Thứ Năm, 21/11/2024, 19:02 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Hơn hai thập kỷ nay, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được những bước tiến tích cực và thực chất. Kết quả đó do nhiều nguyên nhân, song cơ bản nhất do hai bên tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Đây là cơ sở quan trọng để hai nước tiếp tục phát triển quan hệ trong thời gian tới.
Kể từ sau thời điểm bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao (12-7-1995), Việt Nam và Hoa Kỳ đã không ngừng xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác và từ năm 2013, hai nước trở thành đối tác toàn diện, trên tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng, tháng 7-2015. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, để đi đến kết quả đó, giữa hai nước đã phải trải qua một quá trình đầy chông gai. Lịch sử từng biết đến những câu chuyện - như những cơ duyên - liên quan đến hai nhà lãnh đạo nổi tiếng của hai dân tộc. Ngài Thomas Jefferson - Tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776, người sáng lập ra đảng Dân chủ - Cộng hòa (tiền thân của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ hiện nay) - khi còn là một nhà canh nông, đã từng tìm hiểu về nông nghiệp Việt Nam và đã cố gắng để đưa một giống lúa của Việt Nam về trồng ở trang trại của mình. Đó là câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam - trong quá trình tìm đường cứu nước, vào năm 1913 đã đến Boston - nơi khởi đầu của cuộc cách mạng giành độc lập ở Hoa Kỳ, để tìm hiểu về nước Mỹ. Và sau này, khi đã là Chủ tịch của nước Việt Nam mới, trong phần mở đầu bản “Tuyên ngôn Độc lập” đọc trước quốc dân, đồng bào ngày 02-9-1945, Người đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”1. Trên cơ sở tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, trong đó có tư tưởng trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định con đường phát triển của dân tộc cũng như chế độ chính trị của đất nước, v.v.
Song, lịch sử cũng chứng kiến những sự kiện, đáng ra đã làm cho hai dân tộc xích lại gần nhau, nhưng đã bị phía Hoa Kỳ bỏ lỡ. Hoa Kỳ và Việt Nam từng là đồng minh trên mặt trận chống phát-xít. Ngay trong những ngày Cách mạng Tháng Tám diễn ra, bộ đội Việt Minh đã cứu giúp một trung úy phi công Mỹ bị quân Nhật bắn rơi và bàn giao cho phái bộ Hoa Kỳ ở Côn Minh (Trung Quốc). Quân đội Mỹ cũng từng cử một đội đặc nhiệm của Cơ quan Tình báo Quân sự (OSS) nhảy dù xuống Việt Bắc huấn luyện giúp Viêt Minh về chiến thuật, cách sử dụng điện đài, chất nổ,… phục vụ cho cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp. Sau khi Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thiết lập quan hệ “hợp tác toàn diện” với Hoa Kỳ. Người từng gửi 14 lá thư cho phía Hoa Kỳ, đặc biệt là cho Tổng thống Truman, đề nghị họ “ủng hộ nền độc lập còn non trẻ của Việt Nam”, v.v. Tuy nhiên, thiện chí đó đã không được đáp ứng. Nguyên nhân của nó, như lời Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama khi sang thăm Việt Nam (tháng 5-2016) khẳng định: “Lẽ ra, cuộc chiến nhằm lật đổ chế độ thực dân đã khiến nhân dân hai nước nhanh chóng đoàn kết với nhau hơn. Tuy nhiên, thay vì thế, nỗi lo sợ chủ nghĩa cộng sản, chiến tranh Lạnh, và sự thù địch đã đẩy hai bên vào một cuộc chiến…”. Chính từ việc không tôn trọng con đường mà nhân dân Việt Nam lựa chọn, Hoa Kỳ đã đứng về phía Pháp, giúp đội quân thực dân chống lại Việt Minh để tiêu diệt “phong trào giải phóng dân tộc do những người cộng sản lãnh đạo” và “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản bành trướng ở Đông Dương”, v.v. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã làm hết sức mình để đoàn kết lực lượng và kiến tạo hòa bình, song vẫn phải đương đầu với Quân đội Pháp được Mỹ khuyến khích và viện trợ cả về tiền bạc, vũ khí và con người2. Cho đến tháng 5-1948, khi Hoa Kỳ đã trực tiếp viện trợ cho quân viễn chinh Pháp, Người vẫn tin tưởng ở nhân dân Mỹ: “Dân tộc Mỹ đã từng chiến đấu anh dũng để được độc lập và đã có độ lượng công nhận nền độc lập của Phi Luật Tân, tất nhiên phải đồng tình với nước Việt Nam tranh đấu giành độc lập”3. Sau này, khi chính quyền Mỹ đã trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam, quyết tâm đưa Việt Nam “trở lại thời kỳ đồ đá”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tin về một giải pháp hòa bình giữa hai nước. Trong thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ngày 23-8-1969, Người nhấn mạnh: “Với thiện chí của phía Ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam”4, v.v. Sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, nhân dân Việt Nam quyết tâm thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nhưng, do không chịu thừa nhận chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và với thái độ thù địch, Mỹ và phương Tây thực hiện chính sách “bao vây, cấm vận”, hòng làm cho Việt Nam bị cô lập và sụp đổ! Thế nhưng, với đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã đoàn kết, ra sức phấn đấu đưa đất nước vượt qua mọi thử thách; đồng thời, tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa giành được nhiều thắng lợi.
