Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:12 (GMT+7)
Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản - người có vinh dự làm việc nhiều năm cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Tạp chí Cộng sản chia sẻ, ông rất ấn tượng với danh xưng “Tổng Bí thư của Nhân dân” mà nhiều người vẫn gọi. Bởi, ở đó hàm ý Đảng ta đã được Nhân dân yêu mến, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư của Đảng nhưng Nhân dân coi Đồng chí là Tổng Bí thư của Nhân dân, tức là Tổng Bí thư của mình.
Phóng viên: Thưa ông, có cơ duyên được làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều năm, chắc hẳn ông có rất nhiều kỷ niệm, nhiều cơ hội gần gũi và học tập từ Tổng Bí thư. Xin ông chia sẻ những tình cảm, kỷ niệm của mình với Tổng Bí thư? Nhà báo Nhị Lê: Tôi có vinh dự làm việc với Tổng Bí thư của chúng ta từ khi tôi mới 25 tuổi. Càng vinh dự hơn khi chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ với cương vị là Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng Đảng của Tạp chí Cộng sản cùng với đồng chí Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ đã đến Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xin những sinh viên khá, giỏi - nơi Tổng Bí thư học tập những năm 1963 - 1967. Có thể nói, về công tác tại Tạp chí Cộng sản và được chính đồng chí Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ lựa chọn là một mối duyên lớn trong cuộc đời tôi. Khi tôi về Tạp chí, Tổng Bí thư lúc bấy giờ 40 tuổi, còn tôi 25 tuổi. Tôi gọi Tổng Bí thư là Anh và cũng là người Thầy, người Thủ trưởng của tôi, lúc ấy. Đó là khoảng thời gian vô cùng quý báu, tôi được Tổng Bí thư dìu dắt, tận tâm chỉ bảo để tôi từng bước trưởng thành. Tôi vẫn nhớ, đồng chí luôn nói, để tích luỹ kiến thức, để làm lý luận, thì phải đi thực tế nhiều, trên cơ sở thực tế thì mới tổng kết, khái quát thành lý luận. Để “rèn” tôi, Tổng Bí thư giao tôi nhiệm vụ phải đi thực tế 10 ngày/tháng. Trong hai năm liền 1985, 1986, tháng nào tôi cũng đạp xe đạp 50 km lên Phúc Thọ và chính Tổng Bí thư cũng là người trực tiếp dẫn tôi lên đặt vấn đề và gửi cho Huyện uỷ Phúc Thọ.
Không chỉ dạy tôi ở mặt chuyên môn, về lý luận chính trị mà Tổng Bí thư cũng luôn chỉ bảo tôi cách sống, cách làm việc. Anh thường nói với tôi: “Có đức không có sức mà ăn”. Chính tình cảm thầm lặng Tổng Bí thư dành cho tôi như một cái “neo” giữ tôi ở Tạp chí Cộng sản trọn vẹn đời công tác, dù có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp mở ra.
Sau nhiều năm công tác và giữ trọng trách tại Tạp chí Cộng sản, đến 10/1996, đồng chí được cử về làm Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Sau này, mặc dù đã là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, hay Tổng Bí thư bộn bề công việc nhưng Đồng chí vẫn luôn luôn dành cho tôi sự quan tâm, động viên rất lớn về cuộc sống và công việc.
Phóng viên: Thưa ông, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chúng ta đạt được rất nhiều kết quả, tạo sự đồng thuận trong cán bộ đảng viên và Nhân dân. Xin ông chia sẻ về vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người phất cờ tiên phong trong cuộc đấu tranh này, được nhiều người gọi là “Người đốt lò vĩ đại”?
Nhà báo Nhị Lê: Theo tôi, đây là kết quả tất yếu, cũng là sự gặp gỡ đến mức tuyệt vời giữa những quyết sách của Trung ương Đảng với khát vọng của Nhân dân.
Từ những năm 1990, tôi vinh dự được làm việc bên cạnh Tổng Bí thư tại Tạp chí Cộng sản thì cũng đã nhiều lần được trao đổi về vấn đề này. Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư lúc bấy giờ, tôi cũng viết 3 bài về phòng, chống tham nhũng.
Sau này, những năm 2000, năm 2016, tôi tiếp tục có cơ hội trao đổi trực tiếp với Tổng Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng. Qua rất nhiều lần trao đổi, tôi đọc được trong tư tưởng của Tổng Bí thư sự xác quyết, nếu không phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì không có bất kỳ một sự đổi mới thành công nào như mong muốn. Đây là thành quả nghiên cứu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng là nhu cầu phát triển các cuộc đổi mới.
Về vai trò của Tổng Bí thư trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, như chúng ta đã biết: Cơ quan phòng, chống tham nhũng có sự đổi mới rất quan trọng. Trước năm 2012, cơ quan này thuộc Chính phủ. Trung ương quyết định chuyển Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị và Bộ Chính trị tin cậy trao cho đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban. Đồng thời, tái lập Ban Nội chính Trung ương là cơ quan giúp việc Trung ương và tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư. Tôi cho rằng, đấy là bước chuyển lớn nhất, để đặt lại vị thế, chức năng và nhiệm vụ tương xứng của ban này trong toàn bộ hệ thống tổ chức của chúng ta. Cùng với đó là cơ cấu về mặt lực lượng phòng, chống tham nhũng; đồng thời, đổi mới cơ chế vận hành của nó trong toàn bộ hệ thống.
Điều quan trọng nhất là lựa chọn người đứng đầu bộ các bộ máy phòng, chống tham nhũng. Như chúng ta biết 10 năm qua, thành quả trên địa hạt này rất đáng ghi nhận. Chính đó là một động lực để Đảng xây dựng, chỉnh đốn mình và chỉnh đốn hệ thống chính trị; là một nguyên nhân quan trọng để tạo nên thế nước không ngừng phát triển. Và, chính đó cũng là một động lực vô cùng mạnh mẽ và môi trường xã hội chính trị rộng lớn để toàn dân ủng hộ Đảng, ủng hộ Nhà nước, ủng hộ Chính phủ trong đại cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phóng viên: Người dân, các chuyên gia, bạn bè quốc tế dành rất nhiều tình cảm cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và gọi ông là “Tổng Bí thư của Nhân dân”, “Sĩ phu Bắc Hà”, “Người đốt lò vĩ đại”… Ông đánh giá như thế nào về điều này?
Nhà báo Nhị Lê: Tất cả những điều mà đông đảo Nhân dân dành cho Tổng Bí thư là hoàn toàn xác đáng. Tôi nghĩ, không gì vĩ đại bằng bộ óc Nhân dân, không lực lượng nào mạnh mẽ hơn lòng dân cố kết. Hơn nữa, “Thương dân, dân lập bàn thờ...”. Cho nên những danh hiệu như: “Tổng Bí thư của Nhân dân”; “Sĩ phu Bắc Hà”, “Tư lệnh của lòng dân”, “Người kết tinh khát vọng của Nhân dân”… đều là những danh xưng mà xã hội tôn quý và “tấn phong” cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với danh xưng “Tổng Bí thư của Nhân dân”.
Có người hỏi, tại sao Nhân dân nói Tổng Bí thư của Nhân dân mà không nói là Tổng Bí thư của Đảng? Phải chăng, ở đây hàm ý Đảng ta đã được Nhân dân yêu mến, trực tiếp là yêu mến Đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Dù Đồng chí là Tổng Bí thư của Đảng nhưng Nhân dân, vì lẽ đó, vẫn gọi Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư của mình và gọi Đảng là Đảng ta.
Tôi cũng nghĩ, về đạo lý, ở đây thể hiện một sự thống nhất tuyệt vời và đòi hỏi Đảng đến mức trìu mến, rằng sự trưởng thành của Đảng tuỳ thuộc vào sức sống và cách thức hành xử của Đảng đối với Nhân dân với tư cách là “đứa con nòi” của Nhân dân, phụng sự Nhân dân. Vì thế, Đảng ta cũng mới là Đảng của dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Nhân dân sinh ra Đảng và Nhân dân nhìn Đảng, ở đây, tập trung ở Đồng chí Tổng Bí thư. Cho nên trên công luận hay truyền thông xã hội tôi thường thấy sự tôn vinh ấy của Nhân dân đối với Đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như thế và gọi Đảng là Đảng của chúng ta, là hết sức tự nhiên như cuộc sống vậy.
Còn những danh phong khác, như "Sĩ phu Bắc Hà", "Người đốt lò vĩ đại"… là sự tôn vinh Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên từng phương diện khác nhau.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Nguồn: dangcongsan.vn
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng,“Tổng Bí thư của Nhân dân”,Nhà báo Nhị Lê,phỏng vấn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Một nhân cách lớn 08/08/2024
Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng - Kiến trúc sư tạo dựng cơ đồ đất nước 05/08/2024
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của cách mạng Việt Nam 05/08/2024
Quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh 29/07/2024
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” 28/07/2024
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà Lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân 26/07/2024
Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nghĩa trang Mai Dịch 26/07/2024
Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26/07/2024
Hàng nghìn đoàn của lãnh đạo các cấp và nhân dân cả nước, kiều bào và bạn bè quốc tế viếng Tổng Bí thư 26/07/2024
Đặc trưng tư duy và tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa, con người Việt Nam 26/07/2024