Thứ Bảy, 26/04/2025, 10:26 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng (ĐĐCM) cho cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) và nhân dân ta. Người không chỉ có nhiều bài nói, bài viết về ĐĐCM, mà còn là tấm gương sáng ngời trong rèn luyện và thực hành ĐĐCM, nhất là về "cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư".
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Trước tác động mới của điều kiện kinh tế-xã hội, trong Đảng đã bắt đầu xuất hiện một bộ phận CB,ĐV thoái hoá, biến chất. Những thói hư, tật xấu của một bộ phận CB,ĐV được Người nêu ra, như: cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kéo bè, kéo cánh, kiêu ngạo, vác mặt làm “quan cách mạng”... là trái với ĐĐCM, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. Người chỉ rõ những biểu hiện thoái hoá, biến chất của một số CB,ĐV lúc bấy giờ: "Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông uỷ viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên, cho đến các cô các cậu uỷ viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?"1... Vì vậy, yêu cầu rèn luyện ĐĐCM, trước hết là đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ CB,ĐV của Đảng ta, nhất là những người nắm những cương vị chủ chốt trong bộ máy chính quyền các cấp càng trở nên bức thiết. Người cho rằng, xây dựng ĐĐCM cho CB,ĐV và nhân dân là một nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức đảng và sự quan tâm, nêu gương của những người nắm cương vị lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là hết sức cần thiết.
Người nhiều lần nhắc nhở: bản chất của chính quyền cách mạng là phục vụ nhân dân chứ không phải cai trị nhân dân, nên muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, thì việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy. Người chỉ rõ: cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức của con người, là "... nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc"2 và phân tích làm rõ các phẩm chất: cần, kiệm, liêm, chính. Theo đó, Cần, tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai; được như vậy, thì việc gì, dù khó khăn mấy, cũng làm được. Muốn có Cần, bên cạnh việc thường xuyên rèn luyện mình, thì mỗi CB,ĐV phải chống sự lười biếng trong học tập, lao động và công việc; những người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc, nên mọi CB,ĐV phải đấu tranh chống thói lười biếng, ỷ lại, vô trách nhiệm. Kiệm, "là tiết kiệm, không hoang phí, không bừa bãi"3. Người cho rằng cần với kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người; cần mà không kiệm thì như nước đổ vào thùng không đáy; kiệm mà không cần thì không tăng thêm, không phát triển. Tuy nhiên, tiết kiệm không phải là bủn xỉn; việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn; tiết kiệm là kiên quyết chống xa xỉ. Liêm, là trong sạch, không tham lam; tham tiền của, địa vị, danh tiếng là bất liêm; "Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân"4. Chính, là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn nghĩa là tà. Làm việc chính là người thiện. Làm việc tà là người ác. Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác.
Gắn chặt giữa tư tưởng, lý luận với thực tiễn; giữa lời nói với hành động, Người luôn nêu gương tự rèn luyện ĐĐCM, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trước CB,ĐV và nhân dân. Người cho rằng, khi đất nước còn nghèo, còn trăm bề khốn khó, dân còn đói nghèo, thì CB,ĐV, nhất là những người nắm trọng trách trong hệ thống chính trị của đất nước phải sống đồng cam cộng khổ cùng nhân dân và có như vậy thì mới đoàn kết được nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng chế độ mới. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, để khắc phục nạn đói đang hoành hành, Người kêu gọi toàn dân, cứ 10 ngày nhịn một bữa để lấy gạo cứu đói cho dân nghèo và tự Người cứ 3 ngày nhịn một bữa... Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, hình ảnh Cụ Hồ với bộ quần áo giản dị, đội mũ cát, đi dép cao su, tự giặt lấy quần áo, chăm lo từng chút cho bộ đội, dân công và nhân dân; tiết kiệm từng trang giấy viết, từng mẩu bút chì, từng cái phong bì,... đã nói lên đức tính giản dị, cần, kiệm, vì dân, vì nước của Bác. Những hình ảnh đó của Bác càng làm cho mọi tầng lớp nhân dân tin tưởng vào Đảng, Chính phủ và chế độ, đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa non sông, đất nước ta về một mối, vững bước tiến lên trên con đường XHCN.
Đạo đức là những chuẩn mực, là phép ứng xử của con người trong đời sống xã hội, hướng tới hoàn thiện các mối quan hệ xã hội và chính xã hội; đó là quan hệ với chính mình, với mọi người xung quanh, với cộng đồng, với tổ chức, với công việc, với nhân dân. ĐĐCM với nội dung mới, có vai trò to lớn trong cải tạo, hoàn thiện xã hội XHCN và phẩm chất nhân cách của mỗi con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người"; một người trong xã hội có thể chia làm ba mặt: mình đối với mình; mình đối với người; mình đối với công việc. Nên, đối với mỗi con người nói chung, với CB,ĐV nói riêng phải luôn tự rèn luyện, thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; chớ "... tự kiêu tự đại. Tự kiêu, tự đại là khờ dại. Vì mình hay, còn nhiều người hay hơn mình. Mình giỏi còn nhiều người giỏi hơn mình. Tự kiêu, tự đại tức là thoái bộ"; "chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp người tiến tới" và đối với việc: "phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết làm cho thành công. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh"5... Làm được như vậy là chúng ta đã góp phần tạo nền tảng đạo đức, tinh thần vững chắc cho sự thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Hiện nay, đất nước ta đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN có những thời cơ lớn và thách thức không nhỏ. Nền kinh tế đất nước, mặc dù đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng “Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH còn chậm;...”6. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” tiến công quyết liệt vào vai trò lãnh đạo của Đảng, cũng như phẩm chất, đạo đức, lối sống của CB,ĐV, hòng làm giảm lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và thắng lợi của công cuộc đổi mới... Trong khi đó, “Năng lực, phẩm chất của một bộ phận CB,ĐV, công chức, viên chức còn hạn chế”7; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng; sự tắc trách trong thực hiện nhiệm vụ, trong giải quyết các mối quan hệ với nhân dân, sự suy thoái về lý tưởng, lối sống, đạo đức... ở một số tổ chức đảng, chính quyền và một bộ phận không nhỏ CB,ĐV, công chức, viên chức đã gây bất bình trong nhân dân, đã và đang tạo cớ cho các thế lực thù địch vu cáo, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ... Vì vậy, việc tập trung xây dựng ĐĐCM nói chung, thực hành “cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho đội ngũ CB,ĐV và nhân dân nói riêng, là vấn đề cấp bách và thời sự hiện nay; nó đòi hỏi sự rèn luyện, phấn đấu, nêu gương của mọi CB,ĐV, nhất là những CB,ĐV giữ cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị.
Đại hội XI của Đảng đã đề ra Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; trong đó nhấn mạnh: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị-xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận;...”8. Để thực hiện tốt điều đó, Đại hội đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp; trong đó, việc “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”9, tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để thực hiện chủ trương đó, mỗi cấp, mỗi ngành, từng CB,ĐV phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể; có các giải pháp tích cực, cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; nhất là thắt chặt chính sách tài chính, tiền tệ, giảm chi tiêu công và đầu tư công thích hợp, có hiệu quả, ra sức tiết kiệm trong chi phí sản xuất và trong tiêu dùng... Yêu cầu cơ bản nhất là, mỗi CB,ĐV phải luôn ghép mình vào tổ chức, tích cực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần người đảng viên cộng sản, phấn đấu hết lòng vì dân, vì nước, như Bác Hồ hằng mong muốn: "Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít"10;
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời luôn noi gương Bác trong thực hành “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là yêu cầu cơ bản và thường xuyên đối với mọi CB,ĐV. Thực hiện tốt điều đó là cơ sở để CB,ĐV hoàn thành tốt cương vị, chức trách của mình, góp phần đưa công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đi đến thắng lợi.
PGS,TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 57.
2, 3, 4 - Sđd, Tập 5, tr. 631, 636, 641.
5 - Sđd, Tập 5, tr. 645.
6, 7, 8, 9 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 17, 18, 31, 54.
10 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 251.
“Phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản” - Luận điệu xuyên tạc vô căn cứ 16/04/2025
“Không có gì mới trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng” - luận điệu sai trái cần đấu tranh bác bỏ 13/03/2025
Cảnh giác với những lời kêu gọi thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam 06/03/2025
Thành tựu phát triển của đất nước bác bỏ mọi sự xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng 28/02/2025
Làm phá sản mọi chiêu trò chống phá công tác nhân sự đại hội của Đảng 17/02/2025
Bác bỏ mọi xuyên tạc về quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam 13/02/2025
Không thể xuyên tạc, phủ nhận vai trò của các cơ quan dân cử ở nước ta 22/01/2025
Không thể xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước 20/01/2025
Bác bỏ luận điệu phủ nhận vai trò của công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại 16/01/2025
Kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu tuyệt đối hóa vũ khí công nghệ cao, phủ nhận đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng 10/01/2025
“Phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản” - Luận điệu xuyên tạc vô căn cứ