Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 18/10/2012, 03:23 (GMT+7)
Tuyệt đối hóa quyền con người, lảng tránh trách nhiệm công dân - thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch

Thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” để chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch thường nhập nhèm giữa quyền con người và quyền công dân để vu cáo Việt Nam vi phạm các quyền con người. Thủ đoạn mà họ thường dùng là tuyệt đối hóa quyền con người, lảng tránh trách nhiệm công dân; trong khi đó, quyền con người và quyền công dân là không đồng nhất.


Việt Nam đạt nhiều thành tựu bảo đảm quyền con người.

Quyền con người (QCN) là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là tài sản chung của các dân tộc. Ngày nay, QCN được cộng đồng quốc tế xem như là một thước đo của sự tiến bộ và trình độ văn minh của các xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và bản sắc văn hóa. Tư tưởng về QCN có nguồn gốc sâu xa trong các nền văn hóa, tôn giáo và học thuyết cả ở phương Đông và phương Tây. Về phương diện lịch sử, chế định QCN ra đời gắn với các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, xóa bỏ chế độ phong kiến. Ngày nay, khi nói về lịch sử chế định QCN, người ta thường nhắc tới “Luật về các quyền của Anh” năm 1689, “Tuyên ngôn độc lập” năm 1776 và Hiến pháp bổ sung năm 1787 của Mỹ, “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” năm 1789 của Pháp. Ở Việt Nam, QCN đã được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nói đến từ năm 1919, trong “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi đến đại diện chính phủ các nước Đồng minh thắng trận họp ở Véc-xây (Pháp). Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Người lại nói đến những giá trị nhân quyền trong Tuyên ngôn Độc lập, ngày 02-9-1945.

Trong CNTB, QCN là thành quả đấu tranh của nhân dân lao động và đội ngũ trí thức dân chủ cách mạng. Ngày nay, ở các nước tư bản phát triển, QCN là một mục tiêu đấu tranh của đại đa số nhân dân, nhất là của các lực lượng cánh tả, trong đó có các Đảng Cộng sản và công nhân. Tuy nhiên, khi trở thành lực lượng cầm quyền, giai cấp tư sản đã không thực hiện các cam kết bảo đảm các quyền và lợi ích của người lao động mà duy trì các đặc quyền của giai cấp tư sản cầm quyền; đồng thời, dùng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, hướng những quốc gia này theo con đường TBCN.

 Ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, cùng với sự ra đời của Liên hợp quốc, với những lực lượng chính trị mới, đặc biệt là vai trò quan trọng của Liên Xô, 51 đại diện quốc gia thành viên đã thông qua Hiến chương Liên hợp quốc; trong đó, lần đầu tiên cộng đồng quốc tế đã xem việc bảo vệ QCN là một mục tiêu của mình.

Dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc, năm 1948 bản “Tuyên ngôn thế giới về QCN” được soạn thảo và được Liên hợp quốc thông qua. Với việc ra đời của bản Hiến chương Liên hợp quốc và Bản Tuyên ngôn thế giới về QCN, từ đây QCN đã thật sự mang tính phổ quát, toàn cầu, được hầu hết các quốc gia ghi nhận, tôn trọng.

Sau nhiều năm nghiên cứu, biên soạn, năm 1966 hai công ước quốc tế cơ bản về QCN: “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá” đã chứa đựng hầu hết các QCN được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua.

Dựa trên các văn kiện cơ bản của Liên hợp quốc, có thể hiểu QCN như sau: Với tư cách là một giá trị đạo đức, QCN là một giá trị xã hội cơ bản, vốn có của con người. Những giá trị này bao gồm: nhân phẩm, tự do, bình đẳng, tinh thần nhân đạo, khoan dung và trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng. Với tư cách là một giá trị pháp lý, QCN là các quy định pháp luật (trong luật quốc tế và còn được nội luật hóa trong luật quốc gia) nhằm bảo vệ nhu cầu về các mặt: dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của mọi người và nghĩa vụ của mỗi người đối với cộng đồng.

Trong Hiến pháp Việt Nam cũng như Hiến pháp của nhiều quốc gia khác, quyền công dân (QCD) thường được gắn liền với nghĩa vụ công dân hình thành khái niệm: Quyền và nghĩa vụ công dân (QVNVCD). Trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam, QVNVCD được chia ra: “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trong Hiến pháp, khái niệm này không phải là một chế định pháp luật đầy đủ vì nó không có các chế tài (hình phạt) kèm theo. Trong hệ thống pháp luật, QVNVCD được xây dựng thành những quy định pháp luật đầy đủ, trong đó có chế tài cụ thể. Bộ Luật Dân sự năm 2005, Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1999 là những ví dụ. Tương tự như QCN, QVNVCD bao gồm các quyền và nghĩa vụ của công dân trên các lĩnh vực: dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...

Căn cứ vào Hiến pháp, hệ thống pháp luật quốc gia, có thể hiểu QVNVCD là các nhu cầu, lợi ích và nghĩa vụ của công dân ở một quốc gia nhất định, trên các lĩnh vực: dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, được nhà nước bảo đảm bằng các quy định của pháp luật.

So với khái niệm QCN, khái niệm QCD mang tính xác định hơn, nó gắn liền với chế độ xã hội, những đặc thù về lịch sử, văn hóa của mỗi dân tộc, được pháp luật của mỗi quốc gia quy định. Tuy nhiên, không có sự đối lập giữa QCN và QCD trong pháp luật quốc gia. Ở mỗi quốc gia, QCD có thể được xem là sự thể hiện cụ thể của QCN, là bộ phận cơ bản, quan trọng nhất của QCN. Sự khác nhau giữa QCN với QCD trước hết ở nguồn gốc. QCN được xem là quyền tự nhiên của mọi thành viên của cộng đồng nhân loại. Đã là con người thì đương nhiên có QCN. Trái lại, QCD lại là các quyền của người dân được quy định trong pháp luật quốc gia. Những quyền này được gọi là “quyền thực định”. Bởi vậy, khái niệm QCN rộng hơn khái niệm QCD, hay nói cách khác, QCD không thể bao quát hết được QCN. Thứ hai, về mặt chủ thể, QCN là quyền của mỗi con người từ khi người đó được sinh ra1 cho đến khi qua đời. Trong khi đó, QCD có thể bị tước đoạt (một phần) khi người đó vi phạm pháp luật. Hoặc trong trường hợp người đó mất năng lực hành vi dân sự (do mắc bệnh tâm thần chẳng hạn).

Chủ thể của QCD là công dân của một quốc gia, song một cá nhân nào đó mặc dù không phải là công dân của quốc gia mà mình đang sinh sống, nhưng vẫn có một số QCD nào đó hoặc phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định như một công dân của quốc gia mình đang cư trú.

Tính thống nhất và sự khác nhau nhất định giữa QCN với QCD (do những đặc thù về lịch sử, văn hóa) đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế, đặc biệt là trong “Tuyên ngôn thế giới về QCN” năm 1948; “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” năm 1966. Đặc biệt điều đó được làm rõ trong “Tuyên bố Viên (Áo) và Chương trình hành động” - văn kiện Hội nghị quốc tế về QCN, tại Viên năm 1993.

 Trong lập luận của các thế lực thù địch, chúng cố tình đồng nhất QCD với QCN. Chúng phớt lờ pháp luật quốc gia hoặc phủ nhận nhiều quy định của pháp luật quốc gia, nhất là phủ nhận nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của công dân. Theo chúng thì nhiều quy định của pháp luật Việt Nam đã vi phạm QCN…; trong đó, có Điều 4, Hiến pháp năm 1992 quy định về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam; Điều 79, Điều 88, Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1999…

Cơ sở pháp lý sự khác biệt của QCD với QCN nằm trong những quy định hạn chế ở   một số quyền của QCN được ghi trong nhiều công ước quốc tế về QCN, đặc biệt là “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”2 năm 1966.

Theo nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, quyền dân tộc tự quyết là một quyền tập thể của mỗi dân tộc. Đây được xem là cơ sở cho QCN. Quyền dân tộc tự quyết được khẳng định trong: “Công ước về quyền dân sự, chính trị” năm 1966.

Điều 1, Công ước trên ghi: “Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc có quyền tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa… Các dân tộc có quyền tự do định đoạt tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình…”3. Quy định này có nghĩa, các quốc gia, dân tộc lựa chọn chế độ chính trị nào4 là quyền của mỗi nước. Cũng như mỗi quốc gia có quyền lựa chọn, xây dựng Hiến pháp, hệ thống pháp luật, chế độ chính trị, thể chế phân quyền: Chế độ đa đảng hay một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền; thể chế tam quyền phân lập hay phân công, phối hợp có sự giám sát về quyền lực… là quyền của mỗi quốc gia. Những kẻ phủ nhận Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 xem đó là “độc quyền”, là “quái trạng”, là vi phạm nhân quyền… chẳng qua chỉ là những kẻ nô lệ về ý thức hệ của CNTB mà thôi. Thật ra, trên thế giới hiện nay có không ít quốc gia vẫn đề cao vai trò của Hoàng gia và xem Hoàng gia là một giá trị của dân tộc. Điều này không trái với dân chủ và QCN vì đây thuộc về quyền dân tộc tự quyết của mỗi quốc gia, dân tộc.

Người ta có thể chia QCN (trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”) làm hai loại: Các quyền tuyệt đối các quyền bị hạn chế. Các quyền tuyệt đối có thể kể đến như: Điều 6, “Không ai bị tước đoạt mạng sống một cách vô cớ”; Điều 7, “Không một người nào có thể bị tra tấn”; Điều 8, “Không được phép bắt giữ làm nô lệ người nào”… Các quyền bị hạn chế có thể kể đến, như:Điều 12, “Quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi cư trú”; Điều 18, “Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo”; Điều 19, “Mọi người có quyền giữ quan điểm của mình”, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tìm kiếm, nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến... Công ước trên quy định: việc thực hiện những quyền trên “kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt và phải chịu một số hạn chế nhất định, vì sự tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”5.Điều 21,“Quyền hội họp hòa bình…”; Điều 22, “Quyền lập hội” cũng là những quyền bị hạn chế vì những lý do như trên.

Cuộc đấu tranh về tính phổ biến và tính đặc thù của QCN giữa một bên là các quốc gia phương Tây với một bên là các quốc gia đang phát triển đã diễn ra ngay từ khi soạn thảo bản “Tuyên ngôn thế giới về QCN”. Các quốc gia phương Tây chủ trương tuyệt đối hóa tính phổ biến của QCN nhằm lợi dụng QCN để can thiệp vào công việc của các nước đang phát triển; đồng thời, áp đặt mô hình dân chủ, nhân quyền của mình cho các quốc gia khác. Ngược lại, các nước đang phát triển cho rằng: QCN không chỉ mang tính phổ biển mà còn mang tính đặc thù; do đó, không chấp nhận sự can thiệp và sự áp đặt mô hình dân chủ, nhân quyền của phương Tây cho mình. Bởi vậy, các quốc gia đang phát triển cho rằng, một số QCN cần phải được hạn chế, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, chống sự can thiệp của nước ngoài. Hội nghị quốc tế về QCN năm 1993 tại Viên (Áo), đã đi đến thỏa thuận về quan điểm giữa hai nhóm quốc gia. Hội nghị khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của quyền dân tộc tự quyết; đồng thời, khẳng định QCN vừa mang tính phổ biến, vừa mang tính đặc thù.

Trong “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động”, cộng đồng quốc tế khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết… Khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền”6. “Tất cả các QCN đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt… Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực về lịch sử, văn hóa và tôn giáo…”7.

Làm rõ nội hàm của QCN, QCD, cũng như sự thống nhất và khác biệt giữa hai loại quyền này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Về mặt tư tưởng, chính trị, giúp cho cán bộ, công chức và nhân dân nhận thức đúng bản chất của chế độ ta. Sự khác biệt nào đó của QCN trong các văn kiện quốc tế với QCD được ghi trong Hiến pháp và pháp luật của chúng ta có cơ sở lý luận, chính trị - được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Điều này cũng là cơ sở để chúng ta bác bỏ mọi sự xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền. Về mặt pháp lý, giúp mọi người nhận thức rõ các quyền và nghĩa vụ của mình, đặc biệt là nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Điều này có ý nghĩa tích cực trên hai phương diện:

Thứ nhất, đó là cơ sở chính trị, pháp lý vạch trần những luận điệu tuyệt đối hóa QCN xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận Hiến pháp, pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn như người ta cho rằng: Điều 88, Bộ Luật Hình sự năm 1999 về quyền tự do tư tưởng, báo chí là trái với Điều 19, “Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị” năm 1966 mà Việt Nam đã tham gia… Sự thực không phải vậy. Điều 88, Bộ Luật Hình sự Việt Nam không trái với Điều 19; bởi lẽ,Điều 19 là một quyền bị hạn chế vì “sự tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự cộng cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm QCN, bảo vệ những kẻ vi phạm pháp luật chẳng những vi phạm nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết, can thiệp vào công việc của Việt Nam, mà còn vi phạm chính QCN của đại bộ phận nhân dân đang mong muốn xã hội ổn định để phát triển đất nước như Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã đề ra.

Thứ hai, đó là một biện pháp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cuộc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Nếu như ở các nước phương Tây, QCN và QCD ra đời gắn với cách mạng dân chủ tư sản, thì ở Việt Nam QCN và QCD do nhân dân ta giành lại từ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gần 70 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, các quyền QCN và QCD của dân tộc ta đã được bảo vệ, trước hết là quyền sống trong độc lập, tự do.

Nâng cao nhận thức về QCN và QCD là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch, với mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm xây dựng xã hội ta thật sự là một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

TS. CAO ĐỨC THÁI

Học viện CT - HC Quốc gia Hồ Chí Minh

                  

1 - Ở một số quốc gia bào thai phát triển đến một mức nào đó cũng được xem là đã có QCN.

2 - Viện nghiên cứu quyền con người - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002, tr. 249.

3 - Sđd - tr. 250.

4 - CNTB hay CNXH, nhà nước dân chủ đại nghị hay nhà nước vương quyền, tôn giáo…

5 - Viện nghiên cứu quyền con người - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002, tr. 258.

6 - Viện nghiên cứu quyền con người - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002, tr. 43.

7 - Sđd - tr. 44.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.