Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:43 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Cho đến nay, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Theo tổ chức thống kê thế giới Worldometers, tính đến 6 giờ sáng ngày 06/4/2020, thế giới ghi nhận 1.270.653 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, với 69.376 ca tử vong, trong khi số ca hồi phục là 261.207. Cuối tháng 12 năm ngoái (chính xác là ngày 31/12/2019), giới chức y tế Trung Quốc đã báo cáo với văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc về việc phát hiện một chủng virus mới chưa từng biết tới, gây ra căn bệnh như viêm phổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Sau đó, dịch Covid-19 bùng phát ở Châu Âu: Tây Ban Nha, Italia, Đức, Pháp,… nay trung tâm dịch đã chuyển sang Hoa Kỳ với số ca nhiễm lên đến 311.357 ca mắc và 8.452 ca tử vong.
Ở nước ta, tính đến ngày 10/4/2020, có tổng số người nhiễm 255, hơn 50% đã khỏi bệnh. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như ở nước ta, chúng ta cần phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đặc biệt là thực hiện nghiêm việc cách ly và dãn cách xã hội . Cách ly xã hội là một khái niệm mới, bao gồm cả dãn cách xã hội nhưng vẫn giữ các quan hệ xã hội. Cách ly, dãn cách xã hội là giữ khoảng cách giữa người với người (không tập trung quá 2 người trở lên và giữ khoảng cách giữa người với người tối thiểu 2m). Cách ly cộng đồng với cộng đồng là hạn chế tiếp cận trực tiếp của người dân ở các khu vực khác nhau hoặc hạn chế các nhu cầu như gặp gỡ, mua sắm ở siêu thị; khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, v.v.
Để thực hiện cách ly, dãn cách xã hội chống dịch bệnh covid lây lan, mỗi người cần thay đổi phương thức giao tiếp và chấp nhận một số hạn chế quyền. Chẳng hạn như quyền giao tiếp trực tiếp giữa người với người; quyền tụ tập đông người, v.v. Trong bối cảnh dịch hiện nay, các tổ chức xã hội nói chung, tổ chức tôn giáo nói riêng không nên tổ chức Lễ hội. Nếu cần tổ chức thì chỉ nên tổ chức phần “Lễ”, không nên tổ chức phần “ Hội”. Những hiện tượng như ở một số địa phương các linh mục vẫn tổ chức “lễ hội” là trái với trái với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh và Chỉ thị 16 của Chính phủ; đồng thời, điều này cũng trái với bản chất nhân văn của các tôn giáo - sống “Tốt đời - Đẹp đạo”.
Ai đó cho rằng, những hạn chế quyền của cá nhân và tôn giáo trong giao tiếp nói trên là “vi phạm nhân quyền” thì đó là một nhận thức lệch lạc, sai trái về quyền con người. Theo quan niệm chung, “Quyền con người là quyền mà người ta có thể làm mọi cái, trừ pháp luật cấm”. Như vậy, trong khi hưởng thụ quyền, mỗi người đồng thời phải chấp nhận một số hạn chế quyền nhằm tôn trọng quyền, lợi ích của cộng đồng và của người khác. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, mọi người cần tự giác hạn chế quyền của cá nhân, của nhóm, đồng thời cần thay đổi phương thức giao tiếp xã hội.
Phương thức giao tiếp là hoạt động tương tác giữa người với người. Mục đích của giao tiếp là đáp ứng nhu cầu giao lưu, chia sẻ thông tin, cảm xúc,… giữa người với người. Thành phần của các bên tham gia giao lưu rất đa dạng tùy theo nhu cầu và bối cảnh cụ thể. Cho đến nay, xã hội có 2 phương thức giao tiếp: Phương thức giao tiếp trực tiếp và phương thức giao tiếp gián tiếp. Phương thức giao tiếp trực tiếp là sự tiếp xúc trực tiếp giữa các bên tham gia. Phương thức giao tiếp gián tiếp là phương thức thông qua các hình thức như: gọi điện, viết thư, v.v. Ngày nay, đó là giao tiếp trực tuyến, qua internet, mạng xã hội. Như vậy có thể nói, phương thức giao tiếp là một nhu cầu cơ bản của cá nhân và xã hội. Hiện nay, nhu cầu giao tiếp ngày càng tăng, nhất là giao tiếp trực tuyến. Trong tình hình dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng, cần hạn chế phương thức giao tiếp trực tiếp, như: gặp gỡ, bắt tay, ôm hôn, nói chuyện (cự ly gần), mà nên thay bằng phương thức giao tiếp gián tiếp, trực tuyến.
