QPTD -Thứ Năm, 24/08/2017, 08:32 (GMT+7)
Giá trị lịch sử và hiện thực của tác phẩm “Đường kách mệnh"

Tác phẩm “Đường kách mệnh” là một trong những di sản tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước ta công nhận là bảo vật quốc gia1. Tác phẩm ra đời cách đây đã 90 năm (năm 1927), nhưng vượt qua thời gian, nó không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Cuốn sách “Đường Kách Mệnh” . (Ảnh tư liệu)

Đúng như tên gọi của nó, Tác phẩm đã vạch ra con đường cách mạng Việt Nam; trong đó, xác định đường lối, mục tiêu, lý tưởng, động lực cách mạng, vai trò của lý luận cách mạng và nhiều vấn đề quan trọng khác, tạo tiền đề về tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930). Dù đã trải qua 9 thập kỷ, nhưng những giá trị lý luận và thực tiễn của Tác phẩm có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay và mai sau.

1. Bối cảnh ra đời và giá trị lịch sử của Đường kách mệnh

Đường kách mệnh là tác phẩm tập hợp những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho lớp huấn luyện cán bộ cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1925 - 1927, được xuất bản lần đầu tiên năm 1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông ấn hành.

Trong hoàn cảnh phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản các nước trên thế giới phát triển mạnh mẽ, phong trào giải phóng dân tộc ở trong nước đã xuất hiện nhiều tổ chức yêu nước mang sắc màu chính trị khác nhau, đòi hỏi phải có một tổ chức mới, có đường lối đúng đắn và tổ chức chặt chẽ thì mới lãnh đạo cách mạng đi đến thành công. Bởi vậy, Tác phẩm ra đời có ý nghĩa và vai trò như kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam. Để đảng cách mạng chân chính - Đảng Cộng sản Việt Nam - ra đời, đảm đương sứ mệnh lãnh đạo cách mạng nước ta đi đến thành công, cần có sự chuẩn bị những tiền đề, điều kiện về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Lịch sử đã chọn lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người gánh vác trọng trách to lớn này trước dân tộc và trước cách mạng Việt Nam.

Trên cương vị là phái viên của Quốc tế Cộng sản, trong khoảng thời gian từ năm 1924 - 1927, Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Quảng Châu (Trung Quốc), tiến hành truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng, theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước; trực tiếp chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 6-1925, để xây dựng đội ngũ cán bộ cho cách mạng, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tập hợp những người yêu nước Việt Nam đang hoạt động ở Trung Quốc. Tại đây, Người đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện, bồi dưỡng cho các hội viên của Hội và trực tiếp giảng các bài về lý luận cách mạng. Với sự ra đời và hoạt động mạnh mẽ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đã làm cho phong trào yêu nước ở nước ta có sự chuyển biến tích cực, tạo những điều kiện căn bản cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

Như vậy, Đường kách mệnh không chỉ là tài liệu huấn luyện cán bộ, mà còn là tác phẩm truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin, thổi “luồng gió mới” vào phong trào cách mạng Việt Nam; đồng thời, là sự chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, nội dung của Tác phẩm có mối liên hệ trực tiếp với các văn kiện quan trọng của Hội nghị thành lập Đảng, do chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, như: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắtChương trình tóm tắt. Đồng thời, đánh dấu sự chín muồi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sự thành thục trong phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, là bước ngoặt trong hành trình tìm đường cứu nước của Người. Đó là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào phong trào cách mạng Việt Nam đương thời. Tác phẩm chứa đựng những tư tưởng sâu sắc về lý luận cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, nhưng được diễn đạt bằng văn phong giản dị, trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, đã gây ấn tượng mạnh trong nhận thức, tư tưởng của quần chúng. Đây có thể xem là kiểu mẫu tuyên truyền, cổ động để giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ mục đích viết: “Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”2.

