Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:17 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Hiện nay, các tầng lớp nhân dân ta đang sôi nổi đóng góp ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được Ủy ban sửa đổi, bổ sung Hiến pháp của Quốc hội khóa XIII công bố. Bên cạnh đa số ý kiến góp ý mang tính chất xây dựng; có một số ý kiến không đi theo mục đích, yêu cầu mà Quốc hội đã đặt ra. Một trong những ý kiến đó là sự phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân.
Trước hết, cần khẳng định rằng: việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là chủ trương đúng đắn của Quốc hội, của Đảng và Nhà nước ta. Điều đó, một mặt, thể hiện rõ ràng bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN ở Việt Nam, mặt khác, nhằm phát huy trí tuệ của toàn dân đối với vấn đề đặc biệt hệ trọng của đất nước.
Với tinh thần đó, Quốc hội, Đảng, Nhà nước luôn trân trọng mọi ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kể cả các ý kiến khác với quan điểm của Đảng. Trên cơ sở đó, tổng hợp, tiếp thu những ý kiến hợp lý để hoàn chỉnh Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đảm bảo bản Hiến pháp mới thực sự kết tinh trí tuệ của toàn dân. Trong thời gian qua, đã có nhiều ý kiến đóng góp, bên cạnh những ý kiến hợp lý, cũng có những ý kiến chưa hợp lý và đó cũng là điều bình thường.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm: Lời nói đầu và 11 chương, 124 điều; trong đó, có 11 điều mới, 9 điều được giữ nguyên, 104 điều sửa đổi và bổ sung so với Hiến pháp năm 19921. Như vậy, có thể thấy, trên cơ sở kế thừa Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không thay đổi nhiều về bố cục; nhưng có thay đổi về nội dung (sửa đổi, bổ sung) cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó, nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài của Hiến pháp - văn bản Luật gốc có tính pháp lý cao nhất.
Nhìn chung, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội đánh giá cao bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là ở giác độ pháp lý - chính trị và cho rằng, những sửa đổi, bổ sung là chính xác; đồng thời, thể hiện sự đồng tình với những điểm bổ sung tại Điều 70 (Chương IV), cụ thể: “Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam...; bảo vệ Đảng... và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Những điểm bổ sung trên vào Dự thảo Hiến pháp sửa đổi là cần thiết và quan trọng, bởi hai lý do. Thứ nhất, thể hiện rõ và đầy đủ trách nhiệm chính trị của LLVT nhân dân nói chung, Quân đội nhân dân (QĐND) nói riêng, mà cụ thể ở đây là lòng trung thành với Đảng, bảo vệ Đảng và việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế của Quân đội. Đồng thời, qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với QĐND, theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt. Thứ hai, việc bổ sung những điểm nêu trên còn nhằm đảm bảo sự thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng trong Hiến pháp. Đây cũng là việc mà các quốc gia thường làm, chứ không riêng nước ta.
Những bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992) chưa có những điểm này. Điều đó không có nghĩa là trong các giai đoạn đó, cũng như hiện nay, QĐND không trung thành với Đảng, không bảo vệ Đảng và không đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cả thực tiễn và lý luận đã khẳng định rằng, Quân đội ta được Đảng và Bác Hồ tổ chức, giáo dục, rèn luyện, nên ngay từ khi ra đời và suốt quá trình chiến đấu, trưởng thành, phát triển trong gần 70 năm qua, Quân đội ta luôn mang trong mình bản chất của một quân đội cách mạng, của dân, do dân, vì dân và là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đúng như Bác Hồ kính yêu đã khen tặng: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”2. Lòng trung thành của QĐND đối với Đảng, bảo vệ Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội được toàn dân thừa nhận, thực tiễn cách mạng khẳng định, các văn kiện của Đảng thể hiện và điều đó được nhận thức là lẽ đương nhiên, nên trước đó không quy định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, trong bối cảnh các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng điểm này để xuyên tạc, kích động, chống phá, thì việc bổ sung nội dung này tại Điều 70 (Chương IV) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất cần thiết, nhằm đảm bảo tính pháp lý của vấn đề đề cập; đồng thời, qua đó cho thấy sự phát triển tư duy hiến định của Đảng và Nhà nước ta.
Điều đó cũng lý giải cho việc tại sao các thế lực thù địch đã và đang tìm mọi cách, bằng các hình thức che đậy, trá hình dưới dạng ý kiến “khách quan”, “chân thành” để đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, với LLVT nhân dân. Họ nói rằng, chức năng của Quân đội là chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, cho nên Quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc, không có trách nhiệm cũng như không cần phải trung thành với Đảng, bảo vệ Đảng và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; mặc dù họ thừa biết trên thực tế không có quốc gia nào mà ở đó quân đội nằm ngoài thể chế chính trị và không phải là công cụ chuyên chế của Nhà nước, giai cấp cầm quyền. Chúng ta đều biết, các thế lực đế quốc với luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, lừa bịp theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu” đã từng thành công trong việc làm cho Quân đội Liên xô và các nước XHCN ở Đông Âu bị vô hiệu hóa, mất phương hướng, mục tiêu chiến đấu và Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo khi đất nước có biến động chính trị, dẫn tới sụp đổ chế độ vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Với cách làm tương tự, họ cũng đã thành công trong việc lật đổ chính quyền, chuyển hóa chế độ chính trị ở một số nước thông qua cái gọi là: “cách mạng màu”, “cách mạng dân chủ”... Tất nhiên, sự sụp đổ chế độ ở các nước này còn có những nguyên nhân nội tại khác, nhưng không thể phủ nhận có sự nhúng tay chống phá của các thế lực thù địch. Và đối với nước ta hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục vận dụng “bài học kinh nghiệm” đó. Có khác chăng là thủ đoạn thực hiện tinh vi hơn, hình thức đa dạng và khó lường hơn, tính chất nguy hiểm hơn, với ảo vọng sẽ có được một kết quả tương tự. Âm mưu thật hiểm độc! Chỉ có điều Việt Nam hoàn toàn khác, là “bài toán khó” mà họ đang loay hoay tìm lời giải trong vô vọng. Mặc dù vậy, họ không dễ dàng từ bỏ; trái lại, bằng mọi thủ đoạn, họ đã và đang thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta, “phi chính trị hóa” Quân đội. Nhưng họ có đạt được mục tiêu đó không, nhân tố quyết định không thuộc về họ mà do ta. Quân đội ta là quân đội cách mạng, của dân, do dân, vì dân, gắn bó “máu thịt” với Đảng, với nhân dân. Mối quan hệ đó được tôi luyện bằng máu và nước mắt qua mấy chục năm chống kẻ thù xâm lược trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, bất cứ thế lực nào, dù mạnh và hiểm độc đến đâu cũng không thể chia rẽ được Quân đội với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó là điều tất yếu, đã, đang và sẽ tiếp tục được khẳng định. Bất luận trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, Quân đội ta cũng luôn kiên định mục tiêu chiến đấu, lý tưởng cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, bảo vệ Đảng và là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Sở dĩ Quân đội ta “bách chiến, bách thắng”, trở thành Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng và phát triển lớn mạnh như hiện nay là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự thương yêu, đùm bọc hết lòng của nhân dân.
Sự thật hiển nhiên đó là cơ sở vững chắc và thuyết phục nhất bác bỏ quan điểm cho rằng: Quân đội chỉ cần trung thành với Tổ quốc, bảo vệ Tổ quốc, mà không cần phải trung thành với Đảng, bảo vệ Đảng. Không khó để nhận thấy mục đích thực chất của quan điểm này là nhằm “phi chính trị hóa” Quân đội, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Những người ủng hộ quan điểm này còn cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có kinh nghiệm lãnh đạo đất nước trong chiến tranh, không có kinh nghiệm và năng lực lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước trong thời bình; và rằng: Đảng đã “hoàn thành sứ mệnh cao cả”, nay nên trao lại quyền lãnh đạo đất nước cho “lực lượng dân chủ cấp tiến”. Thật phi lý! Bởi thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định: sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Hơn ai hết, nhân dân ta hiểu rõ sự tồn vong của Đảng và chế độ chính trị luôn gắn kết với sự mất còn của đất nước. QĐND Việt Nam là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cho nên hiển nhiên Quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; bảo vệ Đảng phải gắn chặt với bảo vệ chế độ và bảo vệ Tổ quốc. Đó vừa là chức năng, vừa là trách nhiệm chính trị cao cả của QĐND. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với QĐND Việt Nam là nguyên tắc bất di, bất dịch; đồng thời, là nhân tố tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của Quân đội ta. Cũng với lập luận theo kiểu “vàng thau lẫn lộn”, một số người công khai phủ nhận những chiến thắng vĩ đại mà quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược trước đây; và cho rằng: nó vô nghĩa và lẽ ra không nên có những cuộc “nội chiến” huynh đệ tương tàn đó. Họ đánh tráo khái niệm, đánh đồng bản chất chính nghĩa và phi nghĩa, lòng yêu nước với sự bán nước, rằng: sự hy sinh của Quân đội ta cũng như Quân đội Ngụy Sài Gòn đều là vì Tổ quốc, cho nên đều cần phải được vinh danh... Đúng là một sự đánh đồng kệch cỡm! Đều là sự hy sinh để bảo vệ Tổ quốc ư? Tổ quốc theo nghĩa nào? Theo họ, chắc là Tổ quốc với nghĩa thuần túy lãnh thổ - xét ở giác độ địa lý tự nhiên. Như thế cũng có nghĩa dải đất chữ “S” còn, nhưng nhân dân ta không có chủ quyền, có chăng thì đó là “quyền” làm nô lệ, tay sai cho kẻ xâm lược. Trong khi hiểu đầy đủ, đúng nghĩa cụm từ Tổ quốc tức là nhân dân phải là người chủ thực sự đất nước trên tất cả các phương diện: địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Vì thế, tất cả những lập luận đó không lừa bịp được ai; và ngay chính họ cũng biết điều đó.
Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam là mũi tên nhằm “phi chính trị hóa” Quân đội. Đó là sự tiếp tay cho các thế lực thù địch tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Chúng ta phải cảnh giác và kiên quyết bác bỏ những quan điểm sai trái đó.
MẠNH HÀ
________________
1 - Các điều mới: 16, 21, 44, 45, 46, 59, 68, 83, 120, 121, 122.
- Các điều giữ nguyên: 14, 24, 51, 52, 73, 96, 97, 98, 102.
2 – Hồ chí Minh, Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 350.
Góp ý kiến,Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm