Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:46 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta - kết thúc bằng Đại thắng mùa Xuân 1975 - là bản thiên hùng ca bất hủ của dân tộc Việt Nam. Ngày 30-4-1975 trở thành ngày hội tụ của ba sự kiện lịch sử: ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: độc lập dân tộc, cả nước đi lên CNXH. Vậy mà có người với dã tâm đen tối lại cố tình xuyên tạc: ngày đó là “ngày kết thúc cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn” và cũng không phải là ngày giải phóng miền Nam, v.v.
Vậy sự thật là thế nào?
Lịch sử cho thấy, Mỹ đã can thiệp trực tiếp vào Đông Dương từ rất sớm dưới cái mác viện trợ cho thực dân Pháp. Từ cuối năm 1950 đến năm 1954, Mỹ đã viện trợ cho Pháp ở Đông Dương 4 tỷ đô-la (chiếm 78% chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương). Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954). Song, Mỹ không ký vào bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Mỹ dựa vào đó để ngang nhiên không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định, gạt Pháp ra khỏi miền Nam, công khai cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Mục đích chính trị của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam mà Mỹ theo đuổi là tiêu diệt phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta, chặn đứng phong trào Cộng sản có thể lan ra khắp vùng Đông Nam Á và bao vây các nước XHCN. Để thực hiện dã tâm xâm lược đó, Mỹ tiến hành chính sách thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, lập ra chính quyền tay sai, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Mỹ – Diệm thực hiện biện pháp chiến lược “tố cộng, diệt cộng” đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam. Chúng ban hành Luật 10/59 và giương cao khẩu hiệu “giết nhầm còn hơn bỏ sót” khiến cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.
Song hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm của Mỹ thất bại. Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” một cách bị động để đối phó với cách mạng miền Nam. Nội dung cơ bản của chiến lược này là càn quét, dồn 10 triệu nông dân miền Nam vào các ấp chiến lược - thực chất là các trại tù tập trung. Mục tiêu của chiến lược là bình định miền Nam trong 18 tháng (từ giữa năm 1961 đến hết năm 1962). Thực hiện chiến lược đó, Mỹ – ngụy đã mở hàng chục nghìn cuộc hành quân càn quét để tiêu diệt bộ đội và du kích, thanh lọc quần chúng, bắt, giết cán bộ và lùa dân ta vào 16.000 ấp chiến lược do chúng dựng lên.
Nhưng, trước sức mạnh của phong trào cách mạng miền Nam, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ cũng nhanh chóng bị phá sản. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, dùng quân viễn chinh Mỹ để phản công ta nhằm giành lại quyền chủ động về chiến lược. Mục tiêu của chiến lược này là đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25-30 tháng (từ giữa năm 1965 đến 1967). Biện pháp chủ yếu của chiến lược mới là “tìm và diệt” đi đôi với “tìm và bình định” Thực hiện chiến lược này, Mỹ ồ ạt đưa quân và một khối lượng vũ khí, phương tiện chiến tranh khổng lồ vào miền Nam Việt Nam. Tính đến thời điểm cuối năm 1967, quân Mỹ ở miền Nam lên tới 550.000 quân; với số quân đó, trên thực tế, Mỹ đã huy động tới 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân, 60% không quân, và 6,5 triệu lượt thanh niên Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Khi thi hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, bên cạnh chiến lược “Hai gọng kìm” ở miền Nam, Mỹ còn dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc nhằm mục tiêu kép: ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, cô lập và đè bẹp cách mạng miền Nam, và làm suy yếu miền Bắc - hậu phương lớn của cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, Mỹ đã thất bại ở cả chiến trường miền Bắc lẫn chiến trường miền Nam. Đặc biệt, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân của quân và dân ta đã làm ý chí xâm lược Việt Nam của nhà cầm quyền Mỹ bị lung lay một bước nghiêm trọng. Sau Tết Mậu thân, Tổng thống Mỹ B.Giôn-xơn phải đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra; nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri. Đó là sự thừa nhận đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Trước thất bại nặng nề trên, R.Ních-xơn, sau khi lên cầm quyền, đã buộc phải xuống thang chiến tranh, rút quân Mỹ về nước, nhưng thay vào đó lại thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đưa ra “Học thuyết Ních-xơn” và mở rộng chiến tranh sang Cam-pu-chia. Bản chất của cái gọi là chiến lược và học thuyết này không có gì khác ngoài âm mưu kéo dài chiến tranh, tiếp tục chính sách áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam.
Thực hiện ý đồ trên, trong 2 năm (từ giữa năm 1968 đến đầu năm 1970), đế quốc Mỹ vừa từng bước rút quân, vừa ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền. Chúng tiến hành hàng loạt kế hoạch bình định và phản công, tiến công ta quyết liệt. Đồng thời với các hoạt động đó ở miền Nam, đế quốc Mỹ còn điên cuồng trở lại đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, đỉnh cao là tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác. Đi đôi với hành động quân sự, đế quốc Mỹ còn dùng thủ đoạn nham hiểm về chính trị, ngoại giao với cái gọi là kết hợp chiến tranh hủy diệt với chiến tranh giành dân và “chiến tranh bóp nghẹt” hòng làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc. Việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao xảo quyệt, ép các nước có liên quan đồng tình giải quyết vấn đề Việt Nam theo ý đồ của Mỹ, là kịch bản của “chiến tranh bóp nghẹt” bẩn thỉu ấy.
