Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 23/08/2022, 06:50 (GMT+7)
Vạch trần thủ đoạn cắt rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin

Cắt rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác Lênin là thủ đoạn chống phá tinh vi, rất thâm hiểm của các thế lực thù địch, nhằm phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, chúng ta phải luôn nêu cao cảnh giác, tích cực đấu tranh vạch trần sự sai trái của thủ đoạn này.

Xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt mà các thế lực thù địch ra sức thực hiện đối với cách mạng nước ta, nhằm làm biến chất Đảng ta, tiến tới xóa bỏ sự hiện diện và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội.

Để đạt được mục tiêu đó, một trong những thủ đoạn thâm độc mà họ thực hiện là cắt rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác Lênin, bằng nhiều lý lẽ ngụy biện rất tinh vi, xảo quyệt. Một mặt, họ viện dẫn thực tiễn sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới vào cuối thế kỷ trước để tuyên bố: “Chủ nghĩa Mác Lênin đã hết thời, cho nên không cần nhắc đến chủ nghĩa Mác Lênin khi nói đến nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam”(!). Mặt khác, họ đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác Lênin, khi cho rằng: “Hồ Chí Minh theo chủ nghĩa dân tộc, nên tư tưởng Hồ Chí Minh không có mối liên hệ gì với chủ nghĩa Mác Lênin”(!). Tinh vi, khôn khéo hơn, họ không ra mặt bác bỏ chủ nghĩa Mác Lênin, nhưng ngụy biện rằng: “Trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã có tinh thần chủ nghĩa Mác Lênin, nên trong nội hàm nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ cần nêu tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ”(!).

Cần khẳng định ngay rằng, các quan điểm nói trên rất nguy hiểm, dễ làm cho những người ít nghiên cứu lý luận chính trị ngộ nhận, cả tin, không hiểu thực chất đằng sau sự “tán dương tư tưởng Hồ Chí Minh” lại là âm mưu phủ nhận cả chủ nghĩa Mác Lênin và cả tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh có thể thấy rõ những quan điểm nói trên là hoàn toàn sai trái, cần vạch trần, bác bỏ.

Trước hết, tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc lý luận chủ yếu từ chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính chủ nghĩa Mác Lênin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để hình thành hệ thống quan điểm phong phú, toàn diện của Người về cách mạng Việt Nam. Nhìn lại quá trình đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh có thể thấy, khởi đầu với hành trang là lòng yêu nước và khát vọng giành độc lập cho dân tộc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vừa lao động, học tập và nghiên cứu lý luận, vừa trực tiếp tham gia các phong trào đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân và lao động ở nhiều nước để trau dồi kiến thức và xác lập tư tưởng chính trị. Trong quá trình đó, Người đã gặp chủ nghĩa Mác Lênin và tìm thấy ở đây cái “cẩm nang thần kỳ” soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Từ đó, Người đứng hẳn về Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp vào cuối năm 1920, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong hình thành tư tưởng chính trị của mình. Để chuẩn bị cho quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1927, Người viết tác phẩm “Đường kách mệnh”, trong đó khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”1. Trong bài: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nguồn gốc lý luận tư tưởng của mình là chủ nghĩa Mác Lênin. Người khẳng định: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”2. Những dữ liệu đó cho thấy, không thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng dân tộc, không thể đặt tư tưởng Hồ Chí Minh ra ngoài hệ tư tưởng Mác Lênin. Nói cách khác, không thể tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc, nền tảng lý luận của nó là chủ nghĩa Mác Lênin.

Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta”3. Có thể thấy rất rõ, toàn bộ hệ thống quan điểm phong phú, toàn diện của Người về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam4, đều là kết quả sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin vào điều kiện thực tiễn nước ta. Chính trên cơ sở nắm vững và quán triệt sâu sắc bản chất cốt lõi những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin, Hồ Chí Minh đã vận dụng phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để tự tìm ra những chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, từng thời kỳ cụ thể của cách mạng Việt Nam; để hình thành nên hệ thống quan điểm phong phú, toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Người không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở kinh điển của chủ nghĩa Mác Lênin, mà tiếp thu lý luận Mác Lênin theo phương pháp nhận thức mác xít; đồng thời, theo lối “đắc ý, vong ngôn”, tức là cốt nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất của chủ nghĩa Mác Lênin, chứ không tự trói buộc trong cái vỏ ngôn từ; trên cơ sở đó vận dụng vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, hình thành nên những quan điểm cơ bản về mục tiêu, lực lượng, động lực, phương pháp cách mạng,… của cách mạng Việt Nam. Điều đó hoàn toàn đúng với bản chất của chủ nghĩa Mác Lênin và lời căn dặn hậu thế của các nhà sáng lập học thuyết này rằng: học thuyết của họ không phải là một cái gì đã “xong xuôi hẳn” và “nhất thành bất biến”, mà là một “hệ thống mở”. Hiểu rõ tinh thần đó, Hồ Chí Minh luôn tự mình quán triệt, thực hiện và yêu cầu: “Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”5; là “học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”6. Chính trên tinh thần đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam dần được hoàn bị, phản ánh sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. Do vậy, không thể tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác Lênin.

Thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần bổ sung, làm phong phú và tăng thêm sức sống cho chủ nghĩa Mác – Lênin; do vậy, là dòng chảy tiếp nối chủ nghĩa Mác – Lênin. Nghiên cứu nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam có thể thấy rất rõ Hồ Chí Minh không giáo điều khi tiếp thu lý luận Mác Lênin, bởi theo Người: “Chủ nghĩa Mác Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”7. Đứng vững trên lập trường, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác Lênin, phân tích đặc điểm của thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ở xã hội Việt Nam và các nước phương Đông có những đặc điểm khác với các nước phương Tây mà thời C. Mác chưa có điều kiện nghiên cứu. Từ đó, Người đã nêu nhiều luận điểm sáng tạo về con đường cách mạng Việt Nam, như: luận điểm về mục tiêu của cách mạng Việt Nam phải là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; luận điểm về quy luật ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là sự kết hợp chủ nghĩa Mác Lênin với phong trào công nhân, mà còn kết hợp với phong trào yêu nước. Theo đó, cơ sở xã hội của Đảng không chỉ là giai cấp công nhân, mà còn là toàn thể nhân dân lao động; Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân, mà đồng thời còn là của nhân dân lao động và toàn dân tộc. Đó còn là luận điểm về giải quyết vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp

ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, mà theo đó, trong hoàn cảnh mất nước thì quyền lợi dân tộc được đặt lên trên quyền lợi giai cấp; giải phóng dân tộc đã bao hàm một phần giải phóng giai cấp, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng giai cấp. Vấn đề dân tộc và thuộc địa cũng là phần đóng góp rất quan trọng của Hồ Chí Minh vào chủ nghĩa Mác Lênin. Người đã nêu luận điểm về vai trò chủ động của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, theo đó cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có thể thành công trước cách mạng vô sản ở “chính quốc”, góp phần thúc đẩy cách mạng vô sản ở “chính quốc”. Những đóng góp quan trọng nói trên của Hồ Chí Minh, một mặt, thể hiện sự trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin; mặt khác, góp phần làm phong phú, giàu thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác Lênin; qua đó, tăng thêm sức sống cho học thuyết này. Chính vì thế, tư tưởng Hồ Chí Minh là dòng chảy tiếp nối chủ nghĩa Mác Lênin trong dòng chảy văn hóa của nhân loại; không tách rời và không đối lập với chủ nghĩa Mác Lênin như một số người xuyên tạc.

Từ những phân tích trên, khẳng định rằng: cả tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác Lênin đều nằm trong nội hàm nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đòi hỏi vừa phải: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”8, vừa phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi mưu toan cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác Lênin. Đó là nhiệm vụ vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp thiết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 NGUYỄN NGỌC HỒI
_________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 289.

2 - Sđd, Tập 12, tr. 563.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 88.

4 - Đó là hệ thống quan điểm về: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết dân tộc; xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đạo đức cách mạng; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, v.v.

5 - Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 611.

6 - Sđd, Tập 11, tr. 95.

7 - Sđd, Tập 7, tr. 120.

8 - ĐCSVN Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 109.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.