Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 15/09/2011, 02:46 (GMT+7)
Thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ - một điểm sáng về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

Việt Nam được quốc tế đánh giá là điển hình về thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MTTNK). Kết quả đó là minh chứng hùng hồn về những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước và là một điểm sáng về bảo đảm quyền con người ở nước ta.


Mục tiêu Thiên niên kỷ được 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ) nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015 và được ghi trong bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của LHQ tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 9 năm 2000 ở Mỹ. MTTNK bao gồm 8 mục tiêu cụ thể: triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; cải thiện sức khoẻ bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác; đảm bảo sự bền vững của môi trường; tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển.

Mục tiêu Thiên niên kỷ cho chúng ta thấy, nếu nước nào thực hiện được đầy đủ các mục tiêu như đã cam kết, thì quyền con người ở nước đó được bảo đảm tốt hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu đó đòi hỏi chính phủ và nhân dân các nước, nhất là những nước chậm phát triển như Việt Nam, phải có đường lối đúng đắn, quyết tâm cao, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thì mới đạt được. Nhận thức rõ tầm quan trọng và thể hiện trách nhiệm cao trước nhân dân và cộng đồng quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực tiến hành với nhiều nội dung, hình thức, cách tiếp cận, sự hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan...; do đó, đã đem lại những thành tựu rất đáng tự hào.

alt
Trẻ em nào cũng có Tết Trung thu (Ảnh: baobinhduong.org.vn)
 
Về thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Hằng năm, ở nước ta, chương trình quốc gia về xóa đói, giảm nghèo đã hỗ trợ cho hàng nghìn xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn xây dựng kết cấu hạ tầng. Chính phủ đang tích cực thực hiện chương trình giảm nghèo cho 62 huyện nghèo nhất nước; Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho khoảng 75% số hộ nghèo vay vốn (khoảng 15% dân số) được hỗ trợ tín dụng. Cùng với đó, hàng loạt các chính sách, chương trình được Chính phủ ban hành, thực hiện nhằm rút ngắn khoảng cách về sự phát triển giữa các vùng, miền trong cả nước. Từ năm 2008 đến 2010, Chính phủ đã phê duyệt và ban hành 3 chương trình mục tiêu quốc gia: về xây dựng nông thôn mới, về thích ứng với biến đổi khí hậu, về đào tạo lao động nông thôn; 3 nghị quyết của Chính phủ và 23 đề án chuyên ngành với nhiều chính sách quan trọng. Nhờ đó, thu nhập thực tế của người dân năm 2008 tăng 2,3 lần so với năm 2000; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26% (năm 2000) còn 10% (năm 2010)1.

Về thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học. Từ năm 2001 đến 2010, tỷ lệ học sinh đến trường tăng nhanh (mẫu giáo 5 tuổi từ 72% lên 98%, tiểu học từ 94% lên 97%, trung học cơ sở từ 70% lên 83%, trung học phổ thông từ 33% lên 50%)2. Trong giáo dục, nhất là ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và giáo dục cho các đối tượng chính sách được cải thiện đáng kể. Hệ thống trường dân tộc nội trú, trường lớp dân tộc bán trú đã và đang được Chính phủ và các địa phương đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Hằng năm, cả nước có khoảng 70.000 học sinh phổ thông dân tộc nội trú và 147.000 học sinh dân tộc bán trú được Nhà nước cấp miễn phí sách vở, đồ dùng học tập và nhận học bổng chính sách3. Cơ hội học tập của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nâng lên, nhất là trẻ em gái, trẻ em là người DTTS và con em các gia đình nghèo, các đối tượng bị thiệt thòi. Cùng với đó, các chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay đi học và các chính sách hỗ trợ khác đối với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách và người nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực. Như vậy, Đảng, Nhà nước ta không chỉ quan tâm đến vấn đề xóa đói, giảm nghèo, mà luôn quan tâm, chăm lo và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được học hành, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Điều đó đã bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho là Việt Nam không quan tâm đến đời sống và vấn đề học hành của người dân, nhất là người dân ở vùng khó khăn, vùng đông đồng bào DTTS.

Về nâng cao bình đẳng giới. Trong 5 năm gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới đã được ban hành; Bộ Chính trị, khóa X đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước; Quốc hội luôn tổ chức giám sát về bình đẳng giới. Hằng năm, Chính phủ có báo cáo về thực hiện pháp luật bình đẳng giới; Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới... Với những việc làm đồng bộ, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ nữ tham gia hoạt động kinh tế cao gần bằng nam giới; tỷ lệ nữ cán bộ công chức chiếm 30%, viên chức 61% tổng số công chức, viên chức của cả nước. Hiện nay, ở nước ta, lao động nữ có mặt ở hầu hết các ngành, nghề, lĩnh vực và ngày càng có nhiều lao động nữ trong các ngành và lĩnh vực kinh tế có yêu cầu kỹ thuật cao, công nghệ cao; nữ tham gia hoạt động khoa học và công nghệ chiếm 34%. Trình độ của phụ nữ ngày càng tăng cao: phụ nữ biết đọc, biết viết tăng liên tục (hiện nay là 91,4%); nữ sinh viên đại học chiếm hơn 50% tổng số sinh viên; nữ có trình độ thạc sĩ gần 40% tổng số thạc sĩ, trình độ tiến sĩ hơn 10% tổng số tiến sĩ của cả nước. Hiện có hơn 41% số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, hơn 20% chủ doanh nghiệp là nữ. Trong hệ thống chính trị, đại biểu quốc hội là nữ chiếm trên 25% (dẫn đầu trong 8 nước ASEAN có nghị viện)4; nữ là đại biểu hội đồng nhân dân và cấp ủy các cấp đều tăng qua các nhiệm kỳ. Nhiều nhiệm kỳ, Việt Nam có phụ nữ giữ cương vị cao trong cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, như: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng,v.v.

Về thực hiện giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; cải thiện sức khoẻ bà mẹ. Từ năm 2007 đến 2010, Quốc hội đã thông qua 4 dự án luật: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật An toàn thực phẩm và Pháp lệnh về việc sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số. Cùng với đó, chúng ta đã sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho y tế, đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu, đáp ứng tốt cho công tác phòng, chữa bệnh, giữ vững và bình ổn giá thuốc, chỉ số nhóm hàng dược phẩm, y tế đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu về bình ổn giá... Với những nỗ lực đó, hiện nay Việt Nam đã giảm tỷ lệ tử vong người mẹ ở mức 68/100.000 trẻ đẻ sống; giảm tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi ở mức 16‰  và giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 25‰. Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng LHQ đánh giá Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm nhanh nhất trong khu vực; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng chỉ còn 18,9%. Kết quả đó góp phần nâng cao tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 72,8 tuổi (vượt mục tiêu đề ra cho năm 2010 là 71 tuổi)5 và là minh chứng cho thấy, ở Việt Nam, trẻ em ngày càng được quan tâm hơn để giảm tử vong và suy dinh dưỡng; bà mẹ được chăm lo giữ gìn sức khoẻ ngày càng tốt hơn.

Về thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác. Chính phủ Việt Nam đã triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên đã kiểm soát thành công tình hình dịch bệnh, không để xảy ra bất kỳ ổ dịch lớn nào, kể cả khi cúm A (H1N1) lan rộng toàn cầu và sau các đợt mưa lũ. Trong những lúc khó khăn nhất, Nhà nước và các cấp chính quyền ở Việt Nam luôn chăm lo bảo vệ, giữ gìn sức khỏe của người dân. Chúng ta đã khống chế, giảm được số người nhiễm HIV mới và tỷ lệ tử vong do AIDS, đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đề ra và tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% vào năm 20106, từng bước hình thành một cách vững chắc MTTNK về phòng, chống HIV/AIDS.

Về đảm bảo sự bền vững của môi trường. Trong 5 năm gần đây, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của nước ta đã được hoàn thiện một bước; Luật Bảo vệ môi trường được ban hành năm 2005. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường và tổ chức thành hệ thống. Tổng cục Môi trường được thành lập, có nhiệm vụ quản lý, tổ chức và điều phối các hoạt động bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước. Cảnh sát môi trường được hình thành để đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường. Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực các sông lớn, tổ chức quản lý môi trường ở các bộ, ngành và địa phương cũng được thành lập, hoạt động có hiệu quả... Ngay trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đảng ta cũng đã đề ra yêu cầu phát triển nhanh phải gắn liền với phát triển bền vững. Những việc làm đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường.

Về tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển. Trong những năm qua, công tác đối ngoại đã được Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương tiến hành chủ động và tích cực, huy động được sức mạnh tổng hợp trong quan hệ đối tác toàn cầu, đạt được nhiều thành tựu to lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18 họp vào tháng 11 năm 2010 tại Y-ô-cô-ha-ma (Nhật Bản) đánh giá, Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất khu vực...

Với những kết quả đạt được, chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới đánh giá rất cao những thành tựu và kết quả trong thực hiện MTTNK của Việt Nam, nhất là trong xoá đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, phòng chống dịch bệnh… và coi Việt Nam là "ngôi sao sáng", là "điển hình", là "một ví dụ tuyệt vời" cho cộng đồng quốc tế tham khảo. Bởi vậy, ngày 16-11-2010, tại cuộc Tọa đàm "Việt Nam và những thách thức của CNXH trong thế kỷ XXI" ở Ác-hen-ti-na, nhà xã hội học A-ti-li-ô Bo-ron đã nêu những thành tựu của "điều thần kỳ" Việt Nam trong cả hai mặt tăng trưởng và phát triển xã hội. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na-Uy Erik Lahnstein nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 21 đến 24 tháng 11 năm 2010 đã khẳng định: "Tôi đặc biệt ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như những lợi ích mà quá trình tăng trưởng kinh tế mang lại cho người dân trong cuộc sống hằng ngày".

Những kết quả thực hiện MTTNK của Việt Nam đã thực sự nâng cao đời sống của nhân dân và có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm quyền con người ở nước ta. Điều đáng nói ở đây là, trong điều kiện đất nước ta còn vô vàn khó khăn, thì Đảng và Nhà nước vẫn quan tâm trước tiên đến việc nâng cao đời sống của nhân dân; không ngừng chăm lo, bảo đảm quyền con người ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta thì phớt lờ chuyện đó. Họ luôn tìm mọi cách để phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, ra sức đề cao các giá trị của CNTB, coi CNTB là mẫu mực của dân chủ, tự do. Thế nhưng, ngay ở nước Mỹ, mặc dù được coi là nước giàu nhất thế giới, nhưng người nghèo ở Mỹ vẫn chiếm tỷ lệ cao. Năm 2008, ở Mỹ có hơn một triệu trẻ em lâm vào cảnh đói ăn, tăng 56% so với năm trước đó. Theo báo cáo của Cục Dân số Mỹ, cứ 7 người Mỹ thì có 1 người sống trong nghèo đói. Người nghèo toàn nước Mỹ hiện chiếm 14,3% dân số. Theo đó, số người nghèo đói từ năm 2008 đến 2009 ở Mỹ đã tăng từ 13,2% lên 14,3%. Đây là con số cao nhất trong 51 năm qua ở nước Mỹ (kể từ những năm 1960)... Thiết nghĩ, những con số trên đã phản ánh khá đầy đủ tình trạng thực hiện quyền con người ở một quốc gia vẫn luôn tự coi mình là mẫu mực và thường xuyên đi răn dạy các nước khác về vấn đề này, v.v.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thực hiện MTTNK, nhưng chúng ta cũng thẳng thắn nhận thấy rằng: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Chúng ta cần có những biện pháp hữu hiệu hơn để giảm khoảng cách về mức sống, thu nhập, điều kiện sống giữa người dân tại các khu vực, giữa đô thị và nông thôn; quan tâm hơn nữa tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, người DTTS cũng như đáp ứng các yêu cầu về môi trường, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và cơ hội tiếp cận, thụ hưởng những thành quả của sự phát triển kinh tế mang lại. Để thực hiện MTTNK có kết quả cao hơn nữa, ngoài sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và của mỗi người dân, chúng ta luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ có hiệu quả về mọi mặt của cộng đồng quốc tế, phấn đấu hoàn thành các MTTNK vào năm 2015 như đã cam kết với bạn bè quốc tế, khi đó quyền con người ở Việt Nam chắc chắn càng được bảo đảm tốt hơn.

 NGUYỄN PHÚ HƯNG

 ____________

1 - ĐCSVN - Tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 34.

2, 3, 4 - Sđd, tr. 125, 127, 362.

5, 6 - Sđd, tr. 252, 253.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.