Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 18/01/2018, 07:03 (GMT+7)
Bài học về Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 đối với việc xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh ở Đà Nẵng hiện nay

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Khu ủy V quyết định chọn Đà Nẵng làm trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đặc khu ủy Quảng Đà (Đà Nẵng lúc đó thuộc Quảng Đà) đã triển khai Nghị quyết Quang Trung (với hàm ý thực hiện cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung) đến từng cơ sở; trong đó, tăng cường công tác chỉ đạo trực tiếp đối với thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, chuẩn bị mọi mặt, cả về nhân sự, cơ sở, lực lượng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy từ bên trong khi có lệnh. Dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy, nhân dân Quảng Đà đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bom đạn của kẻ thù, hăng hái tham gia cất giấu, vận chuyển vũ khí, quyên góp tiền, vàng, thuốc men, lương thực, thực phẩm, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ và lực lượng hoạt động ở bên trong Thành phố; sẵn sàng xuống đường đấu tranh chính trị, làm binh vận, nổi dậy phối hợp với tấn công quân sự để giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với quyết tâm: “Thiệu - Kỳ không đổ, không giỗ, không Tết”. Đúng 2 giờ 20 ngày 31-01-1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mở màn tại thành phố Đà Nẵng. Quân và dân Thành phố phối hợp với các đơn vị chủ lực đồng loạt nổ súng, tiến công vào các cơ quan đầu não, căn cứ, kho tàng, trận địa của Mỹ-ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên, gây cho địch tổn thất nặng nề, tạo tiếng vang lớn về quân sự, chính trị.

Nét nổi bật của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, là: lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta đã bất ngờ tiến công đồng loạt trên cả ba vùng chiến lược, lấy các đô thị làm chiến trường chính, đánh vào sào huyệt, “tim óc” của kẻ thù bằng sức mạnh tổng hợp. Trong đó, việc kết hợp chặt chẽ giữa tiến công của bộ đội chủ lực với nổi dậy của quần chúng mà nòng cốt là lực lượng vũ trang địa phương trong thế trận được chuẩn bị sẵn đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân. Nhờ đó, quân và dân ta đã thực hiện đánh địch vừa rộng khắp, vừa tập trung, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng. Chính nhờ dựa vào nhân dân, vào thế trận chiến tranh nhân dân, nhất là các tổ chức đảng và cơ sở cách mạng địa phương, nhiều đơn vị chủ lực ta đã bí mật đứng vững ngay tại cửa ngõ các đô thị lớn, tạo thế để đánh những trận làm choáng váng giới cầm quyền Mỹ, gây tiếng vang trên thế giới. Thực tiễn đó khẳng định, sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân - nét đặc sắc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, cũng là vấn đề có tính xuyên suốt trong đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta.

50 năm đã trôi qua, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân Đà Nẵng không chỉ là niềm tự hào, sự cổ vũ lớn lao, mà còn là bài học sâu sắc, còn nguyên giá trị về công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức xây dựng lực lượng, nhất là xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, tổ chức phối hợp, hiệp đồng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, v.v. Những bài học đó đã và đang được lực lượng vũ trang Thành phố vận dụng sáng tạo trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ trong tình hình mới. Vấn đề quan trọng là, phải tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của toàn dân, tiến hành với tinh thần tích cực, chủ động, tự giác của quần chúng nhân dân ngay từ thời bình.

Lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng giúp nhân dân xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang nâng cấp đường giao thông. Ảnh: baodanang.vn

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, cơ quan quân sự các cấp của Thành phố đã đề cao trách nhiệm, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi tầng lớp nhân dân nắm được tư tưởng, nội dung, sự cấp thiết và biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân để chuẩn bị mọi mặt cho chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Qua đó, chuyển hóa lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, củng cố niềm tin, tình cảm gắn bó với chế độ, Đảng, Nhà nước thành nhận thức, tình cảm, ý chí và hành động của mỗi người, tạo động lực chính trị - tinh thần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò “đội quân công tác”, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác dân vận; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo; kịp thời, nhạy bén đấu tranh, vạch trần quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động. Lực lượng làm công tác dân vận đã tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương, nắm tình hình địa bàn, phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh; giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn, phòng, chống tội phạm, xây dựng địa bàn an toàn, v.v. Từ đó, tăng cường mối đoàn kết máu thịt quân - dân, củng cố niềm tin yêu của nhân dân đối với Quân đội, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Kế thừa bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, việc củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc ngay từ thời bình được Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố tiến hành thường xuyên. Các địa phương đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, bảo đảm đủ sức lãnh đạo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cơ quan quân sự các cấp đã tham mưu cho cấp ủy địa phương trong tổ chức, hoạt động của các chi bộ quân sự cấp xã (phường, thị trấn) theo đúng Hướng dẫn 35-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Hiện nay, 100% cấp xã của Thành phố thành lập chi bộ quân sự (100% có chi ủy), 100% bí thư đảng ủy cấp xã kiêm bí thư chi bộ quân sự và chính trị viên ban chỉ huy quân sự. Các cấp ủy, chi bộ quân sự đã phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trên địa bàn; kịp thời phát hiện và giải quyết dứt điểm những vụ việc phức tạp, không để xảy ra các “điểm nóng”. Các chi bộ quân sự cấp xã luôn chú trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, Thành phố tập trung xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, thực sự là của dân, do dân và vì dân; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp xã (phường, thị trấn) thực sự là công bộc của dân, được dân tin yêu. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân, không để xảy ra khiếu kiện kéo dài, v.v.

Bài học về xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn để tạo sức mạnh tổng hợp trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây là nội dung cơ bản, có tính chiến lược, nhằm củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền và khối đoàn kết, thống nhất của quần chúng nhân dân trên địa bàn Thành phố. Thấm nhuần quan điểm “dân là gốc”; cán bộ là “công bộc” của dân; thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi hoạt động của chính quyền, lực lượng vũ trang Thành phố đã tham mưu và trực tiếp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nhận thức rõ tình hình, nhiệm vụ, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, làm cho họ hiểu rõ việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo Tổ quốc là tạo môi trường thuận lợi để bà con yên tâm lao động sản xuất, cải thiện đời sống, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá; đồng lòng xây dựng Thành phố “4 an” gắn với “5 không”, “3 có”1. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương còn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các già làng, trưởng họ, các chức sắc, chức việc tôn giáo có uy tín, làm “cầu nối” vững chắc giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; chăm lo xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân,… góp phần vô hiệu hóa luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.

Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố đã tập trung chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đồng thời, làm tốt chức năng tham mưu “đúng, trúng, hiệu quả” cho Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và xây dựng lực lượng dự bị động viên theo đúng Pháp lệnh, đảm bảo “gọn, mạnh, chất lượng cao”, sẵn sàng động viên, bổ sung cho lực lượng thường trực; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, bảo đảm số lượng, tỷ lệ và chất lượng, nhất là chất lượng chính trị. Tích cực tạo nguồn, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở, đảm bảo 100% cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã được đào tạo chuyên ngành quân sự; 100% cấp xã có tiểu đội dân quân thường trực; thực hiện tốt công tác phát triển đảng trong lực lượng dân quân, tự vệ và dự bị động viên. Hiện nay, đảng viên trong lực lượng dân quân, tự vệ của Thành phố đạt 25%; trong đó, 100% chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã tham gia cấp ủy cùng cấp; 100% trung đội dân quân thường trực, cơ động có tổ đảng; cán bộ tiểu đội, trung đội dân quân thường trực, cơ động đều là đảng viên; 98% cấp xã đạt chuẩn vững mạnh về quốc phòng và an ninh, v.v. Việc làm đó góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Thành phố vững mạnh, luôn là nhân tố nòng cốt trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của khu vực phòng thủ.

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là dịp để quân và dân cả nước nói chung, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng nói riêng ôn lại chiến công hào hùng, oanh liệt, một mốc son trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Từ đó, phát huy tinh thần “Trung thành, dũng cảm, quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân Đà Nẵng năm xưa vào xây dựng Thành phố vững mạnh về mọi mặt theo Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đại tá NGUYỄN THANH HOÀNG, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng

_______________

1 - 4 an: an ninh trật tự; an toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; an sinh xã hội. 5 không: không hộ đói; không người lang thang xin ăn; không người mù chữ; không người nghiện ma túy trong cộng đồng; không giết người để cướp của. 3 có: có nhà ở; có việc làm; có nếp sống văn minh đô thị.

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.