Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 21/02/2013, 22:45 (GMT+7)
Kỷ niệm 165 năm Ngày ra đời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (2-1848 – 2-2013)
Triết lý phát triển con người trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là văn kiện mang tính chất cương lĩnh đầu tiên của những người cộng sản, đánh dấu sự hình thành hệ thống lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác và sự phát triển về chất của phong trào công nhân quốc tế. 165 năm đã trôi qua, thế giới có nhiều đổi thay, một số nội dung chi tiết trong tác phẩm trên cần được bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn, song những tư tưởng cơ bản của bản Tuyên ngôn bất hủ đó vẫn giữ nguyên giá trị, là ánh sáng dẫn đường cho nhân loại trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng và vươn lên làm chủ cuộc sống; trong đó, đáng chú ý là triết lý về sự phát triển con người, thể hiện tính nhân văn của chủ nghĩa Mác.
 
 
Sự phát triển con người là khát vọng thiêng liêng, xuyên suốt tiến trình lịch sử nhân loại. Các học thuyết xã hội và phong trào xã hội mang tính nhân văn đều coi khát vọng giải phóng con người là động lực của cuộc đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột. Cuộc khởi nghĩa nô lệ điển hình trong lịch sử nhân loại do Xpáctacút lãnh đạo (73 - 71 Tr.CN) đã quy tụ hơn 10 vạn nghĩa quân dưới ngọn cờ đấu tranh chống áp bức, giải phóng nô lệ. Cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 là một điển hình về giương cao ngọn cờ tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”… Kế thừa tư tưởng tiến bộ trong các học thuyết xã hội và phong trào xã hội, với thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã luận chứng một cách khoa học về sự phát triển con người.

Coi con người là chủ thể, vừa là động lực giữ vai trò quyết định, vừa là mục tiêu cao nhất của sự phát triển - vấn đề quan trọng hàng đầu trong triết lý phát triển con người. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác - Ph.Ăng- ghen đã chỉ ra: trong xã hội tư bản (XHTB), giai cấp công nhân và nhân dân lao động không được coi là chủ thể phát triển; bởi lẽ, họ không phải là mục tiêu mà chỉ là phương tiện của sự phát triển, phục vụ cho lợi ích duy nhất của giai cấp tư sản (GCTS) là lợi nhuận, họ “đều bị GCTS biến thành những người lao động làm thuê…, là nô lệ của GCTS… Tất cả đều là công cụ lao động mà chi phí thay đổi tùy theo lứa tuổi và giới tính”. Từ đó, suy rộng ra, ta thấy ngay rằng: các dân tộc bị áp bức, bóc lột cũng không được coi là chủ thể phát triển khi bị lệ thuộc về kinh tế và chính trị, do các nước tư bản điều khiển và thao túng, buộc phải thực hành phương thức sản xuất tư bản và du nhập cái gọi là “văn minh tư sản”. C.Mác - Ph.Ăng-ghen đã nhấn mạnh: “Trong xã hội tư sản, lao động sống chỉ là một phương tiện để tăng thêm lao động tích lũy. Trong xã hội cộng sản, lao động tích lũy chỉ là một phương tiện để mở rộng, làm phong phú và làm giảm nhẹ cho quá trình sống của những người lao động”1. Đây là cơ sở phương pháp luận khoa học để phân biệt sự khác nhau về bản chất giữa chiến lược con người theo định hướng XHCN với chính sách an sinh xã hội nhằm điều hòa mâu thuẫn giữa tư bản và lao động trong XHTB.

Ngày nay, mâu thuẫn cơ bản của XHTB không hề dịu đi, trái lại ngày càng gay gắt và không thể điều hòa. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế mang tính toàn cầu từ tháng 8-2007 đến nay là cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ XX. Nó được bắt đầu từ Mỹ và lan sang nhiều nước, mà nguyên nhân cơ bản là hoạt động đầu tư tràn lan, thiếu kiểm soát đã dẫn tới “nợ xấu không có khả năng thanh khoản”, thực chất là đưa hoạt động tiền tệ - tài chính thành lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận, tách khỏi nền sản xuất; các chủ ngân hàng từng đưa doanh nghiệp của họ và nền kinh tế tới bờ vực đổ nát, nhưng vẫn nhận được các khoản lợi tức khổng lồ. Trước đó, từ năm 1979 đến năm 2006, lợi tức hằng năm sau khi trừ thuế của những người nghèo ở Mỹ chỉ tăng 11% (được điều chỉnh vì lạm phát), trong khi những người giàu (chiếm 1% dân số) có lợi tức tăng 256%. Rõ ràng, trong XHTB hiện đại, những người giàu đang giàu lên nhanh chóng từ mồ hôi, nước mắt của những người nghèo. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phong trào “Đánh chiếm Phố Uôn”, xuất phát từ Mỹ và lan tỏa tới gần 100 nước TBCN, phản ánh sự phản kháng dữ dội của quần chúng đối với giới tư bản tài phiệt. Cuộc khủng hoảng tác động mạnh đến các chính sách an sinh xã hội trong XHTB. Trong những năm từ 2008 đến 2012, ở nhiều nước TBCN, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, chính phủ buộc phải cắt giảm các quỹ an sinh xã hội, người thất nghiệp chỉ được hưởng trợ cấp trong vòng 2 năm thay vì 4 năm như trước đây. Thực tiễn đó đã và đang bác bỏ quan điểm về “khả năng tự điều chỉnh” của kinh tế thị trường tự do TBCN; đồng thời cho thấy, trong XHTB, chỉ có “người giàu”, không thể có “dân giàu”.

Để con người thực sự là chủ thể phát triển, phải giải quyết tốt quan hệ con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển, gắn với những quan hệ xã hội hiện thực của con người. Từ luận chứng khoa học về sự vận động, phát triển của mâu thuẫn giữa tư bản và lao động trong XHTB, C.Mác - Ph.Ăng-ghen đã phân tích sâu sắc sự tha hóa của người lao động trong XHTB, tìm ra con đường giải phóng và phát triển con người, trước hết và chủ yếu là xóa bỏ những điều kiện kinh tế - xã hội dẫn đến sự tha hóa của con người và “tạo ra những hoàn cảnh hợp tính người”, trong đó “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”2. Đây cũng chính là luận điểm mà các thế lực thù địch tập trung công kích, bài xích, cho đó là cực đoan, không tưởng, vì “sở hữu cá nhân là cơ sở của mọi tự do, mọi hoạt động và mọi sự độc lập của cá nhân” và “không thể xóa bỏ sở hữu cá nhân cũng như không thể thủ tiêu cá nhân”. Về điều này, C.Mác - Ph.Ăng-ghen đã chỉ rõ: “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái quyền chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”3. Bởi lẽ, sở hữu cá nhân của người lao động là cần thiết để tái sản xuất ra đời sống; sở hữu ấy không đem lại quyền lực chi phối lao động của người khác. Chế độ sở hữu tư sản cần xóa bỏ, vì đó là cơ sở của những đối kháng giai cấp, của tình trạng “thiểu số áp bức, bóc lột đa số”; là cội nguồn dẫn đến sự tha hóa của người lao động. Sự xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản mang tính tất yếu, do mâu thuẫn ngày càng gay gắt, không tự khắc phục được giữa chế độ sở hữu tư sản với tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất. Quá trình đó phải được thực hiện bằng các giải pháp kinh tế - xã hội với những hình thức, bước đi phù hợp với điều kiện lịch sử - cụ thể, không thể chủ quan duy ý chí, sử dụng đơn thuần những biện pháp hành chính.

Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác - Ph.Ăng-ghen tập trung phân tích sự tha hóa trong lao động của con người; đồng thời, dự báo sự tha hóa của con người diễn ra toàn diện trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, đến tận các tầng sâu của văn hóa, khi “giai cấp tư sản thẳng tay phá vỡ, không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối “tiền trao cháo múc” không tình không nghĩa”4. Điều này thể hiện rõ nét trong XHTB hiện đại. Nước Mỹ hiện có sức mạnh vượt trội so với các nước cả về kinh tế, chính trị, quân sự và khoa học, công nghệ; nhưng theo nhà kinh tế học người Mỹ - Joseph E.Stiglitz (đạt giải Nobel Kinh tế năm 2001), mức độ bất bình đẳng ở Mỹ cao nhất các nước phát triển. Trong giai đoạn “phục hồi” (2009 - 2010), chỉ 1% nhóm người giàu nhất tại Mỹ (khoảng 0,05% dân số) chiếm tới 93% tăng trưởng thu nhập. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã có chính sách tái phân phối thu nhập và chính sách an sinh xã hội, nhưng trong thực tế, mọi lợi ích từ tăng trưởng kinh tế đều rơi vào túi những người giàu nhất. Điều đáng chú ý là bất bình đẳng đang làm xói mòn giá trị và bản sắc văn hóa Mỹ; nước Mỹ trở thành một quốc gia “công lý không phải dành cho mọi người”, mà là “công lý dành cho ai có đủ tiền mua nó”.

Một vấn đề rất hệ trọng và nhạy cảm trong triết lý phát triển con người là tự do cá nhân gắn với giải quyết hài hòa quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Không có tự do cá nhân sẽ không có tư duy đột phá, không có những phát minh khoa học, công nghệ và sáng tạo văn học, nghệ thuật… Song, tự do cá nhân bao giờ cũng phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, được phát triển và thể hiện trong quá trình xã hội hóa. Lịch sử nhân loại cho thấy, mỗi bước tiến bộ của nền văn minh là bước giải phóng con người về mặt cá nhân, đồng thời là bước phát triển mới của quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

Khi đưa ra các quan điểm để bài xích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin và CNXH, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, cho rằng: “sai lầm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và CNXH có tính chất nhân loại học,… không coi trọng nguyện vọng cơ bản của con người là tự do cá nhân”. Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, trong quá trình xây dựng CNXH hiện thực, có lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức đến lợi ích, cá tính và năng lực của mỗi cá nhân; song không thể vì thế mà phủ nhận tính nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và CNXH khoa học. Với quan điểm duy vật biện chứng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin coi con người là một thực thể thống nhất các yếu tố xã hội và bản sắc cá nhân, trong đó yếu tố xã hội giữ vai trò chủ đạo; không thể tuyệt đối hóa tự do cá nhân, tách rời mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Chúng ta thừa nhận rằng, CNTB đã thực hiện bước tiến rất quan trọng trong giải phóng con người về mặt cá nhân, xác định vai trò, trách nhiệm, lợi ích và năng lực cá nhân trong đời sống xã hội; từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ những sáng tạo khoa học, công nghệ và sự phát triển của xã hội. Nhưng ở đó, cá nhân tư sản được khẳng định trong sự đối lập với xã hội, phủ nhận yếu tố xã hội nên đã chứa đựng mầm mống để phủ định chính nó. Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác - Ph.Ăng-ghen đã chứng minh và khẳng định: “Trong xã hội tư sản, tư bản có tính độc lập và cá tính, còn cá nhân người lao động lại mất tính độc lập và cá tính”5. Vì thế, vấn đề đặt ra không phải là xóa bỏ tự do cá nhân, mà là xóa bỏ tự do cá nhân tư sản - thứ tự do buôn bán và bóc lột lao động, “đã biến phẩm giá của con người thành giá trị trao đổi; nó đã đem tự do buôn bán duy nhất và vô sỉ thay cho biết bao quyền tự do đã được ban cho và giành được một cách chính đáng”6. Hai ông cũng dự báo: thay cho XHTB, sẽ xuất hiện một xã hội kiểu mới, trong đó những cá nhân phối hợp hoạt động chặt chẽ với nhau trong cuộc sống cộng đồng, trên cơ sở thống nhất biện chứng lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, làm cho “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”7. Không phải ngẫu nhiên, nhà triết học Mỹ - John Dewey đã kịch liệt phản đối việc tuyệt đối hóa quyền tự do cá nhân và cho rằng “Quyền dân chủ, tự do cá nhân phải phục tùng sự điều khiển của xã hội”. Trong đối thoại với Giáo sư Tom Plate - một nhà báo người Mỹ, ông Lý Quang Diệu - người sáng lập Đảng Nhân dân hành động (PAP) cầm quyền, Thủ tướng đầu tiên của Xin-ga-po đã bày tỏ sự lo ngại về tương lai nước Mỹ, vì “đã đưa chủ nghĩa cá nhân và sức ép của các nhóm lợi ích cục bộ đi quá giới hạn, làm cho lợi ích của đa số bị tổn hại”. Ông cho rằng, triết lý phát triển con người và xã hội là lợi ích của toàn xã hội phải được đặt trên lợi ích cá nhân, nhưng người Mỹ lại đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của xã hội, nên người Mỹ có những vấn đề không thể giải quyết được.

Trung thành và phát triển sáng tạo triết lý phát triển con người trong học thuyết Mác - Lê-nin được khởi nguồn từ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Đảng ta luôn nhấn mạnh: con người là trung tâm của chiến lược phát triển, là chủ thể phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, do nhân dân làm chủ; trong đó “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Để thực hiện điều đó, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện trong thực tế trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; thực hiện chính sách xã hội đúng đắn, công bằng, gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội, phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù còn không ít khó khăn và còn có những bất cập trong quá trình thực hiện, nhưng các chủ trương nói trên là định hướng chiến lược đúng đắn, là cơ sở để chúng ta vững tin vào sự phát triển con người Việt Nam đương đại. Tất nhiên, điều này đòi hỏi rất cao sự năng động chủ quan của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn dân ta để biến những định hướng phát triển đó thành hiện thực.

 
Trung tướng, PGS,TS. NGUYỄN TIẾN BÌNH
 
 
_____________
1, 2, 3 - C.Mác và Ph.Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 617, 616, 618.
4 - C.Mác và Ph.Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 600.
5, 6, 7 - C.Mác và Ph.Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 617, 600, 628.
Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.