Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 10/10/2013, 23:38 (GMT+7)
“Vấn đề dân chủ” chỉ là con bài để tráo đổi chế độ

Lạm dụng dân chủ để kích động đấu tranh nhằm thay đổi nhà nước cầm quyền là một hiện tượng chính trị, xã hội không còn lạ lẫm trong đời sống chính trị quốc tế thời gian gần đây. Đối với Việt Nam hiện nay, vấn đề này cũng được các thế lực chống phá chế độ tích cực lợi dụng.

Trong những năm gần đây, thế giới đã  chứng kiến và phải hứng chịu nhiều cơn lốc xoáy dưới danh nghĩa “đấu tranh vì dân chủ” diễn ra ở nhiều khu vực. Những năm đầu của thế kỷ XXI, sau sự kiện được cho là “cách mạng” diễn ra vào tháng 10-2000 ở Xéc-bi-a, hàng loạt các cuộc “cách mạng” khác mang tên “sắc màu” đã tiếp diễn ở nhiều nước thuộc Liên Xô trước đây: “cách mạng Hoa Hồng” ở Gru-ri-a (năm 2003); “cách mạng Cam” ở U-crai-na (năm 2004); “cách mạng Hoa Tuy líp” ở Cư-rơ-gư-xtan (năm 2005)… Sau đó, trên nhiều vùng lãnh thổ thuộc các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi đã bùng phát làn sóng nổi dậy chưa từng có của phong trào “Mùa xuân A-rập”, khởi đầu là cuộc “cách mạng Hoa Nhài” nổ ra vào tháng 12-2010 ở Tuy-ni-di với việc lật đổ Tổng thống Ben A Li sau 23 năm cầm quyền. Làn sóng này đã lan rộng tới nhiều quốc gia khác, như: Ly-bi, Ai Cập, Gioóc-đa-ni, Y-ê-men, A-rập Xê-út, Ô-man, Xu-đăng, Ma-rốc, I-rắc, Xy-ri, v.v.

Các cuộc cách mạng “dân chủ” trên xảy ra vào các thời điểm khác nhau với những sắc thái riêng, song đều giống nhau về phương thức tiến hành và có chung hệ lụy. Hầu như cuộc “cách mạng” nào cũng đều khởi điểm từ lý do “dân chủ”, “nhân quyền”; qua đó, kích động, tập hợp, tổ chức quần chúng bạo động, gây sức ép, tiến tới lật đổ chính quyền đương nhiệm. Đã có nhiều chính quyền bị lật đổ sau các “cuộc cách mạng dân chủ” ấy. Sau Tuy-ni-di, gần đây là Ai Cập, Ly-bi… Ở Ai Cập, việc phế truất cựu Tổng thống Hosni Mubarak diễn ra chưa được bao lâu (ngày 11-02-2011), thì ngày 04-7-2013, Tổng thống Mohamed Morsi, người đã được dân chủ bầu ra cách đấy hơn 1 năm cũng bị lật đổ... Đằng sau những cuộc lật đổ đó là vô vàn hậu quả xấu về an ninh, chính trị - xã hội. Bức tranh chung mà người ta có thể nhận thấy ở hầu hết các quốc gia trên là, trong khi hình bóng dân chủ còn rất mờ nhạt thì những bất ổn, mâu thuẫn xã hội, tình trạng bạo lực, rối ren, nghèo đói… ngày càng gia tăng. Đặc biệt, khi súng đạn đã can thiệp vào quá trình “dân chủ” như ở I-rắc, Ly-bi, Xy-ri thì hậu quả vô cùng trầm trọng và kéo dài. Mới đây, ngày 19-6-2013, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết: số người tị nạn trên thế giới hiện nay đã lên tới 45,2 triệu người (mức cao nhất trong 20 năm qua) mà nguyên nhân chính là do các cuộc xung đột; trong đó, 55% số người tị nạn có liên quan tới tình hình ở Áp-ga-ni-xtan, Xô-ma-li, I-rắc, Xu-đăng, Xy-ri… Những ngày qua, máu của nhiều người dân Ai Cập và một số quốc gia khác vẫn đổ trên đường phố trong các cuộc bạo động vì “dân chủ”.

Gần đây, một số người vì các lý do khác nhau đã cổ súy cho các cuộc “cách mạng sắc màu” khi cho rằng: các cuộc “cách mạng” đó mang tính tự giác của quần chúng. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra trên thực tế lại cho thấy điều ngược lại; đó là: sẽ chẳng bao giờ có những cuộc “cách mạng sắc màu”, những “Mùa xuân A-rập” chỉ bằng sự bùng nổ tự phát của quần chúng, nếu không có sự chỉ dẫn, trợ giúp của những tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng để nhằm thực hiện các mục đích khác. Nhiều nhà phân tích tình hình quốc tế đã khẳng định: các biến động chính trị - xã hội đằng sau các cuộc “cách mạng sắc màu”, “Mùa xuân A-rập” đều có vai trò đạo diễn và ủng hộ, tiếp tay của các tổ chức phi chính phủ quen thuộc, như: “Ngôi nhà tự do”, “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ”, “Viện Cộng hòa quốc tế”, “Viện quốc gia dân chủ và các vấn đề quốc tế” ở Mỹ. Riêng “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ” (NED) của Mỹ được thành lập và hoạt động từ năm 1983 đến nay, đã tham gia vào các hoạt động chính trị, bầu cử, hỗ trợ tài chính; huấn luyện các phương thức hoạt động; trang bị phương tiện, kỹ thuật cho các tổ chức đối lập nhằm khuynh đảo những chính quyền không nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng về dân chủ của Mỹ và phương Tây, trong số đó có tổ chức phản động “Việt Tân” và một số nhóm “dân chủ” chống phá Nhà nước Việt Nam ở hải ngoại. Trong các sự kiện “dân chủ” vừa qua, người ta đã thấy rõ vai trò “ngòi nổ” vô cùng nguy hiểm của in-tơ-net và mạng xã hội một khi đã bị lợi dụng để lan truyền các tin thất thiệt, kích động, tạo dựng nên các cuộc bạo động, lật đổ chính quyền. Julia Assange, người sáng lập ra mạng Wikileaks cho rằng: mạng xã hội đã góp phần gây ra những bất ổn ở Trung Đông, Bắc Phi và in-tơ-net là “cỗ máy gián điệp khổng lồ nhất mà thế giới từng biết đến”. Những gì diễn ra đã cho thấy: theo sau con bài “dân chủ, nhân quyền”, việc tạo dựng ra những bất đồng sâu sắc trong nội bộ, kết hợp với sự can thiệp thông qua các cơ chế kinh tế, quân sự từ bên ngoài đã ngày càng trở thành phương thức mới để lật đổ chế độ hiện hành. Phương thức đó đã được tăng cường áp dụng để phục vụ cho những ý đồ thao túng các quốc gia trên thế giới hiện nay.

Ở Việt Nam, nền dân chủ do nhân dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có một nền tảng hết sức vững chắc. Đó là thành tựu từ công cuộc giải phóng đất nước khỏi ách xâm lược của thực dân, đế quốc, đem lại hòa bình, tự do cho nhân dân. Hòa bình, tự do có ý nghĩa như một tiền đề tiên quyết - một cánh cửa mở ra cho nền dân chủ của đất nước. Từ tiền đề đó, nền dân chủ ở nước ta đã từng bước phát triển, hoàn thiện. Trong giai đoạn đổi mới và phát triển đất nước, Việt Nam đã trở thành một biểu tượng tích cực trong việc vượt lên sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, hoàn thành sớm nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ; từng bước xóa đói giảm nghèo; xã hội ổn định; vị thế của đất nước được nâng lên tầm cao mới trong khu vực và thế giới. Thực tế đó, một mặt, đã góp phần củng cố nền tảng dân chủ thêm vững chắc; mặt khác, là sự khẳng định rõ ràng về sự phát triển, tiến bộ của nền dân chủ ở Việt Nam.

