Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 08/08/2011, 03:45 (GMT+7)
Thời kỳ đổi mới đất nước và vấn đề bảo đảm quyền con người ở Việt Nam

Bảo đảm quyền con người (QCN) là quan điểm và chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, trong mỗi thời kỳ khác nhau, việc bảo đảm QCN có những điều kiện, đặc điểm khác nhau. Trong thời kỳ Đổi mới, QCN ở Việt Nam được bảo đảm tốt hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Đó là một sự thật sinh động, được cộng đồng thế giới ghi nhận và được mỗi người dân Việt Nam cảm nhận rõ hơn bao giờ hết.

alt
Việt Nam luôn coi trọng việc đảm bảo và phát huy các quyền con người. (Ảnh: VNN)
Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”1 và khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”2. Đó là nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam về QCN; đồng thời, cũng là mục tiêu cao nhất, là tư tưởng xuyên suốt của cách mạng nước ta. Tuy nhiên, trong thời kỳ đất nước bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược thì đấu tranh giành độc lập dân tộc được ưu tiên hàng đầu; bởi lẽ, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là tiền đề và điều kiện tiên quyết của QCN. Sau năm 1975, chúng ta có độc lập, thống nhất; Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng bảo đảm QCN về mọi mặt; thế nhưng, do hậu quả của 30 năm chiến tranh tàn phá, kinh tế đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, nên điều kiện kinh tế để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân chưa được như mong muốn. Năm 1986, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một thời kỳ mới của đất nước: thời kỳ Đổi mới. Sau 25 năm đổi mới, với mục tiêu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đất nước ta có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội (KT–XH) và đến nay đã bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình. Đó là “chiến công thần kỳ” của thời kỳ Đổi mới, thể hiện quyết tâm, nghị lực, khát vọng và những cố gắng phi thường của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Thành tựu trên cũng là điều kiện quan trọng nhất để bảo đảm QCN ở Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới. Nhìn vào lĩnh vực nào cũng có thể thấy: việc bảo đảm QCN ở Việt Nam trong 25 năm qua đã đạt được những tiến bộ vượt bậc; trong đó, nổi bật là việc bảo đảm QCN về lĩnh vực KT–XH. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin coi quyền kinh tế là hạt nhân của QCN; hơn nữa, trước thời điểm đổi mới, vấn đề cấp bách nhất là phải giải phóng sức sản xuất để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, nên trong khi Đảng ta xác định phải đổi mới toàn diện, đã đặt trọng tâm trước hết vào đổi mới kinh tế với mục tiêu vì con người. Theo đó, đường lối phát triển kinh tế của Đảng tập trung ở ba chủ trương lớn: chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Thực hiện các chủ trương đó, Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách phát triển kinh tế nhằm tăng quyền tự chủ và phát huy vai trò của các thành phần kinh tế, tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân tự do kinh doanh theo pháp luật và làm giàu chính đáng. Vì vậy, các nguồn lực, nhất là nguồn lực con người được phát huy mạnh mẽ; và đó cũng là nhân tố then chốt đảm bảo cho kinh tế Việt Nam liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tỷ lệ tăng GDP bình quân hằng năm giai đoạn 1986 – 1990 là 4,4%, giai đoạn 1991 – 2000 là 7,5%, giai đoạn 2001 – 2010 là 7,26%; năm 2010, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.168 đô-la Mỹ, quy mô nền kinh tế tăng trên 3 lần so với năm 2001. Điều đáng nói là, sự tăng trưởng kinh tế đó luôn đi đôi với thực hiện tiến bộ, dân chủ và công bằng xã hội, bảo đảm cho mọi người dân đều được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới. Điều đó thể hiện tính ưu việt của con đường xây dựng CNXH ở nước ta. Thực tiễn đã cho thấy, tại một số nước phát triển, tuy có điều kiện kinh tế hơn nước ta, song QCN của một bộ phận dân nghèo không được bảo đảm, nạn thất nghiệp, phân biệt chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo… vẫn tồn tại gay gắt.

Trên cơ sở những thành tựu của công cuộc Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm bảo đảm QCN thông qua các chính sách xã hội; nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Bằng sự đột phá vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo với hàng loạt chính sách, chương trình (giao quyền sử dụng đất lâu dài cho hộ nông dân, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cùng với trên 30 chương trình cấp quốc gia đầu tư trực tiếp cho miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa), công tác xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc; tỷ lệ đói nghèo giảm từ 30% (năm 1992) xuống còn 10% dân số (năm 2010). Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng đạt được những thành tựu quan trọng với 61% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 100% xã vùng cao có trạm y tế; trong đó, nhiều trạm y tế có bác sĩ.

Cùng với bảo đảm QCN trên lĩnh vực KT–XH, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm bảo đảm QCN về chính trị. Đó là bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin; quyền tự do hội họp, lập hội; quyền tự do tín ngưỡng; quyền bình đẳng nam nữ, v.v. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân - một nhà nước mà ở đó QCN được tôn trọng và bảo vệ. Trên thực tế, tất cả các quyền đó đã và đang được bảo đảm ngày càng tốt hơn ở Việt Nam. Các kỳ bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp trong thời kỳ Đổi mới càng về sau càng thể hiện rõ tinh thần pháp quyền. Những năm gần đây, việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn, việc bình luận, đưa tin của báo chí về các hoạt động của Quốc hội đã phản ánh trung thực bầu không khí dân chủ trong đời sống chính trị ở Việt Nam.

Trong các kỳ đại hội của Đảng, nhất là các kỳ đại hội gần đây, Dự thảo Báo cáo Chính trị trước khi trình đại hội được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhân dân đã đóng góp hàng trăm nghìn ý kiến vào Dự thảo; Đảng ta luôn trân trọng, nghiên cứu và ghi nhận các ý kiến đó, kể cả những ý kiến chưa phù hợp, nhưng không trái với lợi ích của dân tộc. Mặt khác, việc bảo đảm quyền chính trị của người dân còn thể hiện ở chỗ: Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, góp phần giúp cho Đảng và Nhà nước có đầy đủ cơ sở để hoạch định đường lối, chính sách, cũng như đưa đường lối, chính sách vào cuộc sống.

Về quyền tự do tín ngưỡng, điều 70, Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật". Trong thời kỳ Đổi mới, ngoài các tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân (Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo,…), Nhà nước Việt Nam còn xét và công nhận rất nhiều hệ phái các tôn giáo khác, nâng tổng số các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam lên đến 30 (tính đến năm 2009). Mặt khác, Đảng và Nhà nước ta còn hỗ trợ, ủng hộ việc trùng tu, xây mới nơi thờ tự, sinh hoạt tôn giáo; triển khai nhiều chương trình phát triển KT–XH, đảm bảo quốc phòng – an ninh tại các vùng có đông đồng bào tôn giáo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào có đạo.

Là một quốc gia đa dân tộc, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để duy trì tính đa dạng, tính độc đáo trong bản sắc của mỗi dân tộc; đồng thời, chống những thái độ, hành động biểu hiện sự kỳ thị và tư tưởng dân tộc hẹp hòi. Trong tiến trình đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số là một bộ phận ưu tiên trong hệ thống chính sách phát triển.

Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, việc bảo đảm QCN tiếp tục đạt được những tiến bộ mới. Đây là một trong những ưu việt của chế độ XHCN, được Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm ngay cả thời kỳ đất nước có chiến tranh. Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển KT–XH. Thực hiện chủ trương đó, Nhà nước đề ra nhiều chính sách về bảo tồn, phát triển các giá trị truyền thống, các sản phẩm văn hóa; đồng thời, ban hành nhiều bộ luật liên quan đến việc bảo đảm QCN trong lĩnh vực văn hóa. Vì vậy, đời sống văn hóa ở cơ sở có bước phát triển, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Đặc biệt, nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, tiếng nói, chữ viết và những nét văn hóa đặc sắc của nhiều đồng bào thiểu số được khôi phục; nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống có điều kiện giao lưu quốc tế, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa đậm bản sắc Việt Nam ra thế giới.

