Thứ Bảy, 23/11/2024, 17:37 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Nhằm phát huy vai trò quan trọng của báo chí trong thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI), đã thảo luận, thông qua Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật”. Quan điểm của Đảng ta trên lĩnh vực này là: (1) Phát triển báo chí theo hướng “cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân”. (2) Báo chí cần góp phần “tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,… tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam”. (3) Cơ quan báo chí cần “bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí…”. Đó là điều tất nhiên đối với báo chí cách mạng Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với nhiều cơ hội và thách thức đan xen.
Thời gian qua, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng (các cơ quan báo chí), chất lượng và loại hình. Cả nước hiện nay, về báo in, có 845 cơ quan, trong đó có 199 cơ quan báo chí (tăng 07 cơ quan so với năm 2013), 646 tạp chí, 01 hãng thông tấn quốc gia; về báo điện tử, có 98 báo, tạp chí điện tử; về phát thanh, truyền hình, có 67 đài; có 05 cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam mở cơ quan thường trú ở nước ngoài. Tại Việt Nam hiện có 30 văn phòng báo chí nước ngoài với 35 phóng viên đăng ký thường trú. Trung bình hằng năm, có khoảng 230 đoàn với hơn 1.000 phóng viên nước ngoài vào nước ta tác nghiệp.
Ngày nay, người dân Việt Nam “đã được tiếp cận với 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có những kênh được phát rộng rãi trên thế giới, như: CNN, BBC, Bloomberg, TV5, DW, NHK, KBS, Australia Network, v.v. Tất cả các hãng thông tấn và báo chí lớn của thế giới đều đến với người dân Việt Nam thông qua mạng in-tơ-nét, như: Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN, Kyodo, Economist, Financial Times, v.v.”[1]. Khoan hãy bàn nội dung thông tin của những “kênh” này, nhưng rõ ràng là điều đó thể hiện rõ sự tôn trọng quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin đối với người dân của Đảng và Nhà nước ta.
Thực tế những năm qua, báo chí có những bước phát triển và đóng góp đáng kể trong việc giữ gìn ổn định chính trị, phát triển dân chủ XHCN và bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu là 1.155 tác phẩm báo chí: gồm báo viết, báo hình, báo điện tử đã được Hội đồng giải thưởng báo chí Quốc gia tuyển chọn trong hàng ngàn tác phẩm báo chí tham gia dự giải[2]. Hầu hết các tác phẩm được giải là sự kết tinh của lao động trí óc, sự sáng tạo và cả sức lao động cơ bắp của tác giả, v.v. Chẳng hạn tác phẩm “Thâm nhập đường dây chăn dắt, hành hạ trẻ em”, “Tình người hiến máu”, “25 năm hải chiến Trường Sa”, “Đạo đức học đường - không thể xem nhẹ”, “Người ăn chẳng hết - kẻ lần chẳng ra!”, “Xây dựng nông thôn mới - đừng để “chủ thể thành con nợ”, “Nghị quyết Trung ương 4 tạo động lực chống tiêu cực”, v.v. Song, bên cạnh đó, hoạt động của báo chí cũng còn nhiều bất cập. Trong đó, có một số bài viết chưa phản ánh đúng hiện thực, còn “tô hồng” hoặc “bôi đen” quá mức, gây phản cảm, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Hiện tượng báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, xa rời nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, chạy theo thị hiếu tầm thường vì lợi nhuận khá phổ biến. Tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí (năm 2014), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng: “bên cạnh những mặt tích cực, việc thi hành Luật Báo chí vẫn còn những hạn chế; trong đó, có tình trạng một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí”[3]. Thực tế, có những cơ quan, đơn vị thực hiện quy chế người phát ngôn chưa nghiêm, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động chưa tốt. Thậm chí có cá nhân, tập thể xúc phạm nhân phẩm, thân thể nhà báo, thu giữ, hủy hoại phương tiện hành nghề của nhà báo.
