Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 05/04/2012, 16:30 (GMT+7)
Về cái gọi là “Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2012”

Ngày 07 tháng 3 năm 2012, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ đã thông qua cái gọi là “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012” (The Vietnam Human Rights Act of 2012) do Tiểu ban về Châu Phi, Y tế toàn cầu và Nhân quyền trình lên. Đây là một Dự luật sai trái, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam và hoàn toàn đi ngược lại xu thế phát triển quan hệ giữa hai nước cũng như lợi ích của hai quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ.


Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, “Dự Luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012” sẽ được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ trình ra Hạ viện. Nếu được Hạ viện thông qua, nó sẽ được đệ trình lên Thượng viện; khi được Thượng viện thông qua và Tổng thống phê chuẩn, Dự luật này sẽ có hiệu lực. Theo đó, viện trợ của Mỹ dành cho Việt Nam sẽ “bị hạn chế và ràng buộc vào các điều kiện về nhân quyền” và nước Mỹ cũng không cho phép tăng viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam lên trên mức hiện nay, nếu như không dùng viện trợ đó để cải thiện nhân quyền và dân chủ. Dự luật còn đòi hỏi “Việt Nam phải đưa ra được những tiến bộ vượt bậc trong việc cải thiện luật pháp để ngăn chặn việc hình sự hóa các hoạt động dân chủ”. Đặc biệt, Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải định kỳ báo cáo lên Hạ viện về “tiến trình cải thiện nhân quyền ở Việt Nam”, v.v. và v.v.

Vào đầu năm nay (ngày 25-01), ông Crít Xmít (Chris Smith), Chủ tịch Tiểu ban về Châu Phi, Y tế toàn cầu và Nhân quyền - người bảo trợ Dự luật, đã có buổi điều trần về Dự luật này. Tại buổi điều trần, ngoài đại biểu của Tiểu ban trên, còn có những gương mặt đã có nhiều hành động chống nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, như: cựu dân biểu Cao Quang Ánh, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (Tổ chức Boat People SOS); Giám đốc Tổ chức Nhân quyền cho người Thượng; ông John Sifton (Tổ chức Human Rights Watch - một tổ chức sân sau  của các ông nghị chống Việt Nam tại Hạ viện). Bên cạnh đó, là “nhân chứng” Vũ Phương Anh, được giới thiệu là “nạn nhân” buôn người, với chứng cứ là Phương Anh “bị (Chính phủ Việt Nam) đưa đến một công xưởng ở Jordan - nơi mà theo bà ta nói, phải làm việc cả ngày lẫn đêm với tiền công ít ỏi”(!) Trong buổi điều trần, ông Crít Xmít còn nói “Chính quyền Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm tệ hại nhân quyền. Lời khai mà người ta nghe được đã xác nhận rằng, việc truy bức tôn giáo, chính trị và sắc tộc tiếp diễn và trong nhiều trường hợp còn tăng nhiều thêm, và rằng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục đón nhận những kẻ chuyên buôn người lao động cưỡng bức và mại dâm cưỡng bức”. Rồi ông ta răn đe: “Cần phải cho thấy, Hoa Kỳ gửi một thông điệp minh bạch tới chế độ Việt Nam rằng, họ phải ngừng vi phạm nhân quyền của các công dân của họ”(!).

alt
Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo, bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số
 

Trước khi bàn về cái gọi là “Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2012”, chúng ta hãy xem Hoa kỳ có tư cách phán xét về nhân quyền của các quốc gia khác hay không?

