Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:38 (GMT+7)
Đêm 19/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, đèn điện Hà Nội vụt tắt; pháo đài Láng và pháo đài Xuân Tảo ở Hà Nội nổ những phát súng báo hiệu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bắt đầu. Đó là lời Hịch thiêng liêng kêu gọi quân và dân cả nước xung trận bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc.
Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng đứng lên làm cuộc Tổng Khởi nghĩa thắng lợi, lập nên chính quyền cách mạng trong cả nước. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Toàn dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Từ đây, nhân dân Việt Nam muốn dành toàn lực cho công cuộc xây dựng xã hội mới mặc dù gặp muôn vàn khó khăn khi ba thứ “giặc” đang hoành hành: “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm.
Hòa bình quý hơn vàng. Độc lập tự do quý hơn vàng. Nhân dân Việt Nam đã có trong tay những thứ vàng đó. Nhưng, với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa quân Pháp hèn hạ núp sau lưng quân Anh vào Việt Nam với danh nghĩa để giải giáp quân đội phát xít Nhật từ vĩ tuyến 16 trở xuống, hòng tái chiếm Nam Bộ, trước mắt lập ra cái gọi là “Nam Kỳ tự trị”, sau là để tiến loang ra chiếm lại cả nước Việt Nam, bắt nhân dân ta sống trong cảnh nô lệ một lần nữa. Chỉ 03 tuần sau Ngày độc lập (ngày 23/9/1945), quân và dân ta đã phải đứng lên kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta vừa kiên trì kháng chiến để bảo vệ Nam Bộ với quan điểm: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bảo giờ thay đổi!”1; đồng thời, tìm cách hòa hoãn không để xảy ra chiến tranh trong phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ ta ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, để có thêm thời gian chuẩn bị trước khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lường trước.
Đúng là “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”. Chúng ta đã làm nhiều cách để giữ hòa bình, bịt họng súng chiến tranh, tận dụng cơ hội để xây dựng tình hữu nghị, hợp tác giữa Chính phủ, nhân dân Việt Nam với Chính phủ, nhân dân Pháp, kể cả nhân nhượng với kẻ cướp, như trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”2. Thực dân Pháp tiếp tục khiêu khích. Máu của nhân dân ta đã đổ ở Hà Nội và nhiều địa phương khác. Ranh giới nín nhịn của chúng ta, vốn bị thực dân Pháp làm cho nhòe đi và vào những ngày cuối tháng 12 năm 1946 đã không còn nữa. Nền độc lập tự do - lằn ranh đỏ - đã bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Và, đây là một “điểm nhấn” trong lời hịch non sông hùng tráng nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền đi cho việc bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”3.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã từng chứng kiến những thời khắc thiêng liêng như thế. Ở những thời khắc đó, những lời Hịch, khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc đã vang lên, như: bài thơ Thần Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt; Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi; Hịch của Quang Trung Nguyễn Huệ; Lời thề độc lập của lãnh tụ Hồ Chí Minh ngày 02/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người đã thuận theo dòng chảy của văn hóa yêu nước Việt Nam được hun đúc hàng nghìn năm, từ thời Hùng Vương, trải qua Đại Việt tiếp nối đến thời đại Hồ Chí Minh: không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ - đó là ý chí quật cường, lời thề bất hủ, thông điệp truyền đời của các thế hệ người Việt Nam yêu nước mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy. Chúng ta đã nhân nhượng, làm tất cả vì hòa bình, nhưng vẫn không thỏa được lòng tham lam vô đáy của thực dân xâm lược. Chúng ta lùi đến mức không thể lùi được nữa, nhân nhượng có nguyên tắc đến giới hạn cuối cùng không thể nhân nhượng được nữa. Vị nguyên thủ quốc gia Hồ Chí Minh hạ lệnh: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”4.
Đường lối kháng chiến đúng đắn và niềm tin thắng lợi
Đảng ta đã xác định đường lối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là: cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Điều này được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”5. Lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta đã minh chứng: không có lúc nào lực lượng vũ trang của ta đông và mạnh hơn kẻ địch nhưng tổng thể về sức mạnh dân tộc thì ta luôn hơn chúng và phần thắng cơ bản thuộc về ta. Đó là sức mạnh tổng hợp từ: truyền thống văn hóa yêu nước, sự cố kết cộng đồng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và sự kết hợp với sức mạnh của thời đại. Cho nên, không ít nhà khoa học, quân sự nước ngoài, nhất là ở Pháp và Mỹ, khi lý giải về nguyên nhân thất bại của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ ở Việt Nam đều tỏ ra rất ngạc nhiên về điều này. Một số trong họ cuối cùng cũng nhận ra rằng, đụng đầu vào chiến trường Việt Nam không chỉ là đụng độ với lực lượng vũ trang cách mạng còn ít và lạc hậu mà là đụng với cả một dân tộc nghìn năm văn hiến, toàn thể nhân dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy sức mạnh to lớn nhất, vĩ đại nhất của toàn dân tộc, vũ trang toàn dân, mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt nam, nữ, vùng miền, tôn giáo, giàu nghèo,… cầm lấy tất cả những gì có trong tay làm vũ khí để đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Đó cũng là thể hiện quan điểm “người trước súng sau” trong tư tưởng Hồ Chí Minh; là sự tiếp nối truyền thống “ngụ binh ư nông”; khoan thư sức dân để làm kế rễ sâu gốc bền thời nhà Trần. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã truyền lại kinh nghiệm quý cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong việc huy động sức mạnh toàn dân, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân; mỗi người dân là một chiến sĩ, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”6, v.v. Nó còn thể hiện niềm tin chiến thắng của dân tộc: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”7, bắt nguồn từ quyết tâm sắt đá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền từ lời Hịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến, dành riêng cho lực lượng vũ trang còn non trẻ lúc bấy giờ: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”8.
Lời Hịch non sông đó đã truyền cảm hứng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tỏ rõ tinh thần chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng cầm tất cả những gì trong tay để làm vũ khí bảo vệ độc lập, tự do, không cam chịu mất nước, không cam chịu làm nô lệ!
Lời Hịch truyền cho hôm nay
Việt Nam đang đứng trước thời cơ và thách thức lớn trên con đường phát triển vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa luôn đi đôi với nhau. Không có gì quý hơn độc lập, tự do là chân lý đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên. Hịch non sông từ lời kêu gọi của Người đêm 19/12/1946 vẫn còn vang vọng. Các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc phải luôn được coi trọng trong cả đối nội và đối ngoại. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại để bảo vệ môi trường hòa bình, xây dựng đất nước với sự phát triển nhanh và bền vững. Không bao giờ được lơi là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phải sẵn sàng đứng lên theo tinh thần lời Hịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền lại cho muôn đời sau.
Trong quan hệ quốc tế, lời Hịch của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam hiện nay thấy rõ rằng, phải lấy lợi ích quốc gia làm tối thượng, không bao giờ được phép nhân nhượng những vấn đề có tính nguyên tắc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đêm 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đượm phương châm, phương pháp “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ chính là cái “bất biến” trong muôn vàn cái “vạn biến” trong thời đại hiện nay. Trong đó, xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc là những điều kiện thiết yếu bảo đảm cho những điều “bất biến” ấy.
Hơn bao giờ hết, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần được tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh tới việc khơi dậy khát vọng độc lập tự do, khát vọng đưa dân tộc Việt Nam tiến lên hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ trước đến nay đều do hai nguyên nhân chủ yếu nhất: sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã biểu đạt hai yếu tố đó. Do vậy, phải tiếp tục coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị, tiếp tục coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, cầm quyền, nâng cao sức chiến đấu của mình. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng luôn luôn là nhân tố hàng đầu bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này, đã thể hiện rất rõ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp, tinh thần đại đoàn kết của toàn dân cùng chung sức, đồng lòng “chống dịch như chống giặc” trong phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - Lời Hịch non sông của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời cách đây 75 năm, nhưng ngày nay vẫn như tiếng kèn xung trận thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm giành thắng lợi trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là ý nghĩa to lớn của lời Hịch thời đại Hồ Chí Minh thể hiện ở Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG ______________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 280.
2 - Sđd, tr. 534.
3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.
4 - Sđd, tr. 534.
5 - Sđd, tr. 534.
6 - Điện của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ngày 07/4/1975.
7 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 534.
8 - Sđd, tr. 534.
Toàn quốc kháng chiến,Lời kêu gọi,Lời Hịch,thời đại Hồ Chí Minh
Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021
Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021
Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021
Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021
Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021
Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021
Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021
Nghệ thuật bảo đảm hậu cần những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội 10/12/2021