quan báo chí Quân đội cần có sự liên kết, phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin, tích hợp đa phương tiện. Cùng với đó, cần thống nhất hướng trọng tâm tuyên truyền vào những nhiệm vụ quan trọng, sự kiện nổi bật, cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết, lý giải, dẫn dắt bạn đọc dựa trên quan điểm của Đảng, định hướng, chỉ đạo của TCCT. 

Qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và trong công cuộc đổi mới đất nước, TCCT đã có nhiều kinh nghiệm quý, nhiều thành tựu đặc sắc trong chỉ đạo báo chí. Tin tưởng đó sẽ là cơ sở vững chắc để báo chí Quân đội vững vàng trên con đường hội nhập và phát triển, xứng đáng là một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng./.    

 

Thiếu tướng PHẠM VĂN HUẤN

Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân

 


[1] - V.I. Lê-nin - Toàn tập, tập 5,  Nxb Tiến bộ, M. 1975, tr. 12.

[2] - Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 466.

[3] - Sđd, tr. 465.

[4] - Lịch sử Báo Quân đội nhân dân (1950 - 2010), Nxb QĐND, H. 2010, tr. 67.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.