Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Chủ Nhật, 14/02/2016, 21:35 (GMT+7)
Về Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền

Mùa Xuân Canh Ngọ (năm 1930), trên vũ đài chính trị của dân tộc Việt Nam xuất hiện chính đảng cách mạng: Đảng Cộng sản Việt Nam và tháng 9 - 1945, đã trở thành Đảng cầm quyền. Cả về mặt lý luận và thực tiễn, sự ra đời của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là hoàn toàn phù hợp quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Điều đó đã bác bỏ mọi thủ đoạn kích động, xuyên tạc của các thế lực thù địch về bản chất Đảng.

Về khả năng xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền ở một nước nông nghiệp, kinh tế chậm phát triển

C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã đề cập vấn đề xây dựng, phát triển tổ chức cộng sản ở môi trường xã hội công nghiệp, khi giai cấp công nhân đại cơ khí đã hình thành và phát triển. Theo đó, Đảng Cộng sản là tổ chức có đội ngũ đảng viên chủ yếu là công nhân đại công nghiệp gắn với nền sản xuất công nghiệp, thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền từ tay giai cấp tư sản và đi lên chủ nghĩa cộng sản. Đến V.I. Lê-nin, hoạt động của Đảng Bôn-sê-vích Nga từ năm 1903, đặc biệt là sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, có khác về môi trường xã hội1, nên V.I. Lê-nin nhấn mạnh việc cải thiện thành phần, bằng cách kết nạp nhiều công nhân vào Đảng.

Vậy, liệu có xây dựng và phát triển được Đảng Cộng sản ở một môi trường kinh tế lạc hậu, chậm phát triển như ở Việt Nam không, khi mà “biển” tiểu nông rất rộng lớn, số lượng giai cấp công nhân rất ít, quá trình giai cấp công nhân tiến lên một giai cấp công nhân đại công nghiệp diễn ra rất chậm chạp? Tình hình đó không chỉ là hiện hữu ở những năm sau khi cách mạng thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân (năm 1945), mà còn kéo dài về sau. Quan điểm của Hồ Chí Minh là: hoàn toàn xây dựng được một Đảng Cộng sản cầm quyền ở một nước có điều kiện nêu trên. Sự ra đời, lãnh đạo (từ năm 1930-1945), cầm quyền (1945 đến nay) đối với xã hội, dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh rõ điều đó. Thực tiễn nước Nga và Việt Nam nói trên đã bác bỏ ý kiến cho rằng, hầu hết đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất thân từ giai cấp nông dân, nên Đảng không mang bản chất giai cấp công nhân. Và cũng chính từ điều kiện ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng.

Về tư cách của một Đảng Cộng sản cầm quyền

Để xứng đáng là Đảng Cộng sản cầm quyền, Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng phải luôn xác định trách nhiệm cao đối với dân. Người khẳng định: “bao nhiêu quyền hạn đều ở nơi dân”, Đảng cầm quyền được nhân dân giao quyền, giao trách nhiệm lãnh đạo toàn xã hội nhằm bảo đảm quyền lợi cho dân, cho Tổ quốc. Trách nhiệm của Đảng cầm quyền phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Sự cầm quyền của Đảng thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh cũng tự xác định việc làm Chủ tịch nước của mình giống như một người lính vâng lệnh của quốc dân ra mặt trận, bao giờ nhân dân cho lui thì sẵn sàng lui. Vì thế, để tránh những căn bệnh làm tổn hại đến tư cách của Đảng cầm quyền, trong đó chủ yếu là việc vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên của Đảng phải luôn trong sạch, vững mạnh. Đây là yêu cầu chung cho các thời kỳ hoạt động của Đảng, kể cả trước khi cầm quyền. Người cho rằng: sự nghiệp xây dựng đất nước là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì “cũ kỹ”, “hư hỏng”, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên giai đoạn Đảng cầm quyền càng phải tích cực rèn luyện, đảm bảo vững mạnh cả về đức và tài. Trong tư cách của Đảng Cộng sản cầm quyền, Hồ Chí Minh nhấn rất mạnh đến phẩm chất “đạo đức”, “văn minh”. Đối với Việt Nam, một nước ở phương Đông, coi trọng tu dưỡng đạo đức cá nhân, thì vấn đề đạo đức càng nổi bật. Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là nền tảng của người cộng sản, bao hàm cả năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Trên thực tế, do “nói và làm” rất nhiều về vấn đề đạo đức cách mạng, nên một số người lầm tưởng rằng, Hồ Chí Minh thiên về “đức trị”. Điều này liên quan đến triết lý phát triển của Hồ Chí Minh - triết lý xuất phát từ cách tiếp cận với văn hóa học, đặc biệt là văn hóa đạo đức và chủ nghĩa nhân văn - lý luận và thực tiễn trong cuộc đời Hồ Chí Minh về sự biến đổi các vấn đề nhân sinh và xã hội theo chiều hướng tốt đẹp. Một trong những biểu hiện rõ nhất của Hồ Chí Minh về rèn luyện để Đảng thực sự đạo đức, văn minh, là “rèn” đạo đức cán bộ, đảng viên trong thực tế, chứ không chỉ dừng lại những quy định trong điều lệ Đảng. Có như thế, Đảng Cộng sản cầm quyền mới có đủ năng lực, phẩm chất hoàn thành sứ mệnh được trao.

Đảng phải thực hiện tốt các nguyên tắc hoạt động của mình

Đây là tiền đề để Đảng cầm quyền vững chắc. Theo Hồ Chí Minh, nguyên tắc hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thể hiện trước hết ở việc thực hiện tập trung dân chủ: tập trung trên nền tảng dân chủ, dân chủ phải đi đến tập trung. Như vậy, hàm lượng dân chủ càng cao, càng đậm đặc trong sinh hoạt đảng, thì tập trung trong Đảng càng đúng đắn. Người nhấn mạnh: phải làm cho mọi đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình ở trong Đảng, tức là khơi dậy tinh thần trách nhiệm và tính tích cực, chủ động của tất cả đảng viên; khi đã thảo luận, bày tỏ ý kiến, thì đi đến tập trung, tức là thống nhất cả về ý chí và hành động, như thế mới có sức mạnh. Và, nói như Hồ Chí Minh, lúc ấy quyền tự do của đảng viên hóa ra là quyền phục tùng chân lý. Cùng với đó, Đảng thực hiện tốt: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Để nhấn mạnh tính chất này, Hồ Chí Minh lưu ý hai điều cần tránh trong hoạt động của Đảng Cộng sản cầm quyền: độc đoán, chuyên quyền, coi thường tập thể; dựa dẫm tập thể, không dám quyết đoán. Đảng phải dám chịu trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc, lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc trên nền của tầm trí tuệ cao không những của từng cá nhân cán bộ chủ chốt chiến lược, mà còn trên nền tập thể Đảng trí, dân trí cao. Muốn vậy, trong Đảng phải thực hiện tự phê bình và phê bình. Đây là điều trăn trở nhất của Hồ Chí Minh, với tư cách là Chủ tịch Đảng cầm quyền. Người đầy lo lắng và tìm cách cố gắng khắc phục những yếu tố có nguy cơ làm tổn hại đến sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Người luôn nhấn mạnh tới việc giáo dục cho toàn Đảng tinh thần tự phê bình và phê bình, coi đây là việc làm thường xuyên; đồng thời, mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải thực sự nêu cao trách nhiệm để tự soi, tự sửa, không ngừng tiến bộ. Cùng với đó, Đảng cần chú trọng kết nạp những người ưu tú và luôn làm trong sạch Đảng, kiên quyết loại bỏ những phần tử biến chất ra khỏi Đảng. Mượn khái niệm của hóa học và vật lý học, thì đây chính là quá trình đồng hóa và dị hóa của sự vật, quá trình làm trong sạch đội ngũ qua bộ lọc. Đảng không phải là tổ chức trừu tượng, mà là do từng con người kết thành tổ chức. Chất lượng, năng lực cầm quyền của Đảng phụ thuộc vào chất lượng, năng lực của đội ngũ đảng viên. Hồ Chí Minh nói và viết nhiều về yêu cầu này và luôn nêu tấm gương lớn và sáng về tư cách của người cộng sản; đồng thời, tỏ rõ thái độ quyết tâm làm cho đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh. Người yêu cầu, tổ chức đảng, đảng viên phải hoạt động đúng pháp luật. Khi làm lãnh tụ của Đảng, vấn đề Đảng trong quan hệ lãnh đạo Nhà nước chưa được Người đề cập nhiều; nhưng quan điểm của Hồ Chí Minh về mặt này là phải thấm nhuần tinh thần pháp quyền: mọi người, từ cán bộ cao cấp đến mọi đảng viên đều có nghĩa vụ tôn trọng, thực thi pháp luật. Có trách nhiệm với dân và tăng cường mối quan hệ máu thịt với dân. Mục đích hoạt động của Đảng và quyền lợi của dân là một - đó là quan điểm xuyên suốt của Hồ Chí Minh. Gần dân, hiểu dân, vì dân là phong cách Hồ Chí Minh, là yêu cầu có tính nguyên tắc mà Người nêu lên cho hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền. Đảng gắn bó chặt chẽ với dân là vấn đề có tính chất quyết định đến sự tồn tại và phát triển của Đảng với tư­ cách là một tổ chức đ­ược nhân dân, đ­ược dân tộc giao phó trách nhiệm lãnh đạo nhà nước và xã hội. Chú trọng giữ vững và tăng cường mối quan hệ quốc tế trong sáng. Theo Người, Đảng phải luôn chú trọng tình đoàn kết quốc tế, vì lợi ích chung của nhân dân toàn thế giới; trong chính sách đối nội, đối ngoại, Đảng phải lãnh đạo bảo đảm lợi ích của dân tộc, nhưng không phương hại đến lợi ích của các nước khác. Những cán bộ, đảng viên nào thực hiện không đúng nguyên tắc hoạt động của Đảng theo quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh đều không xứng đáng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhìn tới phía trước

