Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:12 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Một sự kiện được dư luận đặc biệt chú ý trong tuần qua là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được trình Quốc hội. Theo đánh giá của đông đảo đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, bản Dự thảo này đã tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý của đại biểu Quốc hội và nhân dân. Thế nhưng, trên mạng in-tơ-nét vẫn còn có người cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân chỉ là “hình thức”, là “dân chủ giả tạo” và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã “phớt lờ ý kiến đóng góp của nhân dân”.
Hiến pháp được coi là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của mỗi quốc gia. Các quy định của Hiến pháp là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Do đó, hoạt động lập hiến - một trong những hoạt động chính trị pháp lý quan trọng nhất phải được tuân theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ. Trên thế giới không có bản Hiến pháp nào có thể coi là khuôn mẫu chung cho mọi Nhà nước, mọi dân tộc, bởi Hiến pháp là nền tảng tư tưởng, chính trị và pháp lý cho sự tồn tại và phát triển của một Nhà nước gắn liền với một chế độ xã hội. Việc xây dựng Hiến pháp là công việc nội bộ của mỗi quốc gia. Không thể mang Hiến pháp của quốc gia này để áp dụng cho Hiến pháp của quốc gia khác. Tại đại đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay (trong đó có Việt Nam), việc sửa đổi Hiến pháp do quốc hội lập pháp thực hiện. Tuy nhiên, để việc sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội tuân theo quy trình chặt chẽ và nhằm đề cao vai trò quan trọng của Hiến pháp, các quốc gia thường xác định một quy trình đặc biệt hơn so với quy trình lập pháp bình thường, như: Yêu cầu tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành phải đạt đa số tuyệt đối, trong khi quy trình lập pháp thường chỉ cần đạt quá bán…
Ở Việt Nam, xuất phát từ quy định của Điều 6 Hiến pháp năm 1992: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” nên quy trình, thủ tục lập hiến được quy định trong Hiến pháp năm 1992 là: “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” (Điều 83); Quốc hội “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp…” (Điều 84); “Chỉ Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành” (Điều 147). Trên thực tế, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chúng ta đã và đang thực hiện đúng theo quy trình này.
Việc lấy ký kiến nhân dân đóng góp của nhân dân vào bản dự thảo Hiến pháp là một trong những nội dung quan trọng của quy trình xây dựng Hiến pháp. Tuy nhiên, người dân đóng góp các ý kiến xây dựng Hiến pháp phải thông qua một cơ chế cụ thể. Khi nói nhân dân là người “phúc quyết” hiến pháp cũng không có nghĩa, mỗi người dân đều trực tiếp “phúc quyết”, mà bao giờ cũng phải thông qua một cơ chế, một hình thức nào đó để bảo đảm quyền đó. ở nước ta, theo quy định của pháp luật, nhân dân ủy quyền cho Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với các đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra; thay mặt mình để xây dựng bản dự thảo và biểu quyết thông qua bản Hiến pháp.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 02-01-2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan, tính đến hết ngày 30-4-2013, đã có 26.091.276 lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân về ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Cũng trong thời gian này đã có 28.149 hội nghị, hội thảo, tọa đàm đóng góp các ý kiến về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được tổ chức. Có những người gửi đến hàng chục ý kiến. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, bản tổng hợp ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (từ ngày 02-01-2013 đến 30-4-2013) dày 809 trang đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Từ ngày 01-5-2013 đến 30-9-2013, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục đóng góp các ý kiến vào bản Dự thảo Hiến pháp năm 1992. Trong thời gian này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nhận được 685 thư, văn bản góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến Ủy ban. Cũng đã có hàng trăm cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị được tổ chức đóng góp vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổng hợp trong bản báo cáo dày 110 trang gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Có thể khẳng định rằng, tất cả các ý kiến đóng góp của nhân dân đã được tập hợp đầy đủ trong hai tập tài liệu nói trên.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhân dân và của các đại biểu Quốc hội, tuần qua, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã trình Quốc hội bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mới với nhiều nội dung thay đổi so với bản dự thảo đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và bản dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6-2013). Dự thảo mới gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).
Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri, Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân, bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bản Dự thảo có nhiều điểm mới, vừa kế thừa được các nội dung của các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước. Dự thảo đã khẳng định và làm rõ hơn bản chất của chế độ ta về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân do nhân dân, vì nhân dân.
Tất nhiên, với những ý kiến vô lý, những ý kiến không liên quan đến Hiến pháp, những ý kiến cá nhân đi ngược lại với xu thế chung của lịch sử, của đất nước thì không thể được Ban soạn thảo tiếp thu đưa vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Theo ý kiến của đại đa số đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri, thời điểm thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã chín muồi. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã được soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp của nhiều tầng lớp nhân dân và chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Quan trọng hơn cả, quá trình phát triển đất nước hiện nay đòi hỏi cần phải có một bản Hiến pháp sửa đổi, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Càng chậm trễ trong ban hành Hiến pháp sẽ càng khó khăn cho quá trình ổn định và phát triển chung. Hiến pháp sửa đổi khi được ban hành sẽ làm cơ sở để Nhà nước ta đưa ra các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại phù hợp, góp phần tạo động lực cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Tất nhiên, để được ban hành, Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phải tiếp tục được chỉnh lý theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nhân dân để đến cuối kỳ họp, đại đa số các đại biểu Quốc hội đều hài lòng, tán thành bấm nút thông qua.
Nguồn: qdnd.vn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm