QPTD -Thứ Hai, 30/11/2020, 10:26 (GMT+7)
Tham luận tại Hội thảo kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi (năm 1937), cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với nhiều mốc son lịch sử dân tộc và Quân đội; gắn bó với cuộc đời binh nghiệp đầy gian khổ và oanh liệt. Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã đảm nhiệm nhiều cương vị công tác quan trọng, như: Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sau này là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên các cương vị công tác, dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản; luôn tận tụy, cương nghị, bản lĩnh và dám làm, dám chịu trách nhiệm, đem hết tài năng, trí tuệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi đứng trước những tình thế khó khăn, buộc phải ra quyết định, đồng chí luôn phát huy tố chất của con người có “tầm nhìn sâu và rộng trong những vấn đề chiến lược của đất nước”. Với năng lực tư duy sáng tạo và hành động quyết liệt, tấm lòng vì nước, vì dân, đồng chí không quản ngại khó khăn, không sợ trách nhiệm, mà luôn quyết đoán chính xác các tình huống, tìm cách giải quyết đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với xu thế của thời cuộc và yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Thiếu tướng, TS. Đỗ Hồng Lâm phát biểu tham luận tại Hội thảo

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và chống đế quốc Mỹ, cứu nước, Đồng chí đã tích cực phấn đấu, rèn luyện ý chí, tài năng, không ngừng trưởng thành và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, như: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975; chỉ huy xây dựng lực lượng vũ trang ở đồng bằng sông Cửu Long và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; làm nhiệm vụ quốc tế, giúp cách mạng Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng Khơ-me đỏ và giúp bạn xây dựng lại đất nước.

Trong những năm giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Đồng chí cùng tập thể Thường vụ, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân; xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, Đồng chí đã đề xuất kế hoạch xây dựng Quân đội tinh, gọn, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao và cắt giảm lực lượng vũ trang để tập trung cho phát triển đất nước trong thời điểm nhất định; điều chỉnh chiến lược phòng thủ đất nước trong tình hình mới, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế lúc bấy giờ mà vẫn bảo đảm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng và là một trong những người đưa ra ý tưởng xây dựng khu vực phòng thủ, các khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược. Khi kế hoạch được Bộ Chính trị thông qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thế trận phòng thủ đất nước được bố trí lại phù hợp, hiệu quả hơn; thế trận chiến tranh nhân dân và sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân được phát huy cao độ, nhất là ở các vùng biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược; đường biên giới hữu nghị với các nước được xây dựng, củng cố; lực lượng phòng thủ trên biển, đảo được tăng cường, quân số thường trực giảm, nhưng chất lượng được nâng cao. Điều đó đã giảm được chi phí quốc phòng trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, khi vừa phải tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa phải đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế theo đường lối đổi mới để sớm thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đồng thời, Đồng chí hết sức quan tâm đến trang bị cho Quân đội, xây dựng công nghiệp quốc phòng, chăm lo cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ.

Quan điểm của Đại tướng Lê Đức Anh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh không những có ý nghĩa chiến lược trong thời điểm đó, mà còn có giá trị cả về lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần nghiên cứu, tiếp thu, phát triển lên tầm cao mới. 

Ngày nay, trên thế giới và khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song diễn biến thay đổi hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Chiến tranh quy mô lớn ít có khả năng xảy ra nhưng cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ có thể diễn ra gay gắt hơn. Các yếu tố an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp; xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới, làm thay đổi môi trường chiến lược, tác động sâu sắc tới mọi quốc gia, dân tộc. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, đặt ra thách thức lớn đối với an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên biển. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được củng cố, nâng cao. Tuy nhiên, đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; Biển Đông, vùng biển Tây Nam và một số địa bàn chiến lược tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường hoạt động  “diễn biến hòa bình” với âm mưu, thủ đoạn ngày càng công khai, trực diện hơn. Yêu cầu về chấn chỉnh lực lượng Quân đội phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước đang đặt ra những vấn đề mới cần quan tâm giải quyết, v.v. Trước thực tế đó, việc quán triệt quan điểm, tư tưởng của Đại tướng Lê Đức Anh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh càng có giá trị thiết thực; cần tập trung thực hiện một số vấn đề sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác quân sự, quốc phòng. Cần phải nhận thức rõ, Đảng ta vừa tổ chức lãnh đạo, xác định quan điểm, định ra đường lối, vừa là hạt nhân đoàn kết để động viên sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hướng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện tốt chức năng tham mưu, không ngừng hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng. Công tác lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng phải thường xuyên được duy trì thực hiện nghiêm túc, thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp coi việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên để có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả đối với nhiệm vụ này ở địa bàn, địa phương mình. Hệ thống nghị quyết, văn bản, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân cần được tổ chức quán triệt kỹ, triển khai thực hiện nghiêm túc, thống nhất, hiệu quả trên thực tế. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác quân sự, quốc phòng, bảo đảm cho nhiệm vụ này được triển khai thực hiện triệt để, hiệu quả trong thực tiễn.

Hai là, thường xuyên nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo chiến lược, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu về quốc phòng, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, Quân đội. Là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Quân đội nhân dân quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, làm cơ sở tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng đúng đắn, khoa học; kịp thời tổ chức triển khai xử lý thắng lợi các tình huống, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ về chiến lược. Các cơ quan chiến lược của Bộ Quốc phòng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành có liên quan, trực tiếp là Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để chia sẻ thông tin, nắm chắc tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, nhất là những diễn biến liên quan đến quốc phòng, an ninh và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc đánh giá chính xác tình hình, đối tác, đối tượng để tham mưu đúng, trúng, kịp thời, giải quyết tốt các mối quan hệ quốc tế nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là vấn đề quan trọng hàng đầu, mục tiêu cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trên cơ sở đó, có kế hoạch, phương án ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi bên trong, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống.

Ba là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Khi còn đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh rất quan tâm xây dựng Quân đội theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao và toàn diện. Vì vậy, việc xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ) vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Cấp ủy, chỉ huy các cấp phải quán triệt, thấu suốt quan điểm của Đảng, nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mỗi lực lượng để có chủ trương, giải pháp phù hợp. Phải tập trung xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chú trọng xây dựng Quân đội cả về con người và vũ khí, trang bị, trong đó lấy xây dựng con người là trung tâm - nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thời gian tới, cùng với quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang theo các đề án về điều chỉnh tổ chức, biên chế và chiến lược trang bị cho Quân đội đến năm 2025, chúng ta cần tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm bảo đảm cho Quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương; chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại cho cả lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ. Coi trọng nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng… bảo đảm tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh và ngược lại. Thực tiễn cho thấy, kinh tế, văn hóa, xã hội có phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện thì mới có cơ sở để tăng cường tiềm lực quốc phòng; ngược lại, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường là cơ sở, nền tảng giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước không ngừng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm có thể huy động tối đa sức mạnh của nền kinh tế - xã hội vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc khi có chiến tranh xảy ra. Trước mắt, cần huy động sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế quốc dân vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, hình thành nên thế trận phòng thủ quốc gia, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Đối với các địa phương, trong quá trình quy hoạch, phát triển cần phải gắn các đề án, dự án với nhiệm vụ phòng thủ của địa phương, bảo đảm cho việc phát triển kinh tế - xã hội luôn đi song song với củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là trên các vùng, miền chiến lược. Đối với các đơn vị quân đội, phải quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Quân ủy Trung ương về quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, nhất là Nghị quyết số 425-NQ/QUTW, ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2016 - 2020”. Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược theo Quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển các khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Coi trọng xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên hướng biên giới, biển, đảo xa bờ; xây dựng và hoàn thiện một số mô hình kết hợp kinh tế với quốc phòng để ổn định và cải thiện đời sống nhân dân trên vành đai biên giới, khu vực xung yếu, tạo thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn, hướng chiến lược của đất nước. Chủ động phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ, xử lý các thông tin về quốc phòng, an ninh; trong công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu ở các cấp, bảo đảm cho thế trận quốc phòng toàn dân luôn gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân; tích cực đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.   

Năm là, đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Công tác đối ngoại quốc phòng có ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, vì vậy phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 806-NQ/QUTW, ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng cả trên bình diện song phương và đa phương, bảo đảm cho sự hợp tác trên lĩnh vực này trở thành nhân tố góp phần bảo vệ  Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Quá trình thực hiện phải nắm vững nguyên tắc chiến lược, nhưng hết sức linh hoạt, mềm dẻo về sách lược để tổ chức thực hiện đúng đắn, sáng tạo đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng. Tiếp tục đưa công tác đối ngoại quốc phòng đi vào chiều sâu, bền vững; trong đó, ưu tiên hợp tác với các nước có biên giới liền kề, củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác với các nước lớn, coi trọng quan hệ với các nước ASEAN, tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các nước công nghiệp phát triển nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Quán triệt tư tưởng, quan điểm của đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nguyện trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; tinh thần cách mạng tiến công; không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống. Đồng thời, tích cực chấn chỉnh tổ chức, lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, bảo đảm nâng cao sức mạnh chiến đấu, phù hợp với yêu cầu của nghệ thuật tác chiến hiện nay. Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, “thế trận lòng dân” vững chắc. Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng; ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến. Đẩy mạnh chống “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Với tinh thần đó, toàn quân tiếp tục học tập, noi gương đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nêu cao truyền thống, bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” - “Bộ đội của dân”, đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. ĐỖ HỒNG LÂM, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Ý kiến bạn đọc (0)

Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế
Sáng 30/11, tại Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”.