Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:08 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Vu cáo, xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo là việc lâu nay các thế lực thù địch thường làm. Không ai lạ điều đó và cũng không lạ mục đích của chúng nhằm đạt được điều gì. Tuy nhiên, sự thật luôn và sẽ mãi là sự thật. Mọi mưu đồ của chúng dù thâm độc đến đâu cũng sẽ là vô vọng.
Việt Nam là một quốc gia có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo cùng tồn tại lâu đời trong lịch sử của dân tộc. Mặc dù đức tin, giáo lý và sự thờ phụng của đồng bào theo các tôn giáo khác nhau nhưng đều có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa và luôn đồng hành cùng dân tộc cả trong cách mạng giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Chính vì thế, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào các dân tộc. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”1. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013), Điều 24 quy định “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào… 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để nhân dân ta thực hiện quyền bình đẳng trong chính sách tự do tôn giáo theo nguyên tắc: bình đẳng về tín ngưỡng, bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ (nghĩa vụ tôn giáo, nghĩa vụ công dân) và bình đẳng về pháp luật.
Trên thực tế, mọi tôn giáo ở Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ, được tự do hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tuyệt nhiên không một tôn giáo nào hoạt động đúng pháp luật mà bị chính quyền ngăn cấm. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo luôn gắn bó với quốc gia, dân tộc theo phương châm “Đạo pháp dân tộc và CNXH”, thực hiện “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “nước vinh đạo sáng”, vừa làm tròn bổn phận của tín đồ đối với tôn giáo, vừa hăng hái lao động sản xuất, góp phần cùng toàn dân đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới, CNH,HĐH phải xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn sinh động đó đã, đang được khẳng định qua những thành tựu đã đạt và được nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Thế nhưng, các thế lực thù địch cùng các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lại ra sức tung tin xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Chúng lợi dụng một số phần tử đội lốt tôn giáo, vi phạm luật pháp và bị pháp luật xử lý để vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, ngăn cấm xây, sửa nơi thờ tự, cản trở các hoạt động tín ngưỡng của các chức sắc tôn giáo, nhà tu hành,… Không những thế, các tổ chức thiếu thiện chí ở nước ngoài đã dựa trên những thông tin bịa đặt từ một nhóm người có hoạt động chống Nhà nước Việt Nam để đưa ra những luận điệu vu cáo “Việt Nam đàn áp, tấn công tôn giáo”. Gần đây nhất, trong phiên điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ về các cộng đồng thiên chúa giáo thiểu số bị đàn áp trên thế giới, ông Cơ-rít X-mít lại cố tình đưa vấn đề hoàn toàn trái với sự thật rằng: Nhà nước Việt Nam đang có sự phân biệt đối xử về tôn giáo; rằng Việt Nam đang đi những bước lùi về tôn giáo, v.v.
Đánh giá đó là sự xuyên tạc một cách trắng trợn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như những thông tin mà dân biểu Cơ-rít X-mít đưa ra, rồi cáo buộc Việt Nam là đúng sự thật khách quan và không phải xuất phát từ động cơ chính trị xấu nào hay chỉ là sự lặp lại những định kiến, áp đặt chủ quan cũ rích, bất chấp những thành tựu về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Dư luận cũng đang đặt câu hỏi, phải chăng các “nhà dân chủ” Mỹ và phương Tây đang thực sự đấu tranh vì quyền con người, vì đối thoại xây dựng, vì sự phát triển tín ngưỡng, tôn giáo cho các dân tộc? Có thể khẳng định ngay rằng, hoàn toàn không phải như vậy, mà thực chất là họ đã và đang lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá các nhà nước không thân thiện với họ, trong đó có Việt Nam. Mục đích của họ không có gì khác là nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Một số phần tử cơ hội chính trị ở trong nước đã ngay lập tức “tát nước theo mưa”, lợi dụng lòng tin của nhân dân để thực hiện các động cơ chính trị đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, kích động quần chúng chống phá, gây rối an ninh trật tự, tạo các “điểm nóng” về chính trị, v.v.
Song sự thật vẫn là sự thật. Dù họ có phớt lờ hoặc cố tình không nhận thấy thì sự phát triển và những thành tựu về tôn giáo ở Việt Nam tự nó đã làm bẽ mặt những kẻ lâu nay vẫn rắp tâm chống phá. Trong những năm qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực thực hiện một cách toàn diện từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đến việc triển khai thực hiện việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân. Các bản hiến pháp của nước Việt Nam đều có các điều, khoản về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; Quốc hội Khóa XI đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2005/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Điều đáng chú ý là, cùng với các quy định về tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng còn nhấn mạnh: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”2. Như vậy, quan điểm nhất quán của Đảng ta không chỉ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào mà còn đánh giá cao vai trò, vị trí của các tôn giáo đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Điều này đã phản bác các luận điệu xuyên tạc cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là vô thần và chủ trương diệt trừ tôn giáo.
Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chính phủ Việt Nam đã cụ thể hóa và đưa những quy định đó vào hiện thực cuộc sống. Đến nay, theo số liệu thống kê, cả nước đã có 12 tôn giáo với 37 tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận hoạt động trong khuôn khổ pháp luật (tăng gấp 2 lần so với năm 2006), với hơn 100.000 chức sắc và nhà tu hành, gần 26.000 cơ sở thờ tự và trên 30 triệu tín đồ, chiếm 1/3 dân số cả nước. Trong đó, tín đồ Phật giáo 14 triệu, Thiên Chúa giáo 6 triệu, Tin lành 1,5 triệu, Cao Đài gần 3,5 triệu, Phật giáo Hòa Hảo 1,5 triệu, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội 1,5 triệu, Tứ Ân Hữu Nghĩa 78.000 và Hồi giáo 67.000,… Riêng trên địa bàn Tây Nguyên, năm 1975 chỉ có 50.000 người/200 thôn, làng theo đạo Tin lành, đến nay, đã là hơn 500.000 người/18.000 thôn, làng. Bên cạnh đó, việc học tập, đào tạo của các tôn giáo cũng được phát triển nhanh. Từ chỗ chỉ có 22 trường cao đẳng, trung cấp Phật học (năm 1993), đến nay, cả nước đã có 4 học viện Phật giáo và 49 trường cao đẳng, trung cấp, sơ cấp Phật học; Giáo hội Công giáo có 6 Đại Chủng viện với hàng nghìn chủng sinh,... Không những thế, Nhà nước còn tạo điều kiện cho hàng trăm tu sĩ đi học tập, hội thảo nâng cao trình độ ở nước ngoài và nhiều người đã trở thành tiến sĩ Phật học. Việc in ấn, xuất bản kinh sách được Nhà nước quan tâm, hầu hết các tổ chức tôn giáo đều có báo, tạp chí, bản tin, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các tôn giáo. Chỉ tính riêng Nhà xuất bản Tôn giáo, mỗi năm đã cấp phép xuất bản hơn 1.000 ấn phẩm liên quan đến tôn giáo. Hằng năm, có khoảng 8.500 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức ở các quy mô khác nhau trên phạm vi cả nước; trong đó, các sự kiện trọng đại của các tôn giáo đều được chính quyền các cấp tạo điều kiện tổ chức và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, địa phương đều quan tâm, động viên, chúc mừng. Năm 2011, đã diễn ra Đại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam với sự tham gia của hàng nghìn tăng ni, phật tử trong nước và trên 2.000 chức sắc, tín đồ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, quan hệ đối ngoại của các tôn giáo cũng được Nhà nước tạo điều kiện và ngày càng mở rộng, nhất là quan hệ với các tổ chức tôn giáo ở khu vực Đông Nam Á, Tây Âu và Tòa thánh Va-ti-căng, góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Những con số biết nói nêu trên là bằng chứng sinh động bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Thử hỏi rằng, nếu Việt Nam kỳ thị tôn giáo, hạn chế và đàn áp tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo như các luận điệu mà thế lực thù địch vẫn thường rêu rao thì các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam liệc có thể xác lập vị trí và phát triển ổn định như hiện nay không; bức tranh tôn giáo ở Việt Nam không thể phong phú, đa dạng đến như vậy hay không? Ông Giôn Hen-pho, Đại sứ lưu động phụ trách tự do tôn giáo Mỹ có dịp đến Việt Nam đã phải thốt lên rằng, “Việt Nam đã có những bước tiến bộ đáng kể trong việc đẩy mạnh tự do tôn giáo”. Đồng quan điểm này, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Oép – Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gần đây đã đánh giá: cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo mà Việt Nam đã đạt được, nhất là từ năm 1991 đến nay, v.v.
Cần thấy rằng, tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề mang tính văn hóa, tư tưởng, sự vận động và phát triển của nó gắn liền với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, lịch sử, hệ tư tưởng, văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, nên không thể sao chép “tiêu chuẩn” tôn giáo của quốc gia, dân tộc này cho quốc gia, dân tộc khác và càng không thể áp đặt theo ý muốn chủ quan của một chủ thể nào đó từ bên ngoài. Hơn thế nữa, các tổ chức tôn giáo về thực chất vẫn là một tổ chức xã hội, bao gồm nhiều tín đồ với các lứa tuổi, trình độ, thành phần…, khác nhau, hoạt động và tồn tại trong khuôn khổ pháp luật nhất định; do đó, việc một vài tín đồ tôn giáo vi phạm pháp luật, bị xử lý cũng là việc bình thường trên con đường phát triển. Song, lợi dụng điều đó để vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo như đối với Việt Nam là điều không thể chấp nhận được. Ngay ở các nước phương Tây, được coi là những “quốc gia dân chủ nhất”, các giáo phái hoạt động trái pháp luật cũng đều bị nghiêm trị, liệu đó có phải là hành động đàn áp tôn giáo không?
Nhân đây, cũng cần nhắc lại rằng, nhiều năm qua, vấn đề tự do tôn giáo luôn được các thế lực thù địch và những kẻ cực đoan trong nước triệt để lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhân dân ta cũng quá hiểu những thủ đoạn này là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Vì ý đồ đen tối đó, chúng sẽ còn xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật nhiều vấn đề khác nhằm bôi đen và hạ uy tín của Việt Nam. Song sự thật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo đảm đã và sẽ là một trong những thứ vũ khí sắc bén, lâu bền, vững chắc nhất đập tan những luận điệu xuyên tạc của chúng.
ĐỨC DŨNG _______
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 81.
2 - Sđd, tr. 245.
Tôn giáo
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm