Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 12/12/2011, 14:37 (GMT+7)
Về kết cục của cuộc chiến ở Li-bi

    Khác với các cuộc chiến tranh mà NATO đã và đang trực tiếp can dự, như chiến tranh Nam Tư (năm 1999), chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (năm 2001), trong cuộc chiến tranh ở Li-bi vừa qua, NATO chủ yếu dùng chiến thuật không kích, dưới danh nghĩa thiết lập "vùng cấm bay" trên bầu trời Li-bi và hỗ trợ lực lượng nổi dậy, nhưng đã giành được thắng lợi, lật đổ Chính quyền của Tổng thống Ca-đa-phi. Vậy, nguyên nhân chính nào đã làm cho chính quyền của Tổng thống Ca-đa-phi bị thất bại?

alt
Vũ khí bị vứt lại trên sa mạc Li-bi - nguồn: internet

Theo giới phân tích quốc tế của nhiều nước, trong rất nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, cả trực tiếp và gián tiếp,... dẫn đến thất bại của Chính quyền Tổng thống Ca-đa-phi, thì nguyên nhân cơ bản, cốt lõi nhất chính là những yếu kém của bộ máy cầm quyền Li-bi trong điều hành đất nước trên các lĩnh vực: quân sự, chính trị, kinh tế và đối ngoại,... Điều đó khiến cho họ không thể phát huy được sức mạnh tổng thể lớn nhất cho cuộc chiến đối đầu với NATO và phe nổi dậy.  

Trong lĩnh vực quân sự: Quân đội Li-bi có hơn 100.000 quân, với khoảng 400 máy bay chiến đấu, hơn 2.000 xe tăng, khoảng 500 pháo phòng không và các loại vũ khí khác. Đa số các vũ khí, trang bị này của Quân đội Li-bi là các loại lạc hậu. Quân đội Li-bi tổ chức thành 4 quân khu, các đơn vị chiến đấu bộ binh, bộ binh cơ giới, các đơn vị binh chủng (tăng - thiết giáp, đặc công, trinh sát, an ninh,...), bố trí chủ yếu ở các thành phố lớn. Trong số đó, 8 tiểu đoàn tên lửa S.200 (có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 250 km), Lữ đoàn vệ binh 32 (khoảng 10.000 đến 12.000 quân), do con trai ông Ca-đa-phi chỉ huy, được cho là các lực lượng tinh nhuệ, hiện đại hơn cả. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, với diện tích trên 1,8 triệu km2; trong đó, khoảng 90% là xa mạc, cách tổ chức và bố trí các đơn vị chiến đấu của Quân đội Li-bi chủ yếu là để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu (các trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự,...) và đảm bảo an ninh nội địa. Việc bố trí đó chưa tạo được thế chiến lược vững chắc, đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước, chống xâm lược trong điều kiện chiến tranh hiện đại, nhất là để đối phó với tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của NATO. Do vậy, ngay trong tuần đầu tiên của chiến dịch "Bình minh Odyssey", quân đội NATO đã làm chủ bầu trời và gây thiệt hại nặng cho Quân đội Li-bi. Mặt khác, vì hạn chế, yếu kém và có thể là do bị chế ngự bởi Nghị quyết 1973 về "lập vùng cấm bay" trên bầu trời Li-bi của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nên trong suốt quá trình chiến tranh, lực lượng Phòng không - Không quân của Quân đội Li-bi hầu như không phát huy được vai trò gì trong bảo vệ bầu trời của đất nước. Vì thiếu lực lượng bảo vệ đường không hiệu quả trước các đòn tiến công đường không của NATO, các đơn vị bộ binh của Quân đội Li-bi tổ chức tác chiến trong thế bị động, không tạo được ưu thế áp đảo để đè bẹp quân nổi dậy, dù lực lượng này có quân số và phương tiện kém hơn. Hơn nữa, trong nhiều thời điểm, lực lượng không quân của NATO (với hơn 100 máy bay chiến đấu) lâm vào thế bị động, lúng túng, do nội bộ mâu thuẫn, thiếu máy bay, bom, tên lửa, nhưng giới lãnh đạo quân sự của Li-bi cũng không tranh thủ được "thời cơ" để hoạch định các chủ trương, giải pháp hữu hiệu, nhằm giành quyền chủ động trên chiến trường, thực hiện các đòn quyết chiến chiến lược giành thắng lợi. Vì không giành được chủ động, Quân đội Li-bi buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh lâu dài. Trong thế giằng co, lại bị bao vây, cô lập hoàn toàn, lượng dự trữ vật chất chiến đấu ngày càng cạn kiệt, Quân đội Li-bi dần rơi vào thế yếu, rồi bị lực lượng nổi dậy (được NATO trợ giúp) đánh bại trên các mặt trận. Một yếu kém chí tử làm giảm sức chiến đấu của Quân đội Li-bi là ý chí và tinh thần chiến đấu của binh lính không cao. Điều đó thể hiện rất rõ trong những chiến dịch then chốt, nhất là chiến dịch phòng thủ thủ đô Tri-pô-li, nhiều đơn vị vốn được coi là thiện chiến và trung thành cũng đã đào ngũ, quay lại chống Chính quyền Ca-đa-phi. 

Trong lĩnh vực chính trị: lên nắm quyền năm 1969 trong một cuộc đảo chính quân sự, Ca-đa-phi đã trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu năm nhất ở khu vực Bắc Phi. Trong suốt 42 năm cầm quyền, Ca-đa-phi đã thực hiện chính sách, mà nhiều người cho là chuyên quyền, độc đoán, dựa trên một bộ máy nhà nước theo kiểu gia đình trị, hà khắc, thiếu các chế tài pháp luật và các thể chế chính trị được nhân dân bầu lên... Trong một cấu trúc xã hội Li-bi mang nặng tính bộ lạc, với những mâu thuẫn phức tạp, đan xen, điều đó tuy đã giúp Ca-đa-phi duy trì và bảo vệ quyền lực của mình; nhưng cũng đồng thời gây ra tình trạng đất nước bị chia rẽ, nuôi dưỡng và khơi sâu mâu thuẫn, hận thù giữa các phe phái, bộ tộc và ngay trong nội bộ Chính quyền Li-bi...  Vậy nên, khi cuộc "cách mạng hoa nhài" bùng nổ ở Tuy-ni-di (01-2011), đã ngay lập tức gây tác động đến Li-bi. Nó như tia lửa châm ngòi nổ cho làn sóng biểu tình mạnh mẽ của người dân ở hàng loạt thành phố để chống lại Chính quyền Ca-đa-phi - chính quyền mà nhiều người gọi là "cổ hủ, tham nhũng, ruỗng nát". Hơn nữa, việc hàng loạt quan chức chủ chốt trong chính phủ quay sang hàng ngũ của phe đối lập, không chỉ phản ánh sự rạn nứt trong bộ máy, gây tâm lý hoang mang trong xã hội,... mà còn là dấu hiệu cảnh báo về sự sụp đổ khó tránh khỏi của chính quyền Ca-đa-phi.

Trong lĩnh vực kinh tế, xã hội: Điều không thể phủ nhận là trong giai đoạn cầm quyền, Ca-đa-phi đã có công xây dựng Li-bi trở thành một đất nước phát triển thịnh vượng vào hàng bậc nhất ở khu vực Bắc Phi. Tuy nhiên, cũng như các quốc gia dầu lửa khác ở khu vực, nền kinh tế của Li-bi phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ ngành công nghiệp chính là khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. Những thập kỷ gần đây, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của Li-bi, nguồn thu giảm, tình trạng thất nghiệp tăng cao. Theo một thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Li-bi lên đến gần 50%. Mặt khác, việc phân phối các thành quả lao động và chính sách an sinh xã hội, tuy được đánh giá là tiên tiến; nhưng, chủ yếu là để phục vụ cho tầng lớp quan chức và những bộ lạc thân cận của Chính quyền, còn đa số người dân lao động thì vẫn sống trong nghèo khó. Tình trạng phân hóa giầu nghèo ngày càng lớn, bất bình đẳng, bất công,... gây bức xúc, nhức nhối âm ỉ trong các giai tầng xã hội, nhất là tầng lớp thanh niên, người lao động nghèo khó. Do vậy, khi có biến động chính trị, một bộ phận dân chúng đã đứng về phe đối lập để chống đối Chính quyền. Điều đó khiến cho Chính quyền Ca-đa-phi thất bại trong việc tập hợp lực lượng, đoàn kết, thống nhất các giai tầng xã hội và nhân dân, nhằm tạo sức mạnh tổng thể để đối phó với chiến tranh.

Trong lĩnh vực đối ngoại: Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, cuộc chiến ở Li-bi vừa qua là cuộc chiến giải quyết ân oán giữa một bên là Mỹ -phương Tây và một bên là Chính quyền Ca-đa-phi. Mọi người đều biết, quan hệ giữa Li-bi và phương Tây vốn "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Mỹ đã từng liệt Li-bi vào danh sách các nước khủng bố và đã tiến hành cuộc tiến công đường không chớp nhoáng để tiêu diệt ông Ca-đa-phi vào năm 1986, nhưng không thành. Những năm gần đây, ông Ca-đa-phi đã có những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây, như tuyên bố nhận trách nhiệm và đền bù cho các nạn nhân vụ Lốc-cơ-bít, chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân,... Những nhượng bộ đó của Li-bi đã giải tỏa phần nào căng thẳng giữa nước này với Mỹ; một số nước phương Tây cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế với Li-bi. Nhưng, theo nhiều nhà bình luận, việc ông Ca-đa-phi chủ trương thành lập một liên minh thống nhất giữa thế giới A-rập và châu Phi, kiên quyết không chịu tham gia vào Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) của Mỹ, nên Mỹ vẫn coi Li-bi như "cái gai" cản trở tham vọng chiến lược của Mỹ ở khu vực và trên thế giới, cần phải loại bỏ. Mặt khác, vốn là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn hàng thứ 9 thế giới, dầu mỏ có chất lượng cao, có địa - chiến lược quan trọng, nên Li-bi cũng là "miếng mồi ngon" mà Mỹ cần phải chiếm lấy trong chiến lược năng lượng toàn cầu của mình. Vì vậy, khi Chính quyền Ca-đa-phi sử dụng vũ lực đàn áp những người đối lập trong các cuộc biểu tình, ngay lập tức, mượn danh "nhân đạo", "bảo vệ người dân đang bị Ca-đa-phi đàn áp",  Mỹ và phương Tây đã gây sức ép buộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết 1973 về "lập vùng cấm bay" để trực tiếp can thiệp quân sự, nhằm lật đổ Chính quyền của Tổng thống Ca-đa-phi. Nhiều người cho rằng, việc sử dụng vũ lực để đàn áp phe đối lập là cái sai lớn nhất, cái sai "chết người" của Ca-đa-phi. Nó không chỉ cho phép Mỹ và phương Tây tạo được "cái cớ" để hợp pháp hóa việc can thiệp quân sự vào Li-bi, mà còn khiến Ca-đa-phi vô hình chung tự đẩy mình vào thế bị cô lập với quốc tế. Điều đó cũng không cho phép Ca-đa-phi tranh thủ được nguồn lực bên ngoài thông qua sự hỗ trợ, hợp tác quốc tế cho cuộc chiến chống NATO. 

Các khiếm khuyết, yếu kém trên đan xen, tương tác lẫn nhau, làm cho Chính quyền Ca-đa-phi không thể tạo dựng được cơ sở nền tảng cần thiết về kinh tế, văn hóa, chính trị, tinh thần, quân sự, đối ngoại cho công cuộc giữ nước; dẫn đến việc bị thiếu và yếu cả về "thế", "lực" và "thời" trong cuộc chiến đối đầu với NATO, là một tất yếu khách quan. Quy luật của chiến tranh là "mạnh được, yếu thua". Phân tích toàn cục cuộc chiến tranh ở Li-bi, chuyên gia quân sự nhiều nước cho rằng, NATO chiến thắng chưa hẳn vì NATO mạnh, mà vì Chính quyền Ca-đa-phi quá yếu.

MINH ĐỨC

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.