Nền dân chủ ở Việt Nam đang có sự phát triển tiến bộ, tích cực, theo con đường mà nhân dân ta đã lựa chọn. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất hiện nay chủ yếu lại từ sự tác động của các yếu tố bên ngoài. Đó là sự định kiến chủ quan, nhằm áp đặt một hình mẫu dân chủ khác biệt với sự lựa chọn của nhân dân, cùng với những mưu toan áp dụng kịch bản “dân chủ”, kiểu “cách mạng sắc màu”, “Mùa xuân A-rập” đối với Việt Nam, mà người ta định gọi là “Cách mạng Hoa Sen” để thay đổi chế độ và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Để làm được điều đó, một số tổ chức hoặc cá nhân vốn mang nặng định kiến, thù nghịch với Việt Nam đã vẽ ra một bức tranh méo mó, sai lệch về tình hình dân chủ ở Việt Nam, nhằm kích động quần chúng trong nước và cộng đồng quốc tế, tạo ra những áp lực đối với Đảng và Nhà nước ta. Thật là dễ hiểu, khi gần đây, rải rác trên một số diễn đàn và phương tiện truyền thông của phương Tây, người ta đã cố tình gán ghép cho Việt Nam  các “tội danh dân chủ”, như: giam hãm tù nhân lương tâm, ngăn cản tự do báo chí, đàn áp dân tộc, tôn giáo… Đằng sau đó, là sự cổ súy rùm beng cho những hoạt động của các phần tử đi đầu trong việc lợi dụng “dân chủ” để chống phá Đảng, Nhà nước và một số thiết chế nhằm ngăn cản sự phát triển của Việt Nam với lý do “dân chủ”. Ở trong nước, một số kẻ bất mãn, cơ hội chính trị, tự cho mình là những “nhà dân chủ mới” cũng vào hùa, đưa ra những yêu sách tráo trở đối với nền dân chủ của đất nước. Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau về trình độ kinh tế, dân trí; truyền thống đạo đức, văn hóa; thiết chế chính trị…, nên hình thái thể hiện và cách thức thực thi dân chủ ở mỗi quốc gia không giống nhau. Do vậy, sẽ thật là phi lý, khi ai đó lại mang những quan niệm, tiêu chí cụ thể về dân chủ của quốc gia này để so đọ, phán xét và áp đặt khiên cưỡng với một quốc gia khác. Chính vì thế, cựu Thủ tướng Nhật Bản Hosokawa đã cho rằng: “Những quan niệm về nhân quyền của phương Tây không thể áp dụng một cách mù quáng vào Á châu”. Mặc dù vậy, đối với nhiều người, nhất là những “nhà dân chủ mới” vẫn một mực cho rằng, mô hình dân chủ kiểu Mỹ và phương Tây mới là hình mẫu duy nhất để Việt Nam làm theo (?).

Cách nhìn nhận và hành xử của họ đối với tình hình dân chủ ở Việt Nam cũng hoàn toàn bị chi phối bởi định kiến chủ quan đó. Tuy nhiên, điều mà họ cố tình quên đi là tình trạng bất bình đẳng sâu sắc về sự giàu, nghèo; nạn bạo lực tràn lan và tệ phân biệt chủng tộc trầm trọng đang là những khuyết tật không gì có thể khắc phục được của nền dân chủ kiểu Mỹ và phương Tây. Họ đã quên rằng, kể từ khi nước Mỹ thành lập (năm 1789), mãi 131 năm sau, phụ nữ nước này mới có quyền bầu cử; sau 176 năm, người da đen mới có quyền công dân đầy đủ. Mặc dù vậy, tình trạng bất bình đẳng và phân biệt đối xử hiện nay vẫn hiện hữu thường xuyên trong đời sống nước Mỹ. Mới đây, ngày 20-7-2013, hàng nghìn người dân tại hơn 100 thành phố khắp nước Mỹ đã xuống đường phản đối phán quyết của Tòa án bang Flo-ri-đa tha bổng cho Zimmerman - một hung thủ người da trắng đã sát hại thanh niên da màu Trayvon Martin. Trước sự kiện này, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã phải thừa nhận rằng: người cùng da màu với ông đang bị phân biệt đối xử ở Mỹ và “rất ít người da màu ở Mỹ chưa từng trải qua phân biệt đối xử chủng tộc”… Đằng sau những gì đã diễn ra từ các sự kiện, như: “phong trào chiếm Phố Uôn”; những vụ nổ súng bừa bãi sát hại học sinh, thường dân; việc đánh cắp thông tin riêng tư từ điện thoại di động, in-tơ-net mang tính chất toàn cầu của cơ quan tình báo Mỹ được tiết lộ gần đây,… đã ngày càng hé lộ những góc khuất của nền dân chủ kiểu Mỹ và phương Tây mà không gì có thể che đậy được.

Sự thực thì, những đánh giá định kiến xấu về tình hình dân chủ ở Việt Nam không phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng chung của nhân dân. Tình trạng đó có phần do một số ít cá nhân, tổ chức không nắm bắt kịp thời, đầy đủ tình hình hoặc chịu sự tác động thiếu chân thực từ các phương tiện truyền thông thù nghịch; nhưng phần nhiều là từ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các phần tử chống Cộng cực đoan cấu kết với một số kẻ bất mãn, cơ hội chính trị, cố tình quay lưng với dân tộc và chế độ. Sẽ không khó để nhận ra những bộ mặt dân chủ giả tạo, bởi lẽ hành vi của họ cũng phơi bày tất cả. Ông Trần Mai, một Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ đã cho biết: Mấy nhà dân chủ, nhân quyền ở hải ngoại đều có bề dày thành tích bất hảo về vu khống, chống phá Nhà nước Việt Nam. Có người hàng chục năm qua đã làm cái việc “lập ra các tổ chức ma” để lừa bịp, quyên góp, biển thủ tiền bạc của người Việt không có điều kiện nắm rõ tình hình đất nước. Chúng liên kết với tổ chức phản động “Việt Tân”, nhận sự trợ giúp của “Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ” Mỹ, ra sức đơm đặt, tạo dựng nhiều chiêu trò chống phá mang danh “dân chủ” đối với Việt Nam. Trước đây là các âm mưu đánh bom, khủng bố; gần đây là tổ chức biểu tình phi pháp dưới chiêu bài “yêu nước, đòi chủ quyền biển, đảo”, nhưng thực chất là kích động, tạo ra sự chống đối của một số quần chúng cực đoan với chính quyền. Sự ngụy tạo và bóp méo thực tế về “dân chủ” xung quanh các vụ cưỡng chế về sử dụng đất đai hay việc xử lý các cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động thông tin, báo chí… là điều thường được các nhà “dân chủ” giả hiệu ráo riết thực hiện để phục vụ cho những mưu đồ chống phá. Bản Tin thời sự sáng chủ nhật, ngày 16-6-2013, của Đài Truyền hình Việt Nam đã cho mọi người thấy rõ sự thật bịa đặt vì “dân chủ” quá “lố” của một số trang mạng khi đưa tin về tình trạng của Cù Huy Hà Vũ trong trại giam “đã bị hành hung, ngược đãi, chỉ còn da bọc xương, cận kề cái chết” là như thế nào. Đằng sau sự kiện đó, người ta còn rõ thêm mưu mô giả trá, kích động của tổ chức phản động “Việt Tân” khi đưa ra cái chương trình kêu gọi “Triệu con tim cùng đồng hành với Cù Huy Hà Vũ – cùng tuyệt thực”, với sự hưởng ứng của nhiều “nhà dân chủ” trá hình khác. Sự thật đã ngày càng phơi bày rõ bộ mặt thật của những kẻ lớn tiếng đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam. Những việc làm của họ đã ngăn trở xu hướng hòa hợp, phát triển, hội nhập và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Cùng hội cùng thuyền, những nhà “dân chủ” giả hiệu nêu trên còn được hậu thuẫn bởi một số ít nghị sĩ có tư tưởng chống Cộng cực đoan trong Quốc hội Mỹ, như: Sanchez, Chris Smith, Zoe Lofgren… Những người này nhiều năm qua đã “sản xuất” ra không biết bao nhiêu các “kiến nghị”, “điều trần”, “thỉnh nguyện thư” hay “dự luật” này nọ để xuyên tạc, bôi nhọ và đề nghị Chính phủ Mỹ “trừng phạt Việt Nam” về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, báo chí… Họ còn đề xướng ra các giải thưởng, danh hiệu với danh nghĩa hòa bình, dân chủ, nhưng thực chất là nhằm tạo dựng các ngọn cờ chống đối chế độ ở Việt Nam. Nhằm đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm nhất về dân chủ, nhân quyền, mới đây, ngày 01-8-2013, Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật H.R.1897 “Về nhân quyền Việt Nam 2013” mà trước đó, các dự luật tương tự đã 03 lần (các năm 2004, 2007, 2012) không được Thượng viện Mỹ  chấp thuận. Trước sự kiện này, ông Lương Thanh Nghị, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước ta nêu rõ: “Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Quyền con người được phát huy là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam những năm qua… Những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình thực thi quyền con người và tự do tôn giáo ở Việt Nam nêu trong Dự luật H.R.1897 không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam và không phù hợp với sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ”.

Những gì diễn ra trên thế giới và tác động tới Việt Nam xung quanh vấn đề dân chủ gần đây đã làm cho mọi người thấy rõ: “vấn đề dân chủ” chỉ là con bài để các thế lực thù địch tráo đổi chế độ. Việc thay đổi chế độ bằng một mô hình dân chủ cho người giàu ở phương Tây, hay đầy bất ổn, rối ren như đang diễn ra ở các nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi hiện nay không phải là nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, nhất là một khi nó được thực hiện bằng những cách thức phi dân chủ và bởi những “nhà dân chủ” giả hiệu.

THƯỜNG VŨ

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.