Thứ Tư, 07/05/2025, 14:27 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, hy sinh, kiên cường và tài giỏi của Đảng và nhân dân ta. Tuy nhiên, trước kia và cả hiện nay, vẫn có người tung ra luận điệu “Cách mạng Tháng Tám là một hành động nhanh tay cướp lấy chính quyền khi bộ máy chính quyền cũ đã bỏ trống”. Luận điệu của họ thật lạc lõng và thể hiện một cách nhìn phi lịch sử.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thắng lợi, đã có những nhân chứng lịch sử, những nhà nghiên cứu về lịch sử chính trị, quân sự, ngoại giao Việt Nam đề cập. Hầu hết những người này, kể cả những người từng ở trong bộ máy chính trị, quân sự của thực dân Pháp hay cơ quan tình báo Mỹ ở Viễn Đông, ở mức độ khác nhau, đều phản ánh đúng một sự thật khách quan rằng: dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, xây dựng lực lượng ngày càng trưởng thành, làm suy yếu lực lượng địch, tạo và đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Đến tháng 8-1945, nắm bắt thời cơ thuận lợi, cả dân tộc Việt Nam, nòng cốt là Mặt trận Việt Minh, vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền. Tuy nhiên, cũng vẫn có ý kiến đánh giá không đúng thành công của Cách mạng Tháng Tám như nêu ở trên. Dù cách nói có khác nhau, nhưng tựu trung, họ đều cắt xén, xuyên tạc lịch sử, lấy một số hiện tượng không tiêu biểu quy thành bản chất, lập luận một cách ngụy biện, rút ra kết luận không dựa vào các luận cứ, luận chứng khoa học. Họ miêu tả tình hình chính trị lúc đó là: chính quyền và quân Pháp ở Đông Dương đã bị đảo chính, quân Nhật đã đầu hàng, chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật đã rệu rã, bộ máy thống trị cũ đã bỏ trống. Việt Minh lợi dụng nạn đói, kêu gọi dân nghèo đi phá kho thóc của Nhật để cứu đói, dùng lực lượng đó để cướp chính quyền đang bỏ trống, cướp công của các đảng phái yêu nước cách mạng khác,… Mục đích đen tối của họ, suy cho cùng là phủ nhận công lao to lớn của ĐCSVN, của quần chúng yêu nước cách mạng, phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám; từ đó, bác bỏ con đường đã và đang đi của cách mạng Việt Nam, đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN.
Lịch sử là khách quan và công bằng. Đối với những ai còn có quan điểm, cách nhìn thiếu khách quan, phi lịch sử về thành công của Cách mạng Tháng Tám, hãy xem lại những bằng chứng lịch sử để hiểu đúng chân lý.
Trước hết, phải khẳng định rằng, Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm có những dự báo và chuẩn bị lực lượng cho thành công của Cách mạng Tháng Tám. Từ năm 1921, Nguyễn Ái Quốc đã dự báo về một cuộc khởi nghĩa nhân dân ở Đông Dương và đặt nhiệm vụ cho những người cách mạng phải thúc đẩy cho thời cơ đó sớm xuất hiện: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến”1. Dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, hai cao trào cách mạng 1930 - 1931 và 1936 - 1939 là những cuộc tổng diễn tập cho cao trào cách mạng 1939 - 1945 và Cách mạng Tháng Tám. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thi hành chính sách phát-xít quân phiệt thời chiến ở Đông Dương, tình thế cách mạng xuất hiện. Tháng 5-1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Tám (khoá I) đã phân tích diễn biến cuộc Chiến tranh thế giới và dự báo chắc chắn rằng: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước XHCN thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước XHCN, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”2. Trên cơ sở phân tích tình hình Đông Dương, Hội nghị khẳng định nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta là chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền và xác định hình thái khởi nghĩa ở nước ta sẽ là từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Sau Hội nghị này, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) ra đời, tập hợp lực lượng toàn dân tộc mưu cầu nền độc lập. Lực lượng chính trị ngày càng phát triển, nòng cốt là các tổ chức cứu quốc trong mặt trận Việt Minh. Từ nền tảng là lực lượng chính trị và phong trào đấu tranh chính trị, lực lượng vũ trang từng bước được tổ chức, xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Ở căn cứ địa Việt Bắc, các trung đội Cứu quốc quân được thành lập; tiếp đó, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời. Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chiến đấu thắng lợi và phát triển nhanh chóng.
Sự chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo của Đảng ta là nhân tố hết sức quan trọng làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Ngay trong đêm Nhật đảo chính lật đổ chính quyền Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhận định, cuộc đảo chính đã tạo nên tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho điều kiện cuộc khởi nghĩa chóng chín muồi và quyết định phát động một cao trào chống Nhật, cứu nước trong toàn quốc. Ở hầu hết các xã, huyện, châu vùng Việt Bắc, lực lượng chính trị của quần chúng phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng nổi dậy xóa bỏ chính quyền cũ, giành quyền làm chủ, căn cứ địa cách mạng Việt Bắc hình thành. Ngày 12-3-1945, các chiến sĩ cộng sản bị địch giam giữ ở đồn Ba Tơ (miền Tây Quảng Ngãi) đã giác ngộ và lãnh đạo binh lính nổi dậy khởi nghĩa, chiếm đồn, thu vũ khí, thành lập Đội du kích Ba Tơ. Trước sự vây ráp, khủng bố gắt gao của địch, Đội du kích Ba Tơ đã kiên cường bám dân, bám đất, bảo toàn lực lượng, tiến hành cuộc chiến tranh du kích hỗ trợ cho cao trào kháng Nhật cứu nước ở Nam Trung Kỳ lúc đó và là hạt nhân của lực lượng vũ trang Liên khu 5 sau này. Ở Nam Bộ, nhiều địa phương, như: Sài Gòn, Mỹ Tho, Sa Đéc,… lực lượng quần chúng cách mạng phát triển mạnh mẽ, cùng với việc thành lập nhiều đội tự vệ, đội vũ trang tuyên truyền làm cho tình hình biến đổi nhanh chóng, không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi động.
Giữa lúc cao trào cách mạng cả nước đang lên, từ ngày 15 đến ngày 20-4-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, phân tích tình hình và nhận định: Chiến tranh thế giới sắp kết thúc với thắng lợi về phe Đồng minh và “Không chóng thì chày, thế nào quân Đồng minh cũng vào Đông Dương”, nhưng chúng “nhảy vào Đông Dương để thủ lợi”. Về phía ta, “Chúng ta phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, gây dựng căn cứ địa kháng Nhật, để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ”, vì thế “Phải tích cực chuẩn bị thực lực, không được ỷ lại vào người”, “Phải gấp phát triển các đội quân du kích thật lớn”, phải “…chiếm lấy các yếu điểm và phải giữ quyền chủ động về mình”3. Hội nghị quyết định thành lập 7 chiến khu trong cả ba miền Bắc, Trung, Nam, đó là những căn cứ địa kháng Nhật và chủ trương phát động chiến tranh du kích trong các chiến khu, lấy đó là hình thức đấu tranh mấu chốt để thúc đẩy phong trào kháng Nhật. Hội nghị cũng quyết định thống nhất các đơn vị Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Đến lúc này, cả dân tộc ta gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng, tạo và đón lấy thời cơ để vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Thấy lực lượng Việt Minh ngày càng lớn mạnh, trung tuần tháng 5-1945, Nhật huy động trên 2.000 quân, mở cuộc tiến công lớn vào căn cứ địa Việt Bắc nhằm tiêu diệt Việt Nam Giải phóng quân và bộ máy lãnh đạo cách mạng. Lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân các tỉnh Việt Bắc tiến hành cuộc chiến tranh du kích, thực hiện vườn không nhà trống, đánh địch khắp nơi. Quân Nhật bị thiệt hại nặng phải rút lui khỏi khu giải phóng của ta. Ở các chiến khu khác, quân Nhật cũng cố sức mở các cuộc tiến công, nhưng đều bị chặn đánh quyết liệt, phải rút chạy.
Dự báo trước diễn biến tình hình thế giới, khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc. Trong đó nhận định: điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi và cử ra Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngay đêm 13-8, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sau Đại hội quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”4. Cả dân tộc ta, với quyết tâm “…dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”5 như lời dạy của Bác Hồ, đã nhất tề vùng lên. Ở nhiều địa phương, lực lượng chính trị hùng hậu của nhân dân kết hợp với lực lượng vũ trang đã trưởng thành vượt bậc, giành được thế áp đảo, nhất tề nổi dậy dưới hình thức phổ biến là mít tinh, biểu tình, tuần hành vũ trang với khí thế mạnh mẽ, quyết liệt, lật đổ chính quyền địch, giành chính quyền về tay nhân dân. Đây là các cuộc khởi nghĩa từng phần, tạo tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Khởi nghĩa ở các thành phố lớn - các trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá của cả nước là đòn quyết định thắng lợi tổng khởi nghĩa. Ở Hà Nội, từ ngày 15-8-1945, Ủy ban quân sự cách mạng (Ủy ban khởi nghĩa) đã quyết định động viên mạnh mẽ lực lượng chính trị của quần chúng, đồng thời tăng cường chuẩn bị lực lượng vũ trang. Ngày 19-8, hàng chục vạn nhân dân cả ở nội thành và ngoại thành, cùng với tự vệ chiến đấu xuống đường biểu tình thị uy, chuyển thành cuộc khởi nghĩa vũ trang rộng lớn, trấn áp mọi sự chống đối của quân Nhật và chính quyền bù nhìn. Quân khởi nghĩa tràn lên chiếm các cơ quan đầu não của địch, chính quyền về tay nhân dân. Thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa quyết định đối với cả nước, làm cho quân Nhật bất lực, chính quyền bù nhìn tê liệt, các thế lực chống đối không dám hoạt động; cổ vũ và thúc đẩy các địa phương khác trong cả nước, nhất là Huế, Sài Gòn khởi nghĩa. Trong dịp này, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ chưa giành được chính quyền, cũng khởi nghĩa thành công. Ở Huế, ngày 23-8-1945, hàng chục vạn nhân dân nội, ngoại thành có lực lượng vũ trang hỗ trợ, đồng loạt xuống đường biểu tình, thị uy và tiến lên chiếm các công sở, lập chính quyền cách mạng và buộc vua Bảo Đại phải thoái vị. Ở Sài Gòn, trước cuộc khởi nghĩa, các lực lượng “Thanh niên tiền phong”, “Xung phong công đoàn”, các đoàn công nhân, học sinh, nông dân các tỉnh cận kề đã ráo riết sắm sửa giáo mác, gậy tầm vông, luyện tập để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa. Ngày 25-8-1945, khoảng một triệu người ào ạt đổ xuống đường với khí thế hừng hực, hoàn toàn áp đảo quân Nhật và chính phủ bù nhìn, lần lượt chiếm các công sở và các vị trí quan trọng khác của thành phố, lập chính quyền cách mạng. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn tạo khí thế cho các tỉnh Nam Bộ vùng lên giành chính quyền. Ngày 28-8, Hà Tiên và Đồng Nai Thượng là hai tỉnh cuối cùng ở Nam Kỳ khởi nghĩa thành công.
Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi trên cả nước. Cách mạng Tháng Tám diễn ra nhanh gọn, ít đổ máu và thành công trọn vẹn. Có được thành công đó là do dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN, nhân dân ta đã trải qua 15 năm đấu tranh oanh liệt với ba cao trào đấu tranh và kết thúc bằng cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân trên cả nước. Biết bao chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước đã kiên cường đấu tranh, vào sinh ra tử, hy sinh cả tính mạng của mình vì nền độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Thành quả cách mạng không bao giờ tự nhiên mà có, phải do công lao phấn đấu của nhiều người, nhiều thế hệ, phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương máu của hàng triệu đồng bào. Điều này không cho phép chúng ta lãng quên.
Vào thời điểm tháng 8-1945, tuy thời cơ thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa xuất hiện, nhưng nếu Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh không có đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, có phương pháp xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, tổ chức, lãnh đạo hai lực lượng đó đấu tranh bằng nhiều hình thức, chủ yếu là tiến công chính trị và tiến công quân sự từ thấp đến cao, thì không thể có cuộc khởi nghĩa vũ trang đồng loạt cả nước. Cuộc tổng khởi nghĩa đã giành chính quyền từ tay kẻ thù đang có bộ máy thống trị với đầy đủ công cụ bạo lực, lại không thiếu các thủ đoạn chính trị, cùng lực lượng vũ trang đông đảo, trang bị hiện đại. Tuy lúc đó, chúng có rệu rã về tinh thần, nhưng vẫn chống đối quyết liệt phong trào cách mạng của nhân dân ta để giữ quyền thống trị. Vì vậy, nếu chúng ta không tiến hành một cuộc đấu tranh rộng lớn, quyết liệt bằng cả đòn tiến công chính trị và quân sự; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, lấy sức ta giải phóng cho ta thì không thể có thành quả vẻ vang đó. Thực tế thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong cuộc tổng khởi nghĩa cho thấy, nếu cách mạng không có lực lượng to lớn, tiến công quyết liệt cùng với sự vận động thuyết phục, thì quân Nhật không chịu “án binh bất động” và chính quyền, quân đội tay sai không chịu đầu hàng vô điều kiện. Chỉ riêng việc trong vòng nửa tháng, cả nước đồng loạt khởi nghĩa và giành thắng lợi đã chứng tỏ sự chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng khởi nghĩa và vai trò của một mệnh lệnh thống nhất như thế nào. Thời cơ không phải chỉ là do điều kiện khách quan đưa lại, mà là sự tổng hòa các nhân tố khách quan và chủ quan. Nếu không có sự chuẩn bị lực lượng, đưa lực lượng đó vào cuộc đấu tranh thường xuyên để làm cho ta mạnh lên, làm cho địch suy yếu dần, làm cho tất cả các tầng lớp nhân dân tin theo và ủng hộ cách mạng, tạo thời cơ và đón thời cơ, thì khi có điều kiện khách quan thuận lợi cũng không thể phát động được cuộc khởi nghĩa và khởi nghĩa thành công. Vì lẽ đó, tạo thời cơ, đón thời cơ và tận dụng được thời cơ là một điểm đặc sắc của Đảng ta trong lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám.
Những ai biết tôn trọng lịch sử đều thừa nhận sự thật hiển nhiên đó. Điều này chẳng những được nhân dân ta nhận thức ngày càng sâu sắc, mà nhiều người nước ngoài cũng cảm nhận được và nói lên ở mức độ khác nhau sự thật về cuộc Cách mạng Tháng Tám6. Lịch sử đã chứng tỏ rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện đây là “một hành động nhanh tay” trong khi “bộ máy chính quyền cũ đã bỏ trống”(!).
PGS, TS. VŨ NHƯ KHÔI ________________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 40.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 100.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 390-391.
4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 596.
5 - Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 130.
6 - Xem: Archimedes L. A. Patti (nguyên sĩ quan tình báo Mỹ) - Tại sao Việt Nam? (Why Vietnam?), Sách dịch, Nxb Đà Nẵng, 2007, tr. 300-307; Ph. Devillers (nhà sử học Pháp): Paris - Sài Gòn - Hà Nội - Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944 - 1947, Sách dịch, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 109-125, v.v.
Cách mạng Tháng Tám
Không thể xuyên tạc “Cái mốc chói lọi bằng vàng” của dân tộc Việt Nam năm 1975 29/04/2025
Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sự kiện lịch sử trọng đại, hào hùng, xua tan mọi luận điệu xấu độc 28/04/2025
“Phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản” - Luận điệu xuyên tạc vô căn cứ 16/04/2025
“Không có gì mới trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng” - luận điệu sai trái cần đấu tranh bác bỏ 13/03/2025
Cảnh giác với những lời kêu gọi thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam 06/03/2025
Thành tựu phát triển của đất nước bác bỏ mọi sự xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng 28/02/2025
Làm phá sản mọi chiêu trò chống phá công tác nhân sự đại hội của Đảng 17/02/2025
Bác bỏ mọi xuyên tạc về quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam 13/02/2025
Không thể xuyên tạc, phủ nhận vai trò của các cơ quan dân cử ở nước ta 22/01/2025
Không thể xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước 20/01/2025
“Phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản” - Luận điệu xuyên tạc vô căn cứ
Không thể xuyên tạc “Cái mốc chói lọi bằng vàng” của dân tộc Việt Nam năm 1975
Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sự kiện lịch sử trọng đại, hào hùng, xua tan mọi luận điệu xấu độc