Thứ Sáu, 25/04/2025, 04:47 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (từ tháng 12-2013), một mặt, Việt Nam đã và đang thể hiện trách nhiệm và sự tích cực trong các hoạt động của Hội đồng; mặt khác, đã có nhiều đổi mới và đạt được nhiều thành tựu về nhân quyền cả ở bình diện đối nội và đối ngoại, được thế giới thừa nhận. Thế nhưng, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân cố tình không thấy điều đó, hơn thế có ý kiến lạc lõng cho rằng, “Việt Nam không xứng đáng là thành viên Hội đồng”(!) Cần khẳng định ngay, đây là những ý kiến, đánh giá thiếu khách quan, không có cơ sở và với mục đích xấu.
Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) là cơ quan chịu trách nhiệm chính và quan trọng nhất của Liên hợp quốc (LHQ) trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Hội đồng gồm 47 quốc gia thành viên, đại diện cho tất cả các khu vực, được bầu với nhiệm kỳ 03 năm. Việc Việt Nam lần đầu tiên trúng cử thành viên HĐNQ của LHQ không chỉ khẳng định Đảng và Nhà nước ta đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm nhân quyền trong nước, mà còn có những đóng góp quan trọng trong thúc đẩy quyền con người (QCN) trong khu vực và trên thế giới. Thế và lực của Việt Nam trong việc bảo đảm nhân quyền đã được thế giới thừa nhận. Đây là điều không thể bác bỏ!
Thế nhưng, những lực lượng tự nhận là “bất đồng chính kiến” trong nước và những kẻ chống Cộng ngoài nước lại cho rằng, “Việt Nam không đủ tư cách là thành viên” của tổ chức này! Đồng thời, lợi dụng sự kiện Việt Nam trở thành thành viên HĐNQ để gây sức ép đòi “Việt Nam phải thay đổi chế độ xã hội”, phải “xóa bỏ các điều luật liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng”. Thời gian vừa qua kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, những lực lượng chống đối lại kêu gọi Đảng, Nhà nước Việt Nam “phát huy sức mạnh dân tộc” để “thoát Trung”,… và muốn “thoát Trung” thì phải “thoát Cộng” (có nghĩa phải xóa bỏ chế độ xã hội do Đảng ta lãnh đạo!),… Họ kêu gào Đảng và Nhà nước ta phải tôn trọng dân chủ, nhân quyền, không được “đàn áp biểu tình, yêu nước”, phải thả hết “tù nhân lương tâm”, thừa nhận “xã hội dân sự”,… Thật phi lý và nực cười!
Thực tiễn đã chứng minh, Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã lập nên những kỳ tích đáng tự hào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong đó, nổi bật là đem lại độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Xét đến cùng, đây cũng là thành tựu về nhân quyền, vì QCN. Tuy nhiên, trong mỗi hoàn cảnh lịch sử, việc bảo đảm QCN còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong những năm qua, việc bảo đảm QCN của Nhà nước ta có bước phát triển đặc biệt. Điều này, không chỉ nhân dân ta ghi nhận mà cộng đồng quốc tế cũng đánh giá rất cao. Năm 2013, Việt Nam đã đạt được những thành tự to lớn về QCN trên cả bình diện đối nội và đối ngoại.
Trên bình diện đối nội, thành tựu đáng chú ý nhất là Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Hiến pháp năm 2013). Trong đó, nội dung về nhân quyền, QCN được thể hiện một cách đầy đủ, toàn diện và trang trọng. So với các Hiến pháp trước và các Công ước quốc tế về QCN, Hiến pháp năm 2013 đã được tích hợp một cách khoa học về QCN, quyền và nghĩa vụ công dân. Tại Chương II, các QCN, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định một cách đầy đủ và tương thích với hai công ước quốc tế cơ bản về QCN, là: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (năm 1966). Đặc biệt, trong Chương này, các quyền dân sự, chính trị được xem là “nhạy cảm” đã được quy định đầy đủ, như: công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào,… (Điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình,… (Điều 25). Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Những nguyên tắc về QCN cũng được thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp năm 2013, bao gồm các nội dung lớn: xác định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân; nguyên tắc hạn chế quyền; nguyên tắc “suy luận vô tội”. Điều 14, Hiến pháp năm 2013, ghi rõ “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các QCN, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Nghĩa vụ của Nhà nước bao gồm: tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (thực hiện) quyền của người dân. Các cơ quan nhà nước không được phép ra các văn bản vi phạm quyền và tự do của người dân đã được ghi trong Hiến pháp; đồng thời, có nghĩa vụ kịp thời ngăn chặn mọi hành vi vi phạm quyền của người dân, dưới bất cứ hình thức nào, khi nào và từ đâu, nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ; Nhà nước phải chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với điều kiện của đất nước và phải bảo đảm tính dễ tiếp cận và các dịch vụ sẵn có cho người dân,... Như vậy, quan hệ “xin - cho” (Nhà nước là người “cho”, còn người dân là người “xin”) đã được đảo ngược, theo công thức “quyền - nghĩa vụ”; trong đó, người dân là chủ thể của quyền, Nhà nước là người có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền. Điều đáng chú ý là, Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên đưa ra nguyên tắc “hạn chế quyền” tại Khoản 2, Điều 14, quy định: “QCN, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đồng thời, thể hiện cụ thể nguyên tắc “Suy luận vô tội”, như Điều 31, Chương II quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Năm 2013, Nhà nước ta đã ký “Công ước chống tra tấn, năm 1984” - công ước quan trọng về QCN của LHQ. Nội dung Công ước này là: Nhà nước bảo hộ quyền của tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh đều được tôn trọng nhân phẩm, không bị tra tấn, hạ nhục,... Đây là một quyền tuyệt đối, không bị hạn chế trong QCN. Cũng như pháp luật của các nước khác, các quyền và tự do của con người nói chung, các quyền công dân nói riêng trong những trường hợp nhất định, việc hưởng thụ quyền của cá nhân phải gắn với nghĩa vụ công dân. Trong những nghĩa vụ này, có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Đây là nội dung của mệnh đề “do pháp luật quy định” hoặc “theo quy định của pháp luật” mà Hiến pháp năm 2013 đã xác định.
Về bảo đảm QCN, Nhà nước Việt Nam đã đạt được những thành quả quan trọng. Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam được người dân và các tổ chức quốc tế của LHQ đánh giá là đã đạt những thành quả đầy ấn tượng. Tính đến tháng 12-2013, Việt Nam có 199 cơ quan báo, 639 tạp chí, 4 đài phát thanh, truyền hình Trung ương, 67 đài phát thanh, truyền hình địa phương với 148 kênh truyền hình. Đội ngũ nhà báo tăng đáng kể với gần 17.000 người hoạt động báo chí được cấp Thẻ Nhà báo. Cùng với đó, người dân Việt Nam đã được tiếp cận với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có những kênh được phát rộng rãi trên thế giới, như: CNN, BBC, Bloomberg, TV5, DW, NHK, KBS, Australia Network,... Các hãng thông tấn và báo chí lớn của thế giới đến với người dân Việt Nam thông qua in-tơ-nét, như: Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN, Kyodo, Economist, Financial Times,... Điều đó, tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội lựa chọn, tiếp nhận thông tin, tri thức (năm 2012, số hộ gia đình được nghe đài phát thanh, được xem truyền hình đều là 99,5%, số người sử dụng in-tơ-nét chiếm 35% dân số, đạt 3,4 đầu sách/người/năm), qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền. Đồng thời, báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, tiếng nói của nhân dân; công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có QCN. Vừa qua, kênh truyền hình An ninh nhân dân (ANTV) đã có cả một chuyên mục về QCN, phát mỗi tuần một lần, phản ảnh một cách trung thực việc bảo đảm QCN ở Việt Nam. Gần đây, tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) đã diễn ra Đại lễ Phật đản LHQ - Vesak 2014, với hơn 1.500 đại biểu chính thức đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ và hàng vạn tăng ni, phật tử Việt Nam tham dự. Điều này là minh chứng thuyết phục cho việc Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm cho mọi người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ bằng Hiến pháp, pháp luật mà còn cả trong thực tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam vẫn vươn lên trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Theo đánh giá của Oxfam (tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo), Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật và trong thực tiễn. Tính đến hết tháng 3-2014, Việt Nam đã ban hành 501 văn bản pháp luật chính sách liên quan đến giảm nghèo, trong đó có 188 văn bản đang có hiệu lực,... Với nhiều phương thức vì dân, được thực hiện chủ động, sáng tạo, đến nay, tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam đã giảm từ 58% năm 1992 xuống còn 7,6% cuối năm 2013. Cùng với đó, nhóm xã hội dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi,... được Nhà nước và xã hội quan tâm đặc biệt. Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã xây dựng và triển khai “Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em”, với mục tiêu: xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng miền; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Việt Nam là một trong các nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước của LHQ về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và trên thực tế đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy quyền phụ nữ; trong đó, có xây dựng Luật Bình đẳng giới (năm 2006); “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới”,… Bộ luật Lao động sửa đổi (6-2012), quy định tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 04 tháng lên thành 06 tháng. Có thể khẳng định rằng, ở Việt Nam, vai trò, vị trí của phụ nữ ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 02 trong ASEAN). Theo thống kê năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ trọng người trên 65 tuổi đạt 7% tổng dân số, sớm hơn dự báo 06 năm. Năm 2009, Nhà nước ta đã ban hành Luật Người cao tuổi. Năm 2012, Việt Nam có Chương trình Quốc gia về người cao tuổi. Đến nay, công tác bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi đã được Nhà nước, gia đình và xã hội quan tâm đặc biệt. Nhiều cơ quan, tổ chức đã có sáng kiến thiết thực chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi, như: chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức thực hiện và đã khám, tư vấn miễn phí các bệnh về mắt cho trên 1,5 triệu người cao tuổi, với kinh phí gần 237 tỷ đồng, v.v.
Cùng với những thành tựu về bảo đảm QCN ở trong nước, với tư cách là quốc gia, nhất là thành viên của HĐNQ của LHQ, Việt Nam đã thực hiện nghiêm các nghĩa vụ quốc tế trên lĩnh vực QCN. Việt Nam đã nộp đầy đủ các báo cáo về các công ước mà Việt Nam đã tham gia, như: Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD); Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước về quyền của Trẻ em (CRC); Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW),… Hiện nay, Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, ký kết và đang xem xét tham gia một số công ước quốc tế về nhân quyền khác. Với tinh thần cầu thị, Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác với các cơ chế của LHQ và nhiều quốc gia về QCN. Tháng 7-2010 – 11-2011, Việt Nam đã đón bốn Thủ tục đặc biệt của HĐNQ của LHQ. Việt Nam đã gửi lời mời chính thức tới Báo cáo viên đặc biệt về quyền giáo dục và Báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực. Tháng 11-2013, Việt Nam đã đón Báo cáo viên đặc biệt về quyền văn hóa. Hiện nay, Việt Nam đang và sẽ xem xét mời Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng,… Trong phạm vi khu vực, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR). Đến nay, Việt Nam đã thiết lập các cơ chế đối thoại song phương thường kỳ về QCN với một số nước và đối tác, như: Mỹ, EU, Úc, Na Uy, Thụy Sỹ.
Theo cơ chế của HĐNQ, LHQ, tất cả các quốc gia có trách nhiệm đệ trình “Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát Định kỳ phổ quát (UPR)” lên Hội đồng. Sau gần 05 tháng kể từ khi Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR của HĐNQ, LHQ, khóa 26 (ngày 07-02-2014), tại phiên họp của Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng tại Giơ-ne-vơ, Thụy sĩ, ngày 20-6-2014, Hội đồng đã chính thức thông qua UPR (chu kỳ II) của Việt Nam. Nhân dịp này, Trưởng đoàn Việt Nam cho biết: trong phiên họp lần thứ 18 của Nhóm làm việc về UPR ngày 05-02-2014, Việt Nam đã có một cuộc đối thoại tích cực và xây dựng với 106 quốc gia và nhận được tổng cộng 227 khuyến nghị. Trong đó, Việt Nam đã chấp nhận 182 khuyến nghị, chiếm 80,17%. Xuất phát từ bản chất của chế độ XHCN, với tư cách là thành viên của HĐNQ, Việt Nam đã nhanh chóng thành lập nhóm công tác liên bộ để xem xét, xử lý kịp thời tất cả các ý kiến và khuyến nghị từ các quốc gia khác nhau. Chính phủ Việt Nam đã thông qua báo cáo toàn diện về danh sách các khuyến nghị chấp nhận và đã giao 13 bộ ngành và các cơ quan Chính phủ liên quan với nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện các khuyến nghị đó. Điều này được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
Ngày nay, cộng đồng quốc tế đánh giá thành tích bảo đảm QCN không chỉ dựa vào báo cáo “định tính” của các quốc gia, mà còn thông qua số liệu, các phiên bảo vệ báo cáo quốc gia và sự giám sát của các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ. Cho nên, những nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền với tư cách là thành viên HĐNQ của LHQ là không thể phủ nhận. Việt Nam hoàn toàn xứng đáng là thành viên HĐNQ của LHQ. Mọi luận điệu đi ngược lại những điều trên đều không thể đánh lừa được nhân dân ta, cộng đồng quốc tế và nhất định sẽ bị bác bỏ.
BẮC HÀ
nhân quyền,liên hợp quốc
“Phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản” - Luận điệu xuyên tạc vô căn cứ 16/04/2025
“Không có gì mới trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng” - luận điệu sai trái cần đấu tranh bác bỏ 13/03/2025
Cảnh giác với những lời kêu gọi thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam 06/03/2025
Thành tựu phát triển của đất nước bác bỏ mọi sự xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng 28/02/2025
Làm phá sản mọi chiêu trò chống phá công tác nhân sự đại hội của Đảng 17/02/2025
Bác bỏ mọi xuyên tạc về quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam 13/02/2025
Không thể xuyên tạc, phủ nhận vai trò của các cơ quan dân cử ở nước ta 22/01/2025
Không thể xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước 20/01/2025
Bác bỏ luận điệu phủ nhận vai trò của công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại 16/01/2025
Kiên quyết đấu tranh phản bác luận điệu tuyệt đối hóa vũ khí công nghệ cao, phủ nhận đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng 10/01/2025
“Phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản” - Luận điệu xuyên tạc vô căn cứ