Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:23 (GMT+7)
Tạp chí với bạn đọc
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2023 được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị phê duyệt, sáng ngày 10/10/2023, tại thành phố Đà Lạt, Hội nghị trao đổi ý kiến giữa đại biểu bạn đọc, cộng tác viên Học viện Lục quân với Tạp chí Quốc phòng toàn dân được tổ chức. Đồng chủ trì Hội nghị, Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Học viện Lục quân và Đại tá, ThS. Hoàng Văn Trường, Phó Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Dự Hội nghị có hơn 60 đại biểu đại diện cho bạn đọc, cộng tác viên của Học viện Lục quân, đại biểu một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện cán bộ, biên tập viên Tạp chí Quốc phòng toàn dân.
Sau báo cáo đề dẫn (do Đại tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Tổng biên tập Tạp chí trình bày), với tinh thần dân chủ và cầu thị, đồng chí Phó Tổng biên tập Tạp chí - đồng chủ trì Hội nghị gợi ý và đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, chỉ ra những mặt còn hạn chế cả về nội dung, hình thức và phương pháp thể hiện,… để Tạp chí kịp thời rút kinh nghiệm, phục vụ bạn đọc tốt hơn.
Phát biểu ý kiến trung tâm, đồng chí Phó Chính ủy Học viện Lục quân đánh giá cao vị thế, uy tín của Tạp chí Quốc phòng toàn dân và khẳng định: Chặng đường 75 năm qua, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Tạp chí cũng luôn giữ vững phương hướng chính trị, bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tiễn của đất nước, Quân đội và công tác quân sự, quốc phòng của các địa phương; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xứng đáng là cơ quan lý luận quân sự, chính trị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Tạp chí thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, giữ vững uy tín, vị thế trong nền báo chí cách mạng nước nhà. Các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, chiến sĩ của Tạp chí luôn: “Giữ vững tôn chỉ, mục đích; tuyệt đối trung thành; tận tụy, sáng tạo; đoàn kết, thống nhất; vượt khó vươn lên”, hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu, tuyên truyền lý luận quân sự, chính trị về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các bài viết đăng trên Tạp chí bảo đảm tính lý luận, thực tiễn, chuyên sâu, góp phần luận giải những nội dung về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kịp thời chuyển tải đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng đến bạn đọc, cộng tác viên và là nguồn tài liệu quan trọng để cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Lục quân trao đổi, học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ lý luận, năng lực thực tiễn đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo. Đồng thời, đồng chí Phó Chính ủy đề nghị cơ quan chức năng của hai đơn vị tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa để cán bộ, giảng viên Học viện có nhiều bài viết trao đổi, nghiên cứu trên Tạp chí.
Các tham luận của đại biểu về dự Hội nghị được chuẩn bị chu đáo và đồng tình cao với ý kiến trung tâm của đồng chí Phó Chính ủy về vị thế, uy tín của Tạp chí Quốc phòng toàn dân trong nền báo chí nước nhà nói chung, báo chí Quân đội nói riêng. Thượng tá Phan Thanh Trâm, Phó Chủ nhiệm Chính trị Học viện khẳng định: nội dung bài viết đăng trên Tạp chí sâu sắc, có giá trị lý luận, thực tiễn cao, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị vận dụng vào hoạt động thực tiễn trên các cương vị công tác được giao. Hầu hết các chuyên mục trong Tạp chí đều được cán bộ của đơn vị quan tâm; trong đó, quan tâm hơn đến chuyên mục: Phòng, chống “diễn biến hòa bình” - “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (từ Số 8/2023 đổi thành Phòng, chống “diễn biến hòa bình”; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng), bởi đây là cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt, gay gắt, lâu dài và vô cùng phức tạp. Trong chuyên mục này, Tạp chí luôn có nhiều bài viết sắc sảo, nội dung cô đọng, tính chiến đấu cao; kịp thời định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân trước các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Thời gian tới, đề nghị Tạp chí quan tâm hơn nữa đến công tác nhà trường, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự; có nhiều bài viết tổng hợp kết quả thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường các bài viết đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.
Đại tá Dương Văn Thiên, Phó trưởng Phòng Sau đại học; Đại tá Đào Trọng Hợp, Khoa Chiến thuật; Đại tá Đỗ Quang Lưu, Khoa Công tác đảng, công tác chính trị và một số ý kiến khác trao đổi: Tạp chí Quốc phòng toàn dân - Tạp chí hàng đầu để các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mình; là diễn đàn bổ ích, nơi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy của cán bộ trong và ngoài Quân đội. Các nội dung trên Tạp chí là kênh thông tin chính thống, đầy đủ, kịp thời giúp cho cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện vận dụng trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy có hiệu quả. Để nâng cao hơn nữa chất lượng Tạp chí, các đại biểu đề nghị: tiêu đề các bài viết cần xác định rõ, ngắn gọn, xúc tích; nội dung cần bao quát toàn diện các sự kiện trong nước và quốc tế, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tăng cường hơn nữa tính định hướng, nâng cao sự sắc bén trong đấu tranh tư tưởng, tính thực tiễn và lý luận trong từng bài viết, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quốc phòng, quân sự, những thành tựu của công cuộc đổi mới, những phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam; tăng bài viết trong chuyên mục Lịch sử quân sự Việt Nam.
Đại tá Trần Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Khoa Quân sự địa phương và một số đại biểu khác cho rằng, hiện nay các chuyên mục trên Tạp chí cơ bản phù hợp, thường xuyên được đổi mới về nội dung và phương pháp thể hiện, chất lượng các bài viết ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tuy nhiên, để bảo đảm tính toàn diện hơn nữa, Tạp chí cần nghiên cứu bổ sung thêm một số chuyên mục, như: “Xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ địa phương”, “Nhà trường gắn liền với đơn vị”, v.v.
Cùng với đánh giá cao về chất lượng, nội dung bài viết đăng trên các chuyên mục Tạp chí, các đại biểu cũng chỉ rõ những mặt hạn chế cần khắc phục và kiến nghị, đề xuất những nội dung chủ yếu góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuốn Tạp chí trong thời gian tới. Thượng tá Tống Xuân Thu, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng đề nghị các bài viết trên Tạp chí cần tăng tính lý luận, tính thời sự, tính dự báo ở tầm chiến lược; bảo đảm cân đối về cơ cấu vùng, miền, loại hình đơn vị; quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương và hoạt động của các đơn vị khu vực cao nguyên Nam Trung Bộ nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Đại tá Trần Sĩ Tiến, Hệ trưởng Hệ Sau đại học đề nghị Tạp chí có nhiều bài viết phân tích, tổng hợp kết quả thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bám sát thực tiễn, nhất là các đơn vị chiến đấu; tăng cường đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng; đổi mới, đa dạng phương pháp tiếp cận, trình bày các bài viết trong mỗi số Tạp chí để tạo sự thu hút, lôi cuốn người đọc.
Các ý kiến khác đều đánh giá cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc cập nhật, đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức (cả Tạp chí in và Tạp chí điện tử); thường xuyên tuyên truyền khá phong phú, toàn diện các mặt hoạt động, công tác ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường Quân đội, các quân khu, quân chủng, binh chủng và địa phương trên cả nước. Đồng thời, luôn có những bài viết sâu sắc về: xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố); kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại; nghệ thuật quân sự, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tổng kết kinh nghiệm các mặt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hậu cần, kỹ thuật, giáo dục, đào tạo trong Quân đội, v.v.
Về hình thức, để tạo sự hấp dẫn, thu hút nhiều bạn đọc hơn nữa, các đại biểu đề nghị Tạp chí đổi mới hình thức cuốn Tạp chí in và Tạp chí điện tử; cần tăng tính đồ họa, tính hấp dẫn ở trang bìa và từng trang của Tạp chí; tăng cường tuyên truyền phóng sự ảnh trên Tạp chí điện tử; tạo đường link liên kết với các báo, tạp chí khác để bạn đọc thuận tiện trong quá trình nghiên cứu, tham khảo, v.v.
Kết thúc Hội nghị, Đại tá, ThS. Hoàng Văn Trường, Phó Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân tóm tắt các ý kiến, giải đáp những vấn đề mà các đại biểu đặt ra và cảm ơn Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Lục quân cùng cơ quan chức năng đã phối hợp với Tạp chí tổ chức thành công Hội nghị.
PHẠM CƯỜNG thực hiện
Tạp chí Quốc phòng toàn dân,Học viện Lục quân,trao đổi ý kiến,đại biểu bạn đọc,cộng tác viên
TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN SỐ 11/2024 01/11/2024
Tạp chí Quốc phòng toàn dân trao đổi ý kiến với đại biểu bạn đọc, cộng tác viên trên địa bàn Quân khu 4 17/10/2024
Tạp chí Quốc phòng toàn dân trao đổi ý kiến với đại biểu bạn đọc, cộng tác viên trên địa bàn Quân khu 5 14/10/2024
TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN SỐ 10/2024 04/10/2024
TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN SỐ 9/2024 31/08/2024
TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN SỐ 8/2024 02/08/2024
Tạp chí Quốc phòng toàn dân trao đổi ý kiến với đại biểu bạn đọc, cộng tác viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh 03/07/2024
TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN SỐ 7/2024 02/07/2024
LỜI CẢM ƠN CỦA TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN 22/06/2024
TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN SỐ 6/2024 31/05/2024
TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN SỐ 11/2024