Trở lại vấn đề bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Có thể nói trong tất cả các thời kỳ lịch sử nhân loại, cũng như đối với tất cả các dân tộc, bảo vệ sức khỏe luôn là một nhiệm vụ quan trong. Tuổi thọ bình quân là một chỉ số đánh giá trình độ phát triển nói chung, tính hiệu quả của việc bảo vệ sức khỏe của một xã hội, một quốc gia, dân tộc nói riêng. Đối với Đảng ta, bảo vệ sức khỏe của nhân dân luôn là một mục tiêu quan trọng. Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn,…. Cương lĩnh 2011 của Đảng xác định: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Hiến pháp 2013, lần đầu tiên quyền con người được đưa vào văn kiện nhà nước quan trọng này, trong đó quy định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14); “…Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (Điều 15). “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. “Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn...”. Như vậy, theo Hiến pháp 2013, các quyền con người, quyền công dân được Nhà nước bảo hộ, song Hiến pháp cũng quy định “không (được) tách rời nghĩa vụ công dân”; không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, việc hạn chế một số quyền là hết sức cần thiết, nhằm không để dịch bệnh lây lan. Do đó, mọi người có trách nhiệm tự mình hoặc chấp nhận để cán bộ có chức năng kiểm tra, giám sát về sức khỏe cá nhân khi tham gia các lĩnh vực hoạt động xã hội, như tham gia giao thông, tụ tập đông người. Thay đổi kỹ năng giao tiếp là một yêu cầu quan trọng để phòng, chống dịch Covid-19; những thay đổi này tuy đơn giản nhưng không dễ. Chẳng hạn, yêu cầu hạn chế giao tiếp trực tiếp, tiếp xúc giữa người với người, như: bắt tay, ôm hôn, nói chuyện ở cự ly gần,… sang kỹ năng giao tiếp gián tiếp, giao tiếp trực tuyến. Đó là phương thức tương tác thông qua các công cụ điện tử dựa trên nền tảng của Internet, mạng xã hội. So với phương thức giao tiếp trực tiếp, phương thức giao tiếp trực tuyến có một số hạn chế nhất định, như thiếu đi những cảm xúc khi giao tiếp. Chẳng hạn như cảm nhận hơi ấm của bàn tay hoặc thiếu đi ánh mắt của đối tác, v.v. Nhưng phương thức giao tiếp trực tuyến có những ưu điểm lớn, không bị ràng buộc về cự ly (khoảng cách giữa người với người) trong giao tiếp mà vẫn giữa được quan hệ xã hội. Mặt khác, phương thức giao tiếp này, người ta có thể tương tác đồng thời với nhiều người khác bằng những kỹ năng nhất định (tuy không có mặt lúc giao tiếp). Tuy nhiên, phương thức giao tiếp trực tuyến đòi hỏi phải có những điều kiện nhất định, như: phương tiện, điện thoại thông minh-smartphone, máy tính nối mạng và phải có mạng (network) và modem wifi (thiết bị mạng không dây).
Trên nền tảng internet, mạng xã hội và nhiều trang mạng như “Viber”, “Zalo”, “Messenger”,… người ta có thể làm việc tại nhà, trao đổi từ xa. Để thực hiện giao tiếp nhanh chóng, dựa trên những mạng này, người ta có thể lập các nhóm theo yêu cầu của mình: Có nhóm rộng (bạn bè, cơ quan, đơn vị,…), có nhóm hẹp (gia đình, con cháu,…) tùy theo yêu cầu để trao đổi, chia sẻ thông tin mà người trong nhóm cùng quan tâm. Một trong những ưu điểm của phương thức giao tiếp trực tuyến là người ta có thể sử dụng ngôn ngữ hình ảnh. Đó là dùng các stickers (hình ảnh đơn giản) thay cho ngôn ngữ. Stickers là từ vựng cô đúc, gắn liền với cảm xúc. Phương thức giao tiếp trực tuyến hiện nay đang phát triển trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trong bối cảnh dịch virus Covid-19 đang lây lan, phương thức giao tiếp trực tuyến có thể và nên sử dụng để tránh lây nhiễm.
Đeo khẩu trang ít nhiều có ảnh hưởng đến phương thức giao tiếp trực tiếp như cảm nhận thiếu tự tin, thiếu tôn trọng người khác. Tuy nhiên, đeo khẩu trang khi ra đường, tiếp xúc ở đám đông, … là một yêu cầu về y học và đây cũng là một yêu cầu văn hóa mới mà mọi người cần làm quen. Tùy theo nhận thức của mỗi người, việc đeo khẩu trang có cần thiết hay không, có lịch sự hay không,…nhưng trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan thì tất cả những gì có thể làm để bảo vệ mạng sống của cá nhân và an toàn cho xã hội là điều cần và nên làm. Hoa Kỳ và một số nước Châu Âu hiện nay cũng đang thay đổi nhận thức về đeo khẩu trang. Đáng tiếc việc thay đổi này đã diễn ra quá muộn, khi đã có hàng nghìn người chết vì dịch bệnh.
Có thể nói, trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ phải đối diện với một dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay. Tuy nhiên, loài người cũng đã trưởng thành hơn về nhiều mặt (y học, chính trị-xã hội và kỹ năng sống,…) nên việc chấp nhận thay đổi cách giao tiếp, cách ly, dãn cách xã hội và chấp nhận những hạn chế quyền nào đó của cá nhân và nhóm là cần thiết. Hy vọng những hạn chế quyền này sẽ chấm dứt khi dịch qua đi trong thời gian không xa.
Thiết nghĩ trong thời đại ngày nay, khi các phương tiện giao lưu trực tiếp và gián tiếp ngày càng gia tăng, trái đất dường như ngày càng thu hẹp lại, mỗi người cần làm quen với những phương thức giao tiếp trực tuyến và hạn chế quyền mà đại dịch Covid-19 đã tạo ra.
TS. CAO ĐỨC THÁI, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Chỉ thị 16 của Chính phủ,dịch Covid-19
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm 07/11/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 30/10/2024
“Nhân quyền cao hơn chủ quyền” – sự đòi hỏi phi lý 07/10/2024
Phê phán quan điểm cho rằng đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam là “thiếu khoa học, không khả thi” 30/09/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận tình đồng chí, đồng đội trong Quân đội ta 27/09/2024
Luận cứ đanh thép phản bác sự xuyên tạc đường lối xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng 26/09/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam 16/09/2024
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
Phủ nhận giá trị Cách mạng Tháng Mười để xuyên tạc con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - thủ đoạn nham hiểm