Cho dù Dự luật trên của Hoa kỳ chỉ có hiệu lực pháp lý đối với chính phủ Mỹ, nhưng trên thực tế, đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Bởi vì: Dự luật đã công khai đánh giá, nói đúng hơn là đã xuyên tạc tình hình nhân quyền của Việt Nam; bởi nó chỉ dựa vào những nguồn thông tin không khách quan, kích động những lực lượng chống đối chính quyền và phá hoại quan hệ của Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế… Theo đạo lý thông thường, người có quyền phán xét (hoặc tự phong) thì phải thật sự mẫu mực, hoặc chí ít thì cũng không có những chuyện tai tiếng trên lĩnh vực đó. Nhưng ngược lại, trên lĩnh vực nhân quyền thì Hoa kỳ không phải là một mẫu mực cho nước khác. Tạm gác lại “thành tích” nhân quyền trong lịch sử mà thế hệ người Mỹ ngày nay (như ông Crít Xmít) không phải chịu trách nhiệm (như họ đã thực hiện chiến lược diệt chủng đối với người Da đỏ). Nhưng, những tội ác mang tính diệt chủng mà họ gây ra đối với nhân dân Việt Nam (mà nạn nhân vẫn còn đang sống) thì không thể làm ngơ. Những người Mỹ có lương tri đều hiểu rằng, trách nhiệm về nhân quyền đối với Việt Nam hiện nay không chỉ là về đạo lý, mà còn cả về chính trị và kinh tế. Có người còn chỉ rõ, Hoa Kỳ đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” như một chiến lược trên lĩnh vực nhân quyền. Ngay sau khi Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật này, ngài Eni Faleomavaega, Hạ nghị sĩ - một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Mỹ ngày 08-3 rằng: “Điều mà tôi không đồng tình với Dự luật này là tại sao chúng tôi lại cứ coi Việt Nam như là một nước duy nhất vi phạm nhân quyền. Quan điểm của tôi là Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức để đưa người dân thoát ra khỏi những vi phạm về nhân quyền đó, cũng như đã cố gắng để giải quyết những vấn đề này. Tôi cho rằng, mọi chính phủ đều có cùng một nỗ lực như vậy, nhưng chúng tôi đã cố áp đặt một tiêu chuẩn kép đối với Việt Nam. Điều mà tôi muốn nói là tại sao chúng ta lại tách riêng Việt Nam và áp dụng một tiêu chuẩn khác trong khi các chính phủ khác cũng có những vấn đề tương tự. Chẳng lẽ là vì người Việt Nam xấu xa? Chắc chắn là không. Tôi nhận thấy rằng, Chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng để khắc phục. Trong khi đó, chính ở Mỹ cũng có những vi phạm về nhân quyền. Ở Mỹ cũng có vấn đề buôn người, giống như ở Việt Nam hay bất cứ nước nào khác, từ châu Phi, châu Âu. Lập luận của tôi là các anh đang áp đặt một thứ tiêu chuẩn kép”1. Ngày 16 tháng 8 năm 1999, Báo Chicago Tribune đã đăng bài bình luận: "Hoa Kỳ xuất cảng: bom, súng và đạo đức giả" (U.S exports: Bombs, guns and hypocrisy) của Salim Muwakhil; trong đó viết: “Hoa Kỳ đứng đầu trong số lượng bán vũ khí trên hoàn cầu, chiếm hơn 55% thị trường. Hoa Kỳ bán vũ khí cho những quốc gia đối đầu nhau như Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, E-thi-ô-pia và E-ri-tơ-ria, A rập Xê út và It-xra-en, Ấn Độ và Pa-ki-xtan; đưa vũ khí vào các điểm nóng trên thế giới như Sri Lan-ka, In-đô-nê-xi-a, Cô-lôm-bi-a, Trung Đông và Đông Phi”. Thử hỏi, tiếp tay cho các cuộc bắn giết lẫn nhau giữa các quốc gia, liệu có phải là vì nhân quyền không? Còn ở chính nước Mỹ, có người viết: “theo công bố của chính phủ (Mỹ), tội ác (ở Mỹ) chiếm nhiều nhất (thế giới), nếu tính theo tỷ lệ dân số”. Như vậy, Hoa Kỳ hoàn toàn không có tư cách để phán xét chuyện nhân quyền của nước khác, nhất là đối với Việt Nam, một đất nước mà món nợ nhân quyền của họ còn rất lớn.

Trở lại “Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2012”.

Trước hết về phương diện chính trị. “Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2012” đã đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc tự quyết trong quan hệ quốc tế đương đại. Điều này đã được Hiến chương Liên hợp quốc ghi nhận. Trong Điều I của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966), đã quy định rằng: “Các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị…” của mình. Điều đó có nghĩa là, mỗi quốc gia - dân tộc có quyền lựa chọn chế độ TBCN hay XHCN; thể chế đa đảng hay độc đảng. Việc xây dựng hiến pháp và hệ thống pháp luật như thế nào là quyền của mỗi quốc gia - dân tộc, mà không có bất cứ quốc gia nào, một lực lượng chính trị nào có quyền áp đặt, kể cả Liên hợp quốc.

