Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 03/02/2012, 07:11 (GMT+7)
Vẫn cách nhìn sai lệch về tự do báo chí ở Việt Nam

25 tháng 1 vừa qua, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) lại đưa ra bản “phúc trình” thường niên lần thứ 10, nhằm phán xét tình hình tự do báo chí trong năm 2011 của 179 nước trên thế giới; trong đó, họ vẫn duy trì cách nhìn sai lệch cố hữu về tình hình báo chí ở Việt Nam.

 

Tiêu biểu cho cách nhìn sai lệch của RSF là tổ chức này tiếp tục vu cáo Việt Nam “trấn áp báo chí” và xếp Việt Nam vào danh sách 10 nước có tình trạng tự do báo chí “bị xâm phạm nghiêm trọng nhất”. Trong đó, RSF dẫn ra trường hợp Phạm Minh Hoàng bị các cơ quan tư pháp Việt Nam xét xử 3 năm tù giam do vi phạm Điều 79 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (mới đây đã được Chính phủ khoan hồng tha tù trước thời hạn) để khẳng định rằng: “các nhà báo dấn thân và các nhà viết blog bảo vệ dân chủ bị Công an sách nhiễu, trong lúc ngành Tư pháp tiếp tục viện cớ an ninh quốc gia để tuyên bố những bản án từ 2 đến 7 năm tù” ! 

Thật là nực cười khi RSF cố tình gọi những kẻ vi phạm pháp luật như Phạm Minh Hoàng - thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân - là “các nhà viết blog bảo vệ dân chủ” để quy kết Việt Nam đàn áp báo chí, Việt Nam không có tự do Internet. Đó chỉ là giọng điệu cũ rích của những kẻ chống cộng, mà RSF chẳng qua chỉ là cái loa, là cánh tay nối dài của những thế lực thù địch đối với Nhà nước Việt Nam hiện nay. Nói ở Việt Nam không có tự do báo chí thì làm sao báo chí ở Việt Nam lại có thể phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Năm 1990, Việt Nam chỉ có 258 báo và tạp chí, thì đến tháng 3-2011 đã có 745 cơ quan báo chí với 1.003 ấn phẩm. Ngoài ra, còn có 67 đài phát thanh, truyền hình, 46 báo điện tử và tạp chí điện tử, 287 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đoàn thể, hội, hiệp hội và doanh nghiệp. Việt Nam cũng đã cung cấp khoảng 200 kênh phát thanh, truyền hình cho nhân dân thưởng thức; trong đó, có hơn 70 kênh truyền hình nước ngoài, mà nhiều kênh là của phương Tây. Việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Báo chí châu Á lần thứ 8 (AMS 8) vào cuối tháng 5 năm 2011, với sự tham gia của 600 đại biểu là các Bộ trưởng, Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và học giả hàng đầu về phát thanh, truyền hình, báo chí từ hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi đến dự, cũng là minh chứng sinh động nói lên sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong lĩnh vực báo chí. 

Còn nói rằng Việt Nam là “kẻ thù của Internet” như RSF và một số thế lực phụ họa theo trong thời gian gần đây thì cũng thật là lố bịch, vì Việt Nam đang giữ vị trí cao hơn bình quân của thế giới với khoảng 31% dân số sử dụng. Việc ngày càng nhiều người dân, nhất là giới trẻ sử dụng dịch vụ 3G (nhất là bằng laptop, điện thoại di động hoặc Ipad) hiện nay lại càng không thể nói là Nhà nước Việt Nam ngăn cản sử dụng Internet. Ai đến Việt Nam và từng dạo phố đều thấy nhan nhản các quán Internet (cả trên các đường phố chính và trong các ngõ nhỏ), mà người truy cập ở nhiều địa điểm nhộn nhịp đến cả nửa đêm. Hầu hết các dịch vụ Internet đều được triển khai ở Việt Nam với chất lượng ngày càng cao, thuận tiện hơn cả nhiều nước khác. Ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố, thị xã, thị trấn, bên cạnh số các gia đình kết nối Internet ngày càng tăng nhanh, đâu đâu cũng có điểm truy cập Internet công cộng. Đó là các quán Cafe Internet, đại lý Internet, các điểm đăng ký du lịch, khách sạn, nhà hàng và ngay cả trong các cửa hàng đại lý bán và sửa xe máy của Honđa cũng có. Ở nhiều nơi, khách hàng còn được truy cập Internet miễn phí, được sử dụng dịch vụ Wifi free vô cùng thuận tiện. Các địa điểm truy cập Internet ở Việt Nam không chỉ có ở các tỉnh, thành phố lớn, mà ngay ở các tỉnh miền núi, người dân cũng được sử dụng dịch vụ Internet băng thông rộng. Thực tế đó là rõ ràng mà sao RSF lại cố tình không biết đến. 

