Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Ba, 16/06/2015, 10:09 (GMT+7)
Tự do báo chí không phải là vô hạn

Những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, tự do báo chí không có nghĩa là báo chí hoạt động vô giới hạn, mà phải trong khuôn khổ pháp luật, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Đó là một thực tế khách quan không thể bác bỏ!

Ảnh minh họa

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí ở Việt Nam có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo, ấn phẩm và công nghệ, chất lượng nội dung thông tin. Hiện nay, Việt Nam đã có đầy đủ các loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), hệ thống cơ quan báo chí được tổ chức khoa học, tích hợp, hội tụ nhiều loại hình báo chí (in, điện tử, phát thanh, truyền hình). Tính đến tháng 12-2014, Việt Nam đã có 845 cơ quan báo chí, gồm: 199 báo in (86 báo Trung ương, 113 báo địa phương) và 646 tạp chí (513 tạp chí Trung ương, 133 tạp chí địa phương); 01 hãng thông tấn quốc gia; 02 đài phát thanh, truyền hình quốc gia, 01 đài truyền hình ngành, 64 đài phát thanh, truyền hình tỉnh (thành phố), trên 600 đài cấp huyện và hàng ngàn trạm truyền thanh cấp xã; 98 cơ quan báo chí điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí, hàng ngàn trang thông tin điện tử của các tổ chức, doanh nghiệp, v.v. Các cơ quan báo chí ở Việt Nam đều có tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, được pháp luật bảo hộ, đảm bảo quyền được thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí của nhân dân luôn được thực hiện có hiệu quả. Cùng với tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thông tin đầy đủ, chính xác mọi mặt hoạt động của xã hội đến với nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí đã là diễn đàn của nhân dân, để họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tham gia phản biện, đề xuất ý kiến về những chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,… đối với Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc xã hội - nghề nghiệp. Sự lớn mạnh của báo chí đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thế nhưng hiện nay, vẫn có ý kiến cho rằng ở Việt Nam không có tự do báo chí. Tự do ngôn luận bị kiểm duyệt, bóp nghẹt, chỉ là tiếng nói của Đảng Cộng sản cầm quyền, v.v! Thật là một trò xuyên tạc bỉ ổi, đánh lừa dư luận để thực hiện mưu đồ đen tối, cần phải lên án, bác bỏ. Trước hết, cần khẳng định ngay rằng, đây chỉ là ý kiến thiểu số, mang dụng ý xấu của những thế lực, cá nhân nhằm gây mất ổn định chính trị, chống phá chế độ và sự phát triển bền vững của Việt Nam!

Hơn 150 năm trước, nhà triết học người Anh - John Stuart Mill cho ra đời một tác phẩm nổi tiếng về tự do - cuốn Bàn về tự do (On liberty). Trong những quyền tự do của con người mà ông đề cập đến, quyền tự do báo chí là một trong những quyền căn bản nhất. Tư tưởng của John Stuart Mill mang đậm dấu ấn duy lý của văn hóa phương Tây, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, nhưng không phải là một hình mẫu cụ thể mà chỉ là những nguyên lý nền tảng căn bản đảm bảo quyền tự do của cá nhân con người đối với cộng đồng xã hội và sự phát triển của mỗi dân tộc. Ở châu Á, cuốn sách được dịch sang tiếng Nhật hơn 100 năm trước và bản tiếng Việt được xuất bản cách đây vài năm. Tư tưởng của John Stuart Mill về quyền tự do báo chí gần giống với C. Mác. Ông lập luận rằng: báo chí nói chung thực hiện sự tự do của con người, ở đâu có báo chí thì ở đó có tự do. Bản chất của báo chí tự do là dũng cảm, có lý tính, có đạo đức tự do. Thiên chức của báo chí tự do được C. Mác đề cao là: con mắt sáng suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân với bản thân mình, là những dây liên hệ biết nói gắn liền với các cá nhân, với nhà nước và với toàn thế giới, v.v. Như vậy, dù hình thái kinh tế - xã hội khác nhau nhưng giá trị phổ quát của quyền con người trong lĩnh vực tự do báo chí, tự do ngôn luận là giống nhau và được tôn trọng. C. Mác coi đối lập báo chí tự do là “con quái vật được văn minh hóa” nhưng không phủ nhận sự kiểm duyệt chân chính bắt rễ từ bản chất tự do của báo chí là sự phê bình. Ông cũng cho rằng, báo chí tự do phải có luật báo chí đảm bảo. Trên tinh thần chung đó, ngày nay, hiến pháp đa số các quốc gia đều quy định quyền tự do báo chí. Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ cũng quy định quyền tự do báo chí. Tại Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp 2013) nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,…”. Nhà nước ta đã ban hành Luật Báo chí (năm 1989) và Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung một số điều (năm 1999), thể hiện rõ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Hiện nay, căn cứ vào Hiến pháp 2013 và yêu cầu mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nhà nước ta đã xây dựng Dự thảo Luật Báo chí (năm 2015); trong đó, dành hẳn một chương quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí.

Về nguyên tắc, luật pháp các quốc gia công nhận tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng đó không phải là “tự do vô hạn” dẫn đến việc xâm phạm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, Nhà nước. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Điều 19), quy định: “1: Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp; 2: Mọi người có quyền tự do ngôn luận,…; 3: Việc thực hiện những quy định tại mục 2 của điều này (Điều 19) kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định,… để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Công ước châu Âu về Quyền con người (Ðiều 10) quy định: “1. Tất cả mọi người đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến. Quyền này bao gồm việc được tự do bày tỏ ý kiến và tự do trao đổi các thông tin mà không cần phải nhận được bất kỳ việc cho phép nào từ phía cơ quan công quyền và không phân biệt biên giới. 2. Việc thực hiện các quyền nói trên, bao gồm cả các nghĩa vụ và trách nhiệm, hình thức, điều kiện, các hạn chế hoặc các biện pháp trừng phạt cần phải được ghi rõ trong các văn bản pháp luật có cân nhắc đến việc cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích đối với an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì trật tự công cộng và ngăn ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe và đạo đức, nhân phẩm hoặc danh dự của con người, ngăn ngừa việc phát tán các thông tin mật hoặc để bảo đảm quyền lực và tính độc lập của các cơ quan tư pháp”1. Báo chí tự do như ở Mỹ cũng vẫn nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự của Mỹ (Chương 115, Điều 2385), “Đạo luật Phản loạn” được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1798 (Đạo luật ra đời trước các luồng tư tưởng từ cuộc cách mạng Pháp tràn vào nước Mỹ) quy định: nghiêm cấm mọi hành vi “in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực”, v.v. Những quy định chặt chẽ đó không ngoài mục đích chống lại sự lợi dụng tự do báo chí nhằm mục đích chống chính quyền, lật đổ chính quyền, xâm phạm đến quyền của cá nhân khác, v.v. Tuy nhiên, vì sao các quốc gia ở châu Á thường bị các tổ chức ở phương Tây xếp loại không có tự do báo chí hoặc mức độ xếp hạng thấp? Như đã nói ở trên, cách tiếp cận quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận theo khuôn khổ pháp luật khác nhau và sự khác biệt về văn hóa dẫn đến cách nhìn nhận áp đặt đó. Ở Sin-ga-po, năm 1988, khi chính quyền của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu bị chỉ trích hạn chế quyền tự do báo chí, Ông đã xuất hiện trước Hiệp hội Biên tập Mỹ và phát biểu: “Chúng tôi cho phép các nhà báo người Mỹ tới Sin-ga-po để đưa tin về Sin-ga-po cho người dân nước họ biết. Nhưng chúng tôi không thể cho phép họ chiếm vai trò ở Sin-ga-po như truyền thông Mỹ có ở Mỹ. Đó là vai trò giám sát, đối nghịch và thẩm tra chính quyền”. Sin-ga-po là một quốc gia non trẻ, xuất phát từ con số 0 (zero) tròn trĩnh đã phát triển vượt bậc khiến cả thế giới phải khâm phục trước sự chỉ trích mạnh mẽ của phương Tây về quyền tự do, trong đó có tự do báo chí. Việc phát triển của quốc gia này như là một minh chứng cho sự khác biệt về cách tiếp cận những quyền phổ quát của con người phụ thuộc vào văn hóa và hệ thống pháp luật khác biệt. Ngay tại phương Tây, sự kiện thảm sát tại Tòa soạn báo Charlie Hebdo (Pháp) vừa qua cũng gây nhiều tranh cãi, Giáo hoàng Francis cũng phải lên tiếng về mức độ tự do báo chí không phải là vô hạn khi sự tự do đó mang tính xúc phạm.

Trở lại vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam, có thể khẳng định rằng, đây là quốc gia tự do báo chí. Trước sự phát triển của in-tơ-nét, mạng xã hội và nhiều ứng dụng khác, cho đến nay, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam không ngăn chặn và can thiệp, đảm bảo quyền tự do thông tin của mọi công dân. Hành lang pháp lý bao gồm Hiến pháp, luật và các thông tư, nghị định liên quan đến quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đến nay tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với điều kiện phát triển. Các cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp,… trở thành diễn đàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, ở mọi lứa tuổi khác nhau. Quan trọng hơn, báo chí Việt Nam đóng vai trò phản biện, góp ý, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên các lĩnh vực công tác; đồng thời, phê phán, lên án những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, lật tẩy âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế cho thấy, thông qua báo chí đã có hàng triệu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp vào: Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2013); hiến kế với Đảng, Nhà nước để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật, v.v. Gần đây, thông qua báo chí, ý kiến đóng góp của nhân dân đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, tiếp thu và điều chỉnh, như: Dự án xây tổ hợp nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Dự án thay thế, trồng cây xanh của thành phố Hà Nội, Dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành,… và Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội Việt Nam tiếp nhận và xem xét, sửa đổi. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy định 50/QĐ/2015/TTg về phản biện của trí thức. Thực tiễn nêu trên chứng tỏ ở Việt Nam luôn coi trọng phát huy vai trò tự do báo chí; đồng thời, bác bỏ mọi ý kiến cho rằng, ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Đối với nhà báo, ngoài việc thông tin đúng sự thật, vai trò công dân, trách nhiệm xã hội của nhà báo phải được đặt lên hàng đầu với sứ mệnh đặc biệt đối với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những người làm báo ở Việt Nam có quyền tự hào trước bề dày lịch sử đầy hữu ích của nghề nghiệp và tiếp tục đóng góp vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong tình hình mới.

TS. TRƯƠNG MINH TUẤN, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
_______________

1 - Báo Nhân Dân, ngày 17-9-2013.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.