Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 09/07/2012, 15:36 (GMT+7)
Tự do tôn giáo ở Việt Nam – sự thật không thể xuyên tạc

Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch đã và đang sử dụng mọi thủ đoạn thâm độc. Trong đó, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo, hòng tạo phản ứng tiêu cực trong một bộ phận chức sắc và tín đồ tôn giáo là một thủ đoạn mà chúng thường dùng.


Đại lễ rước, cung nghinh xá lợi Đức Phật lớn nhất Việt Nam (nguồn: vtv.vn)
 

Đã trở thành thông lệ, cứ đến dịp tháng 3, tháng 9, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại tự cho mình cái quyền công bố báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở các nước trên thế giới. Các tổ chức nhân quyền, các phương tiện thông tin của Mỹ và các nước phương Tây được dịp phụ họa, “tát nước theo mưa” tuyên truyền rùm beng về cái gọi là “vi phạm các quyền con người”, “quyền tự do tôn giáo trên thế giới”; trong đó, Việt Nam là một trong những nước bị chỉ chích nặng nề. Không có gì mới lạ trong các luận điệu chỉ trích về vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo của Mỹ và phương Tây đối với nước ta và các nước trong nhiều năm qua. Vẫn giọng điệu của một kẻ kiêu căng, trịch thượng; vẫn một thái độ áp đặt, thiên kiến chủ quan, đòi hỏi một “tiêu chuẩn kép” về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo; vẫn một thủ đoạn xuyên tạc, bôi đen một cách thô thiển bất chấp thực tế về những thành tựu to lớn của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Vậy mục đích của các nhà “dân chủ” Mỹ và phương Tây ở đây là gì? Phải chăng là vì quyền con người, vì đối thoại xây dựng? Những hành động thực tế của họ đã cho câu trả lời là không! Nói một cách rõ ràng hơn, thực chất là họ lợi dụng nhân quyền, tự do tôn giáo như một công cụ chính trị nhằm bôi đen, hòng xóa bỏ chế độ chính trị ở các nước không thân thiện, gây áp lực để bảo vệ lợi ích và sự thống trị toàn cầu của Mỹ.

Chúng ta đều biết, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận tại Điều 18 trong Tuyên ngôn nhân quyền toàn thế giới năm 1948 và được phát triển đầy đủ hơn trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc. Theo đó, mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo; không một ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn một tôn giáo, một tín ngưỡng; quyền tự do thực hành tôn giáo, tín ngưỡng có thể bị giới hạn… Như vậy, theo quan điểm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, mặc dù là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có giới hạn. Sự giới hạn đó là cần thiết nếu việc thực hiện quyền này xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng hoặc quyền và tự do cơ bản của người khác. Nói cách khác, ở tất cả các nước, các loại hình tổ chức tôn giáo đều được tự do hoạt động nhưng phải trong giới hạn của hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi hoạt động tôn giáo gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức và các quyền của người khác…, đều bị cấm và nghiêm trị theo pháp luật. Những tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, giả danh tôn giáo, giáo phái cực đoan đều không được thừa nhận có tư cách và quyền như một tôn giáo. Hầu hết các quốc gia trong cộng đồng quốc tế đều ghi nhận và thực hiện quyền này trong hiến pháp, pháp luật của mình.

Đối với nước ta, Điều 70 Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, Nghị định số 22/NĐ-CP, ngày 11-5-2005 của Chính phủ và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã quán triệt và thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Các quy định pháp lý đó không những phù hợp với tinh thần và nội dung tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, củng cố niềm tin, tạo động lực để đồng bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”, “sống tốt đời, đẹp đạo”, góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, với mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam, các thế lực thù địch trong và ngoài nước mưu toan phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ các tôn giáo, chia rẽ người có đạo và người không có đạo. Chúng xuyên tạc, vu cáo, bôi đen tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam; tung ra nhiều luận điệu xằng bậy: “ở Việt Nam không có tự do tôn giáo”, Đảng Cộng sản “vô thần” chủ trương xóa bỏ tôn giáo. Gần đây, khi một số đối tượng lợi dụng tự do tôn giáo để hoạt động chống phá chính quyền, vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật thì họ tìm cách xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”, “bóp nghẹt tôn giáo”, “bắt giam các nhà tu hành vì lý do tôn giáo”, v.v.

Quan điểm nhất quán của Đảng ta về tín ngưỡng, tôn giáo đã khẳng định: Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo đã xác định rõ quyền hạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân các tôn giáo trong việc quản đạo, hành đạo, truyền đạo; nơi thờ tự của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ; việc thành lập tổ chức tôn giáo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức, văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với các tổ chức tôn giáo và hoạt động tôn giáo được quy định cụ thể và hết sức rõ ràng, theo hướng tích cực cải cách thủ tục hành chính về thời gian, trình tự thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động. Không chỉ được thể hiện bằng các quan điểm, chính sách mà trên thực tế, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân, của mọi tổ chức tôn giáo chân chính với hàng chục triệu tín đồ trên cả nước luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền quan tâm, tôn trọng và tạo điều kiện hoạt động, phát triển. Ở Việt Nam, không có bất kỳ ai bị bắt, giam giữ hoặc kiểm soát, truy bức vì lý do tôn giáo; những người theo tín ngưỡng, tôn giáo được tự do sinh hoạt, thờ cúng, tiến hành các nghi lễ tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật. Đó là sự thật không thể chối cãi, phủ nhận và trên thực tế đã và đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên dải đất hình chữ “S”.

Song, thật nực cười là họ lại không thấy những điều mà ai cũng thấy, hoặc thấy nhưng phớt lờ những chính sách đúng đắn và nỗ lực của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo. Liên tiếp nhiều năm qua, ở nước ngoài, một số nghị sĩ tại Hạ viện Hoa Kỳ luôn thể hiện thái độ, quan điểm cực đoan, thiếu công bằng để “đánh giá” vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam. Họ luôn đưa ra đòi hỏi ngang ngược, vô lối nhằm kích động, hà hơi tiếp sức cho một số công dân Việt Nam lợi dụng vỏ bọc “hoạt động dân chủ, nhân quyền”, “tự do tôn giáo” để vi phạm pháp luật. Thậm chí họ còn lên án, đòi Chính phủ ta “công nhận” các tổ chức tôn giáo giả hiệu, như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Tin lành Đề Ga và can thiệp đòi thả các “tù nhân tôn giáo”. Đặc biệt vừa qua, trong “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012” do ông Cơ-rít Xi-mít, nghị sĩ Đảng Cộng hòa (Hoa Kỳ) là tác giả đã vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, trong đó có quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo và kiến nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC). Đây là những luận điệu đầy định kiến, một chiều, xuyên tạc, không khách quan, vô căn cứ của các tổ chức nhân quyền nước ngoài. Họ đã cố tình không nhận ra rằng, sau hơn 25 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt; trong đó, quyền con người, quyền tự do tôn giáo được bảo đảm ngày một tốt hơn; các tôn giáo đã phát triển nhanh cả về số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự. Nếu như năm 2006, cả nước mới có 6 tôn giáo và 16 tổ chức tôn giáo được công nhận và đăng ký hoạt động, thì đến nay đã có 12 tôn giáo và 37 tổ chức tôn giáo với trên 20 triệu tín đồ, chiếm 25% dân số cả nước. Điều đó chứng tỏ sự phát triển của các tôn giáo ở Việt Nam là tốt đẹp và luận điệu vu cáo Việt Nam “đàn áp tôn giáo” là hoàn toàn bịa đặt. Hiện nay, cả nước có gần 100.000 chức sắc tôn giáo, trên 22.000 cơ sở thờ tự, trong đó có nhiều công trình được trùng tu, xây mới. Tính riêng hai năm 2010 và 2011 đã có gần 500 công trình tôn giáo được xây mới, hơn 600 cơ sở thờ tự được nâng cấp, sửa chữa khang trang, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân. Các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo với đủ các cấp học, như: Học viện Phật giáo, Chủng viện Thiên chúa giáo và các trường cao đẳng, trung cấp của các tôn giáo đã và đang hoạt động với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương. Hoạt động báo chí, in ấn, xuất bản trong lĩnh vực tôn giáo được đẩy mạnh, riêng Nhà xuất bản Tôn giáo đến nay đã xuất bản hơn 4.000 đầu sách với số lượng hàng chục triệu bản. Sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam còn được thể hiện ở nhiều sự kiện, hoạt động tôn giáo sôi động. Năm 2011, Lễ Bế mạc Năm Thánh 2011 của Giáo hội Công giáo Việt Nam được tổ chức long trọng tại giáo sứ La Vang, tỉnh Quảng Trị; Đại lễ kỷ niệm 72 năm khai sáng đạo Phật giáo Hòa hảo; Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; Đại hội Giới trẻ giáo tỉnh Hà Nội lần thứ IX với sự tham gia của hơn 2 vạn bạn trẻ Công giáo đến từ 10 giáo phận, 26 tỉnh, thành phố thuộc giáo tỉnh Hà Nội…, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không phủ nhận rằng, hoạt động tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vẫn còn bất cập, hạn chế ở một vài địa phương trong một số vụ, việc cụ thể; nhưng về cơ bản, lãnh đạo các chức sắc tôn giáo tại Việt Nam và đông đảo những người có lương tri trên thế giới đến thăm Việt Nam đều thừa nhận những thành tựu to lớn của nước ta trên lĩnh vực tôn giáo. Ông Nguyễn Cao Kỳ – một người từng làm Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn – khi về thăm Việt Nam, chứng kiến sự thật đã thốt lên rằng: “Không phải riêng tôi, mà cả trăm, nghìn Việt kiều về thăm quê hương đều thấy chùa chiền được xây cất ngày càng nhiều, người đi chùa, đi nhà thờ đông nghìn nghịt, hoàn toàn không có sự cấm đoán. Nếu mà nói về tự do tôn giáo thì thật sự có tự do, không ai có thể chối cãi được”. Năm 2009, Đoàn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ do Phó Chủ tịch M.L Cro-ma-ti dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Việt Nam đã nhận xét: “Tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được mở rộng và có nhiều tiến bộ, nhiều điểm đáng khích lệ”. Có thể dẫn câu nói của cựu Đại tá Mỹ An-đrê Xau-va-gốt từng tham chiến tại Việt Nam, Cố vấn Hội đồng Thương mại Mỹ – Việt thay lời kết: “Với tư cách là người nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam đã lâu, tôi hoàn toàn không đồng ý với bản báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo ở Việt Nam… Tôi khẳng định rằng, những người bị bắt tại Việt Nam không bao giờ vì lý do tôn giáo, mà là vì vi phạm pháp luật của chính đất nước đã nuôi dưỡng họ. Tôi nghĩ, một số thành phần thù địch ở Mỹ cố tình xuyên tạc về tình hình tôn giáo ở Việt Nam mà không hiểu thực tế vì chưa bao giờ họ đặt chân đến Việt Nam, chỉ nghe lời xuyên tạc và đi theo một cách mù quáng”.


 TS. NGUYỄN ĐỨC THÙY

Học viện CT - HC Quốc gia Hồ Chí Minh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.