Cũng cần phải khẳng định rằng, Internet có tính hai mặt. Do vậy, bất cứ nước nào, chứ không riêng gì Việt Nam, đều phải có các biện pháp bảo vệ sự ổn định của xã hội, bản sắc văn hóa của dân tộc, quốc gia mình; nhất là bảo vệ thế hệ trẻ trước những tác động mặt trái của Internet. Trong khi khuyến khích những mặt tốt của Internet, các nước đều có biện pháp ngăn chặn những thông tin độc hại, như những hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, kích động chống đối, bạo loạn, gây chia rẽ dân tộc, v.v. Ngay cả các nước phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp..., họ cũng làm như thế. Ở nước Anh, tháng 8 năm 2011, tại phiên họp bất thường của Quốc hội, Thủ tướng Davit Cameron tuyên bố: “Chính phủ sẽ trừng trị nghiêm khắc những phần tử sử dụng các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông xã hội để âm mưu gây bạo loạn và bất ổn xã hội”. Bản thân Tổng thống Mỹ Obama cũng cấm con gái mình truy cập Internet vì không muốn chúng bị nhiễm các thông tin độc hại khi chưa đến tuổi trưởng thành. Vụ việc còn đang rất mới mẻ là ông chủ trang mạng Wikileaks, như mọi người đều biết, đã và đang bị Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây gây khó dễ do tiết lộ các thông tin mật liên quan đến các quốc gia này. Điều đó nói lên rằng: chẳng nơi đâu có sự tự do tuyệt đối, tự do vô chính phủ về báo chí như RSF cố tình tuyên truyền cả.

Còn ở Việt Nam, trường hợp Phạm Minh Hoàng bị bắt và bị xử lý không phải vì anh ta là một blogger “viết về bảo vệ dân chủ” như RSF cố tình lầm lẫn; mà bởi Hoàng đã tham gia tổ chức Việt Tân - một tổ chức khủng bố, có những hành động tuyên truyền, kích động, tập hợp xây dựng lực lượng nòng cốt cho Việt Tân ở trong nước với âm mưu lật đổ chính quyền hiện hành. Bản thân Hoàng là con một viên chức cao cấp trong Bộ Tổng tham mưu quân đội ngụy Sài Gòn (quân đội của chế độ Việt Nam Cộng hòa), tham gia Việt Tân năm 1998 khi đang du học tại Pháp. Năm 2000, thực hiện kế hoạch “sang sông” của tổ chức Việt Tân, Hoàng hồi hương về Việt Nam, xin làm giảng viên hợp đồng cho trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Trong một bản tự khai tại Cơ quan An ninh điều tra, chính Hoàng đã viết: “Khi tham gia Việt Tân, tôi biết rõ đây là một tổ chức có âm mưu, ý đồ chống phá đất nước”. Do vậy, việc Hoàng gia nhập Việt Tân là có ý thức, có chủ đích, nhằm thực hiện âm mưu chống phá Nhà nước Việt Nam; và thực sự, Hoàng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn “kỹ năng mềm” trong đấu tranh chống phá chế độ hiện hành cho một số thanh niên mà Hoàng tập hợp được; đồng thời, đã cùng một số thành viên khác của Việt Tân thành lập 3 tổ chức Việt Tân trá hình dưới tên gọi “Câu lạc bộ Hướng Dương”, “Trứng bay”, “Cọp lãnh đạo” để phát triển lực lượng trong nước. Vẫn theo lời khai của anh ta, thì: “Dự định của tôi là sẽ thành lập những tổ chức Việt Tân trá hình để lôi kéo giới trẻ, rồi trong số những người ấy, tôi sẽ chọn những người ưu tú nhất để gửi ra nước ngoài tham dự những khóa đào tạo do Việt Tân tổ chức. Sau đó, quay trở về làm hạt nhân kích động người dân biểu tình, bạo loạn để Việt Tân nương theo, cướp chính quyền”. Với những việc làm như vậy, Hoàng bị chính quyền xử lý theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự là đúng người, đúng tội, chứ không phải anh ta chỉ là người “viết blog bảo vệ dân chủ” như RSF cố tình đánh lận con đen. Việc nhận tội và có đơn xin Chính phủ khoan hồng của Phạm Minh Hoàng đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua là rất rõ ràng, nên không thể đánh đồng việc xử lý hình sự một bị can vi phạm pháp luật với cái gọi là “ngăn cản tự do Internet” như RSF tuyên bố.

Nói về tình hình hoạt động báo chí ở Việt Nam, để cho khách quan, rất cần tham khảo ý kiến của Ông Michael Bùi, Tổng Biên tập báo Tre Online (Mỹ) trong đoàn kiều bào báo chí nước ngoài về thăm quê hương vào tháng 9 năm 2011. Ông nói rằng: “Qua lần tham quan, tìm hiểu một số tòa soạn báo chí tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các nhà báo đang hoạt động rất chuyên nghiệp, độc lập và tự do trong nghề nghiệp của mình... Sau chuyến đi này, tôi muốn gửi gắm đến các độc giả trẻ của báo tôi và những bà con Việt kiều rằng xã hội, đất nước Việt Nam giờ đây rất phát triển. Truyền thông tại Việt Nam cũng phát triển cao và tôi rất ấn tượng về điều này”. Đó là thực tế ở Việt Nam hiện nay mà bất cứ nhà báo có lương tâm nào cũng có thể cảm nhận thấy, chỉ có riêng RSF là không thấy và không hài lòng, vì họ vẫn giữ cách nhìn sai lệch xưa cũ.  

Tuy nhiên, cũng không khó để giải mã thái độ của RSF đối với Việt Nam, khi ta vào Wikipedia để tìm hiểu về Tổ chức này. Hóa ra đây là tổ chức nhận tài trợ nhiều từ nhà tỷ phú Mỹ George Soros - người đã ủng hộ Công đoàn Đoàn Kết (Ba Lan) hàng triệu đôla và từ Quỹ quốc gia Hỗ trợ Dân chủ - tổ chức mà 90% ngân sách xuất phát từ ngân sách quốc gia Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhiều người đã cáo buộc tổ chức này không có gì là khách quan “khi tường trình việc phân biệt đối xử nhà báo một cách có chọn lọc trước. Việc chọn lọc các nước mang định hướng của sự chọn lọc từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ”. Chả thế mà “việc 16 nhà báo bị giết chết trong lần NATO không kích Đài Truyền hình Nam Tư RTS cũng không được nhắc đến trong bất cứ một bản tường trình hằng năm nào”. Ngay tại Pháp, nơi đóng “đại bản doanh” của RSF, năm 2005, Thierry Meyssan – Chủ tịch nhật báo Paris và nhà báo Red Voltaire đã tố cáo RSF câu kết với “Trung tâm báo chí vì Cuba tự do - CFC” (tổ chức phản động chống Cuba) để thực hiện hợp đồng trị giá 125.000 USD với điều kiện của CFC đưa ra là RSF phải đưa nhiều thông tin sai sự thật để người nước ngoài biết việc “đàn áp nhà báo ở Cuba” và ủng hộ “thân nhân những nhà báo bị bắt giữ” !  

 Thực sự RSF là như vậy, nên những người có lương tâm sẽ không thấy lạ trước cách nhìn thiếu khách quan, sai lệch, nặng tư duy chống cộng của tổ chức này đối với Việt Nam. Việc không tôn trọng sự thật khách quan chỉ càng làm giảm uy tín của tổ chức này, vì nó đi ngược lại 1800 so với tôn chỉ hoạt động mà tổ chức này đề ra.

NGUYỄN NGỌC

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.