Có thể nói, không có căn cứ nào để khẳng định pháp luật Việt Nam “hình sự hoá các hoạt động dân chủ”. Thiết tưởng, chỉ có những người hồ đồ hoặc lấy quan điểm chủ quan của mình để đưa ra nhận xét “đổi trắng, thay đen” như vậy. Nếu thật sự là nhà chính trị có tâm, có tầm, ông Crít Xmít phải hiểu rằng: những quy định nào đó của Việt Nam về điều mà ông gọi là “hình sự hóa hoạt động dân chủ”, hay như người ta thường nói là trừng phạt những hoạt động “bất bạo động” là căn cứ vào thẩm quyền của cơ quan quyền lực quốc gia (đó là quốc hội hoặc nghị viện) của mỗi nước.  Hiện nay, ở Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, các lực lượng đối lập, chống chính phủ thường dùng thủ đoạn hoạt động “bất bạo động” để từng bước đi đến dùng vũ lực lật đổ nhà nước. Đây không phải là suy diễn, mà là một thực tế. Chẳng phải là, trong những lời khai của một số kẻ vi phạm pháp luật Việt Nam đã thừa nhận trước tòa án rằng, họ đã từng ra nước ngoài để dự lớp huấn luyện về hoạt động “bất bạo động” đó sao? Chính vì tôn trọng quyền bảo đảm an ninh quốc gia, mà cộng đồng quốc tế đã đồng thuận trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (năm 1966), cho phép các quốc gia có quyền đưa ra những hạn chế luật định đối với một số quyền, trong đó có quyền về tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp. Công ước này quy định, các quốc gia được đưa ra những hạn chế quyền “nhằm bảo đảm  an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng để bảo vệ sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc các quyền và tự do cơ bản của người khác”2.

Trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. “Dự luật nhân quyền Việt Nam năm 2012” đang đi ngược lại sự phát triển về nhiều mặt giữa hai quốc gia. Như các phương tiện thông tin đã đưa, ngày 10-11-2011, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19, tổ chức tại thành phố Honolulu, bang Hawaii (Mỹ), Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Tại cuộc trao đổi trên, Bà Ngoại trưởng khẳng định “Mỹ tiếp tục coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có việc nâng tầm quan hệ, hướng tới đối tác chiến lược”. Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng khẳng định “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Mỹ như một đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược”3. Gần đây, ngày 02-02-2012, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Kurt Campbell (Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương) đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo nhiều bộ, ngành của Việt Nam. Hai bên đã bày tỏ sự “hài lòng về những tiến triển sâu rộng của quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua, cả trong hợp tác song phương cũng như trên các diễn đàn đa phương, góp phần duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hai bên cũng đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”4. Như vậy, cái gọi là “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012” đã không đóng góp gì cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa kỳ, mà còn là vật cản trở, phá hoại sự phát triển quan hệ giữa hai quốc gia và những nỗ lực của Hoa kỳ trong xây dựng lòng tin với các nước tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Trên lĩnh vực kinh tế. Theo Dự luật này, viện trợ của Mỹ cho Việt Nam sẽ “bị hạn chế và ràng buộc vào các điều kiện về nhân quyền”. Như vậy, Dự luật đang làm ngược lại “Quyền phát triển” đã được cộng đồng quốc tế đồng thuận. Việc dùng biện pháp chính trị để hạn chế sự phát triển kinh tế của một quốc gia nghèo - đang phát triển là trái với tinh thần của quyền phát triển. Tất nhiên, trong thời đại ngày nay, sự phát triển của các dân tộc đều nằm trong mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau. Điều đó có nghĩa, nếu một quốc gia nào đó hạn chế một quốc gia khác thì họ cũng tự hạn chế sự phát triển của chính mình và ngược lại. Thực tế quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Hoa kỳ trong 10 năm qua (kể từ khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực vào ngày 10-12-2001), thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 1,5 tỷ đô-la lên hơn 20 tỷ đô-la5. Theo số liệu (công bố ngày 04-11-2011) của Hải quan Mỹ, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ trong năm 2011 tiếp tục tăng mạnh so với năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm đạt 11,3 tỷ đô-la, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2010 và xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đạt 2,7 tỷ đô-la, tăng 2,5%6. Như vậy, việc phát triển quan hệ giữa hai nước không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam, mà còn đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ.