Hiện nay, là thời kỳ Việt Nam mở cửa, hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh toàn cầu hóa, làm nảy sinh mối quan hệ mới, đa dạng hơn: vừa song phương, vừa đa phương trong tất cả các lĩnh vực. Đó là một quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh tình hình chính trị trên thế giới có sự thay đổi lớn, so với thời kỳ Hồ Chí Minh còn sống. Điều đó, đặt ra cho nước ta đứng trước thời cơ lớn của sự phát triển, nhưng có những thách thức không nhỏ. Những biểu hiện của thời cơ mới là, với việc tham gia ngày càng nhiều và chủ động, tích cực vào các tổ chức quốc tế, Việt Nam có nhiều cơ hội để bứt lên, thu hẹp dần khoảng cách tụt hậu về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và quốc tế; ba yếu tố: thời, thế, lực đang đan xen nhau: thời do thế và lực đưa lại, thế và lực tác động thúc đẩy thời mau xuất hiện. Điều kiện quốc tế, bên cạnh những khó khăn, nhưng nhìn tổng quát, ở hiện tại và tương lai gần, có nhiều thuận lợi cho sự nghiệp cách mạng. Thách thức, nguy cơ trong điều kiện mới cũng nằm ngay trong thời cơ. Khi hội nhập quốc tế trong dòng xoáy của toàn cầu hoá, Việt Nam bị chế định bởi “luật chơi” quốc tế định sẵn; hoạt động trong môi trường cạnh tranh gay gắt, quyết liệt gấp bội so với trước đây, có mức độ và hệ số rủi ro rất lớn và dày hơn. Thời cơ, thách thức, nguy cơ quyện với nhau, chuyển hoá cho nhau trong một thời kỳ, một giai đoạn, thậm chí trong cùng một thời điểm, làm cho bức tranh toàn cảnh của Việt Nam trên đà phát triển rất phong phú về màu sắc.

Điều đó đặt ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam là: phải nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, có năng lực cầm quyền với tư duy, bản lĩnh chính trị cao, sáng suốt và kiên định. Đảng phải đề ra đường lối và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối lãnh đạo đất nước bứt lên mạnh mẽ, tiến kịp bước tiến chung của nhân loại, sánh vai với nhiều nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, hoặc ngược lại. Vấn đề ở chỗ, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền bị thoái hóa, biến chất, thì sẽ bị mất vai trò lãnh đạo. Đó là thách thức lớn nhất đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nắm lấy thời cơ, vượt qua thách thức, nguy cơ, phụ thuộc vào chính bản thân Đảng. Cách mạng phải tự bảo vệ. Đảng Cộng sản Việt Nam phải thường xuyên và tích cực tự đổi mới và tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền trên cơ sở nắm bắt chính xác tình hình, đề ra đường lối, chủ trương phù hợp trong hội nhập quốc tế. Năng lực cầm quyền của Đảng là sự tổng hòa trình độ, khả năng, bản lĩnh chính trị để giải quyết các yêu cầu nhiệm vụ do tình hình đất nước nhằm đạt mục tiêu phát triển. Muốn đề ra đường lối, chủ trương phù hợp, Đảng phải nắm chắc tình hình mọi mặt trong nước và quốc tế; kiên quyết loại trừ bảo thủ, trì trệ; vừa chú ý những vấn đề mới nảy sinh, kịp thời nghiên cứu, tổng kết để bổ sung, phát triển cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, vừa phải cẩn trọng. Bảo thủ, trì trệ, không chịu bổ sung, phát triển Cương lĩnh, đường lối, chủ trương khi tình hình trong nước và quốc tế có sự biến chuyển, thay đổi là không xứng đáng với một đảng tiên phong, năng động, sáng tạo. Ở đây, việc “thiết kế” nội dung đường lối có tầm quan trọng đặc biệt, vì “sai một ly đi một dặm”. Do đó, Đảng phải tính toán cẩn trọng, trên cơ sở nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, bản lĩnh chính trị vững vàng, kết hợp tính khoa học với tình hình đất nước và của thế giới,… đề ra đường lối, chủ trương phù hợp. Có thể có những vấn đề được coi là đúng, nhưng đối với giai đoạn, thời kỳ, lúc này chưa thể, hoặc không thể thực hiện, vì hoàn cảnh chưa cho phép; do vậy, đây thuộc về bản lĩnh chính trị, thuộc về nghệ thuật cầm quyền, lãnh đạo của Đảng.

Đảng cầm quyền phải trong sạch, vững mạnh. Sự cầm quyền của Đảng không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Sự cầm quyền đó là kết quả của một quá trình Đảng chứng tỏ được với toàn xã hội sức mạnh và uy tín của mình và được toàn dân tộc thừa nhận. Nhưng, Đảng sẽ không còn ở vị trí cầm quyền nữa, nếu bị suy yếu, không trong sạch, vững mạnh, niềm tin của nhân dân vào Đảng bị suy giảm và bị mất. Vì vậy, vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng cũng như việc phải luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn mình là hai vế đồng thời vận hành trong cùng một cơ thể sống của Đảng. Nguy cơ lớn nhất của Việt Nam trong tương lai gần là Đảng bị suy yếu, vai trò cầm quyền bị suy giảm, thậm chí bị mất, dẫn đến mất chế độ chính trị hiện có. Điều này làm cho người Việt Nam thấu hiểu tại sao Đảng lại xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Tính chất then chốt, thể hiện ở việc Đảng Cộng sản Việt Nam phải nâng cao tầm trí tuệ và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu trong giai đoạn cực kỳ quan trọng của hội nhập quốc tế. Sự nghiệp xây dựng đất nước đặt ra cho Đảng và nhân dân Việt Nam một tầm nhìn và một năng lực sáng tạo vượt bậc. Con đường của dân tộc Việt Nam đi là con đường đúng đắn, nhưng cũng vô cùng gian nan. Đảng phải tự tìm tòi, tự tổng kết thực tiễn của chính mình và của thế giới để đề ra lý luận đổi mới. Nhưng, đường lối, dù là cực kỳ quan trọng và đúng đắn đến mấy, thì cũng không nên ảo tưởng rằng, nó như cái cẩm nang thần kỳ có sẵn các đáp án, giải quyết được tất cả mọi vấn đề, mọi việc sẽ suôn sẻ; rằng, đường lối đó như đũa thần, hễ vung lên là mọi việc sẽ tốt đẹp, đâu vào đấy. Xây dựng đường lối đúng là một nhiệm vụ khó, nhưng phần sau của quá trình đó, tức là việc tổ chức thực hiện, để biến những điều đúng đắn trong đường lối thành hiện thực trong cuộc sống, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng cơ bản nhất vẫn phụ thuộc vào năng lực, trí tuệ, phẩm chất, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì thế, cần xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có tầm cao trí tuệ, đầy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân tộc, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Đường lối sai thì không thể có phương thức lãnh đạo đúng; nhưng, có đường lối đúng, mà phương thức lãnh đạo không phù hợp, hoặc sai, thì không thể đưa được đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, thậm chí làm cho cách mạng bị tổn thất. Trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh, càng phải đặt trọng tâm vào việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước (trong nội hàm khái niệm “cầm quyền” của Đảng Cộng sản Việt Nam, yếu tố này là chủ yếu nhất). Vai trò của Nhà nước trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế càng ngày càng nổi rõ. Điều đó không chỉ phản ánh điểm nhấn rằng, nói đến “cầm quyền” của bất kỳ đảng chính trị nào (trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam) là trước hết nói đến đảng lãnh đạo nhà nước; rằng, trong xã hội nói chung và nhà nước pháp quyền nói riêng, nhà nước là trung tâm quyền lực, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền và quyền lực của đại đa số nhân dân, thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại. Xét trong mối quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, thì chính Nhà nước và chỉ có Nhà nước mới có chức năng, nhiệm vụ thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng. Như vậy, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với ý nghĩa Hiến pháp và pháp luật là quyền lực tối thượng điều chỉnh mọi quan hệ xã hội thì đã hàm chứa trong lòng chúng tinh thần nội dung của đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng trong từng thời kỳ. Vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, là sự biểu đạt vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vậy, muốn nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng thì phải tăng cường xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong xã hội hiện đại, vai trò phản biện xã hội ngày càng lớn, nhất là trong hội nhập quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thực thi chức năng, nhiệm vụ cầm quyền của mình trong sự so sánh, đối chiếu với các ý kiến tư vấn, phản biện của các tổ chức đoàn thể, và qua đó, Đảng tự nhìn lại mình để bổ sung, phát triển, điều chỉnh đường lối, chủ trương, đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Đảng phải tăng cường, thắt chặt mối quan hệ với dân. Đảng là một bộ phận của toàn thể dân tộc Việt Nam. Vấn đề mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản - Nhân dân Việt Nam là mối quan hệ “hai trong một”, mỗi thành tố đều nằm trong một cái chung không thể tách rời. Vai trò cầm quyền của Đảng đã chế định một thực tế là tuyệt đại đa số những ngư­ời có chức, có quyền là đảng viên. Do đó, dễ làm cho họ xa dân, hách dịch, cửa quyền đối với dân; khi vận hành cơ chế thực thi quyền lực của xã hội trong vai trò cầm quyền, nhiều tổ chức đảng và đảng viên lại không chú trọng bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của dân. Vấn đề cơ bản hiện nay là hãy bắt tay vào hành động, hành động một cách tích cực, kiên quyết, có hiệu quả. Trong cuộc sống số hiện nay, khi mà những tiến bộ của khoa học và công nghệ cho phép giao tiếp của con người nhanh hơn, phong phú hơn thì chính bi kịch lại diễn ra: người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên dễ bị xa dân nhất. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thấu triệt quan điểm gần dân của Hồ Chí Minh, nếu không sẽ trở thành những “ông quan cách mạng”.

Vấn đề xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền luôn luôn cũ và luôn luôn mới. Trong chủ thuyết phát triển Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền luôn là tâm điểm. Vấn đề còn lại, trên thực tế có đúng như vậy không, còn phụ thuộc vào chính năng lực cầm quyền, bản lĩnh chính trị và trí tuệ của Đảng. Thời cuộc đã khác xa so với trước, chỉ có luôn luôn đổi mới và chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì Đảng Cộng sản Việt Nam mới xứng đáng với vai trò cầm quyền.

GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG
________________

1 - Lúc này, ở nước Nga, chủ nghĩa tư bản vẫn chưa thực sự phát triển, số lượng đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân còn ít.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.