Thứ Sáu, 22/11/2024, 03:17 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Đây là điều đã được khẳng định và minh chứng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Song, nền tảng đó muốn lâu bền, vững chắc thì không chỉ thể hiện trên văn bản, giấy tờ, nghị quyết,… của từng tổ chức, mà điều quan trọng nhất là sự tồn tại, thấm sâu trong chính nhận thức, suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động thực tiễn – những biểu hiện cụ thể từ đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Điều đó được biểu hiện sinh động ở quan hệ biện chứng tác động lẫn nhau giữa hai nhân tố này trong quá trình vận động, phát triển của cách mạng. Theo đó, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở phương pháp luận, thế giới quan, nội dung, tiêu chí để xây đắp, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Ngược lại, đạo đức cách mạng là cơ sở tiếp thu, “nuôi dưỡng” và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng. Do vậy, đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng, trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức là gốc, nền tảng của người cách mạng, Người cho rằng “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”1. Đặc biệt, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ, đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới “gánh được nặng và đi được xa”; trước những khó khăn, gian khổ, phức tạp không dao động, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng đã lựa chọn. Vì vậy, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là phẩm chất đạo đức, “đạo đức là gốc”, người cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức mới có thể trở thành người cán bộ chân chính, “mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”.
Đạo đức cách mạng, theo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gồm nhiều yếu tố, tựu trung là: trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Trong đó, điều mấu chốt nhất là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Thấm nhuần điều đó, từ khi thành lập Đảng cho tới nay, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên luôn thể hiện rõ phẩm chất đạo đức cách mạng; tích cực, chủ động học tập, thấm nhuần và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh của đất nước.
Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực đa chiều, nhất là mặt trái của kinh tế thị trường và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch,... một số cán bộ, đảng viên đã không giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn, cơ quan, đơn vị của một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, với nhiều biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, một bộ phận cán bộ, đảng viên do thiếu tu dưỡng rèn luyện dẫn tới phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính tri, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước buộc phải xử lý, v.v. Đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến một số cán bộ, đảng viên hư hỏng, biến chất đòi phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Triệt để lợi dụng thực trạng này, các thế lực thù địch đẩy mạnh xuyên tạc, kích động chống phá, gieo rắc hoài nghi,... làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, v.v.
Đại hội XII của Đảng đã đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng cũng đã chỉ rõ sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên “là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”2. Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh vấn đề xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức được đặt ở một vị trí cao hơn.
Như vậy, đạo đức cách mạng là phẩm chất quan trọng hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên và có ý nghĩa quyết định tới sự tồn vong của Đảng, của chế độ nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng; đòi hỏi, cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức cách mạng là giải pháp quan trọng để góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng. Để thực hiện tốt điều đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, nhận thức đúng đắn vai trò quan trọng của tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Thực tế cho thấy, những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật có nguyên nhân căn bản từ việc thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Mặc dù được công tác, học tập trong môi trường có tính kỷ luật cao, tổ chức chặt chẽ; vẫn được giáo dục, tuyên truyền; vẫn tham gia đầy đủ các lớp học, các hội nghị; được quán triệt, học tập đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị,… nhưng do chưa nhận thức đúng vai trò của tự tu dưỡng nên một số cán bộ, đảng viên buông lỏng bản thân, không có, hoặc chưa có hoạt động tự tu dưỡng, rèn luyện đủ mạnh, khiến đạo đức người đảng viên, cán bộ không được bồi đắp, đi chệch hướng.
Việc rèn luyện đạo đức cách mạng không phải dễ dàng, bởi ai cũng muốn, thậm chí ham muốn được phát triển, có quyền lực, có điều kiện kinh tế, có cuộc sống sung túc, muốn được hưởng thụ, thậm chí còn muốn được xa hoa,… do vậy, đấu tranh để thắng những ham muốn của bản thân mình là một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp và phải do tự mình “chiến đấu”. Khó, nhưng không phải không làm được. Tấm gương tự tu dưỡng, tự rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và biết bao đảng viên khác để đưa đất nước đến ngày hôm nay là minh chứng rõ nét. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, kẻ địch cần chống trước hết là chống thói quen và truyền thống lạc hậu; đặc biệt là chống chủ nghĩa cá nhân đang ẩn chứa trong mỗi con người, khi có điều kiện tác động nó sẽ phát triển. Cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên “trước hết phải đánh thắng lòng tà là kẻ thù trong mình”. Và, phải chủ động đấu tranh loại bỏ hàng trăm thứ bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra vì nó là vật cản nguy hiểm cho việc xây dựng đạo đức cách mạng của quân nhân.
Hai là, tích cực nghiên cứu, học tập. Trước hết, phải thường xuyên học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Không nắm vững, không thấm nhuần nền tảng tư tưởng của Đảng thì không thể tu dưỡng được đạo đức cách mạng, đồng thời cũng không thể bảo vệ, phát triển, thậm chí còn làm tổn hại tới nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc tự học tập là rất quan trọng, hiện nay, hoạt động này đang bị tác động tiêu cực từ nhiều mặt. Cản trở lớn nhất là sự phát triển của công nghệ giải trí, của mạng xã hội với vô vàn các nội dung khiến một số cán bộ, đảng viên thiên về “thỏa mãn” nhu cầu giải trí, sao nhãng việc nghiên cứu, học tập. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần xây dựng cho mình kế hoạch tự học tập phù hợp, hiệu quả, khả thi và thực hiện nghiêm túc. Giải quyết hài hòa giữa nhu cầu thư giãn, giải trí, tái tạo sức lao động với nhu cầu trau dồi kiến thức nền tảng của người cán bộ, đảng viên. Để việc tự học tập đạt hiệu quả, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần cụ thể hóa những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, đề ra phương hướng, mục tiêu, nội dung, giải pháp để tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đối tượng. Kết hợp tuyên truyền, giáo dục với tạo điều kiện cho đảng viên tự học, tự rèn, tự soi, tự sửa để hoàn thiện bản thân; nâng cao nhận thức về mục tiêu, lý tưởng cộng sản, lòng trung thành đối với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tình yêu thương con người; gương mẫu trong công tác, lối sống, khiêm tốn giản dị, dân chủ, đoàn kết và kỷ luật, nói đi đôi với làm; thương yêu đồng chí, đồng đội, không quan liêu, độc đoán chuyên quyền, gia trưởng.v,v. Cán bộ, đảng viên phải có trình độ chuyên môn và tác phong, phương pháp công tác tốt; luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, không dao động trước khó khăn, thử thách.
Ba là, thực hiện hiệu quả các nguyên tắc trong tự tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đầu tiên là phải luôn nói đi đôi với làm, nêu gương tốt, làm việc tốt. Đây không chỉ là nguyên tắc rèn luyện mà còn là sự phân biệt giữa đạo đức cách mạng và phi đạo đức cách mạng. Vì vậy, lời nói của cán bộ, đảng viên phải đi đôi với việc làm và phải thực hiện tốt việc làm gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, “trước mắt quần chúng, không phải cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà ta được họ yêu quý. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”. Đạo đức ở đây không phải là đạo đức “tu thân” mà là đạo đức “dấn thân”, đạo đức trong hành động. Đã là hành động, nhất là hành động cách mạng, phải chú trọng đến hiệu quả. Nếu làm việc gì cũng không có hiệu quả thì không thể coi là một người có đạo đức. Muốn hướng dẫn cho quần chúng thì cán bộ, đảng viên phải làm mực thước. Muốn cho cơ quan, đơn vị đoàn kết, thì tập thể lãnh đạo phải thực sự dân chủ, đoàn kết, công tác cán bộ phải công tâm, khách quan, v.v. Cán bộ, đảng viên phải làm gương mọi mặt cho quần chúng noi theo.
Thực hiện lời dạy của Bác: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, việc làm gương phải thực hiện ở mọi nơi, mọi việc, từ cán bộ cấp cao tới cơ sở;tu dưỡng đạo đức cách mạng phải trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm, trách nhiệm, chức trách, nhiệm vụ của mỗi người và sự đóng góp xây dựng của tập thể. Trong cuộc sống thường nhật, ai cũng có mặt mạnh, mặt hạn chế, không ai có thể đạt tới sự hoàn mỹ một cách tuyệt đối. Cho nên, mỗi đảng viên phải biết và dám dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật bản thân con người mình và dựa vào tập thể để thấy cái tốt, cái hay để phát huy, cái xấu, cái ác để khắc phục. Việc tu dưỡng đạo đức cách mạng phải gắn liền với thực tiễn hoạt động công tác; phải bền bỉ, ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.
Bốn là, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới những vi phạm của một số tổ chức, cá nhân thời gian qua, đó cũng là căn nguyên làm xói mòn đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, để tự tu dưỡng đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì cần nhận thức đúng đắn và thống nhất về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Nắm chắc nội dung, yêu cầu của nguyên tắc trong tình hình mới; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc này. Quá trình thực hiện dân chủ phải đi đôi với tập trung; phát huy dân chủ phải đồng thời gắn liền với chống dân chủ cực đoan, dân chủ không tuân theo kỷ cương, phép nước. Nguyên tắc tập trung dân chủ phải được thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng và trong mối quan hệ đồng bộ với các nguyên tắc khác, như tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Theo đó, những vấn đề trọng yếu, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhất thiết phải được tập thể cấp ủy (ban thường vụ), chi bộ thông qua trước khi thực hiện. Từng đảng viên phải đề cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình, phát biểu thẳng thắn, trung thực, khách quan; thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai dám đấu tranh bác bỏ. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, trên nguyên tắc luôn luôn đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân và tập thể cơ quan, đơn vị lên trên hết, trước hết. Không cơ hội, vụ lợi; chạy theo mục tiêu trước mắt, ngắn hạn để thu vén lợi ích cho bản thân, gia đình mà bỏ qua lợi ích tập thể. Chỉ khi nào cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh thì khi đó chủ nghĩa cá nhân mới được đẩy lùi và đạo đức cách mạng mới được bồi đắp, phát huy.
Thực hiện hiệu quả việc tự tu dưỡng, rèn luyện là cơ sở, nền tảng để xây dựng và phát huy phẩm chất, đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Đó cũng là yếu tố gốc rễ để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
PHẠM TUẤN – MINH ĐỨC _______________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 292.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 23.
Cán bộ,đảng viên,tự tu dưỡng,rèn luyện đạo đức
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm