Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 26/11/2012, 15:41 (GMT+7)
Tự do báo chí “tuyệt đối, không điều kiện” và những mưu toan, hệ lụy của nó

 Việc cổ xúy về một sự tự do báo chí “tuyệt đối, không điều kiện” được phương Tây khởi xướng trên thực tế đã trở thành con bài được các thế lực thù địch lợi dụng để che đậy cho những thủ đoạn bịa đặt, xuyên tạc, chống phá, xâm phạm quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức và sự ổn định của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 

Vạch trần những thủ đoạn xảo trá, nham hiểm của các thế lực thù địch và phát huy tốt vai trò, hiệu lực của báo chí, truyền thông chân chính là giải pháp thiết thực, bảo đảm cho sự phát triển, tiến bộ về tự do báo chí ở Việt Nam. Sau các sự kiện “Cách mạng màu” và “Mùa xuân Ả-rập”, vấn đề đòi hỏi tự do báo chí “không điều kiện” được khuấy động lên nhiều hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó. Những ai quan tâm tới tình hình quốc tế sau các sự kiện trên đều thấy rằng: theo sau con bài “dân chủ”, “nhân quyền” có sự dẫn đường tích cực của truyền thông, báo chí; và chính truyền thông, báo chí đã tạo ra sự bất đồng sâu sắc trong nội bộ các quốc gia có các sự kiện trên. Điều đó được kết hợp với sự can thiệp của nước ngoài, thông qua các thiết chế kinh tế, quân sự quốc tế để lật đổ chế độ điều hành tại nhiều quốc gia được cho là “độc tài”, “mất dân chủ”. Những việc làm này đã được áp dụng có hiệu quả và chắc chắn sẽ tiếp tục được thực hiện ráo riết hơn đối với nhiều quốc gia khác; trong đó, không loại trừ Việt Nam. Gần đây, tổ chức “Ngôi nhà tự do” – một tổ chức phi chính phủ, có trụ sở tại Mỹ, với chức năng cổ súy cho dân chủ, tự do, nhân quyền đã tiến hành khảo sát, đánh giá, xếp hạng về tự do báo chí năm 2011 đối với 197 quốc gia. Với lý do báo chí, truyền thông đã đóng góp thiết thực vào việc thay đổi các thể chế cầm quyền, nhiều nước Bắc Phi, Trung Đông được tổ chức này cho rằng đã có sự tiến bộ đáng khích lệ về tự do báo chí, truyền thông và họ đưa Việt Nam vào nhóm các nước không có tự do báo chí! Chưa bàn tới mức độ khách quan của việc làm này, nhưng qua đó, người ta đã thấy có sự khác biệt lớn không những về tiêu chí, mà còn cả về mục đích thực chất trong nhìn nhận về tự do báo chí của họ chẳng khác gì một công cụ để can thiệp vào nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Đối với chúng ta: tự do báo chí là sự tự do thể hiện chính kiến cá nhân, những phản biện xã hội với mục đích góp phần làm cho xã hội tốt đẹp, tiến bộ hơn; song, không phải là tự do xuyên tạc, bôi nhọ, kích động bất chấp pháp luật, gây tổn hại đến cá nhân, tổ chức, nhất là đối với sự ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Nếu nói tự do báo chí một cách “tuyệt đối, không điều kiện”, bỏ qua các thiết chế bảo đảm về pháp luật, ý thức, trách nhiệm công dân… thì sự tự do như vậy, sớm hay muộn sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn, bất ổn về chính trị. Gần đây, bộ phim báng bổ Đạo Hồi “Sự ngây thơ của các tín đồ Hồi giáo” do nhà làm phim Mỹ Na-kon-la Ba-se-ly Na-kon-la tung ra thị trường, đã ngay lập tức thổi bùng lên sự phẫn nộ, phản kháng dữ dội của hơn 1,2 tỷ tín đồ Đạo Hồi trên khắp thế giới. Biểu tình, bạo động đã xảy ra ở hàng chục quốc gia Hồi giáo, làm hàng chục người bị thiệt mạng và nhiều nhà thờ bị đốt phá; đại sứ quán Mỹ ở nhiều nước bị vây hãm… Trước sự kiện đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban-ki-mun đã lên tiếng: “Tự do ngôn luận được bảo vệ khi nó được sử dụng vào mục đích công lý và cộng đồng… Khi một số người sử dụng quyền tự do này để khiêu khích hoặc sỉ nhục các giá trị niềm tin của người khác thì hành động đó sẽ không được bảo vệ”. Thiết nghĩ, bài học về sự kiện này là rất cần thiết cho những ai cổ xúy một chiều với dụng ý xấu về sự tự do báo chí “tuyệt đối, không điều kiện”.

 

alt
Các phóng viên Việt Nam đang tác nghiệp
 

Trên thực tế, ngay cả ở các nước tự cho mình là khuôn mẫu về tự do, dân chủ và đem điều đó để soi xét, áp đặt cho nước khác, song đâu phải vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí ở đó không có sự giám sát chặt chẽ của pháp luật. Ngay như cuộc biểu tình “Chiếm phố Wall”, nhằm đấu tranh cho sự bình đẳng xã hội và các giá trị nhân văn chính đáng nổ ra tại Mỹ vào tháng 9 năm 2011, mặc dù đã nhanh chóng bùng phát và lan rộng trên 950 thành phố, thuộc 82 quốc gia trên thế giới, nhưng không có sự bảo trợ của luật pháp và hệ thống truyền thông, báo chí do các ông chủ tư bản nắm giữ, nên sau đó không lâu đã phải ngưng nghỉ. Hiến pháp nước Mỹ quy định: “Quốc hội sẽ không ban hành một luật nào giới hạn quyền tự do ngôn luận hay tự do báo chí của công dân”. Mặc dù vậy, trước yêu cầu thực tế của lĩnh vực ngôn luận, báo chí; năm 1798 với việc ban hành đạo luật “Phản loạn”, Quốc hội Mỹ đã đưa ra quy định: “Việc viết, in, phát biểu hay phổ biến… mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội”. Thực tế đó cho thấy, mọi sự tự do, dân chủ thuộc bất cứ thể chế chính trị nào cũng cần có hành lang pháp lý bảo đảm và đây cũng là điều quan tâm của bất cứ nhà nước nào thuộc mọi thể chế chính trị. Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật”. Nhằm ngăn ngừa, xử lý tội phạm trong hoạt động ngôn luận, báo chí, Điều 88 trong Bộ Luật Hình sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã quy định việc “Tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” sẽ bị phạt tù từ 03 đến 12 năm. Cũng như mọi quốc gia khác, việc các cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam thực hiện xét xử người vi phạm trong hoạt động ngôn luận, báo chí theo đúng luật định (như vụ xét xử Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải trong tháng 9 vừa qua) là điều hết sức bình thường. Thế nhưng, như đã trở thành điệp khúc, mỗi khi điều đó diễn ra người ta lại thấy ồn ào lên sự phản đối việc Chính quyền Việt Nam “bóp nghẹt”, “đàn áp” báo chí. Phi lý hơn nữa, nhiều trường hợp phạm tội còn được đánh đồng với người yêu nước, suy tôn là “người hùng” vì đã có công đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền, chủ quyền quốc gia”. Nguyên do của tình trạng bất công, phi lý đó là sự định kiến, chủ quan áp đặt trong cách nhìn đối với tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam của một số tổ chức, cá nhân có tư tưởng thù địch với Việt Nam và từ những mưu toan chống phá với ảo tưởng xoay chuyển chế độ của các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, chống cộng cực đoan. Hiện nay, có hơn 04 triệu người Việt Nam đang định cư ở nhiều quốc gia trên thế giới; hầu hết kiều bào yêu nước, một lòng hướng về Tổ quốc, ủng hộ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, song vẫn còn những phần tử phản động lưu vong, như: Nguyễn Đình Thắng, Cao Quang Ánh, Võ Văn Ái,… luôn tìm mọi cách để bôi nhọ đất nước, ngăn cản xu hướng đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thậm chí đang tâm kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân có tầm ảnh hưởng để can thiệp, cấm vận, trừng phạt chính ngay Tổ quốc, nhân dân mình. Điển hình là việc phản đối Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trước đây và ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hiện nay. Gần đây, nhằm chống phá công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và vai trò của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực truyền thông, báo chí, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và sự phát triển của công nghệ thông tin, những biến động từ Trung Đông, Bắc Phi,… để đẩy mạnh lên mức độ chưa từng có, bằng các phương thức, thủ đoạn xảo trá, nham hiểm mới. Thực tế đó đã đặt ra những thách thức cao độ đối với bản lĩnh, trí tuệ của Đảng ta cùng lúc với việc phải giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng cả về đối nội, đối ngoại và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hoạt động chống phá trên lĩnh vực truyền thông, báo chí của các thế lực thù địch đối với Việt Nam vừa qua đã được thực hiện với nhiều hình thức, phương tiện khác nhau, nhất là các trang mạng trên in-tơ-nét (phương tiện đang có 34% dân số Việt Nam sử dụng). Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay đang tồn tại hơn 50 trang mạng thường xuyên có nội dung sai lệch, xuyên tạc tình hình Việt Nam, gần đây nhất là các trang: “Quan làm báo”, “Dân làm báo”, “Biển Đông”… có máy chủ đặt ở nước ngoài, hoạt động móc nối với các đối tượng chống cộng trong nước và ngoài nước. Việc phát tán các thông tin với nhiều suy diễn, mục đích khác nhau còn được các đài: RFA, RFI, Á châu tự do, BBC… hỗ trợ đắc lực. Chỉ trong 04 tháng gần đây, trang “Quan làm báo” đã đưa lên mạng gần 900 bài viết (40% bài được soạn từ nước ngoài, hơn 150 bài đăng lại từ các trang mạng khác). Bên cạnh số lượng người truy cập vì sự tò mò, đã có nhiều ý kiến phản bác về nội dung, hình thức, nhất là tính thiếu trung thực và mục đích thâm thù của các trang này; trong đó, có không ít chính kiến của các nhà báo không nằm trong hệ thống báo chí chính thống của Việt Nam. Trên trang mạng “Diễn đàn thế kỷ”, tác giả Ka-mi đã bày tỏ: “Nhìn từ góc độ báo chí thì Blog “Quan làm báo” nhận được sự phản ứng mạnh mẽ, không mấy thiện cảm từ những nhà làm báo chuyên nghiệp hay Blogger nổi tiếng vì tính trung thực của Blog này… Blog này mất đi tính trung thực của hệ thống thông tin lề trái theo kiểu “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Nhà báo Lê Đức Diễn cho rằng: “Nhìn từ khía cạnh chuyên môn tờ “Quan làm báo” không đạt tiêu chuẩn, có thể xem nó như một tờ báo vỉa hè, thậm chí tệ hơn, do cách trình bày thiếu chuyên nghiệp, hành văn cẩu thả với nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. Quan trọng hơn nữa là chủ nhân tờ báo là người giấu mặt, đồng nghĩa với sự phủi bỏ trách nhiệm trước dư luận và pháp luật”…

Cũng như “Quan làm báo”, những gì đã và đang diễn ra trên các trang mạng có nội dung xấu độc khác đều cho thấy: mục đích thực chất của nó hoàn toàn không phải từ sự quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước, bởi nội dung thông tin chủ yếu được nhào trộn giữa hư và thực với sự giảo trá, bịa đặt, suy diễn một cách chủ quan, tùy tiện. Việc dựng lên chuyện đấu đá phe phái, hậu thuẫn cho tham nhũng, tiêu cực, những sai phạm về kinh tế, tài chính cùng sự nhu nhược trong vấn đề chủ quyền quốc gia… không gì khác hơn, đó là sự bôi nhọ, vu cáo trắng trợn, nhằm kích động tạo sự bất đồng sâu sắc trong nội bộ Đảng, làm cho nhân dân hoài nghi về đường lối phát triển đất nước, quan hệ quốc tế và công cuộc đổi mới, xây dựng chỉnh đốn Đảng ta…

Hơn lúc nào hết, sự chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở Việt Nam trên lĩnh vực truyền thông, báo chí của các thế lực thù địch ngày càng được tăng cường với các âm mưu, thủ đoạn mới. Sự tăng cường chống phá này diễn ra trên nhiều phương diện, song hiện nay, được tập trung trước hết vào việc chống phá quá trình tổ chức thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Với ý nghĩa đó, cùng với tiến hành đồng bộ các giải pháp khác, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nêu cao vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ chủ chốt các cấp có ý nghĩa như một giải pháp tổng thể, hàng đầu làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN trên lĩnh vực truyền thông, báo chí.

THƯỜNG VŨ

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.