Về mặt văn hóa ứng xử. Những quy định (nói cụ thể hơn đó là những đòi hỏi, hoặc những điều kiện mà Dự luật nêu ra), đặc biệt là ngôn từ của ông Crít Xmít trong buổi điều trần, khiến người ta liên tưởng đến việc Hoa Kỳ đang ra lệnh cho các chính quyền tay sai của họ trước đây. Ông nói “Hoa Kỳ đưa ra thông điệp”: Việt Nam “phải ngừng vi phạm nhân quyền của các công dân của họ”. Ông ta còn xúc phạm Quốc hiệu của một dân tộc khi gọi Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là “Chính quyền Cộng sản” - như cách nói hằn học của những “thuyền nhân”, không có công ăn việc làm, chuyên hành nghề chống cộng trên đất Mỹ. Ai cũng biết, cách gọi Nhà nước Việt Nam là Chính quyền Cộng sản có nguồn gốc từ thời kỳ Quân đội Mỹ xâm lược Việt Nam (1954 - 1975); đó là thời kỳ căng thẳng của chiến tranh lạnh giữa hai hệ thống TBCN và XHCN. Lẽ ra với tư cách một chính khách, một chính trị gia, ông Crít Xmít không nên sử dụng ngôn từ như thế, nhất là trong quan hệ quốc tế. Ông ta cần phải hiểu rằng, hàng trăm năm sống dưới chế độ thực dân - phong kiến và sự thống trị tàn bạo của CNĐQ, dân tộc Việt Nam không có quyền công dân và quyền con người. Những chính phủ được gọi là văn minh như Pháp, Mỹ lúc đó, chẳng hề quan tâm gì đến  quyền con người của nhân dân Việt Nam. Đây là một sự thật lịch sử không ai có thể phủ nhận. Có được quyền công dân và quyền con người như hiện nay, dân tộc Việt Nam đã phải đứng lên đấu tranh để giành lại quyền dân tộc tự quyết, quyền sống, quyền làm người của mình trong tay các thế lực đế quốc hung bạo, trong đó có Mỹ. Vậy có lẽ nào Chính phủ Việt Nam lại chà đạp lên quyền con người của công dân mình? Việc trừng phạt những kẻ vi phạm pháp luật quốc gia không có nghĩa là vi phạm nhân quyền; ngược lại, đó là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền con người của quảng đại quần chúng nhân dân và cho cả dân tộc. Chính phủ nào cũng phải làm như vậy, kể cả Hoa Kỳ. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam không phủ nhận hiện nay trong xã hội còn nhiều vấn đề cần giải quyết; trong đó, có tệ quan liêu, tham nhũng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân… ở nơi này hoặc nơi khác. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải là bản chất của chế độ xã hội XHCN và càng không phải là chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Do nhiều nguyên nhân, sự khác biệt nào đó về quan điểm, về pháp luật giữa Việt Nam và Hoa kỳ là hoàn toàn có thể hiểu được. Nếu hai bên có thiện chí, bằng những hành động cụ thể để hợp tác, giúp đỡ nhau như tiếp tục tìm kiếm hài cốt binh sĩ, tẩy rửa chất độc da cam, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh và đối thoại trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau thì hoàn toàn có thể thu hẹp dần sự khác biệt đó. Hơn nữa việc làm đó sẽ góp phần vào sự phát triển tốt đẹp mối quan hệ giữa hai dân tộc.

 

TRUNG THÀNH

                  

1 - Theo Truyền hình Việt Nam, Chương trình C - K – X, Thứ sáu, 09-3-2012, 08:35 GMT+7

2 - Viện nghiên cứu Quyền con người - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002,  tr. 259.

3 - Báo Quân đội nhân dân, ngày 12-11-2011, tr. 7.

4 - Báo Người Lao động, ngày 10-02-2012.

5 - Báo Giáo dục Việt Nam, ngày 09-12-2011. 

6 - Theo Vietnam+ 13-7-2011.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.