QPTD -Thứ Ba, 01/12/2020, 07:57 (GMT+7)
Tham luận Hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh
Tư duy quân sự, quốc phòng của Đại tướng Lê Đức Anh trong những năm đầu đổi mới đất nước 1986 - 1996

Cuộc đời hoạt động của Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Anh Lê Đức Anh là nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”. Đặc biệt, bước vào thời kỳ đổi mới, trên các cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, với tầm nhìn chiến lược sắc sảo, nhạy bén cùng với phương pháp tư duy biện chứng, cụ thể, sát thực tiễn, Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều đóng góp nổi bật về đổi mới tư duy quân sự, quốc phòng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, nổi bật một số nội dung sau:

1. Tham mưu và trực tiếp chỉ đạo kiện toàn tổ chức, biên chế và điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược của đất nước.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi, nhân dân ta bắt tay vào khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, nhất là sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc và Biên giới Tây Nam, Quân đội cùng với toàn Đảng, toàn dân tập trung đẩy mạnh thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược đó, Quân đội trước hết phải kiện toàn lại tổ chức biên chế, giảm quân số thường trực, điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược nhằm giảm gánh nặng cho nền kinh tế đất nước.

Đáp ứng những yêu cầu mới của cách mạng và công tác quân sự, quốc phòng, ngày 07/12/1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký quyết định điều chuyển Đại tướng Lê Đức Anh từ chiến trường Campuchia về đảm nhiệm cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đại tướng được bầu vào Bộ Chính trị và được phân công đảm nhiệm trọng trách Phó Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng1. Với kinh nghiệm dày dạn và tầm nhìn chiến lược sắc sảo, sau những đợt thị sát ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân, Đại tướng Lê Đức Anh đã đề xuất với Thường vụ Bộ Chính trị thực hiện ngay việc giảm quân số thường trực và điều chỉnh thế bố trí chiến lược của Quân đội.

Theo Đại tướng Lê Đức Anh, ngân sách quốc phòng hằng năm chiếm đến 25% tổng ngân sách quốc gia nhưng vẫn không đủ trang trải các nhu cầu tối thiểu về ăn, ở, trang bị, huấn luyện và chiến đấu của bộ đội; đời sống bộ đội hết sức khó khăn, trang bị thiếu thốn; nếu không thực hiện được việc giảm quân số, không những nền kinh tế không chịu nổi mà sức chiến đấu của Quân đội cũng sẽ ngày càng giảm sút, an ninh quốc phòng không bảo đảm. Do vậy, việc đầu tiên để tăng cường sức chiến đấu của Quân đội, tiếp tục xây dựng nền quốc phòng vững mạnh, giảm tải gánh nặng cho nền kinh tế, phải giảm quân số thường trực (giảm trên 60% số quân thường trực và xin ngân sách quốc phòng từ 15 đến 18% tổng ngân sách)2.

Với trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Đại tướng khẳng định: việc giảm quân số thường trực về thực chất không làm ảnh hưởng mà trái lại sẽ làm tăng sức mạnh quốc phòng của đất nước, nếu ta thực hiện điều chỉnh thế bố trí chiến lược một cách đúng đắn, hợp lý. Sức mạnh Quân đội ta được phát huy bởi sức mạnh toàn dân, toàn diện, phù hợp với khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam. Do đó, việc giảm quân số thường trực phải gắn chặt và thực hiện song song với việc điều chỉnh thế bố trí chiến lược mới3.

Đề xuất của Đại tướng Lê Đức Anh đã được Bộ Chính trị nhất trí. Theo đó, Đại tướng đã cùng với tập thể Đảng ủy Quân sự Trung ương và các cơ quan Bộ Quốc phòng, nòng cốt là Bộ Tổng Tham mưu tập trung nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức biên chế, điều chỉnh thế bố trí chiến lược quốc phòng của đất nước phù hợp với thời kỳ mới. Với quan điểm là phải giảm quân số thường trực, giảm tổ chức biên chế, giảm được chi phí quốc phòng nhưng phải làm cho Quân đội tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Công việc khẩn trương, đòi hỏi phải tính toán rất kỹ. Những ý kiến đề xuất của Bộ Tổng Tham mưu và các cơ quan đơn vị trong toàn quân đều được Đại tướng nghiên cứu, chỉ đạo từng việc cụ thể. Kết quả của đợt điều chỉnh tổ chức biên chế trong hai năm (1987 và 1988), toàn quân đã hợp nhất 41 đơn vị thuộc cơ quan quân khu, quân đoàn và tổng cục; giải thể 71 đầu mối từ cấp tiểu đoàn đến sư đoàn và tương đương; giảm biên chế 20% quân số đối với các cơ quan trực thuộc Bộ. Năm 1989, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể 12 sư đoàn bộ binh, 01 lữ đoàn, 03 trung đoàn, 01 tiểu đoàn thuộc các quân khu, quân đoàn và tổng cục.

Trong việc điều chỉnh thế bố trí chiến lược, ngày 11/9/1987, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 179/QĐ-TM thành lập 83 đồn biên phòng thuộc 06 tỉnh biên giới phía Bắc; Quân đoàn 14 và Quân đoàn 26 (Quân khu 1) làm nhiệm vụ ở tuyến được lệnh lùi về phía sau. Hướng Đông Bắc, tháng 8/1987, Đảng ủy Quân sự Trung ương quyết định hợp nhất Đặc khu Quảng Ninh và Quân khu 3, giữ tên gọi là Quân khu 3 và thành lập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ vùng đảo Quảng Ninh. Ở hướng đồng bằng Bắc Bộ, Quân đoàn 3 được lệnh điều chuyển vào đóng quân trên địa bàn Tây Nguyên. Trên nước bạn Lào và Campuchia, sau khi đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quốc tế, toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam rút về nước (năm 1989). Việc điều chỉnh các đơn vị chiến đấu áp sát biên giới dãn ra phía sau; đặc biệt, điều động một bộ phận dự bị chiến lược trên hướng Bắc về đứng chân trên địa bàn Tây Nguyên, đề phòng những sự cố có thể xảy ra trong vùng chiến lược xung yếu này và sẵn sàng cơ động xuống vùng bờ biển miền Trung là một chủ trương đúng đắn, vừa có ý nghĩa về chiến lược quân sự, vừa có ý nghĩa về chính trị, ngoại giao; tạo điều kiện để bình thường hóa quan hệ và tiếp tục củng cố, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc sau này.

Như vậy, sau một thời gian thực hiện tinh giản tổ chức, biên chế và điều chỉnh thế bố trí chiến lược, đến cuối năm 1990, việc điều chỉnh lực lượng trong toàn quân đã đạt tỷ lệ tương đối hợp lý, phù hợp với yêu cầu tổ chức quân đội trong thời kỳ đổi mới.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh việc giảm quân số thường trực và điều chỉnh thế bố trí chiến lược trong thời gian này là phù hợp với tư duy nghệ thuật quân sự hiện đại và xu thế phát triển về kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước, đặt tiền đề cho tiến trình phá bỏ thế cấm vận, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập và phát triển.

Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng (bìa trái, hàng trên cùng) kiểm tra tình hình bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1987. (ảnh tư liệu)

2. Chỉ đạo hoàn thiện bố trí lực lượng trên khu vực quần đảo Trường Sa.

Trong khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang khẩn trương xây dựng đất nước, củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang theo đường lối đổi mới của Đảng thì tình hình Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp do các hoạt động của hải quân một số nước trong khu vực gây ra, nhằm do thám, khiêu khích, quấy phá, chiếm đóng một số đảo của ta. Do vậy, việc tăng cường phòng thủ bờ biển, hải đảo là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết. Với tư duy và tầm nhìn chiếc lược của một vị tướng dày dạn kinh nghiệm, cuối tháng 02/1987, Đại tướng Lê Đức Anh một mặt chỉ đạo Quân chủng Hải quân đưa ngay lực lượng ra đóng giữ bãi đá ngầm Thuyền Chài; mặt khác, chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương hoàn thành và trình lên Trung ương chủ trương, kế hoạch giữ các đảo và bãi đá ngầm của ta ở quần đảo Trường Sa. Trong các buổi làm việc với Quân chủng Hải quân, Đại tướng luôn nhấn mạnh: Phải thấy hết vị trí chiến lược của Biển Đông; phải lo tăng cường phòng thủ quần đảo Trường Sa, nơi có thể xảy ra xung đột; phải hành động kiên quyết để bảo vệ các đảo nổi và đảo chìm. Ngày 10/6/1987, tiếp tục làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân và Vùng 4, Đại tướng Lê Đức Anh khẳng định rõ: “Ta phải nỗ lực cao nhất để bảo vệ quần đảo Trường Sa, tăng cường khả năng phòng thủ tại chỗ, giữ vững các đảo, coi trọng việc chi viện từ bờ ra. Vừa qua quốc phòng và cả nước chưa làm hết sức. Nay ta phải làm, làm cho ngày nay và cho thế hệ mai sau”.

Trên cơ sở kế hoạch đóng giữ các bãi đá ngầm tại Trường Sa đã được đồng chí Đỗ Mười, Thường trực Ban Bí thư, phê duyệt, ngày 06/11/1987; Đại tướng Lê Đức Anh ký ban hành Mệnh lệnh số 1679/ML-QP giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân: “Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người; trước mắt đưa ngay lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Đá Chữ Thập, Đá Lớn, Đá Tiên Nữ để khai thác và sẵn sàng bảo vệ đảo”4. Cuối năm 1987 và tháng 01/1988, Đại tướng tiếp tục chỉ thị Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Chính trị tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ cho các quân chủng Hải quân, Phòng không và Không quân phối hợp xây dựng kế hoạch hiệp đồng tác chiến giữa ba quân chủng để bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Từ tháng 01 đến tháng 4 năm 1988, Trung Quốc chiếm đóng bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Huy Gơ, Xu Bi gây ra tình hình hết sức căng thẳng ở khu vực quần đảo Trường Sa. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đại tướng Lê Đức Anh ra lệnh cho Quân chủng Hải quân với quyết tâm cao nhất, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, sử dụng tối đa mọi lực lượng, phương tiện có thể, tranh thủ mọi thời gian xây dựng, triển khai đóng giữ các đảo chìm và bãi đá ngầm, như: Co Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Đông, đá Tốc Tan, đá Núi Le. Ngày 07/5/1988, phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 33 năm Ngày truyền thống Quân chủng Hải quân được tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn, Đại tướng Lê Đức Anh đã nhấn mạnh: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”5. Với những quyết tâm cao nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, năm 1988, Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục chỉ đạo Quân chủng Hải quân khắc phục mọi khó khăn, đưa quân ra đóng giữ tiếp 11 bãi đá ngầm khác. Đến tháng 6/1989, ta bắt đầu đóng giữ các bãi đá ngầm: Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Ba Kè, cơ bản hoàn thành việc chốt giữ các đảo chìm và bãi đá ngầm còn lại ở Trường Sa, bước đầu ngăn chặn được hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của hải quân nước ngoài ra các đảo lân cận.

3. Chỉ đạo đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.

Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, kết hợp với bạo loạn lật đổ, nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, kết hợp với bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc. Đồng chí đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu xây dựng, ban hành Chỉ thị số 94/CT-TM về củng cố tăng cường vũ khí, trang bị, nhằm nâng cao khả năng, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang khi có tình huống xảy ra; tăng cường tổ chức các cuộc diễn tập chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ ở các thành phố lớn, các vùng trọng điểm; tổ chức diễn tập chỉ huy - tham mưu, kết hợp với diễn tập thực binh ở các đơn vị chủ lực cấp sư đoàn bộ binh, bộ binh cơ giới, phòng không - không quân,... và ở cấp cao hơn. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; đề phòng diễn biến phức tạp và có biện pháp xử lý đúng các tình huống ở Biển Đông, vùng biển Tây Nam, biên giới, các địa bàn trọng yếu; chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt; chủ động trong mọi tình huống, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động. 

Thực hiện chủ trương trên, trong 10 năm (1986 – 1996), thế trận nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân không ngừng được củng cố, tăng cường; trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang được nâng cao; kịp thời ngăn chặn và dập tắt các vụ bạo loạn, sẵn sàng đối phó có hiệu quả với mọi tình huống xảy ra; công tác dự báo, bám nắm địch trên các hướng chặt chẽ, không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, đồng chí Lê Đức Anh đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ phòng ngự ở tuyến trước. Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các kế hoạch tác chiến, trong đó có kế hoạch A2; xúc tiến xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), trước mắt chú trọng nâng cao khả năng phòng, chống bạo loạn; xây dựng kế hoạch cùng các ph­ương án tác chiến sẵn sàng đối phó với các tình huống,... Chú trọng nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân chủng Hải quân, Không quân và các đơn vị làm nhiệm vụ cơ động mạnh của Bộ. Các đơn vị quân đội và Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương, các ngành làm kinh tế biển tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đi đôi với tăng cường công tác quản lý biển.

Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục có sự nghiên cứu, vận dụng sát hợp vào tiến trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ biển, đảo, biên giới của Tổ quốc. Đặc biệt, chủ trương sắp xếp tổ chức biên chế ở các cơ quan, đơn vị toàn quân, bảo đảm để Quân đội thực sự tinh nhuệ, hiện đại, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LƯỢNG, Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý Khoa học và đào tạo, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
_______________

1 - Ngày 18/02/1987, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký Quyết định số 6782/HĐNN bổ nhiệm Đại tướng Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2 - Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng (Hồi ký), Nxb CTQG, H. 2015, tr. 301 - 304, 309.

3 - Sđd, tr. 306.

4 - Bộ Tổng Tham mưu - Cục Tác chiến - Lịch sử Cục Tác chiến (1945 - 2015), Nxb. QDND, H. 2015, tr. 475.

5 - Đại tướng Lê Đức Anh và nhiều tác giả - Bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 80.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế
Sáng 30/11, tại Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”.