Chiến lược mới của Mỹ ra đời trong thế thua, thế bị động, thế yếu. Nên dù đã sử dụng tối đa sức mạnh, song rốt cuộc, đế quốc Mỹ vẫn phải chấp nhận thất bại nhục nhã cả về quân sự, chính trị và ngoại giao. Với một kết cục như thế, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri (27-01-1973), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố và với âm mưu chống Cộng sản đến cùng, sau Hiệp định Pa-ri, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam dưới vỏ bọc “một quốc gia thân Mỹ”, nhưng thực chất vẫn là thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Để thực hiện cái mà Mỹ gọi là “keo cuối cùng”, Mỹ tiếp tục đổ tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho ngụy quyền Sài Gòn và chỉ đạo chính quyền Sài Gòn ráo riết bắt lính, tăng quân, khống chế nhân dân. Với chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, chúng liên tiếp mở hàng loạt cuộc hành quân càn quét, lấn chiếm và bình định. Nhưng cũng giống như trước, quan thầy Mỹ và bọn tay sai ngụy càng ngày càng rơi vào tình thế khốn quẫn, không có đường thoát.
Và điều gì đến sẽ phải đến!
Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, quân và dân ta đã đập tan hơn một triệu quân ngụy và bộ máy ngụy quyền Sài Gòn. Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, và đó cũng là ngày chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài gần 21 năm của đế quốc Mỹ.
Trên đây là một chuỗi sự kiện lịch sử không ai có thể chối cãi. Nhắc lại lịch sử như thế là cần thiết; để qua đó thấy rằng, không phải “do giúp Pháp, can thiệp quá sâu vào Đông Dương nên Mỹ bị sa lầy ở Việt Nam”! Càng không phải “khi Mỹ rút (năm 1973), Mỹ đã bỏ rơi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu”. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ có mục đích chính trị xuyên suốt của nó. Đúng như cách nói của V.I. Lê-nin, chiến tranh “chẳng qua chỉ là chính trị từ đầu đến cuối”. Xin nhắc lại - mục đích chính trị của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ là tiêu diệt phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta, chặn đứng phong trào Cộng sản có thể lan ra khắp vùng Đông Nam Á, và bao vây các nước XHCN. Đó là mục tiêu mà cả 5 đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau đều tìm cách theo đuổi trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Sau Hiệp định Pa-ri, cuộc kháng chiến của nhân dân ta vẫn là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn là cuộc đối đầu giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ. Bất chấp âm mưu của cái chủ nghĩa thực dân giấu mặt, trá hình, đế quốc Mỹ vẫn nguyên là kẻ xâm lược Việt Nam. Bất chấp lớn tiếng chiêu bài quốc gia dân tộc, chính quyền Sài Gòn vẫn là thân phận của kẻ tay sai. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào những giờ chót cầm quyền đã than rằng: “đồng minh lớn đã bội ước đồng minh nhỏ”. Song Nguyễn Văn Thiệu đã ngộ nhận. Chẳng có đồng minh lớn, nhỏ nào cả; chỉ có quan thầy và tay sai. Nói cách khác, chính quyền ngụy Sài Gòn chưa bao giờ có quyền tự quyết, càng chưa bao giờ có “lý tưởng quốc gia”. Bởi thế, ai đó cho rằng, “sau hiệp định Pa-ri, nên coi cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn, giữa một bên là vì lý tưởng quốc gia, một bên là vì lý tưởng Cộng sản” là đã bóp méo tính chất của cuộc chiến tranh. Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, dựng lên chính quyền tay sai để làm bia đỡ đạn cho quân Mỹ, phục vụ lợi ích của Mỹ. Nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ để bảo vệ nền độc lập của mình. Đó là tính chất bao trùm và xuyên suốt của cuộc đối đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc Mỹ.
Và, người nào đó nói rằng, ngày 30-4 “thay vì gọi là “ngày giải phóng miền Nam” thì nên gọi là “ngày hòa hợp dân tộc” là sự đánh tráo khái niệm. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ (hoặc trực tiếp, hoặc thông qua lực lượng tay sai) đã tiến hành hàng trăm nghìn cuộc khủng bố giết hại cán bộ và đồng bào miền Nam. Mỹ còn gây ra cuộc thảm sát Sơn Mỹ gây chấn động thế giới, lập ra gần 10.000 đồn bốt, lùa nhân dân vào hàng chục nghìn ấp chiến lược, rải hàng triệu lít chất độc da cam đi-ô-xin xuống khắp miền Nam. Nhưng nhờ có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sau ngày 30-4-1975, Mỹ – ngụy không còn có thể tiếp tục gây tội ác đối với đồng bào miền Nam được nữa. Ngày 30-4-1975, vì vậy, là ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, là ngày đồng bào miền Nam thoát ra khỏi xiềng xích do chủ nghĩa thực dân kiểu mới áp đặt tại miền Nam Việt Nam. Đảng và nhân dân ta trong bất luận hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào cũng đều đề cao và làm hết sức mình để hòa hợp dân tộc, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vì luôn tìm mọi cách để hòa hợp dân tộc, chúng ta mới có thể huy động được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để đánh thắng địch. Đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi. Tôn trọng lịch sử là tôn trọng dân tộc và tôn trọng mình. Có ngày giải phóng miền Nam, mới có thống nhất nước nhà. Có giải phóng miền Nam mới có hòa hợp dân tộc. Có giải phóng miền Nam, có hòa hợp dân tộc, có thống nhất nước nhà, dân tộc ta mới mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên CNXH.
Sự thật lịch sử là như vậy. Cái nhìn méo mó về lịch sử là sự vong ơn bội nghĩa đối với sự hy sinh của cả một dân tộc. Chúng sẽ bị chính quần chúng đông đảo khinh rẻ. Vì vậy, âm mưu xấu xa của những ai có cái nhìn đó không bao giờ thực hiện được; trái lại, họ chỉ càng lộ rõ chân tướng và tâm địa đen tối mà thôi.
ĐỨC LÊ
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm