Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 19/05/2016, 11:39 (GMT+7)
Tự do tuyệt đối về tôn giáo - sự đòi hỏi vô lý, không thể chấp nhận

Thời gian qua, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch đã kích động một số phần tử cực đoan chống phá chính quyền; cố tình gieo rắc trong nhân dân về cái gọi là “tự do tôn giáo tuyệt đối”. Đây là sự suy diễn, ngụy tạo nguy hiểm, cần được đấu tranh cả về lý luận và thực tiễn.

Hơn 1000 người dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2560 - Dương lịch 2016, tại Học viện Phật giáo. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Mọi người đều biết rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận tại Điều 18 trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và được phát triển trong Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc. Theo đó, mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo, một tín ngưỡng; quyền tự do thực hành tín ngưỡng, tôn giáo có thể bị giới hạn. Như vậy, theo quan điểm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, mặc dù là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có giới hạn, nếu việc thực hiện quyền này xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng hoặc quyền và tự do cơ bản của người khác.

Với tinh thần đó, trong Hiến pháp và những văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng như trên thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được Nhà nước ta tôn trọng, bảo đảm. Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách tung ra những luận điệu cho rằng, ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo bị vi phạm, bóp nghẹt. Hơn thế nữa, họ còn vu cáo chính quyền Việt Nam hạn chế các hoạt động tôn giáo, đàn áp tôn giáo, đòi thả tự do cho những người vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo và ca ngợi những người này là “tù nhân lương tâm”. Không chỉ xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo, các thế lực thù địch thường xuyên bôi đen tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam và đòi hoạt động của các tôn giáo là một “quyền tuyệt đối”, không bị hạn chế, không chịu sự quản lý của Nhà nước. Đây là quan điểm phiến diện, cực đoan, sai trái, vô lý, không thể chấp nhận.

Sở dĩ những “nhà dân chủ” phương Tây lớn tiếng rêu rao luận điểm này, bởi họ đã cố tình vin vào cái gọi là thuyết nhân quyền tự nhiên về quyền tự do tuyệt đối, vĩnh hằng, không bị giới hạn, không phụ thuộc các thiết chế xã hội và nhà nước để ngụy biện cho quyền tự do tuyệt đối về tôn giáo. Theo quan điểm của họ, quyền con người, kể cả quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền bẩm sinh, không phụ thuộc vào văn hóa, hay ý chí cá nhân, giai cấp, cộng đồng hay nhà nước; không một chủ thể nào, kể cả nhà nước, có thể  ban phát hay tước bỏ các quyền con người bẩm sinh, vốn có của các cá nhân. Đây là nhận thức chủ quan, thiếu tính thực tiễn, bởi trong xã hội, nếu không có hoạt động quản lý của nhà nước (thông qua hiến pháp và pháp luật) thì các quyền tự do cơ bản của con người không thể thực hiện trong cuộc sống. Chính vì lẽ đó, Liên hợp quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất và uy tín nhất hành tinh - cùng nhiều quốc gia trên thế giới đã không xem xét quyền con người dưới góc độ các quyền tự nhiên, mà đặt nó dưới góc độ quyền pháp lý. Điều đó có nghĩa là, tất cả các quyền, để được thừa nhận và thực hiện trong cuộc sống đều phải thể hiện dưới hình thức pháp lý, trở thành quyền pháp lý, tức là đều phải do nhà nước xác định và pháp điển hóa thành các quy phạm pháp luật.

Mặt khác, theo học thuyết về quyền pháp lý, thì không có quyền tự do nào là tuyệt đối, không bị giới hạn, bởi con người và các quyền của nó là một bộ phận của xã hội, chịu sự chế ước của xã hội, nên chúng đều là các quyền tương đối. Các quyền đó đều bị giới hạn bởi các trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội, bởi sự thừa nhận và tôn trọng đối với quyền và tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức công chúng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe và phúc lợi chung. Các quyền và các hạn chế đó còn phải được ghi nhận trong hiến pháp và được bảo vệ bằng pháp luật của nhà nước. Điều đó càng có sức thuyết phục khi mỗi tín đồ tôn giáo đồng thời là công dân, có các quyền và tự do cơ bản, được thực hiện các quyền của mình, nhưng phải thực hiện các nghĩa vụ công dân, tuân thủ pháp luật nhà nước. Các quyền tự do tôn giáo, hoạt động tôn giáo về nguyên tắc là tự do thực hiện những gì mà pháp luật không cấm, hay những gì mà pháp luật cho phép, tức là trong khuôn khổ pháp luật mà nhà nước định ra. Không có tự do ở ngoài trách nhiệm xã hội, ngoài pháp luật và chống lại pháp luật

Tuy nhiên, với những toan tính và mưu đồ chính trị, các thế lực thù địch đã ra sức nhào nặn, đánh tráo và đồng nhất các khái niệm “không thể bị giới hạn”, “đình chỉ” và “hạn chế” đối với một số quyền (theo tài liệu “Các nguyên tắc Siracusa về các điều khoản giới hạn và thực hiện quyền trong Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị”) để xuyên tạc thành “quyền tuyệt đối” về tôn giáo. Đồng thời, diễn giải, đánh đồng các quyền không thể bị hạn chế, đình chỉ, như: quyền sống, quyền không bị tra tấn, bắt giữ làm nô lệ, bỏ tù vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng,… quyền được công nhận là thể nhân trước pháp luật với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là các quyền tuyệt đối, không thể bị đình chỉ trong mọi điều kiện. Đây là sự suy diễn chủ quan, nhằm cố ý tạo ra một loại “quyền tuyệt đối”, làm vũ khí đấu tranh chính trị trên lĩnh vực nhân quyền, bao gồm lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đầy phức tạp, nhạy cảm.

Với  chiêu bài đó, bộ máy tuyên truyền của phương Tây đã sở hữu thứ vũ khí “lợi hại”, có thể phá tan mọi hệ thống pháp luật và chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các quốc gia không đi theo quỹ đạo của chúng, tạo ra mâu thuẫn và xung đột tôn giáo triền miên ở nhiều nơi, gây hỗn loạn ở các quốc gia đa tôn giáo và “xung đột giữa các nền văn minh” trên toàn thế giới. Đối với nước ta, những luận điệu này đã làm không ít tín đồ các tôn giáo hoài nghi chính sách, pháp luật tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Nhiều người đã ngộ nhận rằng, tất cả các hoạt động tôn giáo đều được tự do, không chịu sự quản lý của pháp luật; thậm chí có những hành vi chống lại việc thực hiện các chính sách, pháp luật về tôn giáo, bác bỏ sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Điển hình gần đây là vụ giáo xứ Đông Yên (Hà Tĩnh) đã cố tình chống lại chủ trương di dân của Đảng, Nhà nước, phục vụ phát triển khu kinh tế Vũng Áng; hoặc vụ một số giáo dân thuộc họ giáo Yên Lạc (Nghệ An) đã bất chấp pháp luật, phá tường rào công sở, lấn chiếm đất công trái phép (năm 2015), gây mất an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, v.v.

Điều nguy hiểm là, lợi dụng việc một số tín đồ tôn giáo quá khích, vi phạm pháp luật bị chính quyền xử lý, các “nhà dân chủ” phương Tây đã lớn tiếng phán rằng: Việt Nam đàn áp tôn giáo, bắt bớ tín đồ chỉ vì họ bày tỏ đức tin; từ đó, đòi quyền tự do tôn giáo “không thể bị giới hạn”, v.v. Đây là sự vu cáo trắng trợn, đòi hỏi phi lý, nhằm mượn cớ tự do tôn giáo để kích động các tín đồ chống phá Đảng và Nhà nước. Cần thấy rằng, cũng như nhiều quốc gia khác, ở Việt Nam, việc bảo đảm cho các hoạt động xã hội nói chung, tôn giáo nói riêng, tại một số nơi, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, dù có nhiều cố gắng vẫn có thể có mặt còn hạn chế, nhưng tuyệt nhiên chưa có ai bị bắt bớ hay ngăn cản khi bày tỏ đức tin và càng không thể có việc chính quyền thù địch với tôn giáo. Chỉ có những kẻ lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi cá nhân, mưu đồ chính trị, phá hoại trật tự xã hội đã được thiết lập sẽ bị pháp luật ngăn cấm, trừng trị. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm: “Tôn giáo là nhu cầu tinh thần tất yếu của một bộ phận đông đảo nhân dân và sẽ đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và sự thật đã là như vậy trong thực tiễn. Việc những kẻ đội lốt các “nhà cải cách”, “dân chủ”, lợi dụng vụ việc trên để đòi hoạt động tôn giáo đứng ngoài pháp luật là nhằm phục vụ cho một động cơ khác, chứ không phải vì sự nghiệp phát triển tôn giáo như họ từng rao giảng.

Thực tiễn đã chứng minh, ở nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển, như: Nhật Bản, Áo, Đức,… quan niệm về tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn đặt trong mối quan hệ với nhà nước và pháp luật. Ví dụ ở Đức, Điều 9 (Khoản 2) của Hiến pháp nước này đã quy định: hoạt động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hay bị cấm nếu như mục đích và hoạt động của tổ chức đó vi phạm các quy định của luật hình sự hay chống lại chế độ xã hội đã được xác định trong Hiến pháp. Điều đó càng khẳng định tầm quan trọng của vấn đề tôn giáo trong hoạt động quản lý nhà nước. Các quan điểm nhằm biện hộ cho quyền tự do tôn giáo tuyệt đối không chỉ phá vỡ cấu trúc hiến pháp của quốc gia, mà còn kích động sự vi phạm pháp luật hiện hành về tôn giáo và phủ định sự quản lý của nhà nước đối với tôn giáo. Vậy, phải chăng đó là một mưu đồ chính trị?

Thực tiễn cũng cho thấy, trong đời sống xã hội, các tôn giáo và tổ chức tôn giáo không thể tự mình điều chỉnh được quan hệ với nhau và quan hệ xã hội bên ngoài liên quan đến tôn giáo. Chúng cần nhà nước với tư cách là người bảo hộ, trọng tài và cảnh sát trong quan hệ xã hội giữa các tôn giáo, nhất là sự phát triển tự phát của các tôn giáo cũng như hoạt động tôn giáo không tuân thủ pháp luật, tạo sự hỗn loạn trong đời sống tôn giáo, gây bất ổn trật tự xã hội và đe dọa an ninh quốc gia. Vì thế, sự ngụy biện về một thứ tự do tôn giáo tuyệt đối, dù với mục đích gì, đều phi thực tiễn và không thể chấp nhận được.

Cũng như mọi nhà nước trên thế giới, Nhà nước Việt Nam có toàn quyền quản lý các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tôn giáo. Theo Luật Nhân quyền quốc tế, Nhà nước ta có ba nghĩa vụ chính: tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền con người nói chung và quyền tự do tôn giao nói riêng. Theo đó, Nhà nước luôn tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm trên thực tế việc thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Về trách nhiệm bảo vệ, Nhà nước thực thi quyền ngăn chặn sự vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của bên thứ ba. Trong nghĩa vụ thực hiện, Nhà nước có những biện pháp, chế tài nhằm hỗ trợ cho công dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, Nhà nước còn chủ động đưa ra các kế hoạch, chính sách, đề án, chương trình cụ thể để mọi công dân được hưởng mức cao nhất các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Như vậy, việc Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về vấn đề tôn giáo, không phải là để “can thiệp”, “hạn chế” tự do tôn giáo như một số người lầm tưởng, mà chủ yếu nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được tốt hơn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước nhanh, bền vững.

TS. NGUYỄN ĐỨC THÙY, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.