Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 28/04/2011, 07:24 (GMT+7)
Xây dựng lòng tin để giải quyết vấn đề Biển Đông*

Ngày 26 tháng 4 năm 2011, tại Hà Nội, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo Quốc gia lần thứ hai về Biển Đông với chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp quốc tế”. Hội thảo đã tập hợp được nhiều ý kiến, đánh giá, nhận định của nhiều học giả về các diễn biến gần đây và những hệ lụy ở khu vực Biển Đông.

Báo Quân đội nhân dân có bài tổng thuật những nội dung chủ yếu của Hội thảo. Dưới đây là toàn văn bài viết.

QĐND - "Sau Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) lần thứ 17 cũng như các hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, nhiều học giả nước ngoài cho rằng tình hình trên Biển Đông đã có những bước chuyển mới. Tư duy và phương pháp tiếp cận mới của các bên về vấn đề Biển Đông đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác nghiên cứu để giúp dư luận hiểu đúng về thực chất những gì đang diễn ra trên Biển Đông". Đây là phát biểu đề dẫn của quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý tại Hội thảo Quốc gia lần thứ 2 về Biển Đông, với chủ đề: “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế”, diễn ra tại Hà Nội, ngày 26-4.

 Không chỉ là tranh chấp song phương

80 đại biểu là các nhà nghiên cứu, học giả, đại diện các cơ quan nghiên cứu trong nước có liên quan tới Biển Đông đã cùng nhau chia sẻ những nghiên cứu, những phân tích về một số động thái mới tại Biển Đông trong thời gian qua, từ đó đưa ra đánh giá và kiến nghị trong việc bảo vệ lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.

Trong bài tham luận của mình, hai học giả Nguyễn Đăng Thắng (nghiên cứu sinh Tiến sĩ Luật học tại Anh) và Nguyễn Thị Thanh Hà (chuyên viên hiện đang công tác tại Liên hợp quốc) cho rằng đang tồn tại hai loại tranh chấp. Đó là tranh chấp về chủ quyền đảo và tranh chấp về phân định ranh giới các vùng biển (bao gồm cả thềm lục địa). Vấn đề Biển Đông từ chỗ chỉ là tranh chấp giữa các nước trong khu vực, nay đã trở thành một trong những vấn đề quốc tế, được đem ra bàn thảo ở những diễn đàn đa phương như ARF. Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học Công an, Bộ Công an cho rằng, trong 10 năm tới, Biển Đông tiếp tục là nơi va chạm về lợi ích an ninh và kinh tế của một số cường quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính vì vậy, tranh chấp trên Biển Đông không chỉ là tranh chấp song phương, đa phương, mà đã mang tính quốc tế, là nơi đụng độ lợi ích của cả các cường quốc hàng đầu thế giới.

alt
Hội thảo Quốc gia lần thứ 2 về Biển Đông (ảnh: chinhphu.vn)

Theo một số học giả, hiện nay vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề khá nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEAN, thể hiện rõ quyết tâm chuyển từ Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) sang Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Một số tham luận cũng chỉ rõ, lập trường của Trung Quốc cũng đã có nhiều thay đổi. Hiện nay, dường như Trung Quốc có xu hướng sử dụng Công ước về Luật Biển nhiều hơn, có thay đổi trong hành vi ngoại giao, cũng như có một số điểm mới trên thực địa. Quá trình đàm phán về vấn đề Biển Đông cũng bắt đầu có nhiều chuyển biến, các nước bắt đầu đàm phán trực tiếp về COC.

Tư liệu lịch sử về chủ quyền ở cấp cao nhất

Các đại biểu cho rằng Việt Nam có nhiều bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã chiếm hữu thực sự, hòa bình và thực thi liên tục chủ quyền của mình ở đây. Trong tham luận của mình, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã đã nhấn mạnh những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những bằng chứng ở cấp cao nhất - cấp nhà nước. Các tài liệu chính thức của nhà nước Việt Nam, của các triều đình Việt Nam như: Đại Nam thực lục chinh biên, Đại Nam Hội điển sự lệ, Châu bản triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí…đã ghi nhận rất rõ ràng rằng, các vị vua của Việt Nam luôn khẳng định Hoàng Sa thuộc về cương vực mặt biển Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhã, những tư liệu lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở cấp độ nhà nước hiện chỉ duy nhất Việt Nam có.

 Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho rằng, hầu hết các tư liệu của Việt Nam đều là tư liệu thuộc nhà nước, đặc biệt là Hội điển, loại sách ghi thành điển biến thành luật lệ của triều đình hoặc các châu bản, tức những văn bản trao đổi giữa vua và các đình thần hoặc tỉnh thần, đều trực tiếp chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. "Ngoài những tư liệu trong nước, sự xác lập chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa còn được minh chứng bằng những tư liệu lịch sử của chính Trung Quốc và các nước phương Tây”, Tiến sĩ Nguyễn Nhã nói.

Về cơ sở của Trung Quốc, các đại biểu cho rằng luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông dựa trên hình thức thụ đắc lãnh thổ chiếm hữu và hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng điều ước quốc tế. Về hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu, một số ý kiến cho rằng Trung Quốc đã không thỏa mãn yêu cầu chiếm hữu hòa bình, thực sự và dưới danh nghĩa nhà nước. Các học giả cũng cho rằng hệ thống địa danh của Trung Quốc không dựa trên yếu tố lịch sử, việc tập hợp các địa danh không kèm văn bản gốc. Một số công trình nghiên cứu của Trung Quốc khi trích dẫn dựa trên các tư liệu cổ, thường trích dẫn một cách ngắt đoạn, còn một số khác đúng nguồn thì lại hiểu sai về nội dung.

Bốn kịch bản

Về các kịch bản có thể diễn ra ở Biển Đông trong thời gian tới, các học giả cho rằng có thể có 4 kịch bản xảy ra. Kịch bản thứ nhất là tình hình khu vực sẽ tốt hơn hiện nay nếu như các bên, đặc biệt là Trung Quốc, hành xử đúng theo những gì mình tuyên bố. Đó là “tạo dựng Biển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác” như trong điện của Thủ tướng Trung Quốc  Ôn Gia Bảo gửi những người đồng cấp ASEAN vào tháng 10-2010. Kịch bản thứ hai là tình hình sẽ cơ bản như hiện nay, quá trình hợp tác và đấu tranh tiếp tục và đan xen lẫn nhau. Kịch bản thứ ba là tình hình xấu hơn hiện nay. Nghĩa là mặt xung đột, tranh chấp nhiều hơn hợp tác nhưng chưa có xung đột quy mô lớn. Kịch bản thứ tư là xảy ra xung đột lớn.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, phải xây dựng lòng tin giữa các bên. “Mọi tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình theo Công ước Luật Biển 1982. Việt Nam sẽ cùng các bên kiên trì thực hiện DOC và tiến tới thông qua COC. Đây sẽ là cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn, là tiền đề để các bên giải quyết các vấn đề”, ông Thao nói.

Đánh giá về vấn đề này, ông Thao cho rằng từ hội thảo lần thứ nhất diễn ra năm 2009 tới nay đã có nhiều thay đổi. Các bên có trao đổi công hàm, trình bày lập trường của mình về các vấn đề có liên quan. Ông nói: "Điều đáng mừng là các nước ASEAN đã thống nhất được tiếng nói của mình với Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa, lòng tin phải đến từ tất cả các bên". 

 Các học giả cho rằng, một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) tuy chưa phải là phương tiện để giải quyết các tranh chấp nhưng sẽ là một công cụ để xây dựng lòng tin nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và khuyến khích hợp tác sử dụng và quản lý Biển Đông một cách hòa bình. Do vậy, COC không nên dừng lại ở cam kết của các bên thực hiện các nguyên tắc khung mà cần phải xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành. Ngoài ra, COC cũng cần quy định những điều kiện và cơ chế thích hợp cho phép các bên tăng cường đối thoại, giảm thiểu căng thẳng. Trước mắt, các bên cần thúc đẩy thực thi đầy đủ DOC ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002.

Minh bạch thông tin hơn nữa

“Để người dân các bên hiểu rõ sự thật về các vấn đề trên Biển Đông, trước hết cần phải chống quan điểm nhận thức mơ hồ. Những sự thật đã được chứng minh phải được củng cố bằng khung cơ sở pháp lý. Tập hợp thêm bằng chứng, hoàn chỉnh các tài liệu gốc, dịch sang các thứ tiếng và quảng bá rộng rãi các tài liệu”, ông Nguyễn Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, thông tin và tư liệu, Ủy ban Biên giới quốc gia nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, Thiếu tướng Lê Văn Cương cũng cho rằng phải tăng thời lượng các chương trình về biển, đảo trên các phương tiện truyền thông; xây dựng giáo trình về vấn đề này để giáo dục cho các cấp học; hỗ trợ in, phát hành tài liệu nghiên cứu để có thể phổ biến rộng rãi. Làm cho nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước cũng như nhân dân thế giới có sự hiểu biết đúng đắn về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài ra, chính phủ cũng cần có chính sách phù hợp để đào tạo chuyên gia, nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống; tổ chức hợp tác chặt chẽ với quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ để tiếp cận với khoa học về biển, đảo./.

Bài và ảnh: NGUYỄN HÒA – THU TRANG

__________

* Đầu đề của Báo Quân đội nhân dân

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.