Vượt qua bao vây, cấm vận, quan hệ bang giao của Việt Nam ngày càng rộng mở với nhiều quốc gia, trong đó có cả Hoa Kỳ. Trên cơ sở chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ; đưa quan hệ giữa hai bên ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương. Hai mươi hai năm qua, với tinh thần tôn trọng con đường của nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, hợp tác cùng có lợi, giữa hai nước đã có những đột phá về ngoại giao, với nhiều cuộc thăm viếng, kể cả ở cấp cao nhất. Các Tổng thống Mỹ: Bill Clinton, George Bush, Barack Obama tới thăm Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các Chủ tịch nước của Việt Nam: Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang cũng đã tới thăm Hoa Kỳ. Các mối quan hệ, hợp tác song phương, nhất là về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường, an ninh - quốc phòng đạt được những bước tiến mạnh mẽ. Đặc biệt, quan hệ kinh tế, thương mại có sự phát triển vượt bậc; từ con số không, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, là một trong những nhà đầu tư lớn nhất, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Giữa hai nước cũng có sự phối hợp hiệu quả trong khắc phục, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, nhất là việc xử lý ô nhiễm đi-ô-xin tại các sân bay: Đà Nẵng, Phù Cát, Biên Hòa, v.v.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề tồn tại cần giải quyết, nhất là những cáo buộc đối với Việt Nam xung quanh vấn đề: dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, của các tổ chức và cá nhân từ phía Hoa Kỳ. Trong các bản “Phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố, phần nói về Việt Nam thường có những nhận định sai lệch so với thực tiễn diễn ra trên đất nước Việt Nam. Phía Việt Nam đã đấu tranh bác bỏ, với những lý lẽ và bằng chứng xác đáng, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Đặc biệt, một số tổ chức có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ, thường có nhiều hoạt động chống phá chế độ chính trị của Việt Nam, nhưng phía Hoa Kỳ chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình. Chẳng hạn “Việt Tân”, là một tổ chức khủng bố, đặt trụ sở tại SanJose (California), đã gây ra nhiều nợ máu đối với nhân dân Việt Nam và cả kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, nhưng vẫn được tự do hoạt động. Gần đây, chúng tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, như: mở các khóa đào tạo trực tuyến để huấn luyện cách chế tạo bom xăng, sử dụng chất nổ,… phục vụ cho các hoạt động ám sát, khủng bố. Trong thời gian xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, Việt Tân đã tập trung kích động biểu tình, gây rối, đập phá máy móc,… mưu toan tạo ra một cuộc “cách mạng cá”, nhưng đã thất bại. Bộ Công an Việt Nam đã có đầy đủ bằng chứng khẳng định: Việt Tân là một tổ chức khủng bố. Nhưng phía Hoa Kỳ, dựa trên những thông tin sai lệch, coi nó “là một tổ chức mang tính hòa bình, ủng hộ cải cách dân chủ”!?
Không chỉ thế, đối với cái gọi là “Tổ chức Giám sát nhân quyền” (HRW) - một tổ chức có trụ sở tại thành phố New York được Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ một phần về tài chính - thường có nhiều tuyên bố sai trái về Việt Nam, nhưng phía Hoa Kỳ vẫn bao che, dung dưỡng. Tự coi mình là tổ chức Giám sát về nhân quyền quốc tế, nhưng HRW không hề thể hiện vai trò đó ở Việt Nam. Họ không đếm xỉa gì đến tình cảnh hàng triệu người Việt bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, hay tình hình bom, mìn, vật liệu nổ do hậu quả của chiến tranh để lại. Họ cũng “không biết” đến những thành tựu của Việt Nam trong nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và những kết quả đạt được trong xóa đói giảm nghèo, trong thực hiện “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” của Liên hợp quốc. Họ thường xuyên đưa ra những tuyên bố hoàn toàn không đúng với thực tế diễn ra ở Việt Nam, như cho rằng: “Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống những người bất đồng chính kiến”; thậm chí còn tổ chức trao “giải thưởng nhân quyền” cho một số người luôn tìm cách phá hoại công cuộc đổi mới đất nước, mà họ gọi là “những người tích cực đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam”, v.v.
Giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, mặc dù còn có những khác biệt, nhưng quan hệ giữa hai nước đã trở thành đối tác toàn diện. Phía Hoa Kỳ, lần đầu tiên đã mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sang thăm và đón tiếp với nghi thức đón tiếp nguyên thủ quốc gia. Điều đó chứng tỏ, Hoa Kỳ đã tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Thực vậy, trong Văn kiện “Tầm nhìn chung” được ký kết giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barak Obama vào tháng 7-2015 tại Washington, cả hai bên đều khẳng định nguyên tắc “Tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”. Thiết nghĩ, đây vừa là nền tảng của mối quan hệ giữa hai nước, vừa là tiêu chí để hai bên giải quyết mọi tồn tại, bất cập, làm cho mối quan hệ giữa hai bên không ngừng phát triển, vì hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc của nhân dân hai nước. Đồng thời, còn là cơ sở để bác bỏ mọi sự hiềm kích của các thế lực thù địch, chỉ nhìn vào sự khác biệt và khoét sâu nó, hòng cản trở quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Nhưng họ đã, đang và chắc chắn sẽ bị thất bại nếu vẫn tiếp tục những âm mưu và hành động “cố đấm ăn xôi”!.
VINH HIỂN ________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4 , Nxb CTQG, H. 2011, tr. 1.
2 - Riêng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, có 37 phi công Mỹ tham gia quân viễn chinh Pháp.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 540.
4 - Sđd, Tập 15, tr. 603.
quan hệ Việt Mỹ,thể chế chính trị,hai bên tôn trọng
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm