Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 16/08/2012, 09:00 (GMT+7)
Xuyên tạc lịch sử - thủ đoạn xảo trá chống phá con đường phát triển của dân tộc Việt Nam

Gần đây, một số người mạo danh “người Việt Nam yêu nước”, bất chấp phải trái, trắng đen, cố tình xuyên tạc ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám. Đó là thủ đoạn xảo trá chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Cách mạng Tháng Tám đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ý nghĩa vĩ đại nhất của Cách mạng Tháng Tám là đã đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, phát xít và chính quyền phong kiến phản động, tay sai, đưa dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên nhân dân làm chủ vận mệnh đất nước, gắn độc lập dân tộc với CNXH. Với mục tiêu đấu tranh phù hợp yêu cầu phát triển của dân tộc và tính chất thời đại, Đảng ta tiếp tục lãnh đạo cách mạng giành được những thắng lợi vĩ đại qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; đất nước hoàn toàn độc lập tự do, nhân dân ta thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, từng bước quá độ lên CNXH.

Đó là sự thật đã được thực tiễn lịch sử chứng minh và được tất cả những người có lương tri trong nước và trên thế giới thừa nhận. Tuy nhiên, một số người tự xưng là “người Việt Nam yêu nước” vẫn tung ra luận điệu: Cách mạng Tháng Tám với việc lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, đã đưa dân tộc Việt Nam vào “thảm họa” với  hai cuộc chiến tranh (1945 - 1954 và 1954 - 1975) giết chết mấy triệu người Việt Nam (cả hai phía), đất nước bị tàn phá, dân tộc phân ly và ngày nay tiếp tục nghèo nàn, đói khổ… Theo họ, giá như không đi theo con đường những người cộng sản vạch ra mà bằng cách xin “chính quốc” trao trả độc lập thì đất nước ta vẫn có độc lập, tránh được chiến tranh, đi theo con đường của các nước tư bản để tới phồn vinh (!)

Giọng điệu của họ chẳng lừa bịp được ai, họa chăng chỉ có thể gây ra sự dao động với số ít người nhẹ dạ cả tin, thiếu cảnh giác và thiếu vững vàng về tư tưởng. Dù vậy, đây cũng là một luồng thông tin độc hại đối với xã hội và là một thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch đang chống phá cách mạng Việt Nam.

Những sự kiện chân thực lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám đến nay sẽ bóc trần luận điệu dối trá trên; đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, vào con đường phát triển của dân tộc ta mở đầu từ Cách mạng Tháng Tám. 

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn yếu hèn, từng bước đầu hàng giặc. Các cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân Pháp từ đó cho đến đầu thế kỷ XX, dù diễn ra liên tục, đầy lòng yêu nước và dũng khí, với các tư tưởng và phương pháp khác nhau, nhưng tất cả đều thất bại. Nguyên nhân thất bại căn bản là các phong trào đó thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn. Lúc này, đất nước như đêm tối không có đường ra. Yêu cầu khách quan cấp thiết của cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX là phải có một tổ chức cách mạng với tư tưởng tiên tiến và đường lối cách mạng đúng đắn lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc.

Sau gần 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc trở thành người Việt Nam đầu tiên tiếp thu tư tưởng tiên tiến của thời đại và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường gắn độc lập dân tộc với CNXH. Cũng gần 10 năm sau, năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra ĐCS Việt Nam, một tổ chức chính trị có tư tưởng tiên tiến, có đường lối cách mạng đúng đắn, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. ĐCS Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được lịch sử trao cho sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ngay khi vừa ra đời, ĐCS Việt Nam đã phát động, lãnh đạo cao trào cách mạng 1930 - 1931 và 1936 - 1939. Đó là những cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị tiền đề cho trận chiến đấu cuối cùng giành chính quyền là Cách mạng Tháng Tám. Tháng 9-1939, Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp thực hiện chính sách thống trị tàn bạo ở Đông Dương. Tình hình thế giới và Đông Dương biến chuyển căn bản. Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và phát động cao trào đấu tranh mới tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá I) đã xác định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”1. Hội nghị phát động cao trào cách mạng giải phóng dân tộc.

Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền Pháp. Ngay tối hôm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Hội nghị quyết định phát động cao trào chống Nhật, cứu nước trong toàn quốc, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Từ tháng 3-1945, khởi nghĩa từng phần ở các địa phương nổ ra. Cả dân tộc ta gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng, tạo và đón lấy thời cơ để vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 14-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh, Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị toàn quốc, nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi và cử ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngay đêm 13-8, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp, quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay trong ngày 16-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”2. Cả dân tộc Việt Nam, với quyết tâm “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”3, đã nhất tề vùng lên. Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng, cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã thành công, lật đổ bộ máy thống trị phát-xít cùng triều đình phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng trên cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Cách mạng Tháng Tám đã mở đầu một chế độ mới, là chặng đầu con đường phát triển của dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Đáng lẽ, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta được sống trong hoà bình để xây dựng đất nước. Nhưng thực dân Pháp quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Trước hành động ngang ngược của thực dân Pháp, không còn con đường nào khác, cả dân tộc đã đứng lên kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”4.

Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhân dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Theo hiệp định Giơ-ne-vơ, hai miền Bắc - Nam sẽ tổng tuyển cử hoà bình, để thống nhất quốc gia. Nhưng với âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự chống phá phong trào giải phóng dân tộc, ngăn chặn CNXH, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai phản động làm công cụ bạo lực thống trị nhân dân ta. Đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ngang nhiên thực hiện chính sách phát-xít khủng bố trắng, “đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh”, tàn sát, giam cầm hàng chục vạn cán bộ cách mạng và đồng bào yêu nước. Chẳng những thế, chúng còn trắng trợn hô hào “Bắc tiến”, “lấp sông Bến Hải”,… Khả năng hiệp thương tổng tuyển cử đã hết, không thể cam chịu “cuộc chiến tranh một phía” để bị tàn sát và mất độc lập, tự do, nhân dân miền Nam phải vùng lên “Đồng khởi”. Cả nước lại bước vào cuộc trường chinh mới - kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Như thế, hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là do kẻ thù xâm lược cố tình gây ra, nhân dân ta buộc phải cầm vũ khí chống ngoại xâm,  chứ không phải do Đảng ta “chịu ảnh hưởng tả khuynh của Quốc tế Cộng sản” hoặc của lãnh tụ các nước cộng sản lúc đó như có kẻ xuyên tạc. Đây chính là sự tiếp nối tất yếu con đường giành độc lập, tự do của Cách mạng Tháng Tám.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước được độc lập, thống nhất, nhưng 100 năm chế độ thực dân và 30 năm chiến tranh ác liệt đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Nguyện vọng thiết tha và chính đáng của nhân dân ta là được hoà bình, ổn định để xây dựng đất nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu phá hoại công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta nhằm bắt dân tộc ta đi theo con đường do chúng áp đặt.

Từ kinh nghiệm của sự nghiệp giữ nước hàng ngàn năm, trực tiếp là cuộc đấu tranh chống đế quốc, thực dân hơn 100 năm qua, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, con đường phát triển của dân tộc ta không thể ngoài con đường gắn độc lập dân tộc với CNXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta lại bước tiếp con đường Cách mạng Tháng Tám đã mở - con đường quá độ lên CNXH.

Vài thập niên trước đây, do nhiều nguyên nhân, CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là một tổn thất nghiêm trọng của CNXH và phong trào cách mạng thế giới. Đó là cơ hội để chủ nghĩa đế quốc mở chiến dịch phản kích vào CNXH và phong trào cách mạng thế giới. Chúng ra sức xuyên tạc, bài bác CNXH, cố tình tô vẽ, cường điệu “tính ưu việt” của CNTB và cho rằng: đây là đỉnh cao tột cùng của xã hội loài người,...(!) Đối với nước ta, chúng cố tình phủ nhận ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám và đòi ĐCS Việt Nam phải từ bỏ con đường đi lên CNXH. Đằng sau thủ đoạn xảo trá đó chính là mưu đồ hướng dân tộc ta đi theo con đường TBCN.

Bước sang thế kỷ XXI, đặc biệt mấy năm gần đây, tình hình thế giới càng diễn biến phức tạp. Suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến những bất ổn về chính trị, xã hội ở hầu khắp các nước tư bản phát triển; nhiều nước thuộc địa, phụ thuộc trước đây, sau khi giành độc lập, đi theo con đường TBCN, cũng đã và đang lâm vào khủng hoảng toàn diện, bị nước ngoài can thiệp, mất quyền độc lập, tự chủ. Trong khi đó, các nước XHCN còn lại vẫn đứng vững và phát triển, nhiều nước khác đang hướng theo con đường XHCN và lý tưởng XHCN vẫn đang vẫy gọi nhân loại tiến bộ. Ở nước ta, những thành tựu, kinh nghiệm của 25 năm đổi mới đã tạo ra thế và lực mới; sức mạnh tổng hợp của đất nước lớn hơn nhiều so với trước. Hiện nay, nước ta đang đứng trước vận hội cùng những thách thức lớn đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp; trong đó có tác động của tình trạng suy thoái kinh tế thế giới và nợ công ở Châu Âu. Tuy nhiên, trong khi kinh tế nhiều nước bị suy thoái, có nguy cơ sụp đổ, dẫn đến chính trị rối ren, thì ở nước ta, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; đời sống nhân dân được bảo đảm và từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh được tăng cường; vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao.

Thực tiễn đó đã chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, con đường lên CNXH là sự lựa chọn duy nhất đúng. Chỉ có CNXH mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Những kẻ cố tình xuyên tạc lịch sử, đổi trắng thay đen, phá hoại con đường phát triển của dân tộc, mưu đồ đưa dân tộc ta đi theo con đường của CNTB chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại.

Đại tá, PGS, TS. VŨ NHƯ KHÔI

Viện KHXHNVQS - Bộ Quốc phòng

                  

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 113.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 554.

3 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng  tập hồi ký,  Nxb QĐND, H. 2006, tr. 130.

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 480.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.