Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:24 (GMT+7)
Nhìn lại 60 ngày, đêm mở đầu Toàn quốc kháng chiến cho thấy, việc bảo đảm hậu cần cho các lực lượng chiến đấu kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; tạo điều kiện, thời gian để các cơ quan, nhà máy chuyển lên căn cứ địa an toàn, là nét đặc sắc của nghệ thuật bảo đảm hậu cần cho tác chiến, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng hiệu quả.
Thực hiện chủ chương chiến lược và hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Trung ương Quân ủy, Bộ Quốc phòng - Bộ Tổng chỉ huy, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp, vận dụng sáng tạo nghệ thuật đánh giặc độc đáo của ông cha, anh dũng chiến đấu, buộc thực dân Pháp phải sa lầy trong thế trận chiến tranh nhân ở đô thị; làm thất bại hoàn toàn âm mưu đánh chiếm Hà Nội trong vòng 24 giờ, tạo bàn đạp mở rộng tiến công đánh chiếm các thành phố, thị xã ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, thực hiện chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, hòng xâm lược nước ta một lần nữa. Trong thế trận chiến tranh nhân dân đó, “Việc bảo đảm hậu cần... cho lực lượng chiến đấu gồm cả bộ đội và dân quân tự vệ đều dựa vào chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương. Các tổ chức quân nhu, quân y của các đơn vị đã tích cực hoạt động, tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và nhân dân để tổ chức việc tiếp nhận vật chất và cung cấp kịp thời cho các đơn vị chiến đấu”1. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng để quân, dân Thủ đô đủ sức bám trụ, kiên cường chiến đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ trên giao kìm chân địch trong Thành phố. Công tác bảo đảm hậu cần lúc đó tuy còn sơ khai, nhưng để lại nhiều bài học quý, thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật bảo đảm hậu cần tác chiến - những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng vững chắc xây dựng, phát triển Ngành hậu cần Quân đội như ngày nay.
Một là, xây dựng thế trận hậu cần rộng khắp - thế trận hậu cần nhân dân trong Thành phố, nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến. Trước khi bùng nổ toàn quốc kháng chiến, lực lượng quân viễn chinh Pháp ở Hà Nội đông (khoảng 6.500 tên), được trang bị vũ khí hiện đại, có hỏa lực mạnh, nhất là xe tăng, nên chúng tổ chức chiếm đóng thành nhiều điểm án ngữ, ngăn chặn, khống chế các trục đường cơ động, trong đó có các cửa ô - nơi nối thông với khu vực an toàn ở ngoại thành. Trong khi đó, lực lượng vũ trang ta ở Hà Nội lúc đầu chỉ là các đơn vị Vệ quốc quân và dân quân tự vệ mới thành lập, vũ khí, trang bị thô sơ, công tác bảo đảm hậu cần cho chiến tranh, nhất là chiến đấu trong thành phố chưa được hình thành. Trước tình hình đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể ở từng khu vực nội thành, tận dụng triệt để sự chi viện từ các khu vực, địa bàn tự do ở ngoại thành, Ủy ban bảo vệ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội linh hoạt tổ chức toàn chiến trường thành 3 liên khu2 với thế trận cài xen với địch để vừa hạn chế khả năng hỏa lực, uy lực các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ huy, chỉ đạo chiến đấu, đồng thời phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia hỗ trợ, bảo đảm các mặt, trong đó có bảo đảm hậu cần tại chỗ. Nhiều loại hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm từ các chợ lớn trong nội đô được ưu tiên cung cấp bảo đảm trực tiếp cho các lực lượng chiến đấu. Chủ động thiết lập các trạm cứu thương cả dân y và quân y gần Cơ quan Chỉ huy của các liên khu3 bảo đảm thuận lợi cho việc chỉ đạo, tổ chức cấp cứu tại chỗ, điều trị thương, bệnh binh, bổ sung kịp thời lực lượng cho Mặt trận và là nơi trung chuyển thương, bệnh binh vừa và nặng ra khỏi Thành phố - nơi chiến tuyến. Cùng với xây dựng thế trận hậu cần tại chỗ, ta tích cực vận động, huy động nguồn lực hậu cần trong nhân dân và xác định các vị trí đặt kho tàng, nhà máy, bệnh viện,… ở vùng tự do. Đồng thời, ta gấp rút di chuyển kho tàng, xưởng máy, bệnh viện ra vùng ven đô theo từng hướng: các kho lương chuyển ra Thanh Liệt, Mễ Trì và một số điểm ven sông Nhuệ; các bệnh viện ra Văn Điển, Cự Đà, Khúc Thủy, riêng Quân y viện Trung ương đưa về Vân Đình (Hà Đông). Các khu vực này là nơi an toàn, gần nội đô, có chính quyền, các đoàn thể hoạt động mạnh, hiệu quả, thuận lợi cho việc huy động nhân lực, vật lực và tiếp tế, tạo nên các tuyến, thế trận hậu cần tương đối liên hoàn, vững chắc.
Hai là, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, tổ chức lực lượng hậu cần sát thực tế chiến đấu. Ngay từ khi bước vào kháng chiến, công tác bảo đảm hậu cần của trên hầu như chưa có, nên các đơn vị trực tiếp chiến đấu phải tự bảo đảm cho mình là chủ yếu. Trước tình hình đó, Ủy ban bảo vệ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã kịp thời động viên, phát huy sức mạnh toàn dân làm công tác hậu cần, nhất là ở khu vực ngoại thành. Theo đó, các cơ quan dân, chính, đảng tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của phục vụ tác chiến. Chính vì thế, ngay sau khi bước vào cuộc chiến đấu với quân viễn chinh Pháp ở Thủ đô, nhân dân vùng tự do đã hết lòng ủng hộ, đóng góp lượng vật chất lớn, điển hình là Tả Thanh Oai chỉ trong hai ngày vận động (20 và 21/12/1946) đã nhận được hơn 150 tấn thóc. Đặc biệt, với tinh thần cách mạng sục sôi, không sợ hy sinh, gian khổ, quyết tâm phục vụ chiến đấu của các tổ chức quần chúng, nhất là Hội Phụ nữ, nên tất cả các xã, huyện ngoại thành đều thành lập Ban Tiếp tế để chi viện và trực tiếp phục vụ chiến đấu trong nội thành. Trong đó, các Đội Hỏa đầu quân, Hội Úy lạo, Tiểu đội vận chuyển dân quân nữ,... là lực lượng quan trọng, chủ yếu trong công tác nuôi quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm và nhiều loại vật chất phục vụ chiến đấu từ ngoại thành đến từng đơn vị chiến đấu, tiến hành sơ cứu tại chỗ, vận chuyển thương, bệnh binh từ nội thành ra các bệnh viện ở ngoại thành để điều trị.
Để tiếp nhận vật chất hậu cần từ ngoài chuyển vào và trực tiếp bảo đảm chiến đấu, các đơn vị lực lượng vũ trang nhanh chóng thành lập các tổ quân nhu, quân y, nuôi quân. Đây là lực lượng đầu tiên thực hiện công tác bảo đảm hậu cần: nuôi quân, cấp dưỡng, cấp cứu, chăm sóc, vận chuyển thương binh, bệnh binh, tử sĩ,... tuy chưa đầy đủ, nhưng đã bảo đảm hậu cần thông suốt, liên tục giữa các tuyến trong tác chiến. Vì thế, mặc dù địch đánh phá ác liệt, hòng ngăn chặn, khống chế toàn Thành phố nhất là tại 05 cửa ô, song lực lượng hậu cần của các đơn vị chiến đấu cùng với chính quyền và nhân dân Hà Nội vẫn cung cấp tương đối đầy đủ lương thực, thực phẩm cho các đơn vị bộ đội, dân quân tự vệ chiến đấu. Việc thành lập lực lượng hậu cần ngay trong chiến đấu thể hiện sự sáng tạo, linh hoạt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh - cơ sở khoa học để thành lập các đơn vị bộ đội chủ lực (Trung đoàn Thủ đô, 48, 52) và bảo đảm chiến đấu, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Ba là, chủ động, linh hoạt bảo đảm hậu cần, đáp ứng yêu cầu chiến đấu. Trong thời kỳ đầu toàn quốc kháng chiến, do lường trước sự chi viện hậu cần từ nơi khác đến sẽ gặp khó khăn, Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội chỉ đạo, triển khai cho các lực lượng chiến đấu kết hợp với nhân dân nội thành chuẩn bị một số vật chất thiết yếu, như: gạo, muối, thực phẩm khô, nước,... đủ sinh hoạt trong 01 tháng, riêng Liên khu 1 dự trữ đủ 03 tháng lương thực, thực phẩm, bảo đảm cho các lực lượng trụ vững chiến đấu dài ngày trong nội thành. Sự chuẩn bị chu đáo trên thể hiện tính linh hoạt, chủ động, dự báo, lường trước những tình huống hậu cần khó khăn có thể xảy ra, nhất là đối với các khu vực chiến đấu ác liệt (Liên khu 1) dễ bị địch cô lập. Sự linh hoạt trong bảo đảm hậu cần còn được thể hiện qua việc tổ chức các đội nữ Hỏa Đầu quân làm nhiệm vụ nấu cơm, đem nước uống,... đến tận trận địa. Các mẹ, các chị trong Hội Úy lạo thay nhau mang quà thăm hỏi, động viên bộ đội, thương binh. Các tổ nuôi quân ban ngày bảo đảm cơm nước, ban đêm bí mật vượt vòng vây ra bãi Sông Hồng và những cánh đồng lân cận kiếm rau xanh, thực phẩm bảo đảm bữa ăn cho các đơn vị. Đặc biệt, lực lượng vận chuyển tiếp tế đã linh hoạt lợi dụng địa hình che khuất (cầu, cống, ven sông,...), tránh chỗ quét đèn pha của địch vào ban đêm, khéo léo vận chuyển vật chất hậu cần từ ngoại thành vào, khi ra kết hợp đưa thương binh vừa và nặng về các bệnh viện, gửi vào nhà dân điều trị, chăm sóc một cách an toàn, bí mật, v.v. Như vậy, mặc dù chưa có kinh nghiệm trong công tác bảo đảm hậu cần cho chiến đấu dài ngày trong đô thị, song, chúng ta đã quán triệt sâu sắc, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, vượt qua gian khổ, hy sinh, dựa chắc vào dân, kịp thời động viên và tổ chức toàn dân cùng tham gia tiếp tế, bảo đảm hậu cần một cách tốt nhất cho lực lượng vũ trang đủ sức chiến đấu. Các đơn vị đã kết hợp tốt giữa huy động, sử dụng nguồn lực tại chỗ với nguồn của các địa phương lân cận tiếp tế, góp phần quan trọng vào chiến công chung của quân, dân Thủ đô, kìm chân địch trong Thành phố dài ngày, vượt chỉ tiêu Trung ương giao, bảo toàn và phát triển lực lượng, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng của ta rút lên Việt Bắc an toàn.
Kế thừa, phát triển những bài học về nghệ thuật bảo đảm hậu cần trên địa bàn Thủ đô những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, trong điều kiện mới, ngành Hậu cần Quân đội tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, đẩy mạnh triển khai các biện pháp xây dựng tiềm lực, thế trận cùng các phương án, phương thức đảm bảo hậu cần cho các lực lượng vũ trang xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra cả trong thời bình và thời chiến. Trước mắt, Ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch về xây dựng Quân đội nói chung, xây dựng Ngành nói riêng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết số 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Quốc phòng về quy hoạch, đầu tư xây dựng các căn cứ hậu cần, khu vực kho, trạm hậu cần trên từng vùng, miền, biên giới, biển, đảo phù hợp với thế trận khu vực phòng thủ, thế trận phòng thủ quân khu và thế trận hậu cần chiến lược trên phạm vi cả nước, đáp ứng kịp thời cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong mọi tình huống. Đẩy mạnh việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, biên chế, trang bị ngành Hậu cần Quân đội, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng TRẦN DUY GIANG, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần _________________
1 - Tổng cục Hậu cần – Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập 1, Nxb QĐND, H. 1995, tr. 69.
2 - Liên khu 1 là khu trung tâm (quận Hoàn Kiếm ngày nay), Liên khu 2 phía Nam, Liên khu 3 phía Tây và Tây Nam Thành phố.
3 - Liên khu 1 có 2 trạm ở nhà số 26 (phố Hàng Buồm) và rạp Ô-lanh-pi-a (phố Hàng Da); Liên khu 2 và Liên khu 3 mỗi liên khu có 1 trạm.
Hà Nội,toàn quốc kháng chiến,Nghệ thuật bảo đảm,bảo đảm hậu cần,những ngày đầu
Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021
Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021
Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021
Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021
Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021
Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021
Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021