Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Ba, 14/04/2015, 09:02 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ phối hợp với các binh đoàn chủ lực trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Xe của Sư đoàn 571 chở bộ đội ta tiến vào Sài Gòn trong sự chào đón nồng nhiệt của đồng bào (Ảnh tư liệu)

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng ta lãnh đạo đã giành thắng lợi trọn vẹn vào mùa Xuân 1975 với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân miền Nam, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thắng lợi vĩ đại đó là trang sử hào hùng trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; nó đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX. Làm nên thắng lợi ấy là công sức, máu xương của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong suốt 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Cùng với cả nước, quân và dân miền Đông Nam Bộ đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kết thành một khối đại đoàn kết vững chắc, tổng động viên sức người, sức của, phối hợp nhịp nhàng với các binh đoàn chủ lực, tạo sức mạnh tổng hợp cho tiền tuyến lớn để làm nên thắng lợi vĩ đại của trận quyết chiến chiến lược, giải phóng Sài Gòn - Gia Định - đòn quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối năm 1974, chính quyền Sài Gòn suy yếu toàn diện cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, nhưng cả Mỹ và ngụy đều không có cách nào để cứu vãn được. Kế hoạch Hùng Vương, Lý Thường Kiệt (1973-1974) và kế hoạch toàn diện lâu dài (1973-1978) của Mỹ - ngụy nhằm nhanh chóng ổn định tình hình, xây dựng miền Nam thành căn cứ quân sự mạnh đang dần bị phá sản và có nguy cơ sụp đổ. Thực lực quân ngụy sa sút, tinh thần bị hoang mang, mặc dù vật chất, vũ khí, phương tiện kỹ thuật còn lớn. Lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh, tổng quân số ngụy sụt giảm mà không có khả năng bổ sung, tinh thần chiến đấu rệu rã mà không có cách khắc phục; trong khi bị nhân dân chống đối ngày càng mạnh. Nhiều cuộc đấu tranh xuống đường nổ ra đòi lật đổ chế độ Thiệu; nội bộ ngụy quyền mâu thuẫn gay gắt do tranh giành quyền lực, phải “thay ngựa giữa dòng” cũng không cứu vãn nổi tình thế.

Năm 1974, cách mạng miền Nam phát triển mạnh cả về thế và lực, giành thắng lợi to lớn trên các chiến trường đẩy quân địch vào thế bị động đối phó. Quân ủy Miền nhận định: Tương quan lực lượng nói chung giữa cách mạng và phản cách mạng ở miền Nam thì lực lượng cách mạng mạnh hơn lực lượng phản cách mạng. Thế của ta mạnh hơn địch nhiều. Ta luôn giữ quyền chủ động hành động trên các chiến trường,… địch chống đỡ, phản kích nhưng không mạnh và hiệu lực kém, v.v. Nếu năm 1975 ta kiên quyết khắc phục được điểm yếu này, thì tình hình chiến trường sẽ có bước ngoặt mới, đi đến cao trào cách mạng. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng Kế hoạch giải phóng miền Nam. Theo đó, lực lượng vũ trang (LLVT) miền Đông Nam Bộ được giao nhiệm vụ: 1. Phối hợp với bộ đội chủ lực Miền đẩy mạnh tác chiến giải phóng Đường 14 - Phước Long nối liền với Tây Ninh tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ hướng Bắc. 2. Giải phóng Đường 20 Tánh Linh - Võ Đắc, chia cắt Quân khu 2 với Quân khu 3 của địch, nếu thuận lợi giải phóng Xuân Lộc, cô lập Sài Gòn từ hướng Đông. 3. Giải phóng Dầu Tiếng - Truông Mít, uy hiếp Đường 22, tạo bàn đạp bao vây Sài Gòn từ hướng Tây Bắc. 4. Giải phóng khu vực Bến Cầu (Tây Ninh), phân tuyến Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây, mở hành lang xuống đồng bằng, tạo bàn đạp chia cắt Sài Gòn từ phía Tây. 5. Xây dựng hoàn chỉnh các căn cứ địa ở miền Đông, mở lõm, mở vùng tạo bàn đạp đứng chân và tiến công áp sát vùng ven Sài Gòn cho lực lượng đặc công, biệt động và các đơn vị bộ binh.

Đầu năm 1975, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Miền, LLVT miền Đông đã phối hợp với bộ đội chủ lực (Quân đoàn 4) đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, tạo đà để giải phóng tỉnh Phước Long (ngày 06-01-1975). Đây là tỉnh đầu tiên được giải phóng hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng Đường 14 - Phước Long là một thắng lợi có ý nghĩa “trinh sát chiến lược”, góp phần củng cố vững chắc thêm quyết tâm chiến lược, làm cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm: “Tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam”.

Sau chiến thắng Phước Long, quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Miền, LLVT miền Đông Nam Bộ thực hiện cuộc động viên tổng lực, huy động mọi khả năng nhân lực, vật lực cho trận quyết chiến chiến lược. Phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ chưa từng có, làm rung chuyển và lung lay bộ máy kìm kẹp của địch; phần đông binh lính ngụy co lại trong các đồn bốt. Đến trước ngày diễn ra Chiến dịch Tây Nguyên, vùng Hoài Đức - Tánh Linh được giải phóng, tạo bàn đạp để tiến công Xuân Lộc, Biên Hòa từ hướng Đông. LLVT tỉnh Long An cắt đứt Đường 4 để cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, LLVT các địa phương chiếm lĩnh cả hai trung tâm viễn thám, truyền tin của địch ở Bà Đen, Bà Rá và khống chế sân bay quân sự Biên Hoà, tạo ra một cục diện mới ở chiến trường Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, góp phần củng cố quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng về mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngày 23-02-1975, Bộ Tư lệnh Miền họp giao nhiệm vụ đợt II mùa khô 1974-1975 cho LLVT miền Đông Nam Bộ đã nhận định: Từ sau khi giải phóng Phước Long, tình hình đã phát triển rất nhanh, khẳng định dứt khoát lực lượng cách mạng đã mạnh hơn địch rất nhiều. Vì vậy, Quân ủy - Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho LLVT Quân khu 7 tổ chức tiến công khu Gia Ray và chi khu Lộc Ninh, giải phóng địa bàn Đường 333, Đường 1, một đoạn Đường 2 ở Bà Rịa, bốt Ngã Ba, Suối Cát, Bảo Bình, tạo thế bao vây, áp sát thị xã Xuân Lộc, mở hành lang từ Miền xuống hướng Đông - Nam Sài Gòn. Cùng với các chiến dịch ở Quốc lộ 2 và Quốc lộ 1, LLVT Thành đội Sài Gòn - Gia Định tiếp tục mở nhiều lõm giải phóng ở ven đô. Các đoàn biệt động và bộ đội địa phương đã đưa toàn bộ lực lượng về đứng chân ở Gò Vấp, Hóc Môn, Nam và Bắc Bình Chánh, Nam Thủ Đức, Tân Bình, tạo thế chuẩn bị tiến công vào nội đô từ nhiều hướng.

Ngày 23-3-1975, bộ đội địa phương tỉnh Bình Long phối hợp với bộ đội chủ lực từ thế bao vây chuyển sang tiến công giải phóng thị xã An Lộc, phát triển tiến công truy quét địch. Ngày 06-4-1975, Sư đoàn 6, Quân khu 7 trong đội hình phối thuộc của Quân đoàn 4 tiến công tuyến phòng thủ được mệnh danh là “cánh cửa thép” Xuân Lộc, giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh, mở toang cánh cửa vào Biên Hòa và Sài Gòn từ hướng Đông. Ở Long An, Tỉnh ủy đã huy động nhân dân dự trữ lương thực với khối lượng lớn để đáp ứng nhu cầu về lương thực cho bộ đội chủ lực, giúp bộ đội cơ động nhanh, tập trung cho nhiệm vụ giải phóng. Ở Sài Gòn - Gia Định, toàn bộ LLVT thành phố  chiếm lĩnh các địa hình, điểm chốt trọng yếu, chuẩn bị xong chiến trường, chia làm hai cánh bắc, nam tổ chức hiệp đồng tác chiến với quân chủ lực. Để tăng cường cho cánh quân Tây Nam Sài Gòn, Bộ Chỉ huy Miền thành lập Đoàn 232 (tương đương cấp quân đoàn) gồm: Sư đoàn bộ binh 3, Sư đoàn bộ binh 5, Trung đoàn 88, Trung đoàn 24, một số đơn vị binh chủng và hai tiểu đoàn địa phương của tỉnh Long An. Ngoài ra, còn được bổ sung thêm Sư đoàn 9, Trung đoàn 16, Trung đoàn 271B, thành lập thêm Trung đoàn Gia Định 2 và ba tiểu đoàn. Các đoàn đặc công, biệt động cũng được sắp xếp lại.

Ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn. Bốn quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 đồng loạt tiến công Sài Gòn từ các hướng Bắc, Đông, Tây Bắc, Nam và Tây Nam. Biệt động của Miền và Sài Gòn - Gia Định nhanh chóng chiếm lĩnh các đầu cầu, trục đường giao thông chính, mở đường cho các quân đoàn tiến đánh Sài Gòn. Trên các hướng, LLVT miền Đông Nam Bộ đồng loạt tiến công các mục tiêu được giao. Sư đoàn 6 được tăng cường cho Quân đoàn 4 đánh chiếm các mục tiêu trên trục Đường 1, thị xã Biên Hòa, cùng với Sư đoàn 341 đánh chiếm: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 ngụy và sân bay Biên Hòa. Sư đoàn 5 được tăng cường cho Binh đoàn Tây Nam (Đoàn 232) tiến công Tân An, Thủ Thừa, cắt đường địch rút chạy về đồng bằng sông Cửu Long. LLVT Sài Gòn - Gia Định phối hợp với bộ đội chủ lực, đặc công, biệt động phát triển đánh chiếm các hướng vùng ven về Tân Sơn Nhất, Bà Quẹo, Quán Tre, xa lộ Sài Gòn và chốt chặn cửa sông Nhà Bè. Trung đoàn 16 theo Đường 4 đánh vào Bình Điền, An Lạc rồi tiến vào Chợ Lớn. Hai tiểu đoàn của LLVT Long An và 2 trung đoàn của Quân khu 8 đánh thẳng vào quận 8, chiếm Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, chiếm kho xăng Nhà Bè.

5 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, LLVT miền Đông phối hợp với các cánh quân của bộ đội chủ lực thực hành Tổng tiến công vào Sài Gòn, kết thúc toàn thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trải qua chặng đường dài kháng chiến “gian lao mà anh dũng”, “đi trước về sau”, LLVT miền Đông Nam Bộ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, sự chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch sắc bén của Đảng ta, trực tiếp là Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Trong đó, sự chỉ huy xuất sắc của Bộ Tư lệnh Chiến dịch và nỗ lực phi thường của quân và dân miền Đông Nam Bộ góp phần quan trọng. Sự phối hợp tác chiến giữa LLVT miền Đông Nam Bộ và các binh đoàn chủ lực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới. Những kinh nghiệm đó còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay. Điều quan trọng là, chúng ta cần quán triệt, nắm vững đường lối quân sự của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” để vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kinh nghiệm đó vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ địa phương, xây dựng LLVT nhân dân, Quân đội nhân vững mạnh, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng, ThS. PHẠM VĂN DỸ, Chính ủy Quân khu 7

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.