Thứ Sáu, 22/11/2024, 03:31 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách chống phá, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, thanh danh của Đảng, nhất là dịp diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, nhằm tạo tiếng vang, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và cộng đồng quốc tế. Vì thế, nhận diện và kiên quyết đấu tranh bảo vệ uy tín, thanh danh của Đảng; định hướng nhận thức tư tưởng, hành động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là vấn đề căn bản, cấp thiết, lâu dài.
Nhận diện những chiêu trò xấu, độc
Thời gian qua, lợi dụng, khoét sâu vào những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để xuyên tạc, chống phá, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước,... là một trong những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch. Một mặt, họ phủ nhận và cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, không còn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; mặt khác tăng cường cổ súy cho “xã hội dân sự”, kêu gọi thành lập các tổ chức chính trị đối lập, tạo tiền đề thực hiện “đa nguyên, đa đảng”. Đồng thời, tích cực truyền bá lối sống phương Tây, bao biện rằng chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, không còn áp bức, bóc lột; vu cáo Việt Nam “đàn áp” dân chủ, nhân quyền, thúc đẩy phong trào “bất tuân dân sự”; kích động, chia rẽ nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước, xúi giục, lôi kéo nhân dân tham gia biểu tình, gây rối, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo cơ sở thực hiện “canh tân đất nước”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Đặc biệt, vào dịp diễn ra các sự kiện chính trị lớn, như: Đại hội Đảng toàn quốc, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, bầu cử đại biểu Quốc hội,… chúng tăng cường xuyên tạc nội dung dự thảo các văn kiện Đại hội, nghị quyết các hội nghị; bịa đặt, bôi nhọ đời tư, uy tín, danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là các đồng chí được đề cử, ứng cử vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương khóa mới. Khi muốn “hạ bệ” cá nhân nào đó, họ tập trung khoét sâu vào những hạn chế, khuyết điểm của các ban, bộ, ngành, lĩnh vực mà cá nhân đó phụ trách, hoặc dựng chuyện, bịa đặt, bóp méo bản chất các vụ việc liên quan rồi quy kết trách nhiệm cá nhân, không đủ tiêu chuẩn quy hoạch nhân sự đại hội. Họ còn rêu rao rằng: ở cả Trung ương và địa phương “các phe cánh trong Đảng luôn thanh trừng lẫn nhau”, “Đại hội Đảng là nơi đấu đá, tranh giành quyền lực của các phe phái”; từ đó, kích động, chia rẽ đoàn kết nội bộ, gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Trong công tác cán bộ, họ cho rằng: việc quy hoạch cán bộ chủ chốt của Đảng đã “tước đi quyền tự do, dân chủ trong ứng cử, đề cử và bầu cử”. Đại hội bầu ra các vị trí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị chỉ mang tính hình thức, thực chất là “củng cố, thâu tóm quyền lực” cho phe cánh của đồng chí A, đồng chí B, v.v. Thế mới có chuyện, mỗi khi có cán bộ được bổ nhiệm, nhất là cán bộ trẻ, họ lại “truy lùng” xem đó là con, cháu của ai? mà không cần biết phẩm chất, năng lực của cán bộ đó. Gần đây nhất, trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã xuất hiện nhiều bài viết “nở rộ như nấm sau mưa” trên các trang mạng xã hội tung tin đồn thổi, bình luận về nội dung hội nghị, rằng: sẽ có cuộc tranh giành quyền lực, đấu đá giữa các phe, nhóm tại hội nghị lần này và suy diễn, bình luận việc “rời ghế” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điển hình, trang facebook Tiếng Dân News có bài “Những biến cố trước Hội nghị Trung ương 5”, “Hội nghị Trung ương 5 và nội tình của Đảng”; facebook Việt Tân có bài “Khảo sát ý kiến độc giả về tương lai chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng”, v.v.
Một cách tinh vi hơn, các thế lực thù địch còn soạn thảo, phát tán các tài liệu trên internet, mạng xã hội núp bóng dưới chiêu trò “Thư ngỏ”, “Bản kiến nghị” của “nhân dân” để gieo rắc hoài nghi, lừa bịp dư luận,... hoặc thông qua các trang web, kênh phát thanh, truyền hình Việt ngữ (BBC, VOA, RFA, RFI,…) để đăng tải, phát các chương trình, bài viết, tài liệu, báo cáo, nghị quyết, dự luật của nghị viện, quốc hội một số nước, nhất là báo cáo về tình hình nhân quyền hằng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và một số tổ chức quốc tế, như: mạng lưới nhân quyền Việt Nam; Tổ chức người bảo vệ nhân quyền; Theo dõi nhân quyền quốc tế, v.v. Ngoài ra, họ còn lập hàng nghìn trang web, blog, mạng xã hội; hàng trăm tạp chí, báo, nhà xuất bản, hàng chục đài phát thanh có chương trình tiếng Việt phục vụ cho việc tuyên truyền, chống phá. Một số tổ chức phản động lưu vong: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Hội anh em dân chủ,... thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm trực tiếp, trực tuyến được livestream trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo,… thu hút sự quan tâm của dư luận, kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Làm gì để bảo vệ uy tín, thanh danh của Đảng
Với phương châm: “mưa dầm thấm lâu”, hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã, đang trở nên vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng tới uy tín, thanh danh và nền tảng tư tưởng của Đảng, giảm sút niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Do đó, đấu tranh ngăn chặn, phản bác hoạt động chống phá, bảo vệ Đảng, chế độ cần được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ; trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này. Chúng ta biết, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trước đây, hiện nay và sau này sẽ không bao giờ thay đổi, thậm chí còn ráo riết và ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Điều đó cho thấy, bảo vệ nền tảng tư tưởng và uy tín, thanh danh của Đảng là vấn đề cốt lõi, quan trọng bậc nhất đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ, cũng như vận mệnh chính trị của đất nước, dân tộc. Vì thế, phải đặt công tác này dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, ngành ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”; triển khai quyết liệt, thực chất, thường xuyên với ý chí, quyết tâm cao, có sức thuyết phục, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Quá trình thực hiện, chú trọng phát huy trí tuệ, tâm huyết của tập thể, các tầng lớp nhân dân, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong đấu tranh với hoạt động xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị. Các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chuyên sâu theo chức năng, nhiệm vụ chủ động làm việc, yêu cầu các nhà mạng ngăn chặn, bóc gỡ các trang web, blog có nội dung xấu độc và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hai là, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tư tưởng, lý luận. Các cấp, ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị, nhất là cơ quan tuyên giáo, báo chí, truyền thông tăng cường đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước; vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch,… làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhận thức rõ bản chất, mục đích của những thông tin, luận điệu xuyên tạc, chống phá. Từ đó, nêu cao cảnh giác, có khả năng nhận diện và “miễn dịch” trước các thông tin xấu độc, xuyên tạc, chống phá, nhất là dịp diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng. Đồng thời, chủ động cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống về các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương, Đại hội Đảng toàn quốc; công khai, minh bạch thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách giải quyết các vấn đề phức tạp, gây bức xúc, nhất là những vấn đề nhạy cảm cả trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện để định hướng nhận thức, hành động cho các tầng lớp nhân dân. Các cấp, ngành, địa phương mà nòng cốt là cơ quan tuyên giáo, báo chí, truyền thông tích cực tổ chức lực lượng viết bài đấu tranh phê phán, phản bác với lập luận sắc bén, thuyết phục nhằm bác bỏ thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, thanh danh, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thực tế cho thấy, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là một trong những nguyên nhân dẫn đến những khuyết điểm, sai lầm, vi phạm pháp luật, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp diện Trung ương quản lý, đã làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các tổ chức, lực lượng và cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều biện pháp quyết liệt đồng bộ, theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tập trung thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Tăng cường các biện pháp quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đề cao đấu tranh tự phê bình và phê bình; chấp hành nghiêm quy định của công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy lãnh đạo những cán bộ, đảng viên yếu kém, không đủ phẩm chất, năng lực, quan liêu, sách nhiễu. Thông qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Bốn là, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đây là thực tiễn, minh chứng sinh động nhất để phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá vô căn cứ của các thế lực thù địch; đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế, uy tín lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và toàn xã hội. Vì vậy, trên cơ sở quán triệt chủ trương, đường lối, nghị quyết lãnh đạo của Đảng, các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đi đôi với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Để khắc phục sự phát triển chênh lệch giữa các vùng, miền, Đảng, Nhà nước chú trọng quan tâm, đề ra chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo. Giải quyết kịp thời, dứt điểm các mâu thuẫn phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển ngay từ địa phương, cơ sở, không để xuất hiện, hình thành các “điểm nóng” để kẻ địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy.
Đấu tranh với hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng, uy tín, thanh danh của Đảng là “cuộc chiến” đầy cam go, thách thức, song với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta nhất định thành công, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
LÊ MINH
Uy tín,thanh danh của Đảng
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm