QPTD -Thứ Hai, 13/04/2020, 08:33 (GMT+7)
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

I. “Sứ giả hòa bình” của Việt Nam ở phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

II. Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Xu-đăng (Xem phần III tại đây)

 Hình ảnh những “sứ giả hòa bình” của Việt Nam đang hoạt động trong Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Xu-đăng và cán bộ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 1, số 2), đội công binh,… đã làm cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” với những giá trị vốn có được phát triển, nâng lên tầm quốc tế, phản ánh tinh hoa văn hóa, truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Họ thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm cao, năng lực chuyên môn tốt, tác phong chuyên nghiệp; luôn nhiệt tình, năng động, sáng tạo, độc lập trong xử lý công việc và làm chủ các trang thiết bị được giao; vượt khó vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy cán bộ, nhân viên của Việt Nam trong Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo thiện cảm với các lực lượng trong Phái bộ và nhân dân nước sở tại, góp phần làm lan tỏa hình ảnh về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đến với bạn bè quốc tế.

Các cá nhân xuất sắc của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 nhận Bằng khen của Tư lệnh các lực lượng quân sự Phái bộ. (Ảnh: qdnd.vn)

Để làm được điều đó, ngay sau khi Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 được thành lập (ngày 25/11/2014), được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã tích cực phối hợp triển khai làm công tác chuẩn bị. Về con người, theo yêu cầu của Liên hợp quốc, các thành viên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 đều được tuyển chọn kỹ từ các cơ quan, đơn vị thuộc các bệnh viện Quân y lớn của Quân đội, đảm bảo đủ sức khỏe, trình độ, năng lực chuyên môn theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Về huấn luyện - đào tạo, mặc dù nhân sự đầu vào của Bệnh viện dã chiến rất cao, nhưng vẫn phải trải qua các khóa huấn luyện - đào tạo theo quy chuẩn hết sức khắt khe của Liên hợp quốc. Theo đó, cùng với tăng cường huấn luyện chuyên môn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bệnh viện Quân y 175 đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và thông qua kênh hợp tác quốc tế về quốc phòng để hợp tác với các đối tác, như: Anh, Ốt-xtrây-li-a, Niu Di-lân trong đào tạo ngoại ngữ, tổ chức các đợt huấn luyện chuyên sâu, huấn luyện bổ sung theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Điển hình là các khóa huấn luyện kỹ năng về cấp cứu đường không, chăm sóc thương vong quốc tế (ITLS), hỗ trợ chăm sóc thương vong cao cấp (ATLS), xử lý tình huống khẩn cấp khi tiếp nhận, xử lý số lượng thương vong lớn, kỹ năng phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các loại bệnh truyền nhiễm thường gặp ở Phái bộ, v.v. Cùng với các nội dung huấn luyện về chuyên môn, ngoại ngữ, Bệnh viện dã chiến còn được huấn luyện thuần thục các hoạt động tiền triển khai, đảm bảo hoạt động hiệu quả ngay khi có lệnh triển khai tại Phái bộ. Điều đáng nói là, tất cả các nội dung trên đều do các chuyên gia quốc tế trực tiếp huấn luyện và sát hạch; qua kiểm tra các nội dung, đoàn kiểm tra của Liên hợp quốc đánh giá: 100% cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bệnh viện dã chiến cấp 2 có đủ tiêu chí và năng lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-đăng.

Cùng với đó, việc chuẩn bị sẵn sàng về trang bị và các bước triển khai cho Bệnh viện dã chiến cũng được Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan, đơn vị liên quan hết sức chú trọng. Theo quy định của Liên hợp quốc, bộ trang bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 phải đảm bảo theo tiêu chuẩn chung, được trang bị trước thời điểm triển khai quân tới Phái bộ ít nhất 4 tháng, nhằm phục vụ Phái đoàn kiểm tra trang bị tiền triển khai của Liên hợp quốc và phục vụ thao diễn thực địa. Ngoài ra, việc triển khai Bệnh viện này phải theo hai đợt chính: đợt 1 được triển khai tới Phái bộ gần 50% quân số và khoảng 30 tấn hàng hóa bằng đường hàng không; đợt 2 được triển khai với toàn bộ lực lượng, vật chất, trang bị còn lại bằng phương tiện vận tải quân sự là chủ yếu.

Như vậy, có thể nói, với khối lượng công việc đồ sộ, trong thời gian rất ngắn, chúng ta đã nỗ lực hết mình để chuẩn bị thật kỹ, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của Liên hợp quốc. Nhờ đó, việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng đã thành công rực rỡ, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Những kết quả sau gần 5 năm cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nói chung, triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại Nam Xu-đăng nói riêng tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm không chỉ xây dựng lòng tin, sự hiểu biết và thúc đẩy các kênh hợp tác với các nước, mà còn mang thông điệp hòa bình đến bạn bè quốc tế; đồng thời, thực hiện đúng cam kết với Liên hợp quốc nói riêng, quốc tế nói chung về một Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định, Việt Nam có đủ khả năng, năng lực tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ mang tầm quốc tế; Quân đội ta không chỉ anh hùng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, mà còn rất giỏi trong hoạt động ở lĩnh vực mới và rất nhân văn trong bảo vệ hòa bình.

Trong lần đầu Việt Nam cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, mặc dù chưa có kinh nghiệm, nhất là làm các thủ tục, chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm, trong khi Nam Xu-đăng thời tiết, khí hậu khắc nghiệt (ban ngày nắng nóng hơn 50 độ C, ban đêm nhiệt độ giảm xuống còn 11 đến 12 độ C); đường giao thông đi lại khó khăn; công tác ở xa nhà,… nhưng với ý chí quyết tâm, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam đã khắc phục khó khăn, triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại tỉnh Bentiu (Nam Xu-đăng) kịp thời, đảm bảo từ lúc triển khai đến khi đi vào hoạt động chỉ trong vòng 24 ngày. Trong khi nhiều quốc gia khác từ lúc triển khai đội hình đơn vị tới phái bộ hoạt động được thường phải mất từ hai đến ba, thậm chí là sáu tháng. Đặc biệt, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 còn mang thêm một số máy móc, trang, thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại không thuộc diện bồi hoàn của Liên hợp quốc và đưa sang một bác sĩ chuyên khoa giỏi, các trang thiết bị hiện đại về khoa sản. Đây là lần đầu tại Phái bộ Nam Xu-đăng có bác sĩ khoa sản và máy móc đi cùng để khám, chữa bệnh cho nữ nhân viên Liên hợp quốc và nhân dân bản địa. Vì vậy, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam rất đông, nhiều gấp bốn lần Bệnh viện dã chiến cấp 2 của nước bạn trước đây. Tháng đầu đi vào hoạt động, ta đã khám, chữa bệnh cho 120 lượt bệnh nhân là cán bộ, nhân viên của Liên hợp quốc và người dân; trong đó, thực hiện thành công ba ca mổ và cứu chữa nhiều ca sốt rét. Từ khi đi vào hoạt động đến khi kết thúc nhiệm kỳ, Bệnh viện dã chiến cấp cấp 2 số 1 đã tiếp nhận, điều trị gần 800 bệnh nhân; trong đó, có hơn 30 ca phẫu thuật, 22 ca trung đến đại phẫu, chuyển thương đường không lên tuyến trên 3 ca, v.v.

Hiện nay, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sau khi tiếp nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Phái bộ Nam Xu-đăng đã và đang thực hiện tốt yêu cầu đề ra. Chỉ trong 3 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Bentiu, Nam Xu-đăng, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã tiếp nhận 527 lượt bệnh nhân khám và điều trị; thực hiện thành công 4 ca tiểu phẫu, 1 ca trung phẫu và 1 ca đại phẫu; vận chuyển đường không thành công 3 bệnh nhân nặng lên Bệnh viện dã chiến cấp 3 tuyến trên, v.v.

Thực tế trên, không những gây ấn tượng tốt đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên các cơ quan Phái bộ của Liên hợp quốc làm việc tại Phân khu Bắc tiền phương (Bentiu), mà còn được Phòng y tế toàn Phái bộ Nam Xu-đăng đánh giá cao tinh thần tích cực, chủ động của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam trước đây và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 hiện nay. Do đó, nhiều đại diện của các Bệnh viện dã chiến cấp 1 của một số nước trên địa bàn, các đoàn công tác của tổ chức phi chính phủ đã đến thăm Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Với những kết quả đạt được, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã được lãnh đạo Liên hợp quốc đánh giá cao, 2 lần gửi thư tới Chính phủ Việt Nam để cảm ơn và khen ngợi. Cảm phục trước trình độ chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc hiệu quả, ý thức kỷ luật cao,… của các sĩ quan Việt Nam ở từng Phái bộ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon (lúc đó) đã dùng từ “tuyệt vời” để ngợi ca lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam khi ông đến thăm Hà Nội vào tháng 5/2015.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong Phái bộ, dù ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh, lĩnh vực công tác nào, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, năng lực chuyên môn, không dao động trước những khó khăn, thách thức; tạo được niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, rau xanh khan hiếm, để bảo đảm nguồn thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” của Việt Nam đã mang theo hạt giống, trồng nhiều loại rau; đồng thời, hướng dẫn người dân bản địa tự trồng rau xanh, cải thiện đời sống. Cùng với đó, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi còn tổ chức dạy học cho trẻ em. Đây là hoạt động chưa từng có tại Phái bộ nước này, nên đã trở thành điểm sáng, được Phái bộ đánh giá cao và nhiều lần nêu gương trong các hội nghị, cuộc họp. Việc dạy học của sĩ quan Việt Nam còn lan tỏa, nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, như: Quỹ hỗ trợ trẻ em Liên hợp quốc (UNICEF), tổ chức phi chính phủ (NGO) và các cơ quan của Cộng hòa Trung Phi, như: Viện nghiên cứu Pasteur, Đại học Bangui, Phòng hải quan sân bay quốc tế (MPOKO) và nhiều cộng đồng người dân Trung Phi.

Vượt qua trở ngại về ngoại ngữ, phong tục, tập quán địa phương, đoàn cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc tích cực tham gia các hoạt động với nhân dân nước sở tại và bạn bè quốc tế bằng nhiều hình thức thiết thực, như: tổ chức dạy học cho các cháu; gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với sinh viên trường Đại học Bangui về thành lập câu lạc bộ sinh viên tình nguyện; phối hợp tổ chức các hoạt động thiện nguyện, văn hóa, văn nghệ; hướng dẫn người dân bản địa nấu các món ăn Việt Nam, v.v. Qua đó, tuyên truyền, giới thiệu với bạn bè quốc tế và chính quyền, nhân dân nơi đây về đất nước, con người Việt Nam; lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Thực tiễn cho thấy, càng trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” càng tỏa sáng, có sức thuyết phục đối với nhân dân và bạn bè quốc tế về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.

ĐỖ HỒNG LÂM
____________

Số sau: III. Để phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” mãi mãi là biểu tượng sáng ngời đối với bạn bè quốc tế (Xem phần III tại đây)

Ý kiến bạn đọc (0)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân - giá trị, ý nghĩa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta, dân tộc ta một kho tàng di sản tư tưởng vô giá, trong đó tư tưởng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và nền quốc phòng toàn dân là nội dung cốt lõi trong tư tưởng quân sự của Người.