Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 30/04/2015, 06:04 (GMT+7)
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - nhìn từ phía bên kia

Đại thắng mùa Xuân 1975 của quân và dân ta đã gây tiếng vang lớn trên thế giới. Từ đó đến nay đã có không ít tổ chức, cá nhân cất công tìm lời giải cho sự kiện đó. Tại sao Việt Nam - một nước nhỏ - lại thắng được Mỹ - một siêu cường? Trong đó, có câu trả lời từ chính phía Mỹ.

Các câu trả lời này rất phong phú, đa dạng, nhưng khá thống nhất; tựu trung trên một số nét chính sau:

1. Dân tộc Việt Nam có một ý chí, khát vọng thống nhất đất nước mãnh liệt và niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. Tác giả James G. Zumwalt - Trung tá Thủy quân Lục chiến - người đã từng tham chiến ở chiến trường Việt Nam, trở lại nước ta để đi tìm câu trả lời cho sự thất bại của Mỹ, đã viết: “Một vài ý kiến tại Mỹ cho rằng nếu tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam một cách hợp lý, không có áp lực chính trị, thì người Mỹ đã chiến thắng. Trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1994, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng giờ đây tôi nghĩ khác. Chuyển biến trong tôi chỉ diễn ra sau khi tôi thấu hiểu được rằng người Việt Nam có một ý chí sắt đá để có thể chiến đấu đến chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất đất nước mới thôi”1. Và rằng: “Tinh thần dân tộc và lòng tự hào luôn bùng cháy, thổi lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi ngoại bang. Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất - một CHÍ THÉP - giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể. Để cuối cùng, CHÍ THÉP đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới”2. Để chứng minh cho chí thép của dân tộc Việt Nam, James G. Zumwalt đã lấy hai ví dụ chứng minh. Một là, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cùng nhân dân các địa phương quyết tâm mở đường mòn Hồ Chí Minh để vận chuyển cơ sở vật chất và con người vào Nam chiến đấu, giải phóng đất nước, dù cho bom đạn của đế quốc Mỹ đánh phá rất quyết liệt, nhưng con đường huyết mạch ấy không hề bị giãn đoạn. Hai là, quân và dân huyện Củ Chi (Sài Gòn) quyết không rời làng, đào địa đạo chiến đấu với quân Mỹ, bảo vệ làng và thống nhất đất nước, cho dù quân Mỹ có trăm phương, nghìn kế vẫn không làm lay chuyển được tinh thần kiên cường bám làng chiến đấu của họ. Bởi vậy, “sự hiện diện trong suốt cuộc chiến của hệ thống địa đạo ngay bên rìa của thủ đô quân thù là nguồn cơn của nỗi bẽ bàng lớn đối với chính quyền Sài Gòn cũng như là niềm tự hào bất tận của du kích quân”3 như James G. Zumwalt chua xót nhận xét.

Cùng quan điểm đó, năm 1974, tướng Uyn-lát Pia-xơn đã viết trong Tài liệu nghiên cứu Việt Nam - cuộc chiến của các tỉnh phía Bắc Việt Nam Cộng hòa 1966 - 1968, như sau: “Các chiến binh “Việt cộng” và “Bắc Việt” có lòng dũng cảm và một động cơ (chiến đấu) thật mạnh mẽ khi đối đầu với quân Mỹ. Họ quả là một địch thủ ghê gớm”4. Quân và dân Việt Nam luôn có niềm tin tất thắng vào cuộc chiến đấu của mình. Các công trình điều tra liên tục được tổ chức RAND (chuyên nghiên cứu phát triển chính sách) của Mỹ tiến hành nhằm phục vụ Ủy ban Quốc phòng thuộc Cơ quan An ninh quốc tế Hoa Kỳ, “đã vẽ nên chân dung của những chiến binh nhận thức rõ, họ chiến đấu vì cái gì; họ không hề sợ chết và tin tưởng chắc chắn rằng chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về họ”5. Vì vậy, James G. Zumwalt kết luận: “Có lẽ sai lầm lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là đã không nhận ra rằng chúng ta đang chiến đấu với “thế hệ vĩ đại nhất” của đất nước này - một thế hệ với quyết tâm thống nhất và duy trì sự tồn tại của dân tộc sẵn sàng đứng lên đánh đuổi hết quân ngoại xâm này đến quân ngoại xâm khác”6.

2. Quân đội và nhân dân Việt Nam có tinh thần chiến đấu quả cảm và trí thông minh, sức sáng tạo phi thường. Nây Si-han (Trường Đại học Coóc-nen, Mỹ) đã viết: “Thắng lợi của người Việt Nam sẽ là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”. Trí tuệ đó, được thể hiện từ người chỉ huy trong tiếp nhận và truyền đạt mệnh lệnh của cấp trên đến cách đánh của quân và dân ta. Lời tựa cho tác phẩm Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân của Đại trướng Võ Nguyên Giáp, được phương Tây xuất bản đầu những năm 70, thế kỷ XX đã viết: “Khác xa với khuôn mẫu người máy do các sĩ quan cuồng tín điều khiển, người lính Việt cộng có nhận thức rõ ràng về các trận đánh của đơn vị mình,… Cán binh Việt cộng và Bắc Việt không thụ động “nuốt chửng” mệnh lệnh cấp trên, mà tiếp thu và tự thông đạt các chỉ thị đó sang ngôn từ của chính mình, rồi tự làm sáng tỏ chỉ thị nhờ các kinh nghiệm và tiền lệ (truyền thống) sẵn có,… Có thể đem giết tù binh Việt cộng, nhưng không lung lạc họ bằng phủ dụ hay đọa đầy, là điều gần như vô vọng”7. Sự sáng tạo được thể hiện trong cách đánh của các quân binh chủng, bộ đội chủ lực và quân du kích. Cơn-oen - Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - viết: “Lực lượng phòng không của Việt Nam là đáng sợ nhất và hoàn chỉnh nhất mà những người lái Mỹ chưa từng gặp”. Còn R. Rát-xen - Chủ tịch Ủy ban Quân lực, Thượng nghị viện Mỹ - thì nhận xét: “Chúng ta phải đương đầu với quân du kích tài tình nhất chưa từng thấy trong lịch sử loài người”. Và, rằng: “Du kích Cộng sản không phải được trang bị bằng máy bay lên thẳng hoặc đạn rốc-két. Mặc dù, họ cũng có những loại vũ khí hạng nhẹ khá tốt, nhưng họ đã chứng minh rằng một chiếc đinh gỉ cũng hoàn toàn có thể loại một người lính ra khỏi vòng chiến đấu như một viên đạn của một khẩu súng hiện đại có máy ngắm”8. Đúng như James G. Zumwalt nhận xét: “Đối với nhiều người Việt Nam, cuộc chiến với Mỹ là một ván cờ. Mỗi khi người Mỹ tung ra nước đi khó bằng cách áp dụng công nghệ mới vào chiến trường, phía Việt Nam lại sử dụng sự khéo léo để đáp trả”9. Từ nhận định khách quan trên của phía Hoa Kỳ cho thấy, chính con người mới là yếu tố quyết định, chứ không phải vũ khí, trang bị, dù nó có tối tân, hiện đại thế nào và đến đâu chăng nữa. Nếu không vì lý do đó, thì Việt Nam là nước nhỏ, tiềm lực kinh tế, quốc phòng chưa phát triển sao có thể thắng nổi một nước Mỹ hùng mạnh cả về kinh tế, quân sự và lực lượng theo quy luật của chiến tranh: mạnh được yếu thua. Tất nhiên, để chiến thắng vũ khí công nghệ cao, đòi hỏi phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phát huy sức mạnh nhân tố chính trị - tinh thần, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường và trình độ tác chiến phát triển lên tầm cao nghệ thuật quân sự.

3. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa, luôn được nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ, tạo nên sức mạnh vô địch. Thượng sĩ Donald Duncan là một người có tư tưởng chống cộng cứng rắn trước khi đến nước ta, nhưng khi rời khỏi Việt Nam con người đó đã thay đổi. Những gì diễn ra trong cuộc chiến ở Việt Nam mà Duncan cảm nhận được đã thôi thúc xuất bản một bản cáo trạng về cuộc chiến tranh đăng Tạp chí Ramparts (tháng 02-1965). Trong đó, có đoạn: “Tôi đã phải chấp nhận rằng… đại đa số người dân là những người ủng hộ Việt Cộng và chống lại chính quyền Sài Gòn. Tôi cũng phải chấp nhận rằng quan điểm: “Chúng tôi ở Việt Nam bởi vì chúng tôi thông cảm với những khát vọng và ước muốn của người dân Việt Nam”, là một lời dối trá”10. Không thể nêu hết những lời tự bạch, thú nhận sự thật tương tự như Duncan. Nhưng qua đó, cũng khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta. Chính vì thế được sự đồng tình ủng hộ to lớn của bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới - một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt trội so với Mỹ để giành chiến thắng. Và tất nhiên, điều rất rõ ràng là cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ là phi nghĩa. Do đó, nó bị chính nhân dân và quân nhân Mỹ phản đối; tinh thần của sĩ quan và binh sĩ Mỹ hoảng loạn. Một cuộc khảo sát trong các sinh viên đại học ở Mỹ vào tháng 4-1970 cho thấy, 41% đồng ý với tuyên bố: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam hoàn toàn là chủ nghĩa đế quốc”11. Do vậy, ở Mỹ, tình trạng bất ổn và không ngừng nổi dậy gia tăng trong số các sinh viên nói riêng, người trẻ tuổi nói chung. Trái lại, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhằm thống nhất đất nước của nhân dân ta là chính nghĩa, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, quân và dân ta chiến đấu quả cảm, sáng tạo gây cho chúng phải điêu đứng và thất bại. Bởi vậy, quân Mỹ vừa phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa, vừa khiếp sợ trước tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta. Tờ Armed Forces Journal đã đăng bài viết của Đại tá Robert Heinl (tháng 7-1971) có tên là “Sự sụp đổ của lực lượng quân sự”, trong đó khẳng định: Tinh thần, kỷ luật và tính chiến đấu của Quân đội Mỹ thấp kém hơn và tồi tệ hơn bất kỳ lúc nào trong thế kỷ này và có thể trong lịch sử nước Mỹ. Bởi mỗi người có thể hiểu được, Quân đội của chúng ta lúc này vẫn còn ở Việt Nam đang trong một tình trạng suy sụp, với mỗi đơn vị đều từ chối chiến đấu, giết các sĩ quan chỉ huy và các hạ sĩ quan, còn những nơi không có sự chống đối thì đầy sự nghiện ngập và mất tinh thần”12. Thật vậy, trong năm 1970 - 1971, binh sĩ Mỹ bắt đầu nổi dậy, hoặc giết hoặc làm bị thương những sĩ quan chỉ huy đã đưa họ đến thực hiện nhiệm vụ chiến đấu nguy hiểm. Đến giữa năm 1972, Lầu Năm Góc đã chính thức thừa nhận “có 551 vụ ám sát bằng các thiết bị gây nổ, đã gây ra 86 trường hợp thiệt mạng, hơn 700 trường hợp bị thương. Những con số do Lầu Năm Góc cung cấp này có lẽ là một sự đánh giá thấp về số sĩ quan bị binh lính của họ ám sát”13. Đến năm 1971, tình trạng suy sụp của Quân đội Mỹ ở Việt Nam có thể nhìn thấy rõ ràng. Sĩ quan chỉ huy cao cấp Quân đội Mỹ ở Việt Nam - Tướng Creighton Abrams - đã tuyên bố, trong một tâm trạng vỡ mộng: “Đây có phải là đội quân dưới địa ngục hay một bệnh viện tâm thần? Các sĩ quan phải sợ chỉ huy quân đi chiến đấu, và các binh sĩ thì không tuân lệnh. Lậy Chúa Jesus! Điều gì đang xảy ra?”14. Cùng với đó, binh sĩ lại gia tăng đào ngũ. Bộ Quốc phòng Mỹ đã ghi lại 503.927 “trường hợp đào ngũ” từ ngày 01-7-1966 đến 31-12-1973, trong khi chỉ riêng năm 1971 đã có 98.324 binh sĩ đào ngũ. Điều này có nghĩa là trong cuộc chiến tranh Việt Nam, số binh sĩ đào ngũ bằng tổng số binh sĩ đóng tại Việt Nam lúc cao điểm của cuộc chiến tranh. Đô đốc Elmo R. Zumwalt, chỉ huy các chiến dịch hải quân đã tuyên bố: “Chúng ta có một cuộc khủng hoảng nhân sự mà gần giống như thảm họa”15. Sự phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam không chỉ có ở các quân nhân tại ngũ mà còn của cả cựu chiến binh Mỹ. Jan Barry đã đưa ra một danh sách gồm 16 yêu cầu của cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam chống lại chiến tranh (VVAW) tới Quốc hội Mỹ. Trong đó nêu rõ: “Rút ngay lập tức, đơn phương và không điều kiện” tất cả lực lượng quân Mỹ khỏi Đông Dương; ân xá cho tất cả lực lượng đã từ chối đi chiến đấu ở Việt Nam; yêu cầu mở cuộc điều tra chính thức các tội ác chiến tranh; và cải thiện trợ cấp cho các cựu chiến binh”16.

4. Việt Nam đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu chí mạng của kẻ thù và biết tạo thời cơ, tận dụng triệt để thời cơ chiến lược để đánh đòn quyết định, giành toàn thắng. Năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam; nhiều bạn bè quốc tế lo ngại cho Việt Nam. Sau cuộc đấu sức trực tiếp trên chiến trường, tạo cơ sở cho Đảng ta đi đến kết luận: “Mỹ giàu mà không mạnh”, và xác định quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng Mỹ. Thực tế đã chứng minh sự nhận định, đánh giá của Đảng là chính xác. Sau những thất bại liên tiếp các chiến lược chiến tranh, năm 1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Trước tình thế chiến trường thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho ta, đặt ra cho chúng ta phải đánh giá liệu Mỹ có đưa quân quay lại Việt Nam để có quyết tâm và phương án tác chiến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị cuối năm 1974, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói rằng: “Washington đã tê liệt đến nỗi “thậm chí nếu chúng ta tạo cho họ một cái cớ để can thiệp lần nữa thì họ cũng sẽ không chấp nhận”17. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, khả năng can thiệp trở lại của Quân đội Mỹ, Bộ Chính trị đã chớp thời cơ lịch sử, quyết định mở cuộc Tổng tiến công chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những nhận định từ phía bên kia chắc chắn chưa thể hiện đầy đủ nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, nhưng cũng rất bổ ích để chúng ta tham khảo.

MAI LINH
_______
1, 6, 9 - James G. Zumwalt - Chân trần chí thép, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2011, tr. 255, 368, 307.

2 - Sđd -  tr. 8.

3 - Sđd -  tr. 334.

4, 7 - Sự kiện và Nhân chứng, tháng 12-2014, tr. 95.

5 - Sđd -  tr. 95.

8 - Thời báo Niu I-oóc, Mỹ, ngày 16-6-1963.

10 - Joe Allen - Việt Nam cuộc chiến thất bại của Mỹ, Nxb Công an nhân dân, H. 2009,  tr. 275 - 276.

11 - Sđd -  tr. 289.

12 - Sđd - tr. 287 - 288.

13 - Sđd - tr. 283.

14 - Sđd - tr. 287.

15 - Sđd - tr. 281 - 282.

16 - Sđd -  tr. 286.

17 - Henry Kissinger - Kết thúc chiến tranh Việt Nam, Tập 2 (Tài liệu tham khảo đặc biệt), Thông tấn xã Việt Nam, H. 2007, tr. 325.

Ý kiến bạn đọc (0)

Ngày vui thống nhất non sông
Thế giới ngày nay còn ai đó không thân thiện với Việt Nam thì thật khó hiểu?! Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, và đã là thành viên rất có trách nhiệm trong cộng đồng ấy. Việt Nam không muốn và dứt khoát không thể đứng cùng nước này để chống nước kia, không thể có bạn mới mà quên bạn cũ. Việt Nam chỉ muốn thế giới hòa bình, vì hơn ai hết Việt Nam thấu hiểu cái giá của hòa bình, cái giá của ngày vui thống nhất non sông.