Giáo dục được Đảng ta xác định là "quốc sách hàng đầu" và trên thực tế, giáo dục đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng, hình thức… và thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Đó là cơ sở để năm 2010, Việt Nam hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Giáo dục trên phổ thông cũng có bước chuyển biến mạnh; từ năm 2006 đến nay, trung bình hằng năm, quy mô đào tạo trung học chuyên nghiệp tăng 10%, cao đẳng và đại học tăng 7,4%; năm 2009, trên 1,3 triệu sinh viên nghèo được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay với lãi suất ưu đãi để theo học. Ngoài giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc xây dựng xã hội học tập từ nhiều nguồn lực cũng đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền được học tập của quần chúng nhân dân.

Những cố gắng về bảo đảm QCN trên đây được phản ánh cô đọng trong chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam (năm 1985, chỉ số này là 0,561, thì  năm 2008 đã đạt 0,733). Đó là lý do vì sao Việt Nam được quốc tế đánh giá cao và được coi là một ví dụ thành công tiêu biểu cho nhóm các nước đang phát triển về khả năng tương tác cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển con người. Đáng quan tâm là, cùng với những cố gắng cao nhất để bảo đảm QCN, thực hiện tốt nhất các cam kết quốc tế về bảo đảm QCN ở trong nước, Việt Nam còn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc tế về tham gia bảo đảm, bảo vệ QCN theo các công ước quốc tế.

Rõ ràng, công cuộc đổi mới đã làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người, đồng nghĩa với việc QCN ở Việt Nam được bảo đảm tốt là điều không ai có thể phủ nhận được. Tuy vậy, việc bảo đảm QCN ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Xét về quyền kinh tế, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chưa được tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các yếu tố “đầu vào” của sản xuất kinh doanh (như đất đai, tín dụng, thông tin, chính sách...). Chính sách phân phối và điều tiết thu nhập giữa các nhóm xã hội chưa phù hợp; mức sống của một bộ phận dân cư, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp.

Về mặt xã hội, tình trạng phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm xã hội có chiều hướng gia tăng. Khoảng cách thu nhập giữa nhóm dân cư (20%) có thu nhập cao nhất và nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất còn lớn (giai đoạn 2001–2002 là 8,14 lần, giai đoạn 2006–2007 là 8,4 lần, năm 2010 là 9,2 lần). Tình trạng bất công, thậm chí chà đạp nhân phẩm của người lao động ở khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có những biểu hiện nghiêm trọng. Do tác động của khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu, chúng ta chưa đủ các điều kiện để giải quyết việc làm đầy đủ cho nhân dân. Trong khi đó, một số quyền của người dân có nơi, có lúc còn bị vi phạm; tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền còn chưa giảm… Đặc biệt, việc đầu tư phát triển chưa đi đôi với bảo vệ môi trường đã ảnh hưởng đến quyền được sống trong môi trường sạch của nhân dân.

Trong lĩnh vực giáo dục phổ thông, do chạy theo “dạy chữ”, nên việc học tập của trẻ em trở nên quá tải, hạn chế thời gian vui chơi, giải trí và phát triển toàn diện của các em. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc, thậm chí bất hợp lý, khiến mỗi năm có hàng vạn người nghèo và cận nghèo không có khả năng khám, chữa bệnh. Cùng với đó, tai nạn giao thông mỗi năm cướp đi hàng nghìn người và đẩy hàng chục nghìn người khác vào cảnh tàn phế; nạn mại dâm, ma túy,... vẫn đang là những thách thức của việc bảo đảm QCN ở Việt Nam. Ngoài ra, sự hiểu biết về QCN của nhân dân nhìn chung còn thấp; một bộ phận nhân dân do chưa giác ngộ về các quyền của mình và do bị kẻ xấu lợi dụng, vô hình trung đã “tiếp tay” cho các hành động vi phạm QCN.

Tuy nhiên, những hạn chế nói trên không làm giảm giá trị bức tranh với nhiều gam màu tươi sáng về bảo đảm QCN ở Việt Nam; bởi quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về bảo đảm QCN là nhất quán, rõ ràng và xuyên suốt; những thành tựu cụ thể nêu trên là thực tiễn sinh động được cả thế giới thừa nhận. Do vậy, việc các thế lực thù địch luôn sử dụng chiêu bài “nhân quyền” để vu cáo ta vi phạm QCN chỉ là những tiếng nói lạc lõng.

MẠNH DŨNG -  ĐỨC CƯỜNG

                  

1, 2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 1.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.