Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 03/03/2014, 23:32 (GMT+7)
Ukraine - liên tục các diễn biến mới

Từ 28-02 đến 03-3, liên tục có nhiều diễn biến mới ở Ukraina cùng nhiều cuộc trao đổi, tuyên bố, khuyến cáo… của các nước liên quan về sự kiện này. Tạp chí Quốc phòng toàn dân tổng hợp một số nét chính về tình hình trên.

Người biểu tình thân Nga tụ tập phía trước tòa nhà chính quyền ở Donetsk
-
thành phố phía đông của Ukraine (Nguồn: AFP)

* Ukraine: nguy cơ chia rẽ và mất kiểm soát.

- Theo Reuters, ngày 02-3, Ukraine cho biết hạm đội gồm 10 tàu chiến của Hải quân Ukraine ở cảng Sevastopol, bán đảo Crimea, chưa rời cảng này và vẫn trung thành với chính quyền Kiev.

Hãng thông tấn quốc gia Ukraine Ukrinform ngày 02-3 dẫn thông cáo báo chí Bộ Quốc phòng nước này cho biết Lữ đoàn độc lập số 36 chuyên trách phòng thủ bờ biển đang bị bao vây bởi khoảng 1000 tay súng lạ mặt có hỗ trợ của xe thiết giáp. Bộ này cho biết, các quân nhân đã không thực hiện các yêu cầu giao nộp vũ khí, trang bị từ phía các tay súng có vũ trang. 

Theo trang mạng Hvylya.org, tại Sudak – thành phố ven biển nằm ở phía Đông Nam Crimea, một đơn vị radar và một số đơn vị tên lửa phòng không đã đầu hàng binh sỹ Nga khi họ tiến vào các căn cứ này. 

Trước đó, các phương tiện truyền thông nước ngoài đã đưa tin về việc 10 tàu chiến của hải quân Ukraine đã rời căn cứ ở Sevastopol và có việc phần lớn quân nhân nước này đào ngũ sang phía lực lượng chính quyền mới ở Crimea, thân Nga. 

- Một số nguồn tin cho rằng lực lượng Nga đã chiếm bán đảo Crimea, nơi đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen của Nga. Nhiều đơn vị quân đội Ukraine tại Crimea đã bị các đơn vị không rõ danh tính bao vây và kêu gọi hạ vũ khí, ủng hộ chính quyền thân Nga ở bán đảo này.

Trang mạng RT bản tiếng Anh của Nga ngày 02-3 đưa tin tàu chỉ huy của Hải quân Ukraine - khu trục hạm Hetman Sahaidachny đã quay sang phía Nga. 

Cùng ngày, Reuters đưa tin, quân đội Ukraine đã quyết định rút hai tàu chiến bảo vệ bờ biển của họ khỏi hai cảng ở Crimea và di chuyển các tàu này tới cảng biển khác ở Biển Đen. Theo Hãng tin: đây là dấu hiệu cho thấy lực lượng quân sự Nga đã kiểm soát hoàn toàn bán đảo chiến lược ở Biển Đen.

- Hãng Ria Novosti ngày 02-3 đưa tin: các nghị sỹ Ukraine khẩn khoản yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin xem xét lại việc triển khai thêm quân ở Crimea nhằm tránh leo thang quân sự trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại quốc gia này.

Chiều 01-3, quyền Ngoại trưởng Ukraine Andrei Deshchytsa đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xem xét mọi cơ chế có thể để bảo vệ sự toàn vẹn của nước này.

- Ngày 02-3, phát biểu với báo giới, Tổng thống tạm quyền Ukraine Turchinov cho biết nước này đã chuẩn bị mọi văn kiện cần thiết để ký và thực thi trong trường hợp bị xâm lược quân sự trực tiếp. Lệnh tổng động viên và đưa quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoàn toàn đã được ban hành.

Trong khi đó, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn nguồn tin cấp cao trong Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết sau ngày đầu tổng động viên chưa đến 1,5% số người trong diện phải nhập ngũ nộp đơn đăng ký. 

Cũng theo RIA Novosti, ngày 02-3: binh sỹ các lực lượng vũ trang Ukraine đóng tại Crimea đang rời đơn vị quân đội và đồng loạt nộp đơn từ nhiệm; các doanh trại quân đội, trang bị quân sự và kho vũ khí bị bỏ lại đã được chuyển sang đặt dưới quyền kiểm soát của lực lượng tự vệ, vốn duy trì việc bảo vệ và trật tự cho khu vực. 

Hãng tin Interfax cùng ngày đưa tin binh sỹ Ukraine đóng tại Crimea, đã đồng loạt quay sang phía chính quyền khu tự trị này ‒ Trụ sở Hội đồng Tối cao (cơ quan lập pháp) và Hội đồng bộ trưởng (chính phủ) khu vực tự trị Crimea tại Simferopol hôm 27-2 đã nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng tự vệ nói tiếng Nga.

- Ngày 02-3, Ukraine đã khởi tố tội phản quốc đối với Tư lệnh Hải quân Denis Berezovsky, người vừa giao nộp căn cứ ở cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea và tuyên bố trung thành với giới lãnh đạo thân Nga ở nước Cộng hòa tự trị này. Động thái trên diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Berezovsky được bổ nhiệm vào cương vị này.

- Hàng ngàn người Ukraina muốn ở lại Nga vô thời hạn, Thống đốc khu vực Rostov Vasily Golubev của Nga cho biết ngày 02-3 sau khi trở về từ Crimea.

Trang tin N24 của Đức tối 01-3 cho biết: không phải tất cả người dân ở Ukraine lo sợ một cuộc tấn công quân sự của Nga vào nước này, bởi vì rất nhiều người Crimea mong muốn đưa nước cộng hòa tự trị này sáp nhập trở lại vào lãnh thổ Nga.

Trong một diễn biến khác, lực lượng biên phòng Nga ngày 02-3 cho biết có tới 675.000 người Ukraine đã chạy sang Nga trong khoảng thời gian từ tháng Một ‒ tháng Hai năm nay. Hãng Itar Tass nhận định động thái này như là dấu hiệu của một "thảm họa nhân đạo".

- Trước đó, ngày 01-3, Thủ tướng mới được chọn của khu vực miền nam Ukraine đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp đỡ khôi phục "hòa bình và sự yên tĩnh" cho khu vực bán đảo bên Biển Đen, giữa lúc đang xảy ra bế tắc với chính phủ mới ở Kiev.

- Trang mạng báo Ukrainckaya Pravda cho biết, ba cựu tổng thống Ukraine, gồm Leonid Kravchuk, Leonid Kuchma và Viktor Yushchenko, đã kêu gọi chính phủ nước này hủy bỏ thỏa thuận Kharkov về việc cho thuê căn cứ của Hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea, do các ông Dmitry Medvedev và Viktor Yanukovych ký năm 2010.

- Ngày 28-2, Tổng thống bị lật đổ của Ukraine, ông Viktor Yanukovych lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Rostov trên sông Đông tại Nga ‒ cuộc họp báo được truyền trực tiếp trên truyền hình Nga.

Tại cuộc họp báo, ông Viktor Yanukovych tuyên bố: Ông "chưa bị lật đổ" nhưng buộc phải rời quê hương sau khi nhận được nhiều lời đe dọa; cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào tháng Năm là bất hợp pháp và ông sẽ không tham gia. Ông Yanukovych nói quyền lực ở Ukraine đã bị rơi vào tay "những kẻ phát-xít mới trẻ tuổi". Ông khẳng định sẽ "tiếp tục chiến đấu cho tương lai của Ukraine". Ông Yanukovych cho biết đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin khi tới Nga. Ông khẳng định không hề đề nghị giúp đỡ về quân sự.

* Mỹ, phương Tây và các nước: cam kết hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho Ukraine, cảnh báo Nga không can thiệp quân sự vào Ukraine và kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị.

- Hãng tin Pháp AFP ngày 03-3 dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga và Trung Quốc đã đạt nhất trí về vấn đề Ukraine. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao nói Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc trao đổi qua điện thoại đã nhắc tới "quan điểm trùng khớp rộng rãi của Nga và Trung Quốc về tình hình đã phát triển trong và xung quanh quốc gia này."

Trung Quốc không phải là thành viên của nhóm G8, song nước này và Nga đều có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an và có quan điểm khá giống nhau trong cuộc khủng hoảng ở Syria.

- Trong khi đó, trong phiên giao dịch sáng 03-3, giá dầu trên thị trường châu Á tăng do thị trường lo ngại về những bất ổn chính trị diễn ra tại Ukraine với sự can dự của những cường quốc kinh tế và năng lượng lớn.

- Ngày 02-3, các bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) cam kết sẽ hỗ trợ tài chính mạnh mẽ cho Ukraine với điều kiện chính phủ mới ở Kiev chấp nhận theo đuổi các cải cách kinh tế theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cùng ngày 02-3, Mỹ ngỏ ý rằng Washington cùng các đối tác có thể cung cấp bất cứ khoản hỗ trợ tài chính nào mà Ukraine cần để khôi phục nền kinh tế của quốc gia đang ngập trong khủng hoảng này.

- Trong một tuyên bố, lãnh đạo G7 cho rằng những hành động của Nga không phù hợp với G8 mà Nga gia nhập năm 1997, đồng thời tuyên bố họ sẽ không tham gia các cuộc họp trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G8 diễn ra vào tháng Sáu tới tại Sochi (Nga) để phản đối hành động Nga đưa quân vào Crimea.

Mỹ, Anh và Pháp đã có những tuyên bố mang tính gây sức ép về liên quan đến tư cách thành viên của Nga trong Nhóm G-8.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thẳng thừng cảnh cáo rằng Nga có nguy cơ bị mất quy chế thành viên trong Nhóm các nước phát triển G-8 do đã triển khai quân tại bán đảo Crimea, Ukraine. Phát biểu trên chương trình "Gặp gỡ báo chí" của kênh NBC, quan chức đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ gay gắt: "Sẽ phải trả một giá rất đắt. Nước Mỹ có liên minh, nước Nga bị cô lập. Đó không phải là lập trường về sức mạnh."

- Theo Reuters, ngày 02-3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin vi phạm luật pháp quốc tế với "hành động can thiệp không thể chấp nhận được" tại Ukraine.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã cảnh báo Nga không can thiệp quân sự vào Ukraine, cho rằng "một sự phân chia mới của châu Âu vẫn có thể ngăn chặn được."

Trong khi đó, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết Tổng thống Barack Obama đã thảo luận qua điện thoại với Thủ tướng Merkel, trong đó nhấn mạnh "tính bất hợp pháp hoàn toàn" của việc Nga can thiệp vào bán đảo Crimea thuộc Ukraine. Theo quan chức trên, Tổng thống Obama dự kiến đưa ra quan điểm tương tự khi điện đàm với Thủ tướng Anh và Tổng thống Ba Lan.

- Giới chức Mỹ ngày 02-3 cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới thăm Kiev để bày tỏ ủng hộ các nhà lãnh đạo tạm quyền mới ở quốc gia Đông Âu này sau khi lực lượng Nga kiểm soát bán đảo Crimea. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói: "Ngoại trưởng Kerry sẽ tới Kiev ngày 04-3,"đồng thời xác nhận rằng các lực lượng của Nga" hiện đã hoàn toàn kiểm soát bán đảo Crimea."

- Theo Reuters, ngày 01-3, Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng việc Quốc hội Nga cho phép sử dụng quân đội tại Ukraine là “một mối đe dọa nghiêm trọng tiềm tàng” tới chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. 

- Ngày 01-3, tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power đã kêu gọi nhanh chóng triển khai các quan sát viên quốc tế của Liên hợp quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tới Ukraine để ngăn chặn khủng hoảng leo thang. Đại sứ Power cũng đề nghị Nga chấm dứt can thiệp vào Ukraine và cáo buộc Moskva vi phạm cam kết quốc tế. 

Cùng ngày 01-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ trừng phạt nếu Nga tấn công quân sự vào Ukraine. Phát biểu với báo giới trong cuộc họp báo chớp nhoáng tại Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama cảnh báo rằng mọi hành động quân sự của Nga vào Ukraine sẽ phải trả giá đắt. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ có thể áp dụng gồm hủy chuyến thăm của ông Obama tới Nga dự Hội nghị thượng đỉnh G-8 vào tháng 6 tới tại Sochi, ngừng các cuộc đàm phán về buôn bán. 

- Trước những diễn biến căng thẳng liên quan tới tình hình tại Ukraine, cộng đồng quốc tế kêu gọi tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản trong một tuyên bố đã "bày tỏ lo lắng và quan ngại sâu sắc trước quyết định" của Nga sử dụng vũ lực ở Ukraine. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan tới tình hình căng thẳng tại Ukraine tuân thủ luật pháp quốc tế, thực thi giải pháp chính trị thông qua đàm phán nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.

Chính phủ Australia đã triệu Đại sứ Nga Vladimir Morozov tới để yêu cầu giải thích về những hành động của Nga ở Ukraine. 

* Nga: "Nga không có ý định xâm phạm chủ quyền Ukraine", "không hề muốn có chiến tranh với Ukraine", nhưng “có quyền bảo vệ quyền lợi cũng như người dân nói tiếng Nga”.

- Hãng Reuters ngày 03-3 dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng các lực lượng Nga đã trao "tối hậu thư", theo đó các lực lượng Ukraine ở Crimea có thời gian đến 3 giờ GMT (10 giờ sáng 04-3 giờ Việt Nam) để buộc phải ra hàng. Hãng tin Nga Interfax cũng đưa tin tương tự.

Cùng ngày, lực lượng biên phòng Ukraine cho biết: quân đội và máy bay quân sự của Nga liên tục đổ vào Crimea; 4 tàu chiến của Nga đã cập cảng Sevastopol kể từ ngày 01-3

- Phát biểu tại phiên khai mạc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva, ngày 03-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc các nhà lãnh đạo mới của Ukraine tấn công các lợi ích của người thiểu số và cho biết những phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan đang kiểm

Ông cũng nói thêm rằng "vũ lực của những kẻ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đe dọa mạng sống và lợi ích khu vực của người Nga cũng như cộng đồng nói tiếng Nga."

"Đây là vấn đề bảo vệ các công dân của chúng tôi cũng như những người đồng bào và đảm bảo nhân quyền và quyền được sống," ông khẳng định.

- Tại Nga, trên chương trình truyền hình "Tối Chủ Nhật với Vladimir Solovyov", trả lời câu hỏi: liệu có xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine,  Bà Valentina Matviyenko, Chủ tịch Thượng viện Nga đã bác bỏ ý tưởng chiến tranh. "Vladimir chưa bao giờ nhắc đến từ đó", "Điều này là không thể chấp nhận được"; "Sẽ không bao giờ có chiến tranh giữa hai nước chúng ta. Chúng ta là anh em, cùng trong thế giới Slavơ", bà Matviyenko nói thêm. 

Cũng trong Chương trình này, Thứ trưởng Ngoại giao Grigory Karasin khẳng định "Nga không muốn có chiến tranh với Ukraine", việc Thượng viện phê chuẩn can thiệp quân sự chỉ nhằm chứng tỏ sự nghiêm túc trong ý định của Kremlin.

- Ngày 03-3, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố giới lãnh đạo hiện nay ở Ukraine đã tiếm quyền một cách bất hợp pháp và dự đoán chính quyền của họ sẽ chấm dứt bằng "một cuộc cách mạng mới" và đổ máu mới.

- Ngày 02-3, Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về tình hình tại Ukraine. Ông Putin tuyên bố, trong trường hợp leo thang các hành động áp lực đối với người dân nói tiếng Nga ở các khu vực phía đông Ukraine và ở Crimea, Nga sẽ không thể đứng nhìn và sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nói với người đồng cấp Mỹ Barack Obama rằng Nga “có quyền bảo vệ quyền lợi cũng như người dân nói tiếng Nga,” trong bối cảnh Thượng viện Nga cho phép sử dụng quân đội trên đất Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Nga đã bác lời kêu gọi rút quân của phương Tây khi khẳng định Moskva có quyền bảo vệ những lợi ích của nước này cũng như cộng đồng người nói tiếng Nga ở Crimea và các khu vực khác thuộc Ukraine.

- AP đưa tin sáng 02-3, các nhà báo của AP trên bán đảo Crimea của Ukraine đã chứng kiến một đoàn xe chở hàng trăm binh sỹ Nga đang hướng tới thủ phủ Simferopol của khu vực này.

Những người chứng kiến cho biết các binh sỹ Nga đã nắm quyền kiểm soát bán đảo chiến lược ở khu vực Biển Đen này hôm 01-3 mà không mất viên đạn nào.

Reuters dẫn hãng tin Interfax ngày 02-3 cho biết các quân nhân Nga đã thu gom vũ khí ở một căn cứ radar và cơ sở huấn luyện hải quân tại khu vực Crimea của Ukraine, đồng thời hối thúc các quân nhân tại đây đứng về phía giới lãnh đạo "hợp pháp" của bán đảo này.

- Tối 02-3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin phát biểu trên kênh truyền hình Russia 1 nói rằng Nga không bao giờ có ý định xâm phạm chủ quyền của Ukraine và không một người Nga nào muốn có chiến tranh với nước láng giềng thân thiết này. Nga cũng phản đối bất kỳ tuyên bố nào kích động hằn thù, mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine; đồng thời ủng hộ tất cả các lực lượng có thiện ý tăng cường quan hệ song phương.

Cũng trong ngày 02-3, tại nhiều thành phố của Nga, các hoạt động ủng hộ cho cộng đồng người nói tiếng Nga ở Ukraine do các tổ chức dân sự tổ chức đã diễn ra rầm rộ.

- Trả lời phỏng vấn Izvestia về khả năng phương Tây can thiệp quân sự vào tình hình ở Ukraine, đặc biệt ở Crimea, ông Igor Morozov Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Nga tin rằng điều này sẽ không xảy ra. Lý do khiến vị thượng nghị sỹ Nga tự tin như vậy là do: “ở Biển Đen chúng tôi đã sắp sẵn nhiều cạm bẫy công nghệ cao, có khả năng làm cho các tàu chiến Mỹ bị ‘mù’ và ‘điếc’, và họ cũng biết điều này,” – ông Igor Morozov nói. 

Về khả năng vấn đề Crimea có thể được đưa ra trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Igor Morozov tuyên bố rằng, Nga “sẽ đóng băng mọi nghị quyết liên quan.”

Hiện nay, Mỹ đang có hai tàu chiến túc trực ở Biển Đen, gần Sochi.

- Hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin quân sự Ukraine ngày 01-3 cho biết 2 tàu ngầm của Nga đã xuất hiện ở ngoài khơi bờ biển bán đảo Crimea. Nguồn tin cho biết 2 tàu ngầm thuộc Hạm đội Baltic của Nga đã được nhìn thấy tại một vịnh ở Sevastopol, nơi Moskva đặt một căn cứ của Hạm đội Biển Đen.

Trước đó, giới chức Nga nhiều lần khẳng định việc di chuyển binh sĩ và khí tài quân sự ở Crimea là nằm trong thỏa thuận giữa hai nước.

- Ngày 01-3, Thượng viện Nga đã phê chuẩn đề nghị của Tổng thống Nga, Tổng Tư lệnh Vladimir Putin về việc sử dụng lực lượng vũ trang Nga trên đất Ukraine.

Các nghị sỹ đã nhất trí thông qua đề nghị "sử dụng các lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi tình hình chính trị xã hội ở nước này bình thường hóa". 

Ông Putin cho biết Nga cần bảo vệ các nhân viên đang làm việc ở Hạm đội Biển Đen là "hoàn toàn phù hợp với hiệp ước quốc tế". Đề nghị của ông Putin được dựa trên điểm G trong phần đầu của điều 102 Hiến pháp Nga, theo đó cho phép sử dụng quân đội Nga vượt khỏi biên giới đất nước.

Cùng ngày, Quốc hội Ukraine cho biết Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin đã cảnh báo Tổng thống tạm quyền kiêm Chủ tịch Quốc hội Ukraine Oleksander Turchynov rằng Moskva sẽ đáp trả bằng quân sự nếu Kiev sử dụng vũ lực chống lại những người dân yêu chuộng hòa bình tại khu vực phía Đông của nước này và bán đảo Crimea. 

- Trước đó, Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn thông cáo từ Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với người đồng cấp Mỹ Barack Obama rằng Nga “có quyền bảo vệ quyền lợi cũng như người dân nói tiếng Nga”. Ông Putin nói với Obama rằng “có mối đe dọa thật sự lớn đối với cuộc sống và sức khỏe của các công dân Nga ở Ukraine,” thông cáo cho biết.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 01-3, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại diện thường trực của Liên bang Nga tại LHQ, ông Vitaly Churkin cho rằng tình hình tại Ukraine cần quay về con đường chính trị trong khuôn khổ hiến pháp. 

 

NGUYỄN ĐỨC tổng hợp

TAG

Ukraine

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.