Thời gian đã trôi qua, tình hình thực tiễn có nhiều thay đổi, song những tư tưởng bất hủ của Nguyễn Ái Quốc thể hiện trong tác phẩm Đường kách mệnh vẫn sống mãi cho tới ngày nay trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

2. Giá trị lý luận và thực tiễn của Đường kách mệnh

Đường kách mệnh là một hệ thống luận điểm sâu sắc về cách mạng, về đường lối cách mạng, về Đảng cách mạng, về đạo đức cách mạng, về quan hệ giữa Đảng với công hội, nông hội, đoàn thanh niên, về xây dựng và phát triển hợp tác xã, v.v. Mỗi luận điểm trong Đường kách mệnh chứa đựng chiều sâu về tư tưởng, tính tích cực trong hành động, tính nhân văn trong quan hệ con người và đều có ý nghĩa cấp thiết đối với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay.

Tác phẩm đã làm rõ cách mạng là gì, có mấy thứ cách mạng, những điều kiện để làm cách mạng, cách thức tổ chức lực lượng cách mạng, tư cách người cách mạng, v.v. Mỗi tiêu đề được Người nêu lên dưới dạng câu hỏi để tác động mạnh vào nhận thức của quần chúng. Xin làm rõ một số luận điểm, tư tưởng chủ yếu sau:

Thế nào là cách mạng? Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra một định nghĩa kinh điển về cách mạng: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”3, và theo Người, sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm, xây dựng xã hội mới là một công việc rất khó khăn. Muốn làm cách mạng phải “làm cho dân giác ngộ”4, phải “giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu”5. Ở đây, Người đã nêu rõ vai trò quan trọng của công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tự giác đứng lên làm cách mạng. Tiếp tục tư tưởng trong Đường kách mệnh, sau này, trong tác phẩm “Đời sống mới” (năm 1947), Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm biện chứng về cái cũ và cái mới, cái xấu và cái tốt để tránh nhận thức máy móc, cứng nhắc. Người viết: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới… Cái gì tốt thì phải phát triển thêm,... Cái gì mớihay, thì ta phải làm”6.

Bôn ba nhiều nước trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu, khảo sát cách mạng tư sản Pháp, cách mạng tư sản Mỹ,... Người nhận ra rằng, những cuộc cách mạng đó “không đến nơi”, tức không triệt để, vì nó thay thế thiểu số giai cấp bóc lột này bằng thiểu số giai cấp bóc lột khác, nên đa số nhân dân lao động vẫn cực khổ, vì bị áp bức, bóc lột. Vì vậy, Người cho rằng: “… đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”7.

So sánh Cách mạng Tháng Mười Nga với các cuộc cách mạng đó, Người chỉ ra sự khác nhau về bản chất giữa hai loại cách mạng. Đồng thời khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”8. Phát triển tư tưởng này, trong nhiều tác phẩm kế tiếp, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là phải làm cho mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, ai cũng được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc; nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc thì nền độc lập đó có ý nghĩa gì; cách mạng là phải đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Muốn cách mạng thành công phải làm gì? Từ kinh nghiệm cách mạng Nga, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta, muốn cách mạng thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”9. Rõ ràng, nhiệm vụ cấp thiết trước hết lúc đó đối với cách mạng Việt Nam là phải thành lập đảng cách mạng để lãnh đạo cách mạng. Đồng thời, Người xác định động lực của cách mạng: “…muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc và cách mạng phải đoàn kết10; công nông là đội quân chủ lực của cách mạng.

Khi nói về Đảng cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt coi trọng vai trò của lý luận cách mạng, đó là lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Ngay trên trang bìa của Tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đã viết câu nói nổi tiếng của V.I. Lê-nin: “Không có lý luận kách mệnh thì không có kách mệnh vận động,...”11. Trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, chỉ khi đến được với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Người mới tìm thấy con đường cứu nước, cứu dân và coi đó là “Cái cẩm nang thần kỳ”, “mặt trời chói lọi” đối với cách mạng Việt Nam. Theo Người, Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy; Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam; bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin (tức chủ nghĩa Mác – Lê-nin). Người kết luận “Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin”12.

Thế nào là tư cách một người cách mạng? Tư cách của người cách mạng đã được Nguyễn Ái Quốc xem xét một cách toàn diện trên 23 tiêu chí, phản ánh tổng hợp những yêu cầu một người cách mạng phải có cả về đạo đức, năng lực, phương pháp và phong cách. Tư cách người cách mạng được Nguyễn Ái Quốc xem xét trên 03 mối quan hệ: đối với mình (14 tiêu chí), đối với người (05 tiêu chí) và đối với việc (04 tiêu chí). Những tiêu chí về đạo đức cách mạng đã được Người nhấn mạnh: “cần kiệm”, “nhẫn nại (chịu khó)”, “vị công vong tư”, “không hiếu danh, không kiêu ngạo”, “giữ chủ nghĩa cho vững”, “hy sinh”, “phục tùng đoàn thể” và đặc biệt là “ít lòng tham muốn về vật chất”13. Theo Người, lòng tham muốn về vật chất dễ dẫn con người đến chỗ bất chấp tất cả, miễn đạt mục đích, dễ dẫn đến chủ nghĩa cá nhân mà chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của biết bao nhiêu căn bệnh như về sau này Người đã chỉ ra trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947). Hồ Chí Minh đã phát triển những tư tưởng về đạo đức trong Đường kách mệnh thành lý luận về đạo đức cách mạng và cho rằng: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”14; đồng thời, nêu lên tiêu chí đạo đức cách mạng là: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phải chống chủ nghĩa cá nhân. Và bản thân Người là một tấm gương sáng về thực hành đạo đức cách mạng. Trong Đường kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc còn nêu ra những tiêu chí về phương pháp và phong cách của người cách mạng, như: “hay nghiên cứu, xem xét”, “xem xét người”, “xem xét hoàn cảnh kỹ càng”, “cả quyết sửa đổi mình”, “cẩn thận mà không nhút nhát”, “trực mà không táo bạo”, “nói thì phải làm”, “quyết đoán”, “dũng cảm”15, v.v. Có thể nói, những tiêu chí về tư cách của người cách mạng trong Đường kách mệnh là cơ sở tư tưởng, lý luận quan trọng để Đảng ta xây dựng những tiêu chí, chuẩn mực trong đánh giá cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tác phẩm Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc chứa đựng những giá trị đặc sắc về tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người; là sự chuẩn bị trực tiếp về chính trị, tư tưởng, lý luận và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặc dù 90 năm đã qua đi kể từ thời điểm Tác phẩm được xuất bản, nhưng những giá trị cốt lõi của các luận điểm được kết tinh trong Đường kách mệnh đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị lý luận và thực tiễn, làm cơ sở để Đảng ta từ khi ra đời đến nay, vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng đã rút ra bài học lớn: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Đảng phải kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin cho phù hợp với tình hình mới; kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc, bác bỏ, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đối lập chủ nghĩa Mác – Lê-nin với tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời khẳng định: “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ tri thức do Đảng lãnh đạo”16.

Ngày nay, trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, trước những khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Vì vậy, tiếp tục nghiên cứu, khai thác và tuyên truyền sâu rộng nội dung của Tác phẩm để Đảng ta xây dựng phương pháp cách mạng phù hợp với tình hình hiện nay là rất quan trọng; nhất là trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

GS, TS. LÊ HỮU NGHĨA, Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
_______________

1 - 5 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia gồm: Đường kách mệnh; Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù); Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước và Bản Di chúc.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H.2011, tr. 283.

3, 4, 5 - Sđd, tr. 284, 288, 288

6 - Sđd, Tập 5, tr. 112 - 113.

7 - Sđd, Tập 2, tr. 292.

8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15 - Sđd, tr. 304, 304, 289, 279, 304, 280, 280, 280.

16 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 158.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng tám và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự chứng thực vĩ đại của chân lý “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, của sức mạnh dân tộc giải phóng, thực hiện giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, làm tiền đề và điều kiện để phát triển dân tộc theo nguyên lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến cùng cho hệ giá trị mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.