Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 04/05/2015, 15:31 (GMT+7)
Kỷ niệm 197 năm Ngày sinh C. Mác (05-5-1818 ‒ 05-5-2015)
Sức sống bất diệt của Chủ nghĩa Mác
Các Mác

Thế giới đã có nhiều đổi thay, nhưng chưa khác so với những vấn đề mà chủ nghĩa Mác dự báo. Vượt qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử và cả những công kích ác ý của các thế lực chống cộng, chủ nghĩa Mác vẫn là lời giải cho thế giới hiện thực.

         

Thủ đoạn cũ, mục tiêu mới

Từ khi xuất hiện đến nay, chủ nghĩa Mác luôn nhận được sự công kích của các thế lực chống cộng; bởi nói như Terry Eagleton - giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaste (Anh), tác giả cuốn sách Tại sao Mác đúng? được trường Đại học Tổng hợp Yale, một trường danh tiếng của Mỹ lựa chọn xuất bản đầu năm 2011, thì:  “Chủ nghĩa Mác, từ bao lâu nay vẫn là sự phê phán phong phú nhất về mặt lý luận, không khoan nhượng nhất về mặt chính trị đối với hệ thống tư bản chủ nghĩa”[1]. Sự công kích của các thế lực chống cộng ngày càng quyết liệt, khi họ có được cái hiện thực vô cùng mới mẻ là sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới vào cuối thế kỷ trước. Được “khích lệ” bởi hiện thực sinh động đó, họ hoan hỉ tuyên bố về “sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản” và “Mác cùng lý thuyết của ông giờ đây đã được yên nghỉ” (!)

Đối với nước ta, thủ đoạn này được họ đẩy mạnh với cường độ cao vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng hằng năm, hay vào thời kỳ đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc. Lợi dụng ưu thế lan truyền nhanh, khó kiểm soát của các trang mạng xã hội, họ tung ra nhiều bài viết với mọi lý lẽ để xuyên tạc lý thuyết của Mác, kêu gọi Đảng từ bỏ chủ nghĩa Mác. Họ lý sự rằng: “Chủ nghĩa Mác là một giải pháp sai và độc hại”, “Chủ nghĩa Mác xuất phát từ một ảo giác nên không có giá trị chỉ đạo thực tiễn”, và rằng: “Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã tan rã, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã sụp đổ, mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn lấy chủ nghĩa này làm nền tảng tư tưởng là sai lầm”. Từ đây, họ kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam hãy “thoát khỏi cái vòng kim cô ý thức hệ” để chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; bởi theo họ, chỉ như vậy thì đất nước mới có thể phát triển (!)

Cần thấy rằng, đây là một thủ đoạn tinh vi, thâm độc của các thế lực chống cộng, nhằm mục tiêu tạo ra khoảng trống ý thức hệ trong cán bộ, đảng viên của Đảng, cũng như trong toàn xã hội, để từ đó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và trong xã hội, tiến tới làm tan rã Đảng Cộng sản, đưa nước ta phát triển theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Đáng tiếc là có không ít người, kể cả một số cán bộ, đảng viên, đã ngộ nhận, tin vào những điều nói trên, để từ sự dao động về tư tưởng, mà tích cực cổ vũ cho những luận điệu sai trái.

 Vì sao chủ nghĩa Mác vẫn giữ nguyên giá trị

Trước hết, vì sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu cuối thế kỷ XX không đồng nghĩa với sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác, bởi nó không có nguyên nhân từ bản thân học thuyết Mác. Nhiều nhà lãnh đạo Liên Xô đã thừa nhận điều này qua các hồi ký và phát biểu của họ. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp của sự sụp đổ bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng cầm quyền, cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Do vậy, đây là sự sụp đổ của một mô hình xã hội chủ nghĩa cụ thể - mô hình kiểu “Xô-viết”, chứ không đồng nghĩa với “sự cáo chung của học thuyết Mác”. Sự sụp đổ đó còn chứng tỏ: Đảng nào xa rời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, thì Đảng đó không còn là đảng mác-xít lê-nin-nít chân chính, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở đó nhất định thất bại.

 Thứ hai, vì những thay đổi của thế giới ngày nay vẫn chưa vượt ra khỏi những quy luật mà chủ nghĩa Mác đã khái quát, nên chủ nghĩa Mác vẫn là lý luận khoa học, cách mạng, giá trị nhất trong việc giải thích và cải tạo thế giới. Mặc dù không phải là người mác-xít, tác giả cuốn Tại sao Mác đúng? đã không chấp nhận định kiến cho rằng “chủ nghĩa Mác đã chết và không cần phải nhắc đến nữa”. Ông lựa chọn 10 vấn đề phổ biến nhất mà người ta phê phán Mác để phân tích, lý giải, đưa ra những minh chứng phản bác và đi đến khẳng định sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác. Phản bác lại luận điểm “Hệ thống tư bản chủ nghĩa đã thay đổi nhiều đến mức không còn nhận biết được nữa so với thời của Mác, và do đó những tư tưởng của Mác không còn phù hợp nữa”, Terry Eagleton đã chỉ ra rằng: “bản thân Mác luôn ý thức được bản chất không ngừng vận động của cái hệ thống mà ông phản bác” và rằng: “Chính những cái tưởng như giúp đả phá chủ nghĩa Mác lại cũng làm tăng thêm niềm tin vào những khẳng định của chủ nghĩa Mác. Nó được đẩy đến cực điểm bởi vì trật tự xã hội mà chủ nghĩa Mác đương đầu, thay vì trở nên nhân từ và ôn hòa hơn, thì lại trở thành tàn nhẫn và cực đoan hơn bao giờ hết. Và chính điều này làm cho sự phê phán của Mác đối với toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa thành đúng đắn hơn”[2].

Trong vấn đề này cần nhận thức rõ: chủ nghĩa Mác là một học thuyết khoa học và cách mạng; chứ không phải là sản phẩm của “sự tư biện chủ quan”, hay xuất phát từ “những ảo giác”, như những kẻ chống cộng gán ghép cho nó. Đó là sản phẩm của sự kế thừa và phát triển sáng tạo những thành tựu tư tưởng của loài người cả về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (thuyết Tiến hóa của Đac-Uyn, lý luận triết học cổ điển Đức, Kinh tế chính trị tư sản cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp), được bổ sung bằng thực tiễn của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bằng hai phát kiến vĩ đại: chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, C. Mác đã làm cho lý luận chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học; lý giải một cách khoa học và sâu sắc quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người, khẳng định sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa cộng sản là một xu thế tất yếu; đồng thời, phát hiện ra sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh để hiện thực hóa xu thế đó. Với hạt nhân lý luận là phép biện chứng duy vật, C. Mác và Ph. Ăngghen không cho rằng học thuyết của mình là “đóng kín”, mà luôn đòi hỏi phải được bổ sung, phát triển và việc vận dụng phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Điều đó được hai ông nói rõ trong các tác phẩm của mình, nhất là trong “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Sau này, V.I. Lê-nin cũng quan niệm và đòi hỏi như vậy. Do đó, học thuyết Mác luôn sống động, không ngừng được bổ sung bởi thực tiễn của các đảng Cộng sản và phong trào công nhân trên toàn thế giới. Chính sự bổ sung, phát triển sáng tạo học thuyết Mác trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa bởi V.I. Lê-nin là một minh chứng cho bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác, là một mẫu mực về sự kiên định và phát triển học thuyết Mác.

Đúng là chủ nghĩa tư bản đương đại vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển; bộ mặt của nó đã bớt “xấu xí” hơn do có những điều chỉnh, thích nghi về quan hệ sản xuất, nhưng bản chất bóc lột của nó thì không thay đổi. Những mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, giữa lực lượng sản xuất đã xã hội hóa cao độ với cái vỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa chật hẹp vẫn còn nguyên đó. Ai cũng dễ nhận thấy điều này, khi chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ cuối năm 2007 xuất phát từ nước Mỹ, mà đến nay, một số nước tư bản vẫn chưa thể thoát ra, như Hy Lạp là một thí dụ. Phong trào “Chiếm phố Uôn” với biểu ngữ “99% người nghèo chống lại 1% người giàu” thời kỳ đó (2009 và 2011) không chỉ diễn ra trên đất Mỹ, mà còn lan rộng ra một số nước tư bản phát triển, phản ánh sự bất lực của hệ thống tư bản trong việc giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Đứng trước sự bế tắc của chủ nghĩa tư bản đang lộ ra ngày càng rõ, nhiều người đi tìm đọc C. Mác; trong đó, có nhiều doanh nhân coi đó là “sách gối đầu giường”. Bản thân G. Xô-rốt, nhà tài phiệt và nhà chính trị Mỹ - người được cho là làm bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, luôn tôn thờ chủ thuyết kinh tế thị trường tự do, cũng thừa nhận “Tôi đang đọc C. Mác. Có nhiều điều thú vị trong những gì ông đã nói”. Còn lãnh đạo các nước phương Tây (Mỹ, Anh…), những người luôn khước từ sự can thiệp của nhà nước vào khu vực tài chính, cũng tham khảo di sản của C. Mác và hành động ngược lại những gì họ tôn thờ, khi tung ra những gói tài chính khổng lồ để cứu hệ thống tài chính tư bản sắp sụp đổ. Giải thích cho hiện tượng đó, nhà sử học người Anh, Ê-rích Hô-xbon đã nói rằng: “Chính là những người tư bản, chứ không phải ai khác, đã tái phát hiện C. Mác” và “Việc quay trở lại đọc C. Mác có nghĩa là thế giới cần phải nghiên cứu học thuyết của ông về chủ nghĩa tư bản, và về vị trí của học thuyết đó trong sự phát triển của xã hội loài người”. Bình luận về cuốn sách của Terry Eagleton, tờ Financial Times ra ngày 27-5-2011 cho rằng, tác giả cuốn sách xứng đáng là ứng viên giải Nobel Kinh tế vì đã “làm sống lại C. Mác” và khẳng định rằng: “cách tiếp cận của C. Mác là cách xem xét tốt nhất đối với chủ nghĩa tư bản”[3].

Có thể khẳng định rằng, thực tế nói trên là những minh chứng thuyết phục để bác bỏ các quan điểm cho rằng chủ nghĩa Mác đã lạc hậu, không còn giá trị và củng cố thêm những tiên đoán của một số học giả tư sản về thế kỷ XXI vẫn là thế kỷ của chủ nghĩa Mác. Giắc-cơ Đê-ri-đa, triết gia hiện đại có uy tín ở Mỹ và Pháp, đã kêu gọi nhân loại hãy “Trở về với C. Mác”, rằng nhân loại “không có tương lai nếu không có C. Mác, nếu không có các di sản của C. Mác”[4]. Ngay cả Brê-din-xki, tác giả cuốn sách “Thất bại lớn - sự hưng vong của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ XX”, mặc dù rất thù ghét chủ nghĩa Mác, cũng phải thừa nhận chủ nghĩa Mác vẫn là một vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới, khi viết rằng: “Khái niệm về phép biện chứng lịch sử xem chừng là phương pháp giá trị nhất để xử lý các mâu thuẫn hiện thực”[5]. Tìm hiểu sự điều chỉnh, thích nghi của chủ nghĩa tư bản đương đại, A. Dinoviep - người tự nhận không phải là môn đệ của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, từng là người chống đối Nhà nước Xô-viết và phải ngồi tù thời còn Liên Xô, sau đó sống lưu vong ở Mỹ, đã chỉ ra sự cố gắng của chủ nghĩa tư bản trong việc khai thác những di sản của C. Mác và tận dụng những thành quả của phong trào cộng sản trong thế kỷ XX. Ông khẳng định rằng: “Phân tích thế giới phương Tây, tôi có thể chỉ ra rằng phương Tây đã vay mượn biết bao thứ và đã làm những gì dưới ảnh hưởng những thành quả của phong trào cộng sản ở thế kỷ XX”[6]. Còn Đi-đi-ê Ê-ri-bông, nhà chính luận Pháp vẫn khẳng định: sức sống mãnh liệt của học thuyết Mác là bất diệt và vai trò dẫn đường thời đại mới vẫn chính là chủ nghĩa Mác[7]. Chả thế mà năm 1999, Đại học Cambridge (Anh) công bố bình chọn nhà tư tưởng số một thiên niên kỷ, kết quả là C. Mác đứng đầu. Tháng 7-2005, với câu hỏi tương tự trong một cuộc thăm dò ý kiến của chương trình In Our Time trên kênh Radio 4 của BBC, C. Mác lại đứng đầu trong danh sách các nhà tư tưởng mà thính giả ưa thích. Thực tế đó đã khẳng định sức sống bất diệt của chủ nghĩa Mác; chủ nghĩa Mác vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng trong thế giới đương đại; và do đó, vẫn luôn là nền tảng tư tưởng để các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân, các đảng Cộng sản chân chính đề ra đường lối chiến lược, sách lược cách mạng của mình.

Bất chấp những biến cố, thăng trầm của lịch sử, lý luận của C. Mác vẫn tràn đầy sức sống, tiếp tục tỏa sáng, định hướng cho hành động cách mạng của các đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới, trong đó có Đảng ta. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công, tiếp đến là đánh thắng hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhờ đó, “Nước ta từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”[8]. Cũng trong quá trình đó, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã góp phần làm giàu thêm lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhất là những vấn đề về con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước có nền kinh tế chậm phát triển, v.v.

Bằng thành tựu của 85 năm lãnh đạo cách mạng nước ta dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, có thể khẳng định rằng, thực tiễn cách mạng Việt Nam là một biểu hiện sinh động, đầy sức thuyết phục về sức sống bất diệt của chủ nghĩa Mác./.

 

NGUYỄN NGỌC HỒI

 

 


[1] - Terry Eagleton - Tại sao Mác đúng?, Lời nói đầu, http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/truong-phai-triet-hoc/chu-nghia-marx/tai-sao-marx-dung-  

[2] - Terry Eagleton - Tại sao Mác đúng?, Chương 1: Chủ nghĩa Mác đã lỗi thời?, http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/truong-phai-triet-hoc/chu-nghia-marx/tai-sao-marx-dung.

[3] -Terry Eagleton -Tại sao Mác đúng?, Lời giới thiệu, http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/truong-phai-triet-hoc/chu-nghia-marx/tai-sao-marx-dung.  

[4] - Giắccơ Đêriđa - Những bóng ma của Mác, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 16.

5 - Lưu Đình Á - Hãy cảnh giác cuộc chiến tranh thế giới không có khói súng. Nxb CTQG, H. 1994, tr. 129.

[6] - A. Dinoviep - Người vĩ đại nhất của thế kỷ XX, Thông tin những vấn đề lý luận, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, số 9 (5-2004).

[7] - Báo Người quan sát, ngày 17-10-1993.

[8] - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 64.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.