Còn trên mạng xã hội ở trong và ngoài nước, lợi dụng không gian kỹ thuật số, người ta đưa thông tin, bình luận, trả lời phỏng vấn nhiều hãng thông tấn báo chí nước ngoài, như: BBC, RFA,… có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi đen chế độ chính trị ở nước ta. Do đó, để chấn chỉnh những bất cập trong quản lý và hoạt động báo chí; đồng thời, nhằm tạo cơ sở cho báo chí phát triển mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại trong bối cảnh hội nhập, Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI) đã thông qua Đề án “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025”. Điều đó không những kịp thời đáp ứng những nhiệm vụ chính trị, tư tưởng của Đảng và Nhà nước, mà còn đáp ứng nguyện vọng chính đáng của tuyệt đại đa số nhân dân mong muốn có một nền báo chí lành mạnh, như là những món ăn “sạch” về tinh thần (nhất là cho thế hệ trẻ), trong khi những “thực phẩm” độc hại đang tràn lan trong không gian kỹ thuật số.
Thế nhưng, trên một số trang mạng, người ta (vì những mục tiêu đen tối), đã tỏ ra “thất vọng” về Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí. Họ cho rằng, trước sức ép do các thế lực thù địch tạo ra, dựa trên “quyền tự do ngôn luận” theo mô hình phương Tây,… có thể Hội nghị Trung ương lần này sẽ nhân nhượng “đổi mới - nới lỏng” quản lý báo chí, chẳng hạn như cho ra báo chí tư nhân, nới lỏng quản lý in-tơ-nét, cho phép các mạng xã hội “tự do hoạt động”, hay có thể chấp nhận những quan điểm tự do, dân chủ, nhân quyền theo mô hình báo chí phương Tây, v.v. Sau Bài phát biểu bế mạc Hội nghị của Tổng Bí thư, họ lu loa: “Họ (Đảng ta) vẫn nói như trước và từ bao nhiêu năm rồi. Thực chất là không để tư nhân hóa báo chí, vì họ rất sợ tư nhân hóa sẽ dẫn đến đa chiều, đa diện, và dẫn đến đa nguyên, đa đảng. Cho nên,… họ luôn giữ độc tài, độc quyền về báo chí. Chừng nào họ không ở chân tường thì họ chưa buông báo chí đâu”. Thậm chí người ta còn xuyên tạc: “Có thể bằng cách nào đó… (họ tạo ra) một nhóm quyền lực chi phối báo chí, chi phối mạng xã hội nhưng mà không phải để phục vụ cho mục tiêu tạo ra những diễn đàn dân chủ, phản biện và các ý kiến trái chiều mà để phục vụ cho công cuộc đấu đá lẫn nhau, để tranh giành quyền lực về mặt chính trị”. Những nội dung nói trên là sự xuyên tạc bản chất của chế độ ta nói chung, xuyên tạc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong Luật Báo chí của Nhà nước ta nói riêng.
Trong một xã hội văn minh, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển, chế độ dân chủ, nguyên tắc nhà nước pháp quyền, các quyền con người (QCN), quyền và nghĩa vụ công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận luôn được tôn trọng và bảo đảm. Công tác quản lý báo chí của chúng ta cũng không nằm ngoài những nguyên tắc đó. Cần khẳng định rằng, cho đến nay, sự khác biệt về chế độ xã hội, mô hình dân chủ và QCN giữa các quốc gia vẫn được Liên hợp quốc tôn trọng. Điều này đã được Hiến chương Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về QCN quy định. Điều 1, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966 đã ghi: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa…”[4]. Theo đó, việc một dân tộc xây dựng chế độ xã hội nào (TBCN, XHCN,…) cũng như xây dựng hệ thống pháp luật (trong đó quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận,…) của mình như thế nào là hoàn toàn thuộc quyền của dân tộc đó. Cũng trong Công ước trên, quyền tự do ngôn luận (trong đó có quyền tự do ngôn luận trên báo chí) là một quyền có sự hạn chế. Điều 19, Công ước quy định: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp vào. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, v.v. 3. Việc thực hiện những quyền được quy định ở mục 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và chỉ để: a) Tôn trọng các quyền và uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”[5].
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, Điều 25, Chương II cũng đã quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Khái niệm “luật định” ở đây bao gồm cả những hạn chế quyền. Cũng trong Hiến pháp năm 2013, Điều 14 quy định nội dung và nguyên tắc hạn chế quyền như sau:
“1. Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các QCN, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. QCN, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Điều 4, Luật Báo chí của Việt Nam cũng quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng”.
Việc Nhà nước ta trong khi quy định tôn trọng và bảo đảm QCN nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng “không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân” không chỉ thuộc thẩm quyền của một quốc gia độc lập, có chủ quyền theo Hiến chương Liên hợp quốc và luật quốc tế về QCN, mà còn phù hợp với tình hình chính trị - xã hội trên thế giới hiện nay. Chẳng hạn, sau sự kiện khủng bố, năm 2001 ở Mỹ; những biến động chính trị, xã hội to lớn, sâu sắc ở Bắc Phi, Trung Đông, năm 2010; cuộc bạo động đường phố ở Anh, năm 2011,… đã dẫn đến hầu như tất cả các quốc gia, kể cả những quốc gia luôn tự xem là “thế giới tự do”, trong đó có Hoa Kỳ, Anh cũng buộc phải hạn chế một số QCN, trong đó có quyền kiểm soát điện thoại cá nhân, đồng thời đưa ra những quy định nhằm quản lý các mạng xã hội. Sau sự kiện Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo tại Paris bị khủng bố ngày 07-01-2015 (vì đăng tải bức tranh biếm họa đấng tiên tri Mohammad), không chỉ ở Pháp mà hầu hết các quốc gia đã tăng cường công tác an ninh, đồng thời buộc phải xem xét lại quan điểm về QCN, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nhiều chính khách, nhà khoa học, chức sắc tôn giáo cho rằng các quyền tự do cá nhân, trong đó có quyền tự do báo chí cần phải được hạn chế nhằm bảo vệ quyền của người khác, bảo vệ đức tin của các tôn giáo, vốn cũng là một QCN.
Không thể phủ nhận được vai trò cực kỳ quan trọng của in-tơ-nét và các mạng xã hội đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt là vai trò của các mạng thực hiện chức năng dịch vụ lớn quốc tế, trong đó có Google, Yahoo, Facebook, v.v. Thế nhưng, ngay cả đối với mạng này, nhiều quốc gia cũng đã bắt buộc phải đưa ra những hạn chế nhất định. Việc làm này không chỉ vì an ninh quốc gia, trật tự công cộng, quyền và lợi ích của người khác,… như quy định của Luật nhân quyền quốc tế mà còn để bảo vệ giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc. Trang mạng Google hiện đang hoạt động tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Để được hoạt động ở các quốc gia, Google buộc phải tuân thủ các quy định, pháp luật của quốc gia đó. Theo CNN, nhiều nội dung mà các quốc gia đưa ra nhằm yêu cầu Google xóa đi hoặc không hiển thị một số nội dung (từ ngữ) trên trang mạng này. “Chẳng hạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Google đã dỡ bỏ các liên kết đến trang web chứa nội dung nói xấu vị lãnh tụ Mustafa Kemal Ataturk. Tương tự như vậy, ở Thái Lan Google đã chặn các video của Youtube có nội dung chế giễu nhà vua Bhumibol Adulyadej. Ngay tại Đức, Pháp và Phần Lan, những thông tin liên quan đến ủng hộ Đức Quốc Xã đều bị cấm”[6].
Có thể nói, 3/4 thế kỷ qua, dân tộc ta đã bằng mồ hôi, xương máu của mình, đã kế thừa truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Việt Nam, hình thành những giá trị mới của dân tộc. Đó là thân thế, sự nghiệp, đặc biệt là tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là những trang sử anh hùng của dân tộc ta trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước. Đó là chế độ xã hội XHCN gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhận thức đúng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mỗi người - không chỉ vì quyền cá nhân mà trước hết phải vì lợi ích của xã hội, vì sự ổn định chính trị, bảo vệ những giá trị dân tộc và bản sắc văn hóa Việt Nam được đề cập trong Đề án quy hoạch báo chí là cần thiết ./.
TS. CAO ĐỨC THÁI
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người
Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh
[1] - Theo “Báo cáo Quốc gia về thực hiện QCN ở Việt Nam theo cơ chế kiểm định kỳ phổ cập (UPR) chu kỳ II”, Cổng thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
[2] - Theo “Giải thưởng báo chí năm 2013”, Người làm báo, ngày 18-6-2014.
[3] - thanhnienonline, 13-11-2014, 05:20.
[4] - “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, Trung tâm nghiên cứu quyền con người, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, HN, 2002, tr. 250.
[5] - Sđd - tr. 258.
[6] - Google “nhập gia tùy tục”, Doanh nhân Sài Gòn Online - Thứ hai, ngày 05-01-2015 14:48 (GMT+7).
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm