Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 23/03/2012, 14:26 (GMT+7)
Đâu là sự cản trở tiến trình phát triển của lịch sử?

Cuộc đấu tranh về hệ tư tưởng giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản đã diễn ra quyết liệt, phức tạp trong hơn 160 năm qua, kể từ khi “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời. Tuy nhiên, bất chấp vô vàn thách thức và sự thù nghịch, cùng với thời gian, chủ nghĩa cộng sản đã ngày càng khẳng định vai trò tích cực đối với tiến trình phát triển lịch sử của nhân loại.


Tháng 02 năm 1848, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” do C. Mác và Ph. Ăng-ghen công bố tại Luân Đôn (Thủ đô nước Anh) đã tạo ra sự chấn động, vang dội châu Âu và toàn thế giới. Sự kiện đó đồng thời đánh dấu sự ra đời của CNCS khoa học. Thông qua Tuyên ngôn, C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã tiên đoán về sự phát triển tất yếu của xã hội loài người phải tiến tới một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn, thay thế chế độ TBCN là chế độ CSCN, mà giai đoạn thấp là CNXH. Đó là một chế độ hoàn toàn ưu việt so với chế độ xã hội cũ, được hình thành thông qua quá trình vận động khách quan, phức tạp, lâu dài của lịch sử; trong đó, giai cấp vô sản có sứ mệnh lịch sử “đào huyệt chôn CNTB”. Những luận điểm tư tưởng của C. Mác và Ph. Ăng-ghen sau đó đã được V.I. Lê-nin tiếp thu, phát triển, hình thành chủ nghĩa Mác - Lê-nin, làm tư tưởng dẫn đường cho mọi hoạt động của các đảng cộng sản, phong trào công nhân và giai cấp vô sản trên toàn thế giới trong nỗ lực đấu tranh, phấn đấu xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp hơn theo sứ mệnh lịch sử đã giao phó. Song, cũng gần như đồng thời với sự xuất hiện “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và xuyên suốt cho tới hiện nay, CNCS luôn luôn là một tâm điểm mà các thế lực chống cộng tập trung xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá. Trong khi những người sáng lập ra CNCS xác định: “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”1, người ta đã trắng trợn quy kết: đặc trưng của CNCS là sự vi phạm quyền con người. Họ còn tìm mọi cách để tự “tô vẽ”, ngợi ca CNTB như một đại diện không thể thay thế của tương lai, không những về trí tuệ mà cả về văn minh, đạo đức. Mưu toan và thủ đoạn chống cộng có nhiều, nhưng mục đích chung là làm sao để mọi người đều có thể tin rằng: CNCS chỉ là hoang tưởng; CNCS gắn liền với tội ác, là cản trở lớn nhất đối với quá trình phát triển nhân loại và đoạn tuyệt, bài trừ CNCS là điều cần thiết. Điều đó còn đi liền với việc vỗ về mọi người hãy an bài và gửi gắm tương lai vào CNTB. Từ lâu, người ta đã từng không ít lần phải nghe những kẻ chống cộng bêu riếu rằng: CNCS chỉ là một bóng ma, chủ nghĩa Mác chỉ là một thứ ý thức hệ hư ảo; chứa đầy tính chất huyễn tưởng và V.I. Lê-nin còn làm tăng sự huyễn tưởng ấy lên hơn một lần nữa… Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu là một cơ hội không thể tốt hơn để các thế lực chống cộng, các phần tử cơ hội chính trị trên toàn thế giới đồng loạt bội nhọ, kể tội, nhằm khai tử CNXH, CNCS với tất cả thái độ hằn học, khiêu khích pha cả sự hả hê. Họ lớn tiếng rêu rao về “chiến thắng không cần chiến tranh”; “sự kết thúc của lịch sử” và “chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã phá sản; thất bại của CNXH hiện thực chính là thất bại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin”… Ngay ở Việt Nam, có kẻ đã kêu gọi: “Nên từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin để thay vào đó là chủ nghĩa dân tộc”!... Nhiều kẻ cơ hội chính trị, vốn trước đây đã từng đứng trong hàng ngũ đảng cộng sản cũng quay lưng “sám hối” về con đường đã chọn và tìm mọi cách tố cáo “tội lỗi” của CNCS. Có kẻ nấp sau vẻ “khách quan” đã đánh giá: CNCS và CNXH đã có một vai trò rất to lớn trong tiến trình phát triển tri thức của nhân loại: vai trò của một cuộc thí nghiệm xã hội lớn lao. Sau cuộc thí nghiệm này, nhân loại đã thu được các kinh nghiệm và tri thức cực kì to lớn; đã từ bỏ được sự “lãng mạn cách mạng” và các kinh nghiệm xử lý đối với các thách thức lớn của xã hội! Thực chất những nhận định như vậy chỉ là một trong vô vàn trò “đánh tráo lịch sử”, phủ nhận sạch trơn vai trò của CNXH, CNCS đối với lịch sử đương đại. Gần đây, người ta thường thấy không ít các thủ đoạn “đổi trắng, thay đen”, cực đoan, thâm hiểm của các thế lực thù địch, chống cộng tiếp tục chĩa vào CNCS, nhất là các nước XHCN còn lại. Cùng với việc dựng ra Nghị quyết về “tội ác của các chế độ cộng sản độc tài”, ở nhiều nước XHCN Đông Âu trước đây còn nổi lên làn sóng truy lùng, xét xử những người đã từng là lãnh đạo đảng cộng sản; tổ chức “ngày chống cộng”; công khai phá gỡ tượng đài Chiến sĩ Hồng quân - những người đã có công trong chiến tranh chống phát xít; dựng tượng đài tưởng niệm “các nạn nhân của chế độ cộng sản”… Hầu như tất cả những gì thuộc về CNCS, từ lý tưởng tới những biểu tượng, thành quả; từ quá khứ tới hiện tại và tương lai đều là mục tiêu bài trừ của chúng.

title
Người Tây Ban Nha tuần hành tại Madrid ngày 15-10 ủng hộ phong trào "Chiếm Phố U-ôn". (Nguồn: THX/TTXVN)
Sự đổ vỡ của Liên xô và các nước XHCN Đông Âu là một tổn thất vô cùng to lớn, đồng thời là một bài học đắt giá đối với phong trào cộng sản quốc tế. Thực tế đó còn là một kẽ hở lớn để các thế lực chống cộng lợi dụng tăng cường chống phá CNCS. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chủ nghĩa Mác - Lê-nin và con đường đi tới CNXH, CNCS là sai lầm và thất bại. Cũng không chứng tỏ rằng, CNTB đã thắng lợi và sẽ quyết định sự phát triển của lịch sử.

Trên thực tế, cùng với sự ra đời của Liên Xô - nhà nước XHCN đầu tiên, sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, hệ thống XHCN đã hình thành và ngày càng phát triển vững mạnh, là một đối trọng lớn đối với CNTB. Trong hơn nửa thế kỷ tồn tại, hệ thống XHCN thế giới đã có những đóng góp tích cực vào mọi bình diện của tiến trình phát triển thế giới; đặc biệt, trong việc thiết lập những giá trị nhân văn, trong giữ gìn hoà bình, thúc đẩy độc lập dân tộc, dân chủ, công bằng, tiến bộ, phát triển xã hội,… Những giá trị đó chưa có chế độ xã hội nào trước đó, ngay cả CNTB, có thể đem lại được. Những giá trị của CNXH hiện thực vừa qua là không thể phủ nhận, đồng thời cũng hoàn toàn không chỉ là “đóng góp kinh nghiệm về sự lãng mạn cách mạng” như có người đã cố tình lầm tưởng. Sự đổ vỡ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu không phải là từ sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, không thuộc về bản chất của CNXH, CNCS, mà chủ yếu là từ sự nhận thức chưa thấu đáo về chủ nghĩa Mác - Lê-nin; từ việc chậm khắc phục tình trạng chủ quan, duy ý chí, cực đoan trong tổ chức thực tiễn và sự buông lỏng nguyên tắc “tập trung dân chủ” trong nội bộ một số đảng cộng sản. Tuy nhiên, ngay cả khi CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đổ vỡ, một thực tế không thể phủ nhận là, lý tưởng cộng sản hiện vẫn là một xu hướng chủ đạo đối với sự phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Các đảng cộng sản vẫn đang hoạt động hợp pháp, tích cực giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội trên khắp các châu lục, đặc biệt ở châu Á, châu Mỹ La-tinh. Ở châu Âu, đại biểu của đảng cộng sản đã có mặt tại nhiều cơ quan công quyền, trong các nghị viện của nhiều quốc gia. Chỉ trong một thập niên cuối của thế kỷ XX, tỷ lệ cử tri ủng hộ các đảng cộng sản và đảng cánh tả châu Âu đã tăng từ 6,7% lên hơn 15%; ở châu Á, vai trò lãnh đạo của các đảng cộng sản ở các nước XHCN, như: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Triều Tiên vẫn tiếp tục được giữ vững, mở rộng uy tín đối với khu vực và toàn thế giới. Ở khu vực Mỹ La-tinh, cùng với tăng cường đổi mới, nâng cao vị thế trên trường quốc tế của nhà nước XHCN Cu Ba là những phát triển tích cực của các nước theo phong trào cánh tả tiến bộ, có thiên hướng XHCN, đặc biệt là của Vê-nê-du-ê-la. Tổng thống Vê-nê-du-ê-la H. Cha-vét đã công khai tuyên bố “sẽ tiếp tục đi lên CNXH thế kỷ XXI”. Những cải cách tích cực của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh hứa hẹn những triển vọng tương lai phát triển, tiến bộ tốt đẹp của các quốc gia này.

Trong khi chưa hết hý hửng, trông chờ về sự thất bại hoàn toàn của CNCS, CNTB đã phải lo tìm mọi cách để điều chỉnh, thích ứng. Song, họ vẫn không thể nào giải quyết được các vấn đề bất ổn nảy sinh từ những nghịch lý, bất bình đẳng xã hội ngày một trầm trọng ngay trong lòng. Đó là hệ quả tất yếu từ mâu thuẫn cơ bản, vốn có của CNTB, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN chẳng những không giải quyết được, mà còn ngày càng trở nên sâu sắc (điều mà những người sáng lập ra chủ nghĩa Mác đã dự đoán và cảnh báo từ trước). Tiếp theo cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính năm 2008, chưa đầy 5 năm sau, hiện nay toàn bộ hệ thống TBCN lại rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng mới rộng khắp, trầm trọng hơn. Gắn liền với khủng hoảng là tình hình vỡ nợ, thất nghiệp, giá cả leo thang, sự thiếu bảo đảm về y tế cùng vô vàn những khó khăn, bất trắc có thể rình rập, ập đến với mọi người dân lao động. Ở Mỹ, cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong năm 2010, tỷ lệ người nghèo đói đã tăng lên 15,1%. Tỷ lệ người thất nghiệp ở Anh trong 10 tháng đầu năm 2011, chiếm tới 8,1%, (mức cao nhất trong 17 năm qua)… Trong hơn 5 thập kỷ tồn tại, ngôi nhà chung Liên minh châu Âu (EU), bao gồm 27 thành viên chưa bao giờ bị chao đảo như hiện nay… Không phải ngẫu nhiên từ tháng 9 năm 2011 tới nay, phong trào “Chiếm phố U-ôn” - phong trào đấu tranh cho sự bình đẳng và dân chủ đã bùng phát, lan rộng tới 950 thành phố, thuộc 82 quốc gia trên toàn thế giới. Ngay ở nước Mỹ, nơi thường mang các tiêu chí bình đẳng, dân chủ của mình áp đặt cho nhiều nước khác, thông qua phong trào “Chiếm phố U-ôn”, người dân Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng lớn của mình trước tình trạng chỉ có 1% người giàu nhưng chiếm tới 21% thu nhập và 35% tài sản của cả đất nước. Một khi khoảng cách giàu, nghèo, sự bất bình đẳng đã tới giới hạn, sớm hay muộn, những xung đột xã hội bùng phát sẽ là điều khó tránh khỏi. Cùng với đó, tình trạng gia tăng về bạo lực, tội phạm, phân biệt chủng tộc, xung đột sắc tộc, kỳ thị về tôn giáo, văn hoá… đã làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của những ai đã đặt sự kỳ vọng vào CNTB. Nhìn nhận về phong trào “Chiếm phố U-ôn”, Ông Bin Phlet-che – nhà báo, nhà hoạt động xã hội người Mỹ cho rằng: “Phong trào này nhằm tới nhiều mục tiêu hơn những yếu tố của hệ thống, nó đang khẳng định rằng có điều gì đó sai lầm trong hệ thống CNTB và bản thân CNTB đang rất độc hại”. PônMi-sen, thành viên Ban lãnh đạo Đảng Bình đẳng xã hội Anh nhận định: CNTB đã thất bại và giai cấp công nhân đang đứng lên. Thời điểm đấu tranh cho một cách tiếp cận khác đối với việc tổ chức lại kinh tế - xã hội đã đến. Hình thức thay thế CNTB duy nhất chỉ có thể là CNXH… Điều đáng nói là, sự bày tỏ thái độ đối với CNTB như trên không phải chỉ là riêng lẻ mà đã trở thành tiếng nói chung của không ít người trong các tầng lớp nhân dân ở mọi quốc gia. Thực tế đó cho thấy, vai trò và uy tín của CNTB đối với sự phát triển, tiến bộ của cộng đồng quốc tế đã suy giảm tới mức không gì cứu vãn nổi. Trong khi đó, mặc dù đã phải trải qua những biến động dữ dội, mặc cho chủ nghĩa chống cộng quốc tế đã và đang điên cuồng công kích, chống phá, song CNCS vẫn tỏ rõ sức sống không thể dập tắt. Lý tưởng và sức sống của CNCS trong lòng các dân tộc trên thế giới không mất đi, mà còn ngày càng phục hồi, phát triển. CNCS không bao giờ là vật cản mà ngược lại, đang là tương lai của nhân loại. Đó là niềm tin không gì có thể lay chuyển nổi đối với hầu hết mọi người trên thế giới.

Tuy nhiên, CNCS không tự đến. Chế độ xã hội ưu việt đó chỉ có được thông qua quá trình đấu tranh, xây dựng vô cùng gian khổ, phức tạp, lâu dài của những người cộng sản và nhân loại tiến bộ. Trong công cuộc đó, các đảng cộng sản giữ vai trò tiên quyết và nhất thiết phải tự gột rửa hoàn toàn các khuyết tật của mình để vươn lên, thật sự xứng đáng là đạo đức, là văn minh, đáp ứng với kỳ vọng của nhân loại trong thời đại mới.

THƯỜNG VŨ

                  

1 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen – Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 111.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.