Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Tư, 06/11/2013, 10:10 (GMT+7)
Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc

Với sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân, những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên con đường thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nền dân chủ XHCN ngày càng được củng cố và phát triển; quyền con người, quyền công dân được đảm bảo tốt hơn... Điều đó khẳng định, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò của một thành viên có trách nhiệm trong cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc.

Vào đầu thế kỷ XX, tư tưởng dân chủ và quyền con người (QCN) còn rất mới mẻ đối với các dân tộc thuộc địa, nhưng là một “lực hấp dẫn” với người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Với thiên tài trí tuệ, sự nhạy cảm về những vấn đề chính trị mới của thời đại (trong đó có cách mạng XHCN, cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa,…) và những giá trị chung của loài người (trong đó có QCN), Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm con đường giành quyền tự quyết, độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Người đã đi khắp “năm châu, bốn bể” và đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc; đồng thời, cùng Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) lãnh đạo nhân dân kiên trì thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, từng bước xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm ngày càng tốt hơn các QCN.

Ngày 02-9-1945, thay mặt toàn thể nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập. Sau khi trân trọng trích lại Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, Người đã khẳng định quyền dân tộc tự quyết của dân tộc ta, tính chất dân chủ và QCN của nước Việt Nam mới, nhà nước do Đảng CSVN lãnh đạo. Người tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”1. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện các quyền công dân và QCN của nhân dân ta.

Là chế độ tôn trọng con người, trước khi là thành viên của Liên hợp quốc (ngày 20-9-1977), Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế (nội dung cũng mang tính nhân quyền), như: Công ước Giơ-ne-vơ về bảo vệ thường dân trong chiến tranh (năm 1957), Công ước Giơ-ne-vơ về đối xử với tù nhân trong chiến tranh (năm 1957),… Năm 1982, Việt Nam gia nhập hai Công ước quốc tế cơ bản về QCN: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966).

Phiên đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và Na-uy, ngày 29-11-2012
(Nguồn: btgcp.gov.vn)

Tôn trọng, bảo đảm quyền công dân, QCN là bản chất của chế độ ta. Việc nâng cao sự thụ hưởng các QCN của người dân là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta, không tùy thuộc vào áp lực của bất cứ thế lực nào. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta khẳng định: Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ; trong đó, quyền làm chủ trực tiếp của người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Để thực hiện điều đó, Ban Bí thư Trung ương (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị 30-CT/TW về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Văn kiện này quy định quyền được thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hằng ngày của nhân dân. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/1998/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan Chính phủ, bảo đảm quyền được biết, được bàn, được kiểm tra và quyết định những vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội,… của người dân. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý để phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Đảng và Nhà nước ta nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.

Trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quan điểm nhất quán của Đảng CSVN là: Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong từng chính sách phát triển; tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, giúp đỡ mọi thành viên xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương. Để bảo đảm hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý đất nước, xã hội của cơ quan nhà nước và công dân, nhiều bộ luật, luật sửa đổi và luật mới được ban hành dựa trên các nguyên tắc: Tôn trọng con người, QCN; dân chủ XHCN; nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tôn trọng và bảo đảm QCN là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong các giai đoạn cách mạng. Tuy nhiên, đến thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), dựa trên tư duy mới về xã hội XHCN, việc bảo đảm các quyền công dân và QCN mới ngày càng toàn diện hơn. Trong các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (từ Đại hội VI đến Đại hội XI), Đảng và Nhà nước ta luôn đặt vấn đề bảo đảm các quyền dân  sự, chính trị, nâng cao dân trí, hưởng thụ văn hóa, gắn liền với bảo đảm các quyền về kinh tế, xã hội của nhân dân. Đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, người nghèo là đối tượng được chăm lo hàng đầu. Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006 - 2010), ngân sách Trung ương đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng, trong đó, các tổ chức quốc tế hỗ trợ 350 triệu đô-la; xây dựng được gần 13.000 công trình hạ tầng thiết yếu, như: điện, đường, trường, trạm ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực. Đến hết năm 2010, các huyện nói trên đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, với 73.418 căn nhà (đạt 94,58% kế hoạch). Hiện nay, chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ đang được triển khai tích cực ở nhiều địa phương, nhằm trợ giúp cho công nhân, người thu nhập thấp và sinh viên.

Đối với việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, cho đến nay, quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin (được xem là nhóm quyền cơ bản và nhạy cảm) đã đạt được những thành quả to lớn. Ngoài Luật Báo chí, khẳng định quyền tự do ngôn luận của người dân, Nhà nước đã ban hành quy định: các cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm định kỳ và khi cần phải cung cấp thông tin cho báo chí. Các cơ quan truyền thông của Việt Nam phát triển nhanh chóng và phát huy tốt vai trò trong đời sống xã hội. Đến nay, cả nước có hơn 700 cơ quan báo chí với hơn 850 ấn phẩm; 68 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, hơn 80 báo điện tử, hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp và blog. Ngoài ra, người dân Việt Nam còn được tiếp cận với nhiều hãng thông tấn, báo chí, các kênh truyền hình nước ngoài, như: Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN…, các trang mạng như: Google, Facebook, Twitter, MySpace, CafeMom,… Hội Nhà báo Việt Nam có hơn 17.000 thành viên. Tốc độ phát triển in-tơ-nét ở Việt Nam được xếp hạng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và có giá cước vào loại rẻ nhất thế giới. Đây là một điều kiện bảo đảm quyền tự do thông tin không dễ gì có được đối với một nước nghèo. Thực tế cho thấy, báo chí Việt Nam không chỉ thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước đến với nhân dân, mà còn đóng góp lớn trong việc phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, cơ quan, tổ chức, chính quyền cơ sở; sự thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức…, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh. Điều này đã hoàn toàn bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vu cáo cho rằng ở Việt Nam không có tự do báo chí!

Trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, có thể khẳng định rằng, trong lịch sử Việt Nam, chưa có thời kỳ nào các tôn giáo được đối xử công bằng, bình đẳng và phát triển tự do như dưới chế độ xã hội XHCN. Xuyên suốt từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1992 và mới đây trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Nhà nước ta đều quy định công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, có quyền theo hoặc không theo tôn giáo. Quan điểm nhất quán của Đảng CSVN là: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”2. Trên thực tế, với môi trường chính trị, pháp lý minh bạch, đúng đắn, các tôn giáo ở Việt Nam đã có điều kiện thuận lợi cho hoạt động theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cả nước, riêng 06 tôn giáo lớn (gồm: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, Hồi giáo), có hơn 20 triệu tín đồ, chiếm khoảng 25% dân số Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ tăng giáo dân tương tự tỷ lệ tăng dân số; cả nước có hơn 66 nghìn chức sắc tôn giáo, hơn 22 nghìn cơ sở thờ tự; các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo ở các cấp học, như: Học viện Phật giáo, Chủng viện Thiên chúa giáo, Viện Thánh kinh Thần của đạo Tin lành,… đã và đang hoạt động với sự giúp đỡ của chính quyền các cấp. Điều đó chứng tỏ, các tôn giáo ở Việt Nam có điều kiện và đang phát triển tốt đẹp; đồng thời, là minh chứng rõ ràng nhất phản bác luận điệu cho rằng: ở Việt Nam các tôn giáo bị kỳ thị, không được tự do hoạt động!

Đối với cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc, Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, luôn thể hiện là một thành viên có trách nhiệm. Kể từ khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Việt Nam đã nội luật hóa các công ước quốc tế mà mình đã tham gia. Đó là: Luật Bảo vệ sức khỏe người dân (năm 1989), Luật Giáo dục (năm 1998), Luật Đất đai (năm 2003), Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2006), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (năm 2006), Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2005), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007), Luật Bình đẳng giới (năm 2011),... Các luật trên đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua, lần đầu tiên đã có một chương quy định về QCN, quyền và nghĩa vụ công dân, mà ở đó các quyền công dân, QCN về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được ghi nhận đầy đủ, tương thích với các công ước quốc tế về QCN. Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về QCN. Điều đó đã khẳng định: hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã tương thích với hệ thống công ước quốc tế về QCN của Liên hợp quốc.

Cùng với đó, trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại về QCN của Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc: Nhất quán, tích cực, có trách nhiệm và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về QCN. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia, đóng góp xây dựng và có trách nhiệm trên nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có lĩnh vực QCN. Việt Nam đã và đang phấn đấu thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ và tích cực phối hợp với cộng đồng quốc tế kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo, xây dựng lòng tin chiến lược. Việt Nam rất coi trọng cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ và đã thực hiện nghiêm túc Báo cáo kiểm điểm lần đầu ngày 08-5-2009. Nhiều đại biểu tham gia hội nghị đã đánh giá cao báo cáo của Việt Nam về tính khách quan, trung thực và những sáng tạo của Việt Nam trong việc bảo đảm QCN trong điều kiện của quốc gia đang phát triển. Việt Nam cũng đã chấp thuận và nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị trong kiểm điểm đợt 01, nhằm tăng cường đối thoại theo cơ chế “Thủ tục đặc biệt”. Từ tháng 7-2010 đến nay, Việt Nam đã đón 04 đại diện Thủ tục đặc biệt của Liên hợp quốc về các vấn đề: Dân tộc thiểu số; về đói nghèo cùng cực và nhân quyền; về quyền được chăm sóc y tế. Thời gian tới, Việt Nam sẽ đón các đại diện Thủ tục đặc biệt về Quyền giáo dục, Quyền có lương thực, Quyền văn hóa như đã cam kết trong các công ước quốc tế về QCN; đồng thời, sẽ tiếp tục xem xét đón thêm một số đại diện Thủ tục đặc biệt khác. Hiện nay, Liên hợp quốc có 06 tổ chức đang có mặt ở các quốc gia, gồm: Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Chương trình Tình nguyện viên Liên hợp quốc (UNV), Chương trình Liên hợp quốc về phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS) và Quỹ Liên hợp quốc về sự Phát triển của Phụ nữ (UNIFEM). Để thực hiện sáng kiến “Một Liên hợp quốc”, nhằm phối hợp giữa các tổ chức này một cách hiệu quả, Liên hợp quốc đã chọn Việt Nam là một trong 08 quốc gia thực hiện thí điểm. Từ cuối năm 2005, Việt Nam đã nhanh chóng thành lập các nhóm công tác theo chuyên đề để hỗ trợ thực hiện sáng kiến trên. Chính phủ đã thực hiện tốt giai đoạn 01 của chương trình thực hiện sáng kiến này và được các quốc gia đánh giá cao về tính chủ động, sáng tạo. Điều này, một lần nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Việt Nam đối với Liên hợp quốc. Trong quan hệ song phương, Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác, đối thoại về QCN với nhiều quốc gia; có cơ chế đối thoại nhân quyền hằng năm với nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, EU, Thụy Sỹ,… Việt Nam cũng đã có những đóng góp thiết thực để tăng cường hợp tác về QCN trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); nhất là, trong quá trình thành lập và hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, được thông qua trong Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Phnôm Pênh (tháng 11-2012). Trong quan hệ với Hoa Kỳ, QCN là một vấn đề xuyên suốt các thời kỳ lịch sử. Không phủ nhận rằng, đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn nhiều khác biệt về nhận thức, quan điểm cụ thể, nhưng thông qua các cuộc đối thoại, cả hai bên đã thể hiện thẳng thắn, cởi mở quan điểm của mình.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang phải đối diện với sự chống phá quyết liệt của những người mang quan điểm nhân quyền một cách cực đoan, cường quyền. Họ mưu toan lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền nhằm lật đổ chế độ xã hội và Nhà nước hiện hữu, buộc Việt Nam chuyển sang mô hình dân chủ, nhân quyền “ngoại nhập”. Họ xuyên tạc, vu cáo: Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, bắt bớ bỏ tù những người được gọi là “bất đồng chính kiến”, trong đó có các blogger; Việt Nam đối xử tàn bạo với các tôn giáo với bằng chứng là những vụ xét xử 14 người có đạo ở Nghệ An, 20 người ở Phú Yên hoặc đạo “Hà Mòn" ở Tây Nguyên. Mới đây, họ đã cố tình “đánh lận con đen” đồng nhất việc Việt Nam xử lý các công dân vi phạm luật pháp với đàn áp tôn giáo, nhân vụ giáo dân gây rối ở giáo họ Trại Gáo, giáo xứ Mỹ Yên (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Những tổ chức, cá nhân này bị tòa án xét xử, trừng phạt không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, mà vì họ làm mất trật tự, an toàn xã hội, vi phạm an ninh quốc gia. Trên thế giới, pháp luật của bất cứ quốc gia nào cũng phải đồng thời bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nhân quyền và chế độ xã hội. Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có một số điều, như Điều 88: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”; Điều 258: “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước…”; Điều 79: “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”;… nhằm xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến chế độ xã hội là điều đương nhiên và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Với những căn cứ lý luận, lịch sử và thực tiễn trên, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc và hoàn toàn xứng đáng không chỉ là ứng cử viên, mà còn là một thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc khóa 2014 – 2016.

Giảng viên cao cấp, TS. CAO ĐỨC THÁI

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người,

Học viện CT – HC Quốc gia Hồ Chí Minh
__________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 4.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 81.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.