Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 26/05/2016, 08:42 (GMT+7)
Văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh - giá trị bất diệt

Sở dĩ hình ảnh Hồ Chí Minh sống mãi với non sông đất nước Việt Nam, thấm sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân tiến bộ trên thế giới, là vì những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp đã hội tụ và biểu hiện trong suốt cuộc đời hiến dâng cho cách mạng của Người.

Thực tiễn cho thấy, sức sống mãnh liệt của giá trị văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh đã thấm vào tinh thần dân tộc, hun đúc nên giá trị văn hóa, đạo đức Việt Nam và lan tỏa, hòa vào đời sống tinh thần của các dân tộc tiến bộ trên thế giới. Đó cũng là một trong những lý do Hồ Chí Minh trở thành chiến sĩ tiên phong, năng động, tích cực nhất trên thế giới, trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ấy vậy mà một số người - những kẻ thâm thù chủ nghĩa cộng sản, cố tình chống lại sự phát triển, tiến bộ của dân tộc Việt Nam vẫn xuyên tạc, bôi xấu Hồ Chí Minh. Họ chống Đảng, chống lại sự nghiệp cách mạng Việt Nam và chống cả những giá trị tốt đẹp mà Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời cho tiến bộ xã hội. Một trong những tiêu điểm chống đối rõ ràng nhất của chúng là “bôi đen” Hồ Chí Minh về văn hóa, đạo đức. Hành động ám muội, xấu xa, bỉ ổi của họ bấy lâu nay trên các diễn đàn, tán phát trên in-tơ-nét, chẳng khác những con bọ húc đầu vào núi, bởi giá trị văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh có sức sống bất diệt, là tài sản tinh thần vô giá không chỉ của dân tộc Việt Nam, mà còn của nhân loại tiến bộ.

1. Ở Hồ Chí Minh, “nhà văn hóa” trùm lên tất cả các danh vị khác. Thực tiễn cho thấy, có người được coi là anh hùng dân tộc nhưng không phải là nhà văn hóa và ngược lại. Hồ Chí Minh có cả “hai trong một”. Người đem văn hóa phổ vào mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nó: “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”1. Sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã minh chứng, văn hóa Hồ Chí Minh có trong chiến lược, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta; trong chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, văn hóa đó có cả trong tiếng “gầm đại bác” tiêu diệt quân thù ở Điện Biên Phủ; điệu hò của các chị, các anh dân công lội suối, băng rừng tiếp tế cho chiến trường; trong trận tiến công chiến lược làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975; trong tiếng học i, tờ của trẻ em khi cắp sách đến trường và cả trong cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại nghèo nàn và lạc hậu, v.v. Hồ Chí Minh đã mở ra một nền văn hóa mới cho dân tộc Việt Nam, huy động các tiềm năng vào việc xây dựng chế độ mới, làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam. Nhân loại đã, đang và sẽ phấn đấu cho một tương lai tươi sáng, trong đó có việc phát huy những giá trị tốt đẹp, đấu tranh chống lại những gì phản động, lạc hậu - sự nghiệp đó chính là sự nghiệp của văn hóa, mà lực lượng nòng cốt là những danh nhân văn hóa. Điều đó cắt nghĩa vì sao những danh nhân văn hóa thế giới đều là những vĩ nhân “đi trước thời đại”, có tầm nhìn xa trông rộng, nhãn quan của họ có thể nhìn xuyên thế kỷ, với tư chất một nhà văn hóa kiệt xuất. Hồ Chí Minh là một người như vậy.

Từ vai trò định hướng sự phát triển của văn hóa, Hồ Chí Minh đã khởi đầu xây dựng một nền văn hóa mới, theo hướng: “dân tộc, khoa học và đại chúng”. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và là sự thể hiện bản sắc, cốt cách dân tộc. Vận mệnh mỗi dân tộc luôn chịu sự chi phối, quy định bởi việc lựa chọn hướng đi. Hồ Chí Minh đã chọn cho dân tộc Việt Nam con đường: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - sự lựa chọn hợp quy luật của văn hóa. Nhờ sự định hướng đúng đắn ấy mà cách mạng Việt Nam đã huy động toàn bộ sức mạnh của dân tộc, cả quá khứ và hiện tại, kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo động lực tinh thần to lớn thúc đẩy đất nước ngày càng phát triển. Các thế lực thù địch thường xuyên tạc rằng, Hồ Chí Minh đã đem văn hóa ngoại lai - chủ nghĩa Mác – Lê-nin - du nhập vào Việt Nam, làm cho dân tộc Việt Nam chọn sai con đường phát triển. Lập luận của họ thật cũ rích, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa không còn, họ lấy những khó khăn hiện tại của phong trào cộng sản quốc tế để cho đó là sự thất bại của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Họ khoét sâu vào những hạn chế, khuyết điểm trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam để phủ nhận con đường mà Đảng, Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Nhưng họ không biết hay cố tình không biết rằng: quy luật phát triển tất yếu của các dân tộc trên thế giới là tiến lên chủ nghĩa xã hội, mặc dù con đường đó đối với mỗi dân tộc không bằng phẳng, mà đầy khó khăn. Vì thế, con đường phát triển của nhân dân Việt Nam chỉ duy nhất là: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - con đường mà chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã chỉ ra. Đó là giá trị bất diệt của văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh và cũng là thông điệp về sự phát triển, không thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc được.

Trong sự phát triển của mỗi dân tộc, văn hóa (theo nghĩa rộng) điều chỉnh việc hoạch định cương lĩnh, đường lối, chính sách của hệ thống chính trị. Tính đúng đắn của cương lĩnh, đường lối, chính sách, chủ trương,… của hệ thống chính trị thường tỉ lệ thuận với trình độ văn hóa của dân tộc. Hành vi biểu hiện của tổ chức chính trị, của chính trị gia phản ánh trình độ văn hóa chính trị của tổ chức chính trị, chính trị gia đó. Vì thế, trong lĩnh vực chính trị, nếu không chú ý đến lĩnh vực văn hóa chính trị thì tư cách của người hoạt động chính trị sẽ thiếu mặt văn hóa. Với con người Hồ Chí Minh, văn hóa - đạo đức - chính trị luôn hòa quện chặt chẽ với nhau, cùng hướng tới tiến bộ xã hội, biểu hiện hành vi của Người luôn thể hiện tư cách của nhà chính trị, nhà đạo đức và nhà văn hóa kiệt xuất. Tại khóa họp lần thứ 24 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên kết hợp tổ chức Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nghị quyết khẳng định: “Hồ Chí Minh một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”2. Năm 1923, khi tiếp xúc với Hồ Chí Minh, nhà báo, nhà thơ Xô - viết O-sip Man-dels-tam đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”3.

Văn hóa là thước đo của sự phát triển xã hội. Vì vậy, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đã huy động toàn bộ sức mạnh văn hóa Việt Nam vào cuộc cách mạng, nhằm thực hiện: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Người nhấn mạnh quan điểm văn hóa trong việc khẳng định cốt cách, hay đặc tính (bản sắc) của dân tộc, của cộng đồng dân cư. Văn hóa của dân tộc Việt Nam đã tạo dựng nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh của dân tộc và làm rạng rỡ, vẻ vang cho dân tộc. Nó là thành quả hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đồng thời là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa với các dân tộc khác để luôn tự hoàn thiện mình. Mỗi dân tộc, quốc gia, cộng đồng dân cư, trong quá trình hình thành, phát triển, đều tạo nên một cốt cách, bản sắc văn hóa riêng biệt; nó như cái hộ chiếu, thẻ căn cước của con người. Nếu đánh mất nó thì coi như đánh mất chính mình và cộng đồng dân cư, dân tộc, quốc gia của mình, với tư cách là đơn vị văn hóa và do đó, bản sắc - cốt cách văn hóa là yếu tố bảo đảm cho các quyền cơ bản: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, dân tộc. Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, cốt cách của mình, không chấp nhận sức ép nô dịch của văn hóa ngoại lai là trách nhiệm của dân tộc.

2. Đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm, hướng tới tiến bộ xã hội. “Đạo đức” mà Hồ Chí Minh đề cập là đạo đức mới - đạo đức cách mạng, khác hẳn với đạo đức cũ: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”4. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng được biểu hiện ở các phẩm chất, như: lòng nhân ái, tính nhân văn cao cả, trung với nước, hiếu với dân, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, tinh thần quốc tế trong sáng, v.v. Đây là lĩnh vực nhạy cảm của văn hóa và là cái gốc của sự phát triển. Trong xã hội hiện đại, luật pháp ngày càng đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn, nhưng ngoài luật pháp thì đạo đức giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết các quan hệ xã hội. Hồ Chí Minh bao giờ cũng chú ý cả “đức trị” và “pháp trị”, xử lý mọi công việc vừa có lý, vừa có tình. Với mỗi con ngư­­ời cụ thể, Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài, nhưng xét về thứ tự ư­u tiên thì Người vẫn cho đức là cơ bản hơn cả. Đạo đức đối với người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài ngư­­ời là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.5 Có thể nói, cuộc đời Hồ Chí Minh như “pho sách” lớn, biểu tượng sáng ngời về đạo đức, đã lan toả, thẩm thấu, trở thành giá trị văn hóa vĩnh hằng trong các thế hệ ngư­­ời Việt Nam và nhân dân tiến bộ toàn thế giới.

Tuy vậy, có không ít ng­ười cho rằng, trong kinh tế thị trường, chỉ cần có tài thì ở đâu cũng “sống” đ­ược, cũng đóng góp của cải cho xã hội được, cho nên làm ăn kinh tế không nhất thiết cần đạo đức. Đó cũng là một cách nghĩ, nhưng chắc chắn không phải là cách nghĩ của những người cộng sản, mà Hồ Chí Minh là tiêu biểu. Bởi nó đã tách văn hóa, đạo đức ra khỏi kinh tế và như­­ vậy, con đường làm ăn kinh tế rất dễ đi vào ngõ cụt. Bởi lẽ, mọi sự phát triển đều dựa trên nền văn hóa, đạo đức; nếu không có đạo đức làm cái căn bản thì làm ăn kinh tế chỉ có chụp giật mà thôi. Thế giới càng phát triển nhanh thì người ta càng báo động mạnh hơn về tính bền vững của sự phát triển, về sự mất đi cái tính văn hóa, về sự phai nhạt dần cốt cách của từng dân tộc, về sự tha hóa của chính bản thân con người. Từ lâu, các thế lực thù địch đã ra sức đặt điều, xuyên tạc,… về đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là về đời tư của Người. Chúng lấy đó làm phương pháp hành động chống lại cách mạng Việt Nam. Lúc thì chúng dùng biện pháp, thủ thuật tinh vi, nói xa nói gần, nói vòng vo; lúc thì nói trực diện, trắng trợn, bốp chát, cay nghiệt, chửi rủa,… cốt là để lung lạc tinh thần nhiều người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Nhưng thử hỏi và nhìn lại xem họ đã làm được những gì, lung lạc được những ai, ngoài nhóm người nhẹ dạ cả tin, lập trường hay bị dao động? Cả cuộc đời Hồ Chí Minh luôn phấn đấu vươn tới những giá trị thiện và đẹp, đó là những giá trị cao đẹp nhất mà bất kỳ ai có lương tâm trong sáng đều muốn đạt tới: hướng thiện, chân thành, nhân ái, đấu tranh vì sự tiến bộ, xả thân vì việc nghĩa, lo cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và giải phóng con người. Hồ Chí Minh quan niệm rằng: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”6. Đúng dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng (năm 1969) - năm cuối cuộc đời, Người viết bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” để giáo dục cán bộ, đảng viên. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người không có điều gì phải hối hận, nhưng chỉ tiếc nuối! Tưởng là tiếc nuối về vật chất, chưa được hưởng cái này cái nọ, nhưng cái mà Người tiếc nuối là không được phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đó là sự tiếc nuối của một nhà văn hóa, đạo đức lỗi lạc; tiếc nuối của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Trong Di chúc, Người viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”7. Có thể nói, ở đâu, lúc nào Hồ Chí Minh cũng nói, viết và làm luôn thống nhất với nhau và đều liên quan đến đạo đức. Đó là nếp sống văn hóa thư­­ờng nhật của Hồ Chí Minh. Khi cho đạo đức là cái gốc của cây, cái ngọn nguồn của sông, cái căn bản của ng­­ười cách mạng, Hồ Chí Minh trở thành một trong những ng­ười tiên phong trong cuộc cách mạng về đạo đức; đồng thời là một chiến sĩ văn hóa trong hiện thực cuộc sống. Sự thật này hoàn toàn bác bỏ những lời lẽ xuyên tạc ác độc của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, với Hồ Chí Minh. Hơn thế, họ càng xuyên tạc, phủ nhận thì văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh càng tỏa sáng.

Hồ Chí Minh không phải là ng­­ười chuyên viết sách lý luận về đạo đức, nhưng là ng­ười Việt Nam đầu tiên đề cập đạo đức công dân trong chế độ mới, đã gắn trách nhiệm với nghĩa vụ công dân. Khi đề cập đến cán bộ, đảng viên, Người đã tác động đúng vào khâu “trọng điểm”, “trung tâm” của xã hội. Vì khi Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên là những người tiên phong trong các phong trào cách mạng, là cái gốc của mọi công việc,­­ là dây chuyền của bộ máy. Điều đó cắt nghĩa tại sao trong “hàm lượng” Hồ Chí Minh nói, viết về đạo đức thì Người dành nhiều nhất cho cán bộ, đảng viên. Trong đời sống xã hội, mỗi người luôn có vô vàn các mối quan hệ, nó đan xen, chồng chéo, phong phú và vô cùng phức tạp. Song, tất cả được Hồ Chí Minh quy vào ba mối quan hệ chủ yếu là: đối với người, đối với việc và đối với mình; trong đó, tự mình đối với bản thân mình là khó khăn nhất và Người là gương sáng tự mình làm chủ bản thân mình về văn hóa, đạo đức, từ thuở hàn vi cả đến khi là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước. Bản chất đạo đức Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa nhân đạo truyền thống kết hợp và tiếp nối chủ nghĩa nhân đạo hiện đại tiến bộ, thể hiện đậm nét truyền thống nhân ái, tính chiến đấu không khoan như­­ợng với cái xấu, cái ác, hướng con người tới cái thiện, cái tốt, cái đúng. Đặc tr­ưng đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa nói và làm, nhiều khi làm nhiều hơn nói, “học” đi đôi với “hành”, lý luận gắn liền với thực tiễn, v.v. Đó là những cặp chỉnh thể, nếu thiếu một vế sẽ là vô nghĩa.

Vẫn còn đó những cán bộ, đảng viên không làm tròn nhiệm vụ, thậm chí có một bộ phận không nhỏ đang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; một số phạm phải những tiêu cực, như: tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa rời quần chúng,… nhưng không phải như các thế lực thù địch dựa vào đó, hoặc căn cứ vào cá nhân cán bộ, đảng viên hư hỏng để rồi bôi xấu Đảng ta. Vì theo quan điểm của Hồ Chí Minh thì Đảng cũng từ trong xã hội mà ra, trong Đảng cũng bị lây ngấm những cái xấu từ bên ngoài vào, nhưng Người tin Đảng ta - Đảng của đạo đức và văn minh - sẽ giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên làm tròn nhiệm vụ của mình.

GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG

__________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. XXV.

2 - Hồ Chí Minh - một người châu Á của mọi thời đại, Nxb CTQG, H. 2010, tr.17-18.

3 - Sđd, tr. 278.

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 220.

5 - Sđd, Tập 5, tr. 292 - 293.

6 - Sđd, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 601.

7 - Sđd, Tập